Bị ho ăn tôm được không là băn khoăn của rất nhiều người. Bởi từ xa xưa, kinh nghiệm dân gian cho rằng việc tiêu thụ các thực phẩm tanh, bao gồm tôm khi bị ho sẽ khiến tình trạng ho kéo dài và trầm trọng thêm. Liệu quan niệm này có đúng không? Và tại sao nhiều người ăn tôm bị ho nhiều hơn?
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay nhé!
1. Bị ho ăn tôm được không?
Ho là phản ứng của cơ thể để đẩy dị vật ở đường hô hấp ra ngoài; hoặc do đường hô hấp bị viêm nhiễm, kích thích… Tình trạng này thường xảy ra khi cổ họng bị sưng, kích ứng; thường gặp trong các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm hô hấp,…
Vậy bị ho ăn tôm được không? Câu trả lời là có, bởi thịt tôm không phải là nguyên nhân gây ra các cơn ho hoặc khiến tình trạng ho nặng thêm. Tôm là thực phẩm bổ dưỡng, giúp bổ sung canxi cho cơ thể. Hơn nữa, đây cũng là nguồn cung cấp dồi dào chất đạm, dễ tiêu hóa, phù hợp cho người ốm mệt. Do đó, quan điểm cần kiêng tôm hay các thực phẩm tanh khi bị ho là không chính xác.
Trên thực tế, một số người ăn tôm bị ho nhiều hơn do phần vỏ và càng, chân của tôm bị mắc, dính ở cổ họng, gây ngứa, kích ứng niêm mạc đường hô hấp và gây ra triệu chứng ho.
Ngoài ra, những người có cơ địa dị ứng tôm mới là đối tượng cần quan tâm việc bị ho ăn tôm được không. Bởi ở những người này, tôm kích hoạt hệ miễn dịch sản xuất ra các chất chống dị ứng, kéo theo sưng ngứa nên sẽ làm cơn ho trầm trọng hơn.
2. Ăn tôm như thế nào khi bị ho?
Nếu chế biến đúng cách, người bị ho vẫn có thể ăn tôm.
Khi chế biến tôm cho người bị ho, bạn nên bỏ đầu và bóc sạch vỏ tôm, tránh lựa chọn các loại tôm nhỏ không thể bỏ vỏ.
Ngoài ra, bạn chế biến các món ăn ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo tôm, súp tôm, bún hay bánh đa nấu tôm… để không gây kích ứng cổ họng và đồng thời cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bạn có thể muốn xem thêm
3. Người bị ho nên kiêng ăn gì?
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe, giúp người ốm nhanh khỏi bệnh. Thay vì lo lắng bị ho có ăn tôm được không, bạn nên lưu ý đến một số loại thực phẩm cần kiêng, có thể kích thích niêm mạc cổ họng, khiến ho nặng hơn gồm:
Rượu bia và các loại đồ uống chứa caffeine
Rượu bia và các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà xanh, trà đen, soda… có thể khiến cơ thể bạn bị mất nước. Ngoài ra, đồ uống có gas cũng gây kích thích niêm mạc cổ họng, dẫn đến phản ứng ho.
Người bị ho nên uống nhiều nước trong ngày để giảm cơn ho. Nước có vai trò giữ cho cổ họng của bạn luôn ẩm, nhờ đó giúp cổ họng ít bị kích thích hơn và hạn chế ho khan. Đối với người ho có đờm, nước ấm còn có tác dụng hỗ trợ long đờm, giúp tống đờm ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn.
Ngoài nước lọc ấm, người bị ho có thể uống nước chanh mật ong, nước tắc chưng đường phèn, nước canh, nước ép trái cây hoặc rau củ (trừ các loại rau củ quả có tính axit như cam, chanh…) để mau khỏi.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Đồ ăn nhanh, chiên xào nhiều dầu mỡ có thể kích ứng niêm mạc cổ họng và khiến tình trạng ho, đau họng trầm trọng thêm. Vì vậy, người bị ho ăn tôm được không thì hoàn toàn được, nhưng đừng lựa chọn những cách chế biến này.
Bạn có thể cân nhắc bổ sung các loại thực phẩm sau đây:
- Thực phẩm giàu protein bao gồm cá, thịt gia cầm bỏ da, các loại đậu, quả hạch (hạnh nhân, quả óc chó, hạt mắc ca, hạt điều, hạt dẻ…)
- Nhiều trái cây, rau củ
- Sữa chứa tách béo hoặc sữa hạt
- Các loại dầu thực vật khác như dầu ô liu, dầu hướng dương…
Thức ăn có vị cay
Người bị ho không nên ăn đồ cay chứa ớt, tiêu, mù tạt… để hạn chế gây kích ứng niêm mạc cổ họng, từ đó giúp giảm triệu chứng ho, sặc. Các chuyên gia khuyên bạn nên ăn các món nhạt, mềm để làm dịu cổ họng, hạn chế kích thích gây phản xạ ho.
Thực phẩm lạnh
Thực phẩm lạnh như kem, nước đá… có thể làm tổn thương niêm mạc cổ họng. Nếu thực phẩm này nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ thuận lợi tấn công gây viêm họng. Đây đều là những nguồn cơn gây ho. Đối với những loại thực phẩm cần bảo quản trong tủ lạnh, tốt nhất bạn nên lấy ra ngoài và để nguội hoặc hâm nóng qua lò vi sóng trước khi ăn.
Thực phẩm gây dị ứng
Thực phẩm gây dị ứng có thể là yếu tố kích hoạt những cơn ho khởi phát hoặc làm tình trạng ho nặng thêm. Nếu bạn biết mình bị dị ứng thực phẩm nào, hãy kiêng chúng hoàn toàn.
Trên đây là những thông tin liên quan đến việc bị ho có ăn tôm được không và lưu ý về dinh dưỡng khi bị ho. Hi vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn và những người thân trong gia đình.
[embed-health-tool-bmi]