backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

4

Hỏi bác sĩ
Lưu

Giải đáp thắc mắc uống thuốc lao bao lâu thì hết ho?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 28/03/2022

    Giải đáp thắc mắc uống thuốc lao bao lâu thì hết ho?

    Trong số các triệu chứng của bệnh lao phổi, có lẽ khó chịu và dai dẳng nhất là ho. Để điều trị, bạn cần uống thuốc trong ít nhất 6 tháng. Rất nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh lao luôn mong muốn nhanh khỏi bệnh và nôn nóng không biết uống thuốc lao bao lâu thì hết ho?

    Uống thuốc điều trị lao thường mất từ 6-9 tháng, hoặc thậm chí lâu hơn. Uống thuốc lao bao lâu thì hết ho và vì sao cần điều trị lâu như vậy? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Triệu chứng ho khi mắc bệnh lao

    Bệnh lao là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn lao có thể tấn công bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể: phổi, da, hạch, ruột,.., phổ biến nhất là phổi.

    Ho kéo dài trên 2 tuần thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh lao phổi. Bệnh thường bắt đầu bằng những cơn ho khan khó chịu và dữ dội. Sau đó, triệu chứng ho có xu hướng nghiêm trọng hơn trong nhiều tháng. Theo thời gian, từ ho khan sẽ thành ho có đờm, đôi khi lẫn máu. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể có triệu chứng ho ra máu ồ ạt (hay còn gọi là ho ra máu sét đánh). Lúc này, nỗi lo của người bệnh về việc uống thuốc lao bao lâu thì hết ho lại càng nhiều hơn.

    uống thuốc lao bao lâu thì hết ho?

    Các triệu chứng phổ biến khác của bệnh lao bao gồm:

  • Đau tức ngực
  • Sốt, ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi
  • Ăn mất ngon
  • Suy nhược hoặc mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Khó thở nếu nhiễm trùng nghiêm trọng và làm tổn thương phổi.
  • Ngoài ra, nếu vi khuẩn lao từ phổi lây lan và gây nhiễm trùng ở các bộ phận khác của cơ thể sẽ gây ra một vài triệu chứng khác, tùy vào nơi bị ảnh hưởng.

    Điều trị lao nên uống thuốc gì?

    Trước khi tìm hiểu uống thuốc lao bao lâu thì hết ho, bạn cũng nên biết khi điều trị lao thì nên uống thuốc gì? Các loại thuốc điều trị lao được kê đơn và thời gian uống sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe tổng thể, khả năng kháng thuốc và vị trí nhiễm trùng trong cơ thể.

    Bạn sẽ cần dùng nhiều loại kháng sinh khác nhau. Uống kết hợp thuốc sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc tiêu diệt tất cả vi trùng lao và ngăn chúng trở nên kháng thuốc.

    Các loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị bệnh lao bao gồm:

    • Isoniazid
    • Rifampin
    • Ethambutol
    • Pyrazinamide

    Nếu bạn bị lao kháng thuốc, cần phối hợp thêm các thuốc khác nữa để đạt hiệu quả điều trị. Thời gian dùng thuốc lúc này thường kéo dài trong 9-20 tháng, tùy thuộc vào loại phác đồ được sử dụng.

    Uống thuốc lao bao lâu thì hết ho?

    uống thuốc lao bao lâu thì hết ho và nên uống thuốc gì?

    Bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, hết ho và không còn khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác chỉ sau vài tuần điều trị. Khoảng thời gian chính xác sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng thường là 2 tuần. Dù vậy, cần tối thiểu 6 tháng hoặc lâu hơn để có thể tiêu diệt hết vi khuẩn lao trong cơ thể.

    Vì vậy, điều quan trọng không phải là uống thuốc lao bao lâu thì hết ho, mà mục tiêu phải là loại bỏ triệt để vi khuẩn lao. Tuyệt đối không được tự ý ngừng dùng thuốc ngay cả khi đã hết ho, phải hoàn thành phác đồ điều trị. Điều này ngăn ngừa các triệu chứng tái phát và giảm nguy cơ vi khuẩn lao trở nên kháng thuốc.

    Sau khi dùng hết thuốc, bạn cũng cần đi khám lại để đảm bảo chắc chắn vi khuẩn lao đã được loại trừ hoàn toàn.

    Tại sao phải uống thuốc điều trị lao lâu như vậy?

    Như đã nói ở trên, phác đồ điều trị lao có thể kéo dài từ 6-9 tháng thì mới loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn lao ra khỏi cơ thể.

    Việc ngừng uống thuốc trị lao quá sớm, bỏ liều hoặc không dùng đủ tất cả các loại thuốc theo đúng chỉ định sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lao còn sống sót bùng phát trở lại và biến đổi để kháng thuốc.

    Lúc này, bệnh sẽ nghiêm trọng hơn, kéo dài và khó điều trị hơn. Khi lao kháng thuốc – tức là những loại thuốc cũ không còn tác dụng, bạn phải dùng những loại thuốc mới trong thời gian dài hơn, giá cao hơn với nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp này, câu trả lời cho vấn đề uống thuốc bao lâu thì hết ho không phải là 2 tuần hay vài tuần mà có thể kéo dài lên đến vài tháng.

    Thậm chí, nhiều người bị lao đa kháng rất khó chữa, không thể khỏi hoàn toàn được. Kháng kháng sinh càng nhiều, sau này khi điều trị bất kể bệnh nào về nhiễm trùng càng khó khăn, thậm chí tử vong vì không có thuốc nào hiệu quả.

    Những lưu ý khác khi uống thuốc điều trị lao

    uống thuốc lao bao lâu thì hết ho và những lưu ý khác

    Sau khi đã hiểu rõ uống thuốc lao bao lâu thì hết ho, bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề sau đây trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh lao:

  • Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày, chẳng hạn như, uống thuốc lao trước khi ăn sáng để hạn chế quên hoặc bỏ lỡ liều.
  • Nhờ một thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè xung quanh nhắc nhở việc uống thuốc.
  • Bỏ thuốc vào hộp thuốc hàng tuần và để cạnh giường hoặc trong ví, hay những nơi nào mà bạn dễ dàng nhìn thấy nhất.
  • Đánh dấu mỗi ngày trên lịch sau khi đã uống thuốc.
  • Nếu quên uống thuốc lao 1 ngày, hãy bỏ qua liều đó và dùng liều kế tiếp theo phác đồ điều trị. Sau đó, hãy nói với bác sĩ rằng bạn đã bỏ lỡ một liều thuốc để được hướng dẫn.
  • Thăm khám định kỳ và báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào đang gặp phải với bác sĩ.
  • Tránh uống rượu khi đang điều trị bệnh lao bởi rượu có thể làm tăng tác dụng phụ và độc tính của thuốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan.
  • Nếu có thai khi đang dùng thuốc điều trị lao, hãy cho bác sĩ biết để thay đổi loại thuốc phù hợp.
  • Bạn thấy đấy, uống thuốc lao bao lâu thì hết ho không quan trọng bằng việc phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của bác sĩ. Uống thuốc đúng cách, đúng liều lượng theo phác đồ điều trị để tiêu diệt vi trùng lao một cách dứt điểm. Bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của bạn trong quá trình điều trị để đảm bảo thuốc đang phát huy tác dụng tốt, giúp bạn sớm khỏi bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 28/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo