Nhiều người mắc bệnh lao tiềm ẩn sẽ không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào. Một số khác, đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, có thể phát triển các triệu chứng khi bệnh lao hoạt động. Vì vậy, làm xét nghiệm lao là vô cùng cần thiết.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể về việc xét nghiệm lao trong bài viết sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Xét nghiệm lao là gì?
Xét nghiệm lao được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra xem bạn có bị nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, là nguyên nhân gây bệnh lao hay không. Có hai loại xét nghiệm lao giúp sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn bao gồm:
- Xét nghiệm lao qua da hay xét nghiệm Mantoux (TST). Xét nghiệm lao qua da đo phản ứng của hệ thống miễn dịch với dung dịch dẫn xuất protein tinh khiết (lao tố hay PPD) được tiêm dưới da. PPD là một loại protein đến từ vi khuẩn gây bệnh lao – Mycobacterium tuberculosis. Nếu bạn đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao, da sẽ phản ứng với kháng nguyên bằng cách phát triển một vết sưng đỏ, cứng tại chỗ tiêm trong vòng ba ngày.
- Xét nghiệm máu lao hay xét nghiệm giải phóng Interferon-Gamma (IGRA). Hai xét nghiệm máu để chẩn đoán lao được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận bao gồm: QuantiFERON-TB Gold Plus (QFT-Plus) và xét nghiệm T-SPOT-TB (T-Spot). Trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn bị nhiễm lao, các tế bào máu từ mẫu máu sẽ giải phóng một loại protein gọi là interferon-gamma (IFN- γ) khi trộn với các kháng nguyên có nguồn gốc từ Mycobacterium tuberculosis trong phòng thí nghiệm.
Xét nghiệm lao trên da phổ biến hơn và là loại xét nghiệm ưu tiên cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, xét nghiệm lao qua máu lại phù hợp hơn với một số đối tượng, chẳng hạn như những người đã tiêm thuốc chủng ngừa lao, những người có hệ miễn dịch bị tổn thương hoặc những người không kịp quay trở lại trong vòng 78 giờ để kiểm tra phản ứng với xét nghiệm lao qua da.
Cả hai loại xét nghiệm lao này đều hoạt động bằng cách đo phản ứng của hệ thống miễn dịch với các kháng nguyên lấy từ vi khuẩn gây bệnh lao. Kháng nguyên là bất kỳ chất nào khiến hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại nó.
Các xét nghiệm này có thể cho biết bạn đã từng tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh lao hay chưa, nhưng chúng không thể xác định bạn bị nhiễm lao tiềm ẩn (không hoạt động) hay bệnh lao đang hoạt động.
Bạn sẽ cần các xét nghiệm bổ sung khác, chẳng hạn như chụp X-quang, xét nghiệm đờm,… hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác để xem liệu bạn có bị nhiễm trùng lao đang hoạt động hay không.
Khi nào nên thực hiện xét nghiệm lao?
Bạn có thể cần xét nghiệm lao nếu bạn có các triệu chứng của nhiễm trùng lao đang hoạt động hoặc nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh lao.
Các triệu chứng của nhiễm trùng lao đang hoạt động bao gồm:
- Ho nặng kéo dài hơn hai tuần
- Đau ở ngực
- Ho ra máu hoặc đờm (chất nhầy)
- Mệt mỏi hoặc suy nhược
- Ăn mất ngon
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Ớn lạnh và sốt
- Đổ mồ hôi đêm.
Ai nên làm xét nghiệm lao?
Bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn nếu bạn:
- Đã từng tiếp xúc với một người bị nhiễm lao đang hoạt động.
- Là một nhân viên làm việc tại bệnh viện, trung tâm chăm sóc trẻ em, hoặc các cơ sở y tế khác.
- Sống hoặc làm việc ở nơi có tỷ lệ nhiễm lao cao, bao gồm các trại tạm trú cho người vô gia cư, viện dưỡng lão và nhà tù.
- Có tình trạng sức khỏe hoặc dùng thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch.
- Lạm dụng ma túy, thuốc lá, rượu bia
- Đã từng đi du lịch hoặc công tác ở những nơi có dịch bệnh lao bùng phát.
Bạn có thể quan tâm: Biết cách sống chung với người bị bệnh lao để giúp bạn bớt lo lắng
Quy trình
Bạn không cần phải chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm lao qua da hoặc xét nghiệm máu lao phổi. Tiến hành xét nghiệm lao như thế nào? Quy trình thực hiện có thể khác nhau dựa trên loại xét nghiệm được chỉ định.
Quy trình xét nghiệm lao qua da
Xét nghiệm lao qua da được thực hiện bằng cách tiêm một lượng nhỏ chất lỏng (gọi là lao tố hoặc PPD) vào da ở phần dưới của cánh tay. Bác sĩ có thể đánh dấu vị trí tiêm bằng cách dùng bút khoanh tròn khu vực đó. Điều này giúp họ dễ dàng tìm thấy khu vực khi đánh giá phản ứng.
Một vết sưng nhỏ sẽ hình thành nơi tiêm chất lỏng và sẽ biến mất sau vài giờ.
Bệnh nhân sau khi thực hiện xét nghiệm lao tố trên da phải quay lại bệnh viện trong vòng 48 đến 72 giờ để bác sĩ hoặc nhân viên y tế kiểm tra phản ứng trên da ở cánh tay. Kết quả phụ thuộc vào kích thước của vết tiêm, xuất hiện vết sưng cứng tại chỗ tiêm có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng lao.
Điều quan trọng là bạn phải quay lại trong vòng 72 giờ để kiểm tra phản ứng, nếu bỏ lỡ cuộc hẹn, bạn sẽ phải thực hiện lại xét nghiệm lao qua da. Những người bị suy giảm miễn dịch và những người có tình trạng da yếu có thể không có kết quả xét nghiệm da chính xác.
Quy trình xét nghiệm máu lao phổi
Bác sĩ sẽ lấy máu của bệnh nhân và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và đưa ra kết quả. Quá trình lấy máu diễn ra trong khoảng 5 phút, cụ thể như sau:
- Bạn sẽ ngồi trên ghế và bác sĩ sẽ kiểm tra cánh tay để tìm tĩnh mạch dễ tiếp cận ở phần bên trong của cánh tay, phía bên kia khuỷu tay.
- Sau khi đã xác định được tĩnh mạch, họ sẽ làm sạch và khử trùng khu vực đó.
- Sau đó, họ sẽ đưa một cây kim nhỏ vào tĩnh mạch để lấy mẫu máu. Cảm giác này có thể giống như một cái kim châm nhỏ.
- Sau khi họ đưa kim vào, một lượng máu nhỏ sẽ đọng lại trong ống nghiệm.
- Sau khi có đủ máu để xét nghiệm, họ sẽ rút kim ra và giữ một miếng bông hoặc gạc trên chỗ đó để cầm máu.
Để tiến hành xét nghiệm máu lao phổi, các nhà khoa học sẽ trộn mẫu máu của bạn với các kháng nguyên, kiểm soát và đo phản ứng bằng phương pháp gọi là xét nghiệm miễn dịch trong phòng thí nghiệm.
Rủi ro
Những rủi ro có thể gặp phải khi làm xét nghiệm lao
Có rất ít rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện xét nghiệm lao qua da hoặc xét nghiệm máu. Bạn có thể cảm thấy như kim châm nhỏ trên da, nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất.
Đối với xét nghiệm lao qua da, bạn có thể cảm thấy kim châm khi tiêm. Đối với xét nghiệm máu lao, bạn có thể hơi đau hoặc bầm tím tại vị trí lấy máu, nhưng điều này thường nhanh chóng biến mất.
Kết quả
Kết quả xét nghiệm lao qua da
Xét nghiệm lao bao lâu có kết quả? Bạn thường phải chờ từ 48 đến 72 giờ (khoảng 2 đến 3 ngày) để có kết quả xét nghiệm lao qua da. Kết quả phụ thuộc vào phản ứng trên da của bạn. Cụ thể như sau:
- Dương tính: Sự thay đổi về kích thước của vết tiêm, xuất hiện các vết sưng, cứng, đỏ tại vị trí tiêm và vết này có kích thước lớn hơn 5mm.
- Âm tính: Âm tính là khi không xuất hiện các vết sưng tại vị trí tiêm hoặc các vết này có kích thước dưới 5mm. Kết quả âm tính có nghĩa là cơ thể người đó không phản ứng với lao tố và chưa tiếp xúc với vi khuẩn lao. Bạn có thể cần lặp lại xét nghiệm này một lần nữa ở một vị trí khác trên cơ thể (chẳng hạn như cánh tay còn lại) nếu âm tính nhưng vẫn có các triệu chứng của bệnh lao.
Lưu ý rằng các xét nghiệm này chỉ cho biết bạn đã tiếp xúc với vi khuẩn hay chưa chứ không giúp phân biệt bệnh đang hoạt động hoặc tiềm ẩn. Những người đã tiêm chủng ngừa lao (BCG) có thể cho kết quả xét nghiệm da dương tính giả.
Kết quả xét nghiệm máu lao phổi
Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm máu lao phổi trong vòng một đến hai ngày, mặc dù có thể lâu hơn.
- Dương tính: Điều này có nghĩa là người đó đã bị nhiễm vi khuẩn lao. Các xét nghiệm bổ sung là cần thiết để xác định xem người đó có bị nhiễm lao tiềm ẩn hoặc bệnh lao hay không.
- Âm tính: Điều này có nghĩa là máu của người đó không phản ứng với xét nghiệm và không có khả năng nhiễm lao tiềm ẩn hoặc bệnh lao.
Xét nghiệm lao ở đâu TPHCM?
Bạn không thể tự thực hiện làm xét nghiệm tại nhà. Vì vậy, hãy tìm một bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để thực hiện loại xét nghiệm này. Xét nghiệm lao phổi bao nhiêu tiền cũng sẽ tùy thuộc vào loại xét nghiệm được chỉ định và phí dịch vụ tại cơ sở làm xét nghiệm.
Vậy, xét nghiệm lao ở đâu TPHCM? Một số gợi ý sau đây sẽ hữu ích cho bạn:
- Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch – Địa chỉ: Số 120 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, TP.HCM
- Phòng khám Phổi Việt – Địa chỉ: Số 20 – 22 Ngô Quyền, Phường 5, Quận 10, TP.HCM
- Bệnh viện Quốc tế City – Địa chỉ: Số 3 đường số 17A, Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP.HCM
- Bệnh viện Nhân dân Gia định – Địa chỉ: Số 1 Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
- Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM – Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM
Bạn có thể quan tâm: Bệnh lao có tự khỏi không và nên điều trị bệnh như thế nào?
Bệnh lao có thể gây tử vong nếu không được làm xét nghiệm lao sớm và điều trị đúng cách. Cả bệnh lao hoạt động và tiềm ẩn đều nên được điều trị sớm. Hầu hết các trường hợp bệnh lao có thể được chữa khỏi nếu bạn dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
[embed-health-tool-bmi]