backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tổng hợp các phương pháp điều trị hen phế quản

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 23/05/2023

    Tổng hợp các phương pháp điều trị hen phế quản

    Hiện tại không có cách chữa khỏi bệnh hen suyễn (hen phế quản), nhưng việc điều trị giúp làm giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các cơn hen có thể xảy ra trong tương lai. Phương pháp điều trị hen phế quản phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng đáp ứng với điều trị, độ tuổi và tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

    Thuốc hít là loại thuốc điều trị hen phế quản chính. Thuốc uống và các phương pháp điều trị khác cũng có thể cần thiết nếu bệnh hen suyễn nghiêm trọng. Vậy, chữa hen suyễn như thế nào? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Thuốc cắt cơn hen nhanh

    Thuốc cắt cơn nhanh sẽ làm giảm các triệu chứng nhanh trong vài phút ngay khi cơn hen xảy ra. Chúng thường là loại thuốc duy nhất dùng trong điều trị hen suyễn nhẹ hoặc bệnh hen suyễn chỉ xảy ra khi tập thể dục. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc cắt cơn nhanh để bạn luôn mang theo bên người và dùng ngay khi cần.

    Bạn hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn phải sử dụng thuốc cắt cơn hen nhanh từ 3 lần trở lên mỗi tuần. Họ sẽ chỉ định chữa hen phế quản bằng các loại thuốc kiểm soát dài hạn khác.

    Các loại thuốc giúp cắt cơn hen nhanh bao gồm:

    Thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn dạng hít  (SABA)

    thuốc điều trị hen phế quản cắt cơn nhanh

    Thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn dạng hít, hay còn gọi là thuốc giãn phế quản, bao gồm albuterol và levalbuterol. Loại thuốc điều trị hen suyễn này có tác dụng giúp mở đường thở nhanh trong vòng vài phút để không khí vào phổi ngay khi bệnh nhân lên cơn hen suyễn.

    Loại thuốc điều trị hen phế quản này được sử dụng bằng ống hít hoặc máy phun sương. Chúng được bệnh nhân hít vào dưới dạng khí dung thông qua mặt nạ hoặc ống ngậm. Tác dụng phụ bao gồm run và nhịp tim nhanh, xuất hiện trong vài phút sau khi sử dụng thuốc.

    Thuốc điều trị hen phế quản kháng cholinergic

    Thuốc kháng cholinergic bao gồm ipratropiumtiotropium, có tác dụng giãn đường thở ngay lập tức, giúp bệnh nhân thấy dễ thở hơn.

    Thuốc này chủ yếu được sử dụng cho bệnh nhân khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính, nhưng cũng có thể điều trị hen phế quản thay cho thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn dạng hít.

    Corticosteroid đường hít, đường uống và tiêm tĩnh mạch

    Những loại thuốc điều trị hen phế quản này bao gồm prednisonemethylprednisolone, làm giảm viêm và giảm sưng tấy đường thở do hen suyễn nặng.

    Chúng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài như: tăng nguy cơ tăng cân, huyết áp cao, đục thủy tinh thể (mắt mờ) hoặc loãng xương, rậm lông…. Vì vậy, bác sĩ chỉ kê đơn trong thời gian ngắn để điều trị hen phế quản nghiêm trọng mà không đáp ứng với thuốc dạng hít.

    Bạn có thể quan tâm: Bệnh hen suyễn uống thuốc gì?

    Thuốc điều trị hen phế quản dài hạn

    Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc điều trị hen phế quản uống hàng ngày để giảm viêm và độ nhạy cảm của đường thở, nhằm ngăn chặn các triệu chứng hen suyễn trong tương lai. Điều quan trọng là bạn nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ ngay cả khi triệu chứng hen không xuất hiện.

    điều trị hen phế quản dài hạn

    Các loại thuốc này bao gồm:

    Corticosteroid dạng hít

    Những loại thuốc này bao gồm: fluticasone propionate, budesonide, ciclesonide, beclomethasone, mometasone và fluticasone furoate. Bạn có thể cần sử dụng chúng vài ngày tới vài tuần mới thấy hiệu quả. 

    Không giống như corticosteroid đường uống, corticosteroid dạng hít ít có nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: khàn giọng hoặc nhiễm nấm Candida ở miệng (tưa miệng).

    Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene (LTRA)

    Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene (LTRA) thường ở dạng siro và bột, có tác dụng giảm sưng và giữ cho đường thở được mở. Những loại thuốc uống này bao gồm montelukast, zafirlukastzileuton. Chúng được dùng đơn độc hoặc kết hợp với corticosteroid. Các tác dụng phụ thường xảy ra là đau bụng và nhức đầu.

    Riêng montelukast có thể gây ra các tác dụng phụ về tâm lý, chẳng hạn như kích động, bạo lực, ảo giác, trầm cảm và suy nghĩ tự tử. Hãy thăm khám ngay với bác sĩ nếu bạn gặp các tác dụng phụ này trong quá trình điều trị hen phế quản.

    Thuốc dạng hít kết hợp tác dụng kéo dài

    Những loại thuốc này có chứa chất chủ vận beta 2 được sử dụng cùng với một corticosteroid. Đại diện gồm fluticasone-salmeterol, budesonide-formoterol , formoterol-mometasone và fluticasone furoate-vilanterol…Thuốc giúp ngăn đường thở bị thu hẹp, giảm khó thở.

    Theophylline

    Theophylline là dạng thuốc viên dùng trong điều trị hen phế quản. Loại thuốc này thường được chỉ định dùng hàng ngày để giữ cho đường thở được thông thoáng bằng cách làm giãn các cơ xung quanh đường thở. Các tác dụng phụ thường xảy ra bao gồm đau đầu và cảm thấy buồn nôn.

    Theophylline không được sử dụng thường xuyên như các loại thuốc trị hen suyễn khác và cần xét nghiệm máu thường xuyên trong quá trình dùng thuốc.

    Liệu pháp sinh học điều trị hen phế quản

    Liệu pháp sinh học thường được tiêm cho bệnh nhân bị hen suyễn nặng. Chúng bao gồm các loại thuốc như benralizumab, omalizumab, mepolizumab, dupilumab và reslizumab được tiêm dưới da qua đường tĩnh mạch. Tác dụng phụ chính là cảm giác khó chịu khi tiêm. 

    Tiêm phòng dị ứng (liệu pháp miễn dịch dưới da)

    Tiêm phòng dị ứng, được gọi là liệu pháp miễn dịch dưới da, làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với các chất gây dị ứng trong hen dị ứng.

    Bác sĩ sẽ tiêm dần từng lượng nhỏ chất gây dị ứng vào cơ thể bạn để cơ thể sinh ra kháng thể từ từ. Theo thời gian, cơ thể sẽ giảm dần phản ứng với các chất này.

    Bạn thường được tiêm mỗi tuần một lần trong vài tháng, sau đó mỗi tháng một lần trong khoảng thời gian từ 3-5 năm.

    Thuốc ổn định tế bào mast dạng hít

    Thuốc ổn định tế bào mast dạng hít, chẳng hạn như cromolyn, giúp ngăn ngừa sưng tấy đường thở khi bạn ở gần các chất gây dị ứng hoặc các tác nhân gây hen suyễn.

    Phẫu thuật tái tạo phế quản bằng nhiệt

    điều trị hen phế quản bằng phẫu thuật

    Phẫu thuật tạo hình phế quản bằng nhiệt có thể được chỉ định nếu bạn bị hen nặng và các phương pháp điều trị hen phế quản khác không hiệu quả. 

    Trong quy trình này, bác sĩ sẽ đưa một sợi dây nhỏ thông qua máy nội soi khí quản từ miệng vào trong phổi. Họ sẽ dùng điện cực để làm nóng sợi dây, từ đó nhiệt phân hủy các cơ dọc theo đường thở, giúp đường thở khó co thắt hơn.

    Điều trị hen phế quản bằng cách thay đổi lối sống

    Ngoài việc dùng thuốc và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, bệnh nhân hen suyễn cũng cần thay đổi lối sống để điều trị bệnh. Chúng bao gồm:

    • Xác định và tránh xa các chất gây dị ứng hoặc chất kích ứng gây ra cơn hen
    • Bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá
    • Thực hành các bài tập thở, chẳng hạn như phương pháp Papworth và phương pháp Buteyko
    • Duy trì cân nặng vừa phải
    • Tập thể dục vừa sức
    • Sử dụng một số thảo dược từ thiên nhiên như mật ong, gừng, hạt thì là đen…
    • Ngồi thiền
    • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng
    • Dọn dẹp nhà cửa và phòng làm việc thường xuyên
    • Tránh nơi khói bụi, ô nhiễm không khí.

    Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về các phương pháp điều trị hen phế quản hiện nay. Bệnh nhân cần tiến hành điều trị sớm để kiểm soát triệu chứng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 23/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo