Chớ coi thường các triệu chứng khi ngủ đáng báo động, bởi rất có thể bạn đang gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe hoặc thần kinh. Hãy xem mình có gặp phải một trong các triệu chứng sau không nhé!
Mỗi khi bạn không khỏe, cơ thể lại phát đi các tín hiệu cho thấy sức khỏe bạn đang có vấn đề. Chẳng hạn như, những cơn ho dai dẳng kéo dài là căn nguyên của viêm phế phổi, viêm phổi hoặc nặng hơn là ung thư; chảy máu bất thường ở âm đạo báo hiệu bạn có thể bị viêm nhiễm phụ khoa, viêm cổ tử cung… Thế mới nói, cơ thể chúng ta diệu kỳ ở chỗ, luôn biết phát tín hiệu đúng lúc để ta tìm đến bác sĩ kịp thời.
Càng diệu kỳ hơn nữa, bạn có thể nhanh chóng “bắt” được những tín hiệu này ngay cả khi đang ngủ. Thông thường, một giấc ngủ của người trưởng thành được xem là chất lượng khi kéo dài từ 7–9 giờ và không tỉnh giấc quá một lần. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong giấc ngủ, bạn chớ bỏ qua mà cần xem dấu hiệu đó nói lên điều gì. Lắng nghe cơ thể mình để biết sức khỏe gặp vấn đề ở đâu, bạn sẽ có cách sửa chỗ đó.
1. Ngáy liên tục
Bạn rất tự tin nếu ngủ cùng ai đó vì không bao giờ để tiếng ngáy làm phiền họ. Song dạo gần đây, họ than phiền rằng tiếng ngáy của bạn quá to và diễn ra hàng đêm đều đặn. Chớ coi thường nhé! Trong hầu hết trường hợp, ngáy không phải điều quá đáng lo (nếu tiếng ngáy có âm lượng bình thường, đều đều). Tuy nhiên, nếu tiếng ngáy của bạn nghe giống như khịt mũi hoặc thở hổn hển, đồng thời bạn luôn cảm thấy thiếu ngủ vào ban ngày, đó là dấu hiệu cho thấy bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Về cơ bản, ngưng thở khi ngủ xảy ra bởi một trong hai lý do: đường hô hấp trên bị tắc nghẽn liên tục trong lúc ngủ, dẫn tới làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng khí phát ra; não không gửi các tín hiệu cần thiết để đường hô hấp hoạt động. Dù bởi lý do nào, bạn cũng sẽ bị ngừng thở nhiều lần trong đêm.
Nếu tình trạng này diễn ra liên tục, kèm theo chứng đau đầu hoặc khô miệng khi thức dậy, bạn cần đi gặp bác sĩ ngay. Bởi lẽ, chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới nguy cơ bị huyết áp cao và gây mệt tim.
2. Thức dậy ướt đẫm mồ hôi
Mỗi lần tỉnh giấc giữa đêm, bạn lại thấy lưng áo mình ướt đẫm mồ hôi. Sáng dậy thì khỏi phải nói, cứ như bạn vừa bước ra từ phòng tắm. Trước tiên, bạn thử cải thiện tình trạng này bằng cách giảm nhiệt độ phòng ngủ và mặc quần áo mỏng nhẹ hơn. Nếu mọi chuyện vẫn vậy, có thể nguyên nhân là do hormone của bạn có sự thay đổi. Tình trạng tuyến giáp và thời kỳ mãn kinh có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, khiến bạn đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
Giải pháp cho bạn là dùng các loại thuốc để điều chỉnh tuyến giáp hoặc giảm bớt những triệu chứng mãn kinh.
3. Nghiến răng liên tục
Bạn rất dễ nhận thấy mình nghiến răng vào ban ngày và cũng dễ dàng kiểm soát tình trạng này. Tuy nhiên, khi nó xảy đến trong giấc ngủ, bạn khó kiểm soát hơn. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng này như căng thẳng, lo lắng, một số loại thuốc, lượng caffeine/rượu hoặc thậm chí bạn đang bị bệnh liên quan đến vùng miệng.
Việc bạn cần làm là chữa trị tận gốc vì nếu không, nghiến răng liên tục trong một thời gian dài sẽ làm mòn men răng, gây ê buốt răng, sứt mẻ răng, đau đầu cũng như một số vấn đề răng miệng khác.
4. Đau (do chuột rút) khi thức dậy
Đang mơ màng tận hưởng giấc ngủ ngon, bạn tỉnh giấc đột ngột vì bị cơn chuột rút hành hạ. Sáng hôm sau, bạn cảm giác mọi cơ bắp đều rệu rã. Dù vậy, dấu hiệu này không cho thấy bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào về sức khỏe. Song nếu chân bạn bị chuột rút kéo dài và đau đến mức đánh thức bạn giữa đêm, chứng tỏ bạn đang bị mất nước, thiếu máu, thiếu máu chất điện giải (như canxi hoặc magiê), viêm khớp…
5. Có hành động kỳ lạ trong giấc ngủ
Bạn được bạn đời thông báo mình có những hành động khó hiểu giữa đêm khuya, nhưng bạn hoàn toàn không nhớ bất cứ điều gì. Đó có thể là nói chuyện, cười, đi bộ… Điều này xảy ra khi bạn tỉnh giấc từ giai đoạn REM của giấc ngủ, khiến cho bạn rơi vào trạng thái chập chờn/chuyển giao giữa ngủ và thức.
Nguyên nhân khiến bạn như vậy là do bạn bị Parasomnias (bệnh mất ngủ giả), một loại rối loạn giấc ngủ gây ra những trải nghiệm không mong muốn trong khi ngủ. Cách khắc phục đơn giản nhất là cắt giảm rượu và caffeine, điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, đồng thời tạo không gian phòng ngủ lý tưởng để có một giấc ngủ trọn vẹn.
6. Đi tiểu nhiều lần
Bàng quang hoạt động quá mức làm bạn thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu. Nếu thực sự như vậy thì không sao. Nhưng nếu bạn bị đánh thức bởi một lý do khác (như chuột rút, ngưng thở…), sau đó cảm thấy mắc tiểu rồi đổ lỗi cho bàng quang, thì đó mới thực sự là vấn đề.
Tình trạng này tuy không tốt nhưng chưa đến mức phải gặp bác sĩ. Trước tiên, bạn cần để ý thói quen mỗi tối của mình: có uống nhiều nước trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ không, có đang uống loại thuốc lợi tiểu nào không… Nếu có, chỉ cần điều chỉnh thói quen một chút là sẽ khắc phục được tình trạng tiểu đêm. Ngược lại, nguyên nhân nằm ở một chứng bệnh khác.
7. Bị đánh thức bởi những cơn ho
Ho quá nhiều vào ban đêm có thể là dấu hiệu của hen suyễn và bệnh tim (nằm trong một thời gian dài sẽ khiến chất lỏng chảy ngược vào phổi). Ngoài ra, ho nhiều còn là dấu hiệu của một số bệnh như trào ngược axít hoặc ợ nóng. Bởi lẽ, tư thế ngủ nằm ngang tạo cơ hội tốt cho axít trong dạ dày di chuyển lên thực quản và gây kích ứng.
8. Bị cơn đau đầu hành hạ khi thức dậy
Chẳng ai muốn đang ngủ bị đánh thức bởi một lý do trời ơi đất hỡi, và càng tệ hơn khi lý do đó là đau đầu. Thực chất, bạn có thể bị đau trong suốt thời gian ngủ, và chỉ tỉnh giấc khi cơn đau lên đến mức không thể chịu được nữa.
Có nhiều nguyên nhân làm bạn chào ngày mới với cái đầu đau nhức, như chứng đau nửa đầu (gần một nửa số người mắc chứng này bị đau đầu trong khoảng từ 4–9 giờ sáng), nghiến răng khi ngủ, ngưng thở khi ngủ… Dù là nguyên nhân nào, bạn cũng không thể coi thường.
9. Không bao giờ ngủ trọn vẹn một đêm
Nếu bạn thức dậy thường xuyên vào ban đêm mà không có lý do rõ ràng, sau đó cực kỳ khó để dỗ giấc ngủ trở lại, bạn có thể bị trầm cảm hoặc lo lắng. Dậy quá sớm (tầm 4 giờ – 4 giờ 30) cũng là dấu hiệu đáng lo.
Chất lượng giấc ngủ kém lặp đi lặp lại hàng đêm không liên quan đến bất cứ triệu chứng thể chất nào. Ngược lại, nó liên quan đến tinh thần nhiều hơn. Trong trường hợp này, bạn nên là nhà trị liệu của chính mình, tự mình chẩn đoán nguyên do để có cách điều trị tốt nhất. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cũng như tập yoga hoặc thiền đều đặn cũng là giải pháp hay.
[embed-health-tool-bmi]