Cách sử dụng quả kha tử trị ho tại nhà và những lưu ý cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 6 ngày trước

    Cách sử dụng quả kha tử trị ho tại nhà và những lưu ý cần biết
    Quảng cáo

    Trong dân gian, quả kha tử là dược liệu được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả các bệnh về tiêu hóa lẫn bệnh hô hấp. Trong đó, dùng quả kha tử trị ho là bài thuốc Đông y được áp dụng từ lâu đời và được nhiều người biết đến. Hơn nữa, hiện nay các thành phần có trong quả kha tử cũng đã được khoa học chứng minh là có tác dụng kháng khuẩn, diệt virus để chống nhiễm trùng đường hô hấp.

    Nếu bạn quan tâm và muốn dùng quả kha tử trị ho, bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp một số bài thuốc chữa ho khác nhau và thường được dùng nhất trong dân gian để bạn tham khảo.

    Thông tin tổng quan về cây kha tử

    Cây kha tử thuộc họ Bàng, có tên khoa học là Terminalia chebula nhưng trong dân gian thường được biết đến với những tên gọi khác như cây chiêu liêu hoặc cây kha lê đặc…

    Đặc điểm và tác dụng của cây kha tử

    Cây kha tử là cây thân gỗ với chiều cao trung bình khoảng 15 đến 20 mét. Cây có nhiều cành nhỏ, lá cuống ngắn và mọc đối xứng hai bên cành.

    Hoa của cây kha tử màu trắng, thơm, mọc thành chùm ở ngay đầu cành hoặc đâm ra từ kẽ lá.

    Quả kha tử thon, hình trứng, 2 đầu tù và 5 cạnh dọc. Quả dài khoảng 3 – 4 cm, khi chín quả có màu vàng, rồi chuyển sang cam và cuối cùng là có màu nâu nhạt. Quả kha tử có hột cứng, thịt dày khoảng 2-4 mm, chắc, màu đen nhạt thường được thu hoạch vào mùa thu đông hàng năm, phơi khô để bảo quản. Khi sử dụng trong các bài thuốc cổ phương, kha tử thường được giã dập và bỏ hạt.

    Theo Đông y ghi nhận, quả kha tử là dược liệu có tính ấm, vị đắng, hơi cay nhẹ, có khả năng quy vào các kinh phế và đại tràng. Tác dụng chính của kha tử là liễm phế chỉ khái, sáp tràng chỉ tả. Bên cạnh đó, phần thịt quả kha tử cũng có tác dụng cầm máu, trị viêm lợi, hen suyễn, viêm họng, chữa các loại ho như ho khan, ho có đờm, ho kéo dài gây khàn tiếng…

    Sự phân bố của cây kha tử

    Cây kha tử thường phát triển ở các khu rừng thưa hoặc rừng thứ sinh. Loại cây này cũng ưa sáng nên thường mọc hoang ở các khu vực gần sông suối, đất ẩm hoặc các khu vực đất cát, đất pha sét.

    Nhìn chung, cây kha tử (chiêu liêu) được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và trong đó có miền nam Việt Nam.

    Thu hoạch và sơ chế

    quả kha tử trị ho

    Kha tử thường được thu hái trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Khi thu hoạch, bạn nên chọn quả chín, thường có vỏ màu vàng ngà, không nên thu hái quả non, lép.

    Quả kha tử sau khi thu hái sẽ được phơi khô, bảo quản để dùng dần. Lưu ý là nên bảo quản kha tử ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh độ ẩm cao. Khi có nhu cầu dùng quả kha tử trị ho hoặc cải thiện vấn đề sức khỏe nào đó, trước tiên bạn nên rửa sạch, để ráo nước, hong khô rồi sao sơ trước khi dùng.

    Cách sử dụng quả kha tử trị ho hoặc một số bệnh lý khác

    Kha tử có thể được dùng tươi hoặc dùng khô. Bạn cũng có thể sắc kha tử thành nước uống hoặc tán dược liệu thành bột mịn, nấu cao hoặc ngâm rượu.

    Liều lượng sử dụng được khuyến cáo ở mức 3 đến 10 g kha tử mỗi ngày.

    Ngày nay, việc dùng kha tử trị ho cũng đã được khoa học chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Công dụng của kha tử trong điều trị bệnh hô hấp là nhờ quả chứa những thành phần giảm viêm, kháng khuẩn, chống nhiễm trùng. Trong đó, tanin là hoạt chất chiếm phần lớn trong hạt kha tử tới 51,3%, có tác động mạnh mẽ trong việc chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, tanin còn giúp làm khô bề mặt niêm mạc bị tổn thương do ảnh hưởng từ tác nhân gây bệnh. Từ đó giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành.

    Tiếp đến là tác dụng chữa ho, khàn tiếng của kha tử có được là nhờ vào hoạt chất polysaccharide có khả năng giảm ho rõ rệt. Tác dụng dược lý này của polysaccharide thậm chí cao hơn so với những chất chống ho mạnh nhất trong thí nghiệm lâm sàng như codein. Cụ thể, sau khi uống chiết xuất kha tử người bệnh đã giảm rõ rệt phản xạ ho ngay từ phút 30.

    Không chỉ vậy, phần lớn viêm họng có nguyên nhân từ virus, hoạt chất alloyl có trong kha tử có hoạt tính kháng virus. Hoạt chất này đóng vai trò quan trọng đối với sự ức chế các virus loại 1 và một số virus làm giảm hệ miễn dịch của con người. Ngoài ra, chất retrovirus trong kha tử đồng thời bảo vệ tế bào mô, chống virus cúm A và phục hồi nhiễm trùng hô hấp cấp tính.

    Mách bạn bài thuốc sử dụng quả kha tử trị ho, viêm họng, khàn tiếng

    Các bài thuốc dùng quả kha tử trị ho được sử dụng phổ biến cho người lớn lẫn trẻ em. Tùy vào từng trường hợp và triệu chứng mà bạn có thể lựa chọn bài thuốc sao cho phù hợp. Sau đây là một số cách dùng kha tử để trị ho hoặc các vấn đề hô hấp mà bạn có thể tham khảo:

    1. Ngậm kha tử để trị ho, viêm họng, khó nuốt

    Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị 3 quả kha tử. Sau đó, bạn có thể dùng quả kha tử trị ho, viêm họng, khó nuốt theo những bước sau đây:

    • Loại bỏ phần vỏ bên ngoài quả kha tử
    • Ngậm phần thịt quả (có thể tách bỏ hạt) khoảng 5 phút và nuốt nước miếng từ từ nhằm tận dụng chiết xuất của kha tử để làm dịu cổ họng
    • Mỗi lần bạn nên ngậm một quả kha tử và có thể ngậm từ 2 đến 3 lần trong ngày nếu vẫn còn ho. Lưu ý là bạn nên ngậm ngay từ khi bắt đầu cảm thấy hơi đau họng hoặc khó chịu khi nuốt nước bọt. Thêm vào đó, bạn có thể áp dụng phương pháp này cho đến khi viêm họng lành hẳn.

    Cha mẹ cần lưu ý


    Chú ý rằng, phương pháp này chỉ nên sử dụng cho các bé đã lớn, có ý thức về nuốt để tránh trường hợp hóc dị vật.

    2. Bài thuốc quả kha tử trị ho kết hợp thêm cam thảo và cát cánh

    quả kha tử trị ho

    Cam thảo và cát cánh cũng là những dược liệu được sử dụng làm thuốc trị ho, viêm họng trong y học cổ truyền. Vì vậy, khi muốn dùng quả kha tử trị ho, bạn có thể kết hợp thêm với cam thảo và cát cánh để nâng cao hiệu quả điều trị nhờ tác dụng sát khuẩn, long đờm, bổ phế của hai dược liệu này.

    Dược liệu cần chuẩn bị

    • Quả kha tử: 8 g
    • Cát cánh: 10 g
    • Cam thảo: 6 g

    Cách sắc thuốc trị ho từ kha tử, cam thảo và cát cánh

    • Rửa sạch các dược liệu, cho tất cả cùng 500ml nước vào ấm sắc sau đó đun sôi
    • Sắc thuốc với lửa nhỏ trong khoảng 20 – 25 phút
    • Cuối cùng, gạn lấy thuốc sắc thu được và chia làm 3 phần để dùng trong ngày. Lưu ý là người bệnh nên dùng thuốc khi còn ấm, nếu dùng phần thuốc còn lại vào chiều tối thì nên hâm lại trước khi uống để giúp giảm kích ứng cổ họng hiệu quả.

    3. Cách dùng hạt từ quả kha tử trị ho, khàn tiếng liên quan đến chứng phế hư

    Chứng phế hư chỉ tình trạng suy giảm công năng hoạt động của tạng phế, thường gặp ở người cao tuổi hoặc người có thể lực suy kém, người mắc bệnh mãn tính lâu ngày. Nguyên nhân phế hư là do mệt mỏi do nội thương tích lũy lâu ngày hoặc bệnh tật lâu ngày.

    Biểu hiện của người bị phế hư thường là suyễn đoản hơi đoản khí, giọng nói nhỏ, khó thở từ nhẹ đến trung bình, gắng sức để thở, sợ gió, hay vã mồ hôi, dễ cảm mạo, ho khan, ho có đờm, da nhợt nhạt, hay mệt mỏi, lưỡi tái nhợt, đóng rêu trắng trên bề mặt lưỡi, có dấu hiệu hư nhược khi bắt mạch.

    Nếu cơn ho được xác định là có liên quan đến chứng phế hư, người bệnh có thể dùng quả kha tử trị ho theo bài thuốc dưới đây:

    Dược liệu cần chuẩn bị

    • Kha tử: 8 g
    • Cam thảo: 6 g
    • Bạch dược: 10 g

    Cách sắc thuốc và dùng thuốc

    • Rửa sạch dược liệu, đổ 300ml nước vào ấm sắc, đun sôi đều
    • Hạ lửa nhỏ và sắc cho đến khi cạn còn khoảng 100ml
    • Tiếp tục sử dụng phần bã thuốc đổ thêm nước và sắc thuốc tương tự thêm 2 lần nữa
    • Trộn dung dịch thuốc thu được từ cả 3 lần sắc với nhau, cho vào ấm đun lửa nhỏ đến khi còn lại 200ml
    • Chia thuốc ra uống 3 lần, uống vào sáng, trưa và chiều/ tối
    • Mỗi ngày, bạn có thể sắc uống 1 thang thuốc cho đến khi hết ho và các triệu chứng của phế hư thuyên giảm.

    4. Dùng đẳng sâm kết hợp quả kha tử trị ho lâu ngày

    quả kha tử trị ho

    Đối với tình trạng ho khan lâu ngày và dai dẳng, bạn có thể áp dụng bài thuốc dân gian kết hợp đẳng sâm với quả kha tử để rút ngắn thời gian điều trị.

    Dược liệu cần chuẩn bị

    Kha tử và đẳng sâm: Mỗi vị 4g

    Cách sắc thuốc dùng để trị ho

    • Rửa sạch 2 dược liệu, cho vào ấm sắc cùng với 400 ml nước
    • Thuốc sôi, hạ nhỏ lửa và sắc cho đến khi lượng nước trong ấm còn khoảng 1/2
    • Chia thuốc làm 3 phần để uống vào sáng, trưa và tối.

    Đối với bài thuốc này, bạn cũng nên áp dụng đều đặn 1 thang mỗi ngày. Thêm vào đó, bạn cần đi khám để xác định nguyên nhân gốc rễ gây ho dai dẳng thì mới có cơ sở để điều trị dứt điểm.

    5. Cách dùng quả kha tử trị ho kèm theo khô cổ và khàn tiếng

    Ho nhiều, ho lâu ngày thường dẫn đến tình trạng khô cổ và khiến bạn bị khàn tiếng. Việc áp dụng bài thuốc sau đây sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng này. Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị kha tử, ô mai và mật ong nguyên chất. Cách làm như sau:

    • Giã nát phần thịt quả kha tử và ô mai với lượng bằng nhau cho mỗi loại
    • Trộn thêm một lượng mật ong vừa đủ sao cho hỗn hợp không quá nhão
    • Chia hỗn hợp thành từng phần nhỏ, vo thành viên cỡ đầu ngón tay và bảo quản trong hũ thủy tinh để dùng dần
    • Mỗi ngày bạn có thể ngậm 4 – 5 viên để giúp giảm ho, giảm kích ứng trong cổ họng và dây thanh quản.

    6. Dùng quả kha tử trị ho cho trẻ nhỏ như thế nào?

    Trẻ em là nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh về hô hấp dẫn đến ho có đờm, thở khò khè, khó thở… Vì vậy, bạn có thể dùng quả kha tử trị ho cho trẻ nhưng cách làm sẽ có sự khác biệt so với các bài thuốc dành cho người lớn. Đầu tiên, bạn chuẩn bị kha tử và một ít muối ăn. Các bước thực hiện như sau:

    • Bóc bỏ vỏ cho quả kha tử vào ngâm trong ly nước ấm
    • Thêm một ít muối vào ly nước và khuấy cho muối tan
    • Lấy quả kha tử ra cho trẻ ngậm và nuốt từ từ phần chiết xuất được tiết ra. Sau đó, yêu cầu trẻ nhả ra khi đã thấy hết vị chát. Mỗi ngày, bạn có thể cho bé dùng 1 lần cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

    Lưu ý là bạn chỉ nên áp dụng cách trị ho này cho trẻ đã lớn để tránh nguy cơ hóc nghẹn.

    Những điều cần biết khi dùng quả kha tử trị ho

    Thực chất, ho là phản xạ bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Trong trường hợp ho do các nguyên nhân khác nhau sẽ có chẩn đoán và điều trị khác nhau. Hiệu quả khi sử dụng quả kha tử trị ho phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, mức độ ho và chế độ chăm sóc người bệnh. Hơn nữa, để đảm bảo áp dụng đúng cách, hiệu quả thì bạn cũng cần chú ý những điều sau đây:

    • Các bài thuốc từ quả kha tử không giúp giảm ho ngay lập tức mà cần có thời gian để cơ thể hấp thu và cải thiện triệu chứng từ bên trong.
    • Dùng quả kha tử trị ho thường cho hiệu quả tốt hơn đối với người bệnh ở giai đoạn nhẹ hoặc mới có triệu chứng. Nếu bạn bị ho nặng hoặc ho do mắc một bệnh lý nghiêm trọng thì việc dùng các bài thuốc dân gian chỉ nên áp dụng như một biện pháp bổ trợ. Bạn nên đi khám tại cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán rõ nhất về nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý của mình.
    • Bên cạnh việc dùng quả kha tử để giảm các triệu chứng của bệnh hô hấp, bạn cũng cần chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, nghỉ ngơi và giữ ấm tốt đặc biệt là khi vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết trở lạnh.
    • Đồng thời, bạn cần tránh các thực phẩm có thể kích thích cơn ho như đậu phộng, hải sản, ăn uống đồ lạnh… Tránh ăn thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, gia vị nếu muốn nhanh khỏi bệnh.
    • Mặc dù việc dùng quả kha tử trị ho thường không gây tác dụng phụ nhưng bạn không nên áp dụng mẹo dân gian này nếu bị nóng trong, táo bón hoặc thấp nhiệt tích trệ. Đối với trẻ em, ba mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con dùng kha tử trị ho.

    Bài viết trên của Hello Bacsi đã tổng hợp những cách phổ biến nhất về việc dùng quả kha tử trị ho cho người lớn lẫn trẻ nhỏ. Hy vọng rằng những thông tin này có thể giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc sức khỏe tại nhà và có thêm lựa chọn điều trị tối ưu hơn nhé.

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 6 ngày trước

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo