backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cảm lạnh có nguy hiểm không? Những biến chứng nghiêm trọng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 16/06/2021

    Cảm lạnh có nguy hiểm không? Những biến chứng nghiêm trọng

    Biến chứng cảm lạnh thông thường có thể bao gồm những tình trạng như thế nào, có nghiêm trọng không? Bạn đã bao giờ thắc mắc về vấn đề này chưa, khi mà phần lớn chúng ta đều cho rằng cảm lạnh là một bệnh lý nhẹ và không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe. 

    Hầu hết các trường hợp cảm lạnh sẽ có diễn tiến nhẹ và bệnh nhân thường hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người già vốn có sức đề kháng yếu hoặc những người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc các vấn đề về suy giảm miễn dịch… thì bệnh có thể trở nên nặng hơn, dễ xuất hiện biến chứng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

    Vậy đâu là các biến chứng của bệnh cảm lạnh? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.

    Nhiễm trùng tai cấp tính

    Cảm lạnh có thể gây tích tụ chất lỏng và tắc nghẽn sau màng nhĩ, khi đó virus sẽ xâm nhập vào khoảng trống chứa đầy không khí phía sau màng nhĩ. Hậu quả là dẫn đến nhiễm trùng tai, gây ra những cơn đau tai cực kỳ nghiêm trọng.

    Khoảng 5-19% trẻ em gặp biến chứng nhiễm trùng tai tiến triển do cảm lạnh thông thường. Đôi khi, trẻ còn quá nhỏ không thể diễn tả thành lời những gì mà chúng cảm thấy, thay vào đó trẻ có thể quấy khóc và ngủ không ngon giấc khi cảm thấy đau hoặc khó chịu. 

    Quan sát triệu chứng là cách giúp bố mẹ có thể nhận biết khi trẻ bị nhiễm trùng tai, thường là các dấu hiệu như chảy nước mũi màu xanh, vàng hoặc tái phát sốt sau khi bị cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng vì tình trạng nhiễm trùng tai có thể khỏi trong vòng một đến hai tuần nếu được điều trị thích hợp. 

    Hen suyễn có thể là một biến chứng cảm lạnh

    Đối với những bệnh nhân hen suyễn thì cảm lạnh là một trong những tác nhân gây khởi phát cơn hen phổ biến nhất, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Không chỉ vậy, các triệu chứng cảm lạnh thường có xu hướng kéo dài hơn ở những bệnh nhân này. Ngược lại, các biểu hiện hen suyễn như thở khò khè hoặc tức ngực cũng có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn khi bị cảm lạnh.

    Để đảm bảo sức khỏe, tốt hơn hết bạn nên thực hiện các bước sau nếu bị đồng thời cả hen suyễn và cảm lạnh:

    • Theo dõi luồng không khí hít thở của bạn bằng đồng hồ đo lưu lượng đỉnh vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
    • Thông báo sớm cho bác sĩ điều trị để cân nhắc việc điều chỉnh thuốc hen suyễn phù hợp với tình trạng hiện tại của bạn.
    • Uống đủ nước và nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
    • Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để lên kế hoạch chi tiết những việc cần làm nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

    Viêm xoang

    Viêm xoang là biến chứng cảm lạnh

    Biến chứng cảm lạnh này là tình trạng nhiễm trùng tại các xoang và đường mũi, được nhận biết bởi các dấu hiệu như đau đầu, đau mặt, sốt, ho, đau họng, mất vị giác và khứu giác, ù tai hoặc đôi khi có thể xuất hiện triệu chứng hôi miệng.

    Trong quá trình bị cảm lạnh, chất nhầy ở mũi sẽ có nhiệm vụ bẫy vi khuẩn và virus gây bệnh. Khi bệnh kéo dài thường làm tắc các xoang khiến cho chất nhầy có chứa mầm bệnh bị tích tụ lại gây ra nhiễm trùng và viêm xoang.

    Biến chứng viêm xoang cấp tính do cảm lạnh có thể kéo dài đến mười hai tuần, nhưng thường không nghiêm trọng và có thể chữa khỏi. Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc thông mũi hoặc thuốc kháng sinh là những biện pháp thường được bác sĩ đề nghị trong điều trị viêm xoang. Xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý cũng có thể mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân. 

    Mặc dù rất hiếm xảy ra, nhưng các biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh nếu viêm xoang không được điều trị thích hợp. Vì vậy, hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn đang có các dấu hiệu viêm xoang hoặc nếu các triệu chứng cảm lạnh kéo dài trên 10 ngày.

    Biến chứng cảm lạnh: Viêm họng

    Tai mũi họng là ba cơ quan có cấu tạo thông với nhau, do đó không có gì ngạc nhiên khi tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan đến vùng họng. Biến chứng đau họng hạt do vi khuẩn liên cầu gây ra thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. 

    Bạn có thể nhiễm vi khuẩn liên cầu khi chạm vào người hoặc bề mặt có mang mầm bệnh, hít thở không khí có chứa các giọt bắn thoát ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc chúng có thể lây lan trong quá trình sử dụng chung vật dụng với bệnh nhân.

    Đau họng do liên cầu khuẩn có thể dễ dàng nhận biết qua các biểu hiện đơn giản như: Cảm giác cổ họng đau rát, khó nuốt, amidan sưng đỏ (đôi khi có đốm trắng hoặc mủ), xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ trên vòm miệng, sưng hạch bạch huyết ở cổ, hạch mềm, sốt, đau đầu, trẻ nhỏ có thể bị đau bụng hoặc nôn mửa.

    Biện pháp điều trị biến chứng cảm lạnh này thường có sự kết hợp thuốc kháng sinh và các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol và ibuprofen. Bệnh nhân thường cảm thấy tình trạng được cải thiện hơn trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. 

    Điều quan trọng nhất là cần phải tuân thủ điều trị toàn bộ đợt kháng sinh, ngay cả khi bạn cảm thấy sức khỏe đã tốt hơn. Ngừng thuốc kháng sinh giữa chừng có thể dẫn đến tái phát các triệu chứng hoặc thậm chí là các biến chứng khác nghiêm trọng hơn như bệnh thận hoặc sốt thấp khớp.

    Viêm phế quản

    Biến chứng cảm lạnh là viêm phế quản

    Viêm phế quản thường phát triển khi có sự kích thích màng nhầy ở phế quản trong phổi và cảm lạnh là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến sự kích thích này. Các triệu chứng ho (thường kèm chất nhầy, ho có đờm), tức ngực, mệt mỏi, sốt nhẹ, ớn lạnh,… của viêm phế quản có thể dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Để đảm bảo chắc chắn được tình trạng viêm phế quản, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu bị ho kéo dài trên ba tuần, ho làm gián đoạn giấc ngủ, sốt cao hơn 38°C kết hợp với thở khò khè hoặc khó thở. 

    Trường hợp viêm phế quản mạn tính hoặc viêm phế quản không được điều trị hợp lý có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm phổi. Thông thường, các biện pháp đơn giản tại nhà có thể hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị dùng thuốc, cụ thể bạn nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý cũng như chú ý giữ độ ẩm không khí xung quanh. 

    Viêm phổi

    Có thể nói, biến chứng cảm lạnh nghiêm trọng nhất chính là viêm phổi. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm và có khả năng gây tử vong ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao bao gồm trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người đang mắc các bệnh lý khác. 

    Chính vì vậy, những người có nguy cơ cao nên lập tức đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của chứng viêm phổi. Ho, sốt và run rẩy là các triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên khi phổi bị viêm nhiễm. 

    Ngoài ra, còn một số biểu hiện viêm phổi khác bạn cũng cần lưu ý và tìm kiếm sự điều trị y tế nếu gặp phải như ho dữ dội kèm theo lượng lớn chất nhầy lớn có màu, khó thở, sốt cao dai dẳng trên 38,9°C, đau buốt khi hít thở sâu, đau nhói ở ngực, ớn lạnh nhiều hoặc đổ mồ hôi.

    Viêm phổi thường có đáp ứng rất tốt với phương pháp điều trị bằng kháng sinh kết hợp thêm các liệu pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, những người hút thuốc, người lớn tuổi và người có vấn đề về tim hoặc phổi đặc biệt sẽ có nhiều nguy cơ gặp biến chứng do viêm phổi. Do đó, tình trạng cảm lạnh nên được theo dõi chặt chẽ hơn ở những đối tượng này.

    Viêm tiểu phế quản: Biến chứng cảm lạnh thường gặp ở trẻ em

    Viêm tiểu phế quản là biến chứng cảm lạnh

    Tiểu phế quản là đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi, viêm tiểu phế quản là một bệnh lý nhiễm trùng phổ biến thường do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra, nhưng đôi khi đó có thể là một biến chứng cảm lạnh rất nghiêm trọng.

    Trẻ em dưới 2 tuổi là đối tượng thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm tiểu phế quản nhất. Trong vài ngày đầu, các triệu chứng bệnh sẽ tương tự như cảm lạnh thông thường, bao gồm chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi và đôi khi có sốt. Sau đó, khi bệnh diễn tiến có thể xuất hiện triệu chứng thở khò khè, thở nhanh, tim đập nhanh hoặc khó thở.

    Ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh, viêm tiểu phế quản thường không cần điều trị mà có xu hướng tự khỏi trong vòng một đến hai tuần. Tuy nhiên, nếu bệnh xảy ra ở trẻ sinh non hoặc những người mắc các bệnh lý khác thì cần phải có sự can thiệp y tế thích hợp.

    Viêm thanh khí phế quản (Croup)

    Tương tự như các biến chứng khác, viêm thanh khí phế quản cũng là tình trạng chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lý này đặc trưng bởi những tiếng ho khan nghe giống như tiếng hải cẩu sủa, đi kèm với các biểu hiện khác bao gồm sốt và khàn giọng.

    Croup thường có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn, nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa ngay lập tức khi trẻ có dấu hiệu viêm thanh khí phế quản như: âm thanh thở to và the thé khi hít vào, khó thở, khó nuốt, chảy nhiều nước dãi, cực kỳ khó chịu, da quanh mũi, miệng hoặc móng tay có màu xanh xám.

    Biến chứng cảm lạnh có thể sẽ không xuất hiện nếu chúng ta kiểm soát được bệnh cảm lạnh ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay cảm lạnh do virus vẫn chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, chỉ có thể sử dụng một số loại thuốc để giảm bớt các triệu chứng giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Vì thế, chủ động thực hiện phòng ngừa cảm lạnh là cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 16/06/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo