Mặc dù vậy, các nghiên cứu vẫn cho thấy các vấn đề về xoang và chứng đau nửa đầu dường như có mối quan hệ phức tạp. Đôi khi, một người có thể trải qua hai hoặc nhiều tình trạng sức khỏe cùng một lúc. Ví dụ như áp lực xoang liên tục có thể dẫn đến chứng đau nửa đầu vì cả hai tình trạng này đều gây áp lực lên dây thần kinh sinh ba. Do đó, nếu bạn thường xuyên bị đau đầu, có thể do cảm lạnh hoặc không, thì cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân cụ thể. Việc xác định được loại đau đầu nào bạn đang trải qua sẽ giúp ích hơn cho quá trình điều trị.
Khi bị cảm lạnh đau đầu, bạn nên làm gì để kiểm soát triệu chứng?
Hầu hết các cơn đau đầu do cảm lạnh đều biến mất khi bạn khỏi bệnh. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên thực hiện một số giải pháp chăm sóc tại nhà giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục, bao gồm:
1. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước là điều luôn được khuyến khích khi bạn bị ốm cũng như khi cảm thấy nhức đầu vì nguyên nhân nào đó. Đối với tình trạng cảm lạnh đau đầu, việc giữ đủ nước cho cơ thể sẽ có tác dụng làm loãng chất nhầy giúp “tống xuất” ra khỏi xoang dễ dàng hơn. Khi áp lực xoang giảm xuống, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và xoa dịu được cơn đau đầu do xoang.
Bên cạnh việc uống nhiều nước, bạn cũng có thể làm sạch đường mũi bằng cách dùng bình rửa mũi hoặc thuốc xịt mũi để đẩy chất nhầy ra khỏi xoang dễ dàng.
2. Sử dụng thuốc không kê đơn khi bị cảm lạnh đau đầu
Trong hầu hết trường hợp, bạn có thể dùng thuốc giảm đau tại nhà khi bị đau đầu do cảm lạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý là luôn đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn để dùng thuốc đúng cách. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn thường bao gồm:
- Advil, Motrin (ibuprofen)
- Tylenol (acetaminophen)
- Aleve (naproxen)
- Aspirin
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen và aspirin thường hiệu quả hơn acetaminophen vì các loại thuốc này có thể giúp giảm viêm, giảm sưng.
3. Sử dụng thuốc làm long đờm và thuốc thông mũi
Bạn có thể sử dụng thuốc long đờm hoặc thuốc thông mũi để giúp dịch nhầy thoát ra ngoài và giảm áp lực trong xoang. Đối với một số bệnh nhân, điều này có thể giúp giảm đau đầu do cảm lạnh.
Trên thực tế, những loại thuốc kể trên có thể giảm tắc nghẽn đường mũi theo những cách khác nhau. Thuốc thông mũi làm hẹp các mạch máu để giúp chất nhầy thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Thuốc long đờm sẽ phá vỡ và làm loãng chất nhầy để dịch nhầy chảy ra ngoài nhanh hơn.
4. Tận dụng hơi nước trong điều trị đau đầu do cảm lạnh

Hơi nước có thể làm tăng độ ẩm trong không khí. Vì vậy, lời khuyên là bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm cho phòng ở, đặc biệt là khi bạn đi ngủ. Điều này nhằm giúp đường thở luôn được giữ ẩm, làm loãng chất nhầy và giúp bạn thở dễ dàng hơn, giảm bớt cơn đau đầu do áp lực xoang.
Nếu bạn không có máy tạo độ ẩm, lựa chọn thay thế là bạn có thể tắm nước nóng hoặc ngồi trong phòng tắm và xả vòi sen nước ấm để xông hơi. Bạn cũng có thể tự xông hơi mặt tại nhà (lưu ý cẩn thận để tránh bị bỏng) hoặc dùng gạc/khăn ấm đắp lên mặt để giảm tắc nghẽn ở xoang.
Cảm lạnh đau đầu – Khi nào bạn nên đi khám?
Triệu chứng đau đầu do cảm lạnh thường có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà mà không cần đi khám. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy lo lắng về cơn nhức đầu của mình hoặc nghi ngờ cơn đau này không liên quan đến cảm lạnh thì cần nhanh chóng đi khám. Bên cạnh đó, bạn cũng nên sớm nhập viện nếu gặp những vấn đề sau đây:
- Nhức đầu, đau xoang nghiêm trọng, không cải thiện mà ngày càng nặng hơn theo thời gian
- Đau đầu hoặc bất kỳ triệu chứng nào của cảm lạnh kéo dài hơn 10 ngày
- Bạn có các triệu chứng bất thường, nghiêm trọng như sốt cao, nôn mửa, cứng cổ, tê hoặc ngứa ran ở cánh tay.
Nói tóm lại, đau đầu do cảm lạnh thường xảy ra khi các xoang của bạn bị viêm, kích ứng và tắc nghẽn. Tình trạng này còn có thể dẫn đến đau cả vùng mặt, sống mũi và má. Mặc dù triệu chứng này thường không nguy hiểm nhưng nếu kéo dài có thể dẫn đến nhiễm trùng xoang. Vì vậy, bạn nên lưu ý đến các triệu chứng, dấu hiệu bất thường và nên đi khám nếu cảm lạnh đau đầu kéo dài nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!