Khó thở có thể từ nhẹ đến nặng và do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu tình trạng khó thở kéo dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống. Vậy, khi bị khó thở nên làm gì? Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân gây khó thở
Để biết được khi khó thở nên làm gì thì bạn cần hiểu rõ về những nguyên nhân gây khó thở. Từ đó, bản thân mới có được biện pháp khắc phục và cách điều trị hiệu quả. Hầu hết các trường hợp nguyên nhân gây khó thở là do bệnh tim hoặc các vấn đề với phổi.
Khó thở có thể là do:
- Hút thuốc lá
- Sốc phản vệ (Dị ứng)
- Hen suyễn
- Ngộ độc carbon monoxide
- COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) bao gồm khí phế thũng hoặc viêm phế quản mãn tính
- Viêm phổi
- Viêm màng phổi
- Tràn khí màng phổi
- Tràn dịch màng phổi (tích tụ chất lỏng xung quanh phổi)
- Xơ phổi
- Phù phổi
- Xẹp phổi
- Thuyên tắc phổi
- Tăng huyết áp động mạch phổi
- Lao phổi
- Chèn ép tim (chất lỏng dư thừa tích tụ xung quanh tim)
- Nhồi máu cơ tim
- Rối loạn nhịp tim
- Suy tim
- Bệnh cơ tim
- Viêm màng ngoài tim (viêm mô xung quanh tim)
- Mất máu đột ngột (Chảy máu cấp tính)
- Thiếu máu
- Béo phì
- Lo lắng, sợ hãi
- Trào ngược
- Ung thư phổi.
Khó thở là tình trạng tạm thời hoặc vĩnh viễn còn tùy thuộc vào nguyên nhân. Vậy, người bị khó thở nên làm gì?
Người bị khó thở nên làm gì? 8 điều nên làm ngay để giảm khó chịu
1. Khó thở nên làm gì? Đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Điều đầu tiên khi gặp tình trạng khó thở là bạn phải đi khám để tìm nguyên nhân. Nếu bạn được chẩn đoán khó thở do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách điều trị và kiểm soát các triệu chứng của mình.
Trong một số trường hợp, bạn sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn triệu chứng khó thở và chữa khỏi hẳn bệnh. Tuy nhiên, tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ có thể giúp giảm nhẹ tình trạng khó thở, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị chứng khó thở tùy thuộc vào nguyên nhân, cũng như bệnh lý nền mà bạn đang mắc phải. Điều quan trọng là phải dùng thuốc đúng liều lượng, tần suất được chỉ định. Việc quên liều hoặc tự ý ngưng dùng thuốc mà không được bác sĩ cho phép có thể khiến triệu chứng khó thở nghiêm trọng hơn.
Khó thở nên làm gì? Hãy đến thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu tình trạng khó thở đi kèm với các triệu chứng sau đây:
- Sưng bàn chân và mắt cá chân
- Khó thở ngay cả khi nằm thẳng
- Khó thở đi kèm đau ngực
- Sốt cao
- Ớn lạnh
- Ho
- Thở khò khè
- Khó thở nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn mắc một bệnh lý mạn tính gây khó thở, hãy thăm khám với bác sĩ để biết những việc cần làm nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đến phòng khám, bệnh viện gần nhất nếu bạn cảm thấy:
- Khó thở nghiêm trọng, đột ngột và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày
- Khó thở đi kèm với các triệu chứng khác như: đau ngực; ngất xỉu; buồn nôn; da, môi hoặc móng tay hơi xanh; mất ý thức vì đây có thể là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim hoặc thuyên tắc phổi.
2. Thư giãn, nghỉ ngơi
Khó thở nghiêm trọng và đột ngột có thể xảy ra do cảm giác lo lắng, hoảng sợ hoặc tức giận. Vậy, khi tức giận bị khó thở nên làm gì? Bạn nên thư giãn, ngồi thiền và học cách kiểm soát cảm xúc để giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng khó thở.
Trong các hoạt động hàng ngày, hãy chỉ tham gia các hoạt động nhẹ nhàng nhất mà không cảm thấy khó chịu. Nếu bạn cảm thấy khó thở khi đang hoạt động, hãy dừng lại và nghỉ ngơi ngay lập tức cho đến khi cảm thấy dễ chịu hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một chiếc quạt cầm tay nhỏ thổi không khí mát vào mặt để giảm khó thở hiệu quả.
3. Khó thở nên làm gì? Tập thở
Bạn nên kiểm soát tình trạng khó thở của mình bằng các bài tập thư giãn và hít thở. Dành thời gian tập trung vào hơi thở sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn về hơi thở và chức năng phổi của mình. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử các bài tập thở này.
Hai bài tập thở hữu ích mà bạn có thể áp dụng như sau:
- Thở bằng bụng: Trong khi hít vào, hãy tập trung vào việc hít thật căng phổi và cảm nhận dạ dày bị đẩy xuống dưới. Trong khi thở ra, cảm thấy dạ dày nâng lên cao từ từ và phổi trống.
- Thở mím môi: Hít vào thật sâu bằng mũi từ từ, sau đó mím môi và thở ra từ từ bằng miệng. Bạn nên đếm theo từng nhịp hít vào và thở ra.
4. Tập thể dục đều đặn
Khó thở nên làm gì? Nếu béo phì hoặc tình trạng sức khỏe tổng thể kém là nguyên nhân gây khó thở, bạn sẽ cần thay đổi lối sống để kiểm soát tình trạng khó thở. Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện các triệu chứng một cách lâu dài.
Tập thể dục góp phần làm giảm bất kỳ nguyên nhân nào gây khó thở. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có được bài tập phù hợp mà không làm trầm trọng hơn cảm giác khó thở.
5. Khó thở nên làm gì? Bỏ hút thuốc
Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương phổi, làm trầm trọng thêm triệu chứng khó thở hoặc tăng nguy cơ xảy ra biến chứng cho bất kỳ bệnh phổi tiềm ẩn nào.
Vì vậy, nếu bạn thắc mắc người bị khó thở nên làm gì thì điều quan trọng là phải bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc càng sớm càng tốt. Bỏ thuốc lá có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh phổi và góp phần ngăn ngừa biến chứng.
6. Tránh xa không khí ô nhiễm hoặc chất gây dị ứng
Tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí hoặc bất kỳ tác nhân gây dị ứng nào, chẳng hạn như khói sơn, khí thải xe hơi hoặc khói thuốc lá càng nhiều càng tốt.
Bạn nên tránh đi nơi khác khi được cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí cao. Bởi đây chính là tác nhân gây hại cho hệ hô hấp và khiến chứng khó thở trở nên nghiêm trọng hơn.
7. Tránh môi trường quá nóng hoặc quá lạnh
Hoạt động trong điều kiện rất nóng và ẩm hoặc rất lạnh có thể làm tăng chứng khó thở do bệnh phổi mạn tính.
Vậy, nếu bị khó thở nên làm gì: tránh hoạt động khi trời quá nóng hoặc quá lạnh hoặc khi độ ẩm quá cao.
8. Thường xuyên kiểm tra thiết bị hỗ trợ thở
Mọi tế bào trong cơ thể đều cần oxy để hoạt động. Nếu mức oxy trong máu quá thấp, bạn có thể cảm thấy khó thở. Trong một số tình huống, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thiết bị hỗ trợ thở (máy tạo oxy hoặc bình oxy di động) tại bệnh viện, phòng khám hoặc ngay tại nhà.
Nếu bạn phải dùng thiết bị hỗ trợ thở, hãy chắc chắn rằng thiết bị hoạt động bình thường và nguồn cung cấp oxy luôn đầy đủ.
Khó thở xảy ra do nhiều nguyên nhân nên thường khó phát hiện ra và khó tự chẩn đoán lý do chính xác. Nếu không biết rõ nguyên nhân, bạn có thể rất khó điều trị và không biết được khó thở nên làm gì. Điều bạn cần làm là thăm khám càng sớm càng tốt, tuân thủ theo chỉ định và áp dụng các mẹo nhỏ ở trên để cảm thấy dễ chịu hơn.
[embed-health-tool-bmi]