backup og meta

Cách điều trị bệnh cúm A tại nhà nhanh khỏi cho trẻ em và người lớn

Cách điều trị bệnh cúm A tại nhà nhanh khỏi cho trẻ em và người lớn

Hầu hết những người bị cúm A đều có thể tự khỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh lại khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi, khó chịu. Lúc này, bạn có thể áp dụng các cách điều trị bệnh cúm A tại nhà theo hướng dẫn bên dưới để để mau khỏi bệnh hơn.

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Những nguyên tắc trong cách điều trị bệnh cúm A tại nhà

1. Tuân thủ biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh

Việc đầu tiên bạn cần làm ngay khi được chẩn đoán mắc cúm A là chủ động cách ly để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh trong gia đình hoặc cộng đồng:

  • Người bệnh cần sinh hoạt ở không gian riêng cho đến khi những triệu chứng của bệnh khỏi hẳn (trong khoảng 7 ngày). Trường hợp bệnh nhân cần ra ngoài thì cần đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Tuyệt đối không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, ly uống nước… với những thành viên khác trong gia đình. Đồng thời hạn chế cầm nắm, chạm vào những vật dụng mà cả gia đình cùng sử dụng.
  • Không tiếp xúc với những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng nếu bị lây nhiễm cúm A như người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, trẻ em.

các cách điều trị bệnh cúm A tại nhà

2. Tuân thủ cách điều trị bệnh cúm A tại nhà cho đối tượng phù hợp

2.1. Cách điều trị cúm A tại nhà nhanh khỏi cho người lớn

  • Uống nhiều nước: Virus cúm A thường khiến người bệnh nôn ói, tiêu chảy, sốt. Những triệu chứng này dễ gây tình trạng mất nước cho người bệnh. Vì thế, bệnh nhân cần tích cực bổ sung nhiều loại nước cho cơ thể, bao gồm: nước có chứa các chất điện giải, nước lọc, nước ép rau, củ, quả…
  • Ăn thức ăn lỏng như cháo, súp để dễ tiêu hóa và hỗ trợ cải thiện nhiễm trùng hô hấp.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm để tăng cường miễn dịch.
  • Giữ không gian sống thoáng đãng, dùng máy tạo ẩm nhưng vệ sinh thường xuyên để tránh nấm mốc.
  • Xông hơi giúp thông đường thở, loại bỏ đờm.
  • Chườm ấm lên trán, mũi để giảm đau đầu, thư giãn.
  • Súc miệng, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để ngăn nhiễm trùng.
  • Nhờ người thân hỗ trợ nếu cảm thấy mệt mỏi.
  • Dùng paracetamol khi sốt trên 39°C, tránh dùng aspirin.
  • Chỉ dùng kháng sinh theo chỉ định bác sĩ.
  • Đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu: không giảm sốt, hụt hơi, khó thở, đau ngực, mất nước, bồn chồn, nôn nhiều hoặc ăn uống kém.

cách điều trị bệnh cúm A tại nhà bằng thuốc giảm đau không kê đơn

2.2. Cách điều trị  cúm A cho trẻ nhỏ

Khi chăm sóc trẻ bị mắc cúm A tại nhà, mẹ cần lưu ý:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi, uống đủ nước, có thể dùng nước ép trái cây, cháo, súp và bổ sung điện giải nếu cần theo tư vấn bác sĩ.
  • Nếu trẻ còn bú mẹ, nên cho bú nhiều hơn.
  • Chia nhỏ bữa ăn giúp trẻ dễ tiêu hóa.
  • Theo dõi số lần đi tiểu, lượng nước tiểu để phát hiện dấu hiệu mất nước.
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý để giảm nghẹt mũi, tránh bội nhiễm.
  • Tắm cho trẻ bằng nước ấm, giữ không gian thoáng đãng, tránh gió lùa.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thấm hút tốt.
  • Hạ sốt bằng Paracetamol nếu nhiệt độ trên 38.5°C (tránh aspirin).
  • Ho thường tự hết sau 2 tuần, không cần dùng thuốc ho cho trẻ dưới 6 tuổi khi không có chỉ định của bác sĩ.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nguy hiểm như:

  • Sốt cao, co giật, sốt kéo dài trên 3 ngày.
  • Mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn.
  • Nôn mửa, tiêu chảy, mất nước (không có nước mắt khi khóc, không đi tiểu 8 giờ).
  • Ho kéo dài, khó thở.
  • Trẻ ngủ li bì, không tỉnh táo sau khi hết sốt.
  • Phát ban.

Mẹ cần theo dõi sát sao những triệu chứng bất thường của con để can thiệp ý tế kịp thời, tránh biến chứng cho trẻ.

Trẻ em mắc bệnh cúm A

2.3. Cách điều trị bệnh cúm A tại nhà cho phụ nữ mang thai

Mẹ bầu mắc cúm A có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bệnh nhân cần thăm khám sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ để bảo vệ cả mẹ và thai nhi. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Việc điều trị tại nhà tương tự người lớn, nhưng mẹ bầu cần đến cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu:

  • Mệt nhiều
  • Khó thở, tức ngực
  • Mất nước
  • Bồn chồn
  • Nôn ói nhiều, ăn uống kém
  • Đau bụng dưới hoặc ra máu âm đạo.

Bà bầu bị cúm A

Cúm A uống thuốc gì cho nhanh khỏi?

Hầu hết những người bị cúm A sẽ khỏi bệnh mà không cần điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ cao mắc biến chứng khi nhiễm cúm thì cần điều trị bằng một số loại thuốc kháng virus đặc biệt khác. Vậy bị cúm A uống thuốc gì cho nhanh khỏi?

1. Thuốc giảm đau không kê đơn

Để giảm nhẹ các triệu chứng cúm A như đau đầu, sốt cao, bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen hay aspirin.

Hãy thận trọng khi áp dụng cách điều trị cúm A tại nhà cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên bằng thuốc aspirin.
Mặc dù aspirin được chấp thuận sử dụng cho trẻ em trên 3 tuổi, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng tương tự cúm không nên dùng aspirin. Bởi aspirin có thể gây ra hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng ở trẻ em.

2. Thuốc kháng virus

cách điều trị cúm A tại nhà bằng thuốc kháng virus

Người bị cúm A nên uống thuốc gì? Người bệnh có thể dùng thuốc kháng virus được bác sĩ kê đơn trong vòng một hoặc hai ngày đầu tiên khi có triệu chứng. Chúng có thể giúp triệu chứng nhẹ hơn và ngăn ngừa biến chứng.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt bốn loại thuốc kháng virus sau trong điều trị cúm A:

Thuốc có hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu có các triệu chứng. Nếu được bác sĩ kê đơn thuốc kháng virus để điều trị cúm A tại nhà, bạn nên uống hết thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Không phải ai bị cúm A cũng cần dùng thuốc kháng virus. Thuốc chỉ dùng cho người có nguy cơ biến chứng cao hoặc người bệnh đang tiếp xúc gần với người có nguy cơ biến chứng cao. Họ bao gồm:
  • Người đang ở bệnh viện, viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc dài hạn khác.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Người lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc trong vòng hai tuần sau khi sinh, kể cả phụ nữ bị sảy thai.
  • Người dưới 19 tuổi và đang điều trị bằng aspirin dài hạn.
  • Người bị béo phì với chỉ số khối cơ thể trên 40.
  • Người mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như hen suyễn, khí phế thũng, bệnh tim, tiểu đường, bệnh thần kinh cơ hoặc bệnh thận, gan hoặc máu.
  • Người bị ức chế miễn dịch hoặc suy giảm hệ miễn dịch do một số loại thuốc hoặc nhiễm HIV.
Ngoài ra, nếu bạn mắc bệnh hô hấp mạn tính, bác sĩ có thể cần kê đơn thêm các loại thuốc khác để giúp giảm nhẹ triệu chứng.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp về bệnh cúm A

1. Tại sao cúm A lại ho nhiều?

Khi bị nhiễm cúm A, virus cúm sẽ tấn công trực tiếp vào niêm mạc đường hô hấp, gây tổn thương và kích ứng tại đây. Điều này tạo điều kiện cho niêm mạc tiết ra nhiều dịch nhầy hơn, gây ho để cơ thể tự động tống dịch nhầy ra ngoài. Về nguyên tắc, ho là một phản xạ có lợi của cơ thể để bảo vệ đường hô hấp.

2. Ho sau cúm kéo dài bao lâu?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hầu hết người bị cảm cúm không biến chứng sẽ kéo dài từ 5 – 7 ngày, bao gồm cả trẻ em. Tuy nhiên, cơ ho sau cúm thường kéo dài ngay cả sau khi các triệu chứng điển hình của bệnh đã thuyên giảm vì niêm mạc đường hô hấp cần thời gian để phục hồi hoàn toàn. Thông thường, cảm giác mệt mỏi và cơn ho sau cúm có thể kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn.

ho sau cúm A

3. Tôi nên làm gì khi tiếp xúc với người bị cúm A?

Virus cúm A lây qua đường hô hấp, thông qua giao tiếp, tiếp xúc thường ngày. Khi đã tiếp xúc với người bị cúm A, bạn nên:

  • Theo dõi sức khỏe trong 7 ngày sau khi tiếp xúc.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
  • Hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
  • Bổ sung vitamin C, uống đủ nước và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  • Tránh tiếp xúc gần với trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người có bệnh nền.
  • Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính), hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc kháng virus dự phòng.
  • Nếu xuất hiện sốt cao, khó thở, ho nhiều hoặc mệt mỏi nghiêm trọng, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

4. Cúm A lây mạnh nhất khi nào?

Theo CDC, các triệu chứng nhiễm cúm A có thể kéo dài 5-7 ngày sau khi khỏi bệnh. Bệnh lây lan mạnh nhất trong 3 ngày đầu tiên khởi phát. Trong đó, bệnh nhân là trẻ nhỏ và những người có hệ thống miễn dịch yếu có thể có thời gian lây lan dài ngày hơn.

Kết luận

Đa số trường hợp bị cúm A có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể dùng thuốc hỗ trợ hoặc một số cách điều trị cúm A tại nhà kể trên để nhanh chóng giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Bạn đã từng mắc cúm A? Kinh nghiệm điều trị tại nhà của bạn là gì? Hãy nhanh chóng chia sẻ với cộng đồng độc giả của HelloBacsi qua phần bình luận ngay dưới bài viết này nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

H1N1 flu (swine flu). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/swine-flu/diagnosis-treatment/drc-20378106. Ngày truy cập: 11/2/2025

Frequently Asked Questions About H1N1 Flu (Swine flu). https://www.hopkinsmedicine.org/news/stories/flu/h1n1_faqs_archive.html. Ngày truy cập: 11/2/2025

H1N1 Influenza. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK513241/. Ngày truy cập: 11/2/2025

H1N1 Flu (Swine Flu). https://medlineplus.gov/h1n1fluswineflu.html. Ngày truy cập: 11/2/2025

Phải làm gì khi nghi ngờ mắc cúm A/H1N1? https://tytphuongtamphu.medinet.gov.vn/bac-si-gia-dinh/phai-lam-gi-khi-nghi-ngo-mac-cum-ah1n1-c12648-22950.aspx. Ngày truy cập: 11/2/2025

Variant Influenza Virus Treatment. https://www.cdc.gov/flu/swineflu/variant-treatment.htm. Ngày truy cập: 11/2/2025

Phiên bản hiện tại

19/02/2025

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Triệu chứng cúm B khác gì với cúm A?

Trị cảm cúm bằng gừng có hiệu quả không? Cách thực hiện và những lưu ý


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 4 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo