backup og meta

Dày thành phế quản là gì? Nguyên nhân do đâu và có nguy hiểm không?

Dày thành phế quản là gì? Nguyên nhân do đâu và có nguy hiểm không?

Người bệnh không thể tự thấy được tình trạng dày thành phế quản do đây là một dấu hiệu chỉ thấy được thông qua các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT. Các bệnh lý liên quan đến dấu hiệu này có thể là viêm đường hô hấp, nhiễm trùng, xơ phổi, hen suyễn,… và một số bệnh di truyền khác.

Vậy, dày thành phế quản là gì? Có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Dày thành phế quản là gì?

Thành phế quản được bao phủ bởi một màng dịch nhầy, có vai trò ngăn chặn các dị vật hoặc mầm bệnh đi xuống phổi. Ở người bình thường khỏe mạnh, thành phế quản sẽ không nhìn thấy được trên phim chụp X-quang. Tuy nhiên, khi có quá nhiều chất nhầy tích tụ tại thành phế quản, nó sẽ biểu hiện thành sự hiện rõ và dày lên bất thường của thành phế quản 2 bên phổi trên phim X-quang hoặc CT. 

Xét nghiệm thấy hình ảnh dày thành phế quản có thể dấu hiệu của nhiều bệnh lý, thường gặp nhất là do viêm đường hô hấp. Người bệnh không thể tự thấy hay cảm nhận được mà tình trạng này chỉ có thể được chẩn đoán bởi bác sĩ khi thực hiện các xét nghiệm hình ảnh. 

Nguyên nhân gây dày thành phế quản

Các nguyên nhân phổ biến gây dày thành phế quản là do viêm, bẩm sinh (ví dụ, xơ nang, thiếu hụt α1-antitrypsin) và các bệnh phổi tắc nghẽn.

Hen phế quản (hen suyễn)

Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính đường hô hấp. Nguyên nhân là do tình trạng viêm, co thắt cơ dọc đường thở gây hẹp đường hô hấp giảm lượng khí lưu thông khiến bệnh nhân phải dùng sức để hít thở.

Các dấu hiệu của hen suyễn bao gồm:

  • Hụt hơi, khó thở
  • Đau tức ngực
  • Thở khò khè
  • Tỉnh giấc ban đêm do khó thở, ho khan.

Một số người sẽ có các triệu chứng nặng hơn khi bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc khi thời tiết thay đổi. Các tác nhân khác có thể bao gồm khói bụi, cỏ, phấn hoa, lông động vật, xà phòng mạnh và nước hoa.

Các đặc điểm trên phim chụp X-quang của bệnh hen suyễn không đặc hiệu. Trong trường hợp không có bệnh lý kèm theo khác, hình ảnh X-quang hầu như luôn bình thường ở bệnh nhân hen. Nếu có, các dấu hiệu xảy ra là dày thành phế quản và căng phồng phổi. Chụp CT có thể cho thấy thành phế quản dày lên kèm theo hẹp lòng phế quản và bẫy khí thở ra.

Viêm phế quản

dày thành phế quản do viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng nhiễm trùng đường dẫn khí chính của phổi (phế quản), khiến chúng bị kích thích và viêm. Các tác nhân gây viêm phế quản gồm vi khuẩn, virus, khói thuốc, chất gây ô nhiễm, chất kích thích…

Triệu chứng thường gặp nhất của viêm phế quản là ho khan, hoặc ho đờm đặc màu vàng xám nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau đầu
  • Sốt
  • Ho khan, ho có đờm
  • Đau họng
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau nhức
  • Mệt mỏi.

Viêm phế quản có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm phế quản mạn tính thường được gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) với các triệu chứng: thở khò khè, tăng khó thở khi tập thể dục hoặc di chuyển, ho dai dẳng có đờm, nhiễm trùng thường xuyên.

Chụp X-quang trong trường hợp viêm phế quản cấp tính thường không thấy bất thường và thường được chỉ định để phân biệt với viêm phổi. Đôi khi, hình ảnh chụp X-quang có thể cho thấy bị dày thành phế quản.

Xơ nang

Xơ nang là một tình trạng di truyền khiến một loại protein bị lỗi ảnh hưởng đến tế bào, mô, các tuyến tạo ra chất nhầy và mồ hôi của cơ thể. Chất nhầy bình thường có độ trơn giúp bảo vệ đường hô hấp, đường tiêu hóa cũng như các cơ quan và mô khác. Xơ nang khiến chất nhầy trở nên đặc và dính. Khi chất nhầy tích tụ, nó có thể gây tắc nghẽn, tổn thương hoặc nhiễm trùng ở các cơ quan bị ảnh hưởng.

Xơ nang ảnh hưởng đến phổi là thường gặp nhất. Một số người xơ nang bị thở khò khè và ho có thể kèm chất nhầy hoặc máu. Các triệu chứng khác tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Dấu hiệu chính của giai đoạn sau của bệnh xơ nang là giãn phế quản và dày thành phế quản. 

Giãn phế quản

Giãn phế quản là tình trạng mạn tính khi đường dẫn khí phổi bị giãn rộng, dẫn đến tích tụ chất nhầy dư thừa khiến phổi dễ bị nhiễm trùng hơn. Đây là bệnh thứ phát sau khi phổi bị tổn thương do viêm hoặc nhiễm trùng. Các triệu chứng của giãn phế quản là:

  • Ho mạn tính có đờm đặc, có mùi hôi
  • Ho ra máu
  • Hụt hơi, thở khò khè.

Chụp X-quang ngực thường không đủ để chẩn đoán và điều trị bệnh giãn phế quản. Hình ảnh trên phim chụp có thể bình thường hoặc cho thấy phế quản giãn với thành dày. Chụp CT độ phân giải cao là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán. Nó cung cấp hình ảnh rõ ràng hơn về sự giãn nở đường thở và sự dày lên của thành phế quản.

Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin

dày thành phế quản do thiếu hụt chất

Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin là tình trạng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi và các bệnh khác. Alpha-1 antitrypsin là một loại protein được tạo ra trong gan để giúp bảo vệ phổi. Nếu cơ thể bạn không tạo ra đủ protein này, phổi của bạn sẽ dễ bị tổn thương hơn do hút thuốc, ô nhiễm hoặc bụi từ môi trường. Từ đó, có thể dẫn đến COPD, giãn phế quản hoặc một bệnh phổi khác.

Các triệu chứng của thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin tương tự như hen suyễn và COPD. Một số người khác không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. 

Nguyên nhân khác

Chẩn đoán và điều trị

Dày thành phế quản sau khi được tìm thấy trên hình ảnh học, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp khác để tìm nguyên nhân. Không có phương pháp cụ thể để điều trị dày thành phế quản mà phải điều trị nguyên nhân gốc rễ.

  • Hen suyễn: Điều trị bằng thuốc cắt cơn và thuốc kiểm soát (nếu cần), điều trị dị ứng nếu hen suyễn do dị ứng, phẫu thuật với bệnh hen suyễn nặng không cải thiện khi dùng thuốc.
  • Viêm phế quản: Dùng thuốc điều trị triệu chứng nếu nguyên nhân do virus, thêm kháng sinh nếu viêm phế quản do vi khuẩn.
  • Giãn phế quản: Điều trị chủ yếu bằng cách làm thông đường thở, điều trị bằng kháng sinh khi có đợt cấp và tập thể dục.
  • COPD: Thuốc giãn phế quản, steroid dạng hít, kháng sinh, corticosteroid đường uống, tiêm chủng thường xuyên, phục hồi chức năng phổi, liệu pháp oxy và phẫu thuật (đối với những trường hợp nặng).
  • Thiếu Alpha-1 antitrypsin: Chưa có cách điều trị đặc hiệu nhưng có những phương pháp để làm chậm tổn thương phổi. Nếu bị khí thũng và thiếu protein, có thể áp dụng các phương pháp điều trị COPD tiêu chuẩn.

Dày thành phế quản 2 bên có nguy hiểm không? Trong đa số trường hợp, dấu hiệu này liên quan đến viêm và nhiễm trùng đường hô hấp. Chỉ cần kiểm soát các tình trạng này thì sẽ không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi, dày thành phế quản cũng có thể liên quan đến các tình trạng mạn tính gây nguy hiểm cho sức khỏe tổng thể. Tốt nhất, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám và điều trị với bác sĩ.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bronchial wall thickening. https://radiopaedia.org/articles/bronchial-wall-thickening. Ngày truy cập: 25/03/2024

Chronic Respiratory Symptoms Associated With Airway Wall Thickening Measured by Thin-Slice Low-Dose CT. https://ajronline.org/doi/full/10.2214/AJR.13.11536. Ngày truy cập: 25/03/2024

Asthma. https://radiopaedia.org/articles/asthma-summary. Ngày truy cập: 25/03/2024

Acute Bronchitis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448067/. Ngày truy cập: 25/03/2024

Cystic fibrosis (pulmonary manifestations). https://radiopaedia.org/articles/cystic-fibrosis-pulmonary-manifestations-1. Ngày truy cập: 25/03/2024

What Is Cystic Fibrosis? https://www.nhlbi.nih.gov/health/cystic-fibrosis. Ngày truy cập: 25/03/2024

Bronchiectasis. https://radiopaedia.org/articles/bronchiectasis-summary. Ngày truy cập: 25/03/2024

Alpha-1 Antitrypsin Deficiency. https://www.nhlbi.nih.gov/health/alpha-1-antitrypsin-deficiency. Ngày truy cập: 25/03/2024

Phiên bản hiện tại

10/04/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Hen phế quản mãn tính và COPD: Đừng nhầm lẫn

Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không? Biến chứng và phòng ngừa


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 10/04/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo