backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trà hoa đậu biếc: Giảm căng thẳng và lo âu hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 3 ngày trước

    Trà hoa đậu biếc: Giảm căng thẳng và lo âu hiệu quả

    Theo các tài liệu y học xưa, trà hoa đậu biếc có thể giúp an thần, giảm bớt căng thẳng, lo âu. Sau này, các nghiên cứu khoa học còn nhận thấy hoa đậu biếc mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe khác.

    Thời gian gần đây, hoa đậu biếc khá là nổi tiếng khi vừa có màu sắc bắt mắt, dùng được trong thực phẩm như làm chất tạo màu tự nhiên, pha chế thành thức uống lại vừa sở hữu nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Loài cây này còn dễ trồng và phổ biến ở nước ta do đó được tìm kiếm sử dụng rất nhiều. Đơn giản nhất là món trà hoa đậu biếc dễ làm, màu sắc đẹp mắt với các lợi ích cho sức khỏe nên được nhiều người thưởng thức hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách pha trà hoa đậu biếc đúng để có tác dụng tốt nhất mà không gây ra những tác động có hại.

    Thành phần hóa học trong hoa đậu biếc

    Đậu biếc có tên khoa học là Clitoria ternatea L., họ Đậu (Fabaceae) là một loài cây leo, thân nhỏ, sống nhiều năm. Hoa đậu biếc có màu xanh tím, xanh lam đậm hoặc trắng nhưng thường thấy nhất là màu xanh tím. Màu sắc này do thành phần hóa học có tên anthocyanin, cụ thể là delphinidin, một sắc tố chống oxy hóa tạo ra.

    Một số thành phần khác được chiết xuất từ hoa đậu biếc gồm ternatin,  anthocyanin, cyclotide, kaemphferone, quercetin, myricetin glycoside,  phytosterol và tocol. Một số thành phần khác: catechin, alkaloid, acetylcholine,…

    Giá trị dinh dưỡng trong hoa đậu biếc   như sau:

    • Vi khoáng: Canxi, Magie, Kali, Natri, Kẽm, sắt 
    • Protein thô 
    • Chất béo 
    • Carbohydrate
    • Chất xơ

    Trà hoa đậu biếc có tác dụng gì?

    Trong y học cổ truyền, hoa đậu biếc có khá nhiều tác dụng, chẳng hạn như lợi tiểu, giải độc,, an thần, giảm bớt căng thẳng, giúp da căng bóng, mịn màng. Trà hoa đậu biếc còn giúp kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa đái tháo đường.

    Với y học hiện đại, các nghiên cứu khoa học về hoa đậu biếc cho thấy nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe mà chúng có thể đem lại, gồm:

    trà hoa đâu biếc
    Trà hoa đậu biếc có nhiều tác dụng đối với sức khỏe
    • Chống oxy hóa: nhóm chất anthocyanin tạo ra màu xanh tím cho hoa đậu biếc có tác dụng chống oxy hóa, chống lại quá trình peroxy hóa lipid (một quá trình làm hỏng màng tế bào, thúc đẩy lão hóa và hình thành hợp chất gây ung thư MDA). Ngoài ra, một nghiên cứu nhỏ trên nhóm đàn ông thừa cân hoặc béo phì cho thấy uống chiết xuất hoa đậu biếc sau bữa ăn nhiều chất béo giúp duy trì mức độ cao của Glutathione peroxidase (Gpx). Gpx là một loại enzym chống oxy hóa giúp giảm quá trình peroxy hóa lipid.
    • Tăng cường sức khỏe tim mạch: trà hoa đậu biếc có thể làm hạ huyết áp, ngăn ngừa hình thành huyết khối và cải thiện nồng độ mỡ màu.
    • Giảm nguy cơ đái tháo đường: các chất chống oxy hóa trong hoa đậu biếc có khả năng ức chế enzym tiêu hóa carbohydrate, như alpha-glucosidase ruột, alpha-amylase tuyến tụy và sucrase ruột làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường nên làm giảm lượng đường trong máu.
    • Hỗ trợ quá trình giảm cân: việc hỗ trợ làm giảm nguy cơ tăng đường huyết cũng sẽ giúp ổn định nồng độ insulin trong máu; do vậy sẽ giảm đề kháng insulin, giảm nguy cơ gây thừa cân, béo phì và hội chứng chuyển hóa.
    • Cải thiện trí nhớ: dù chưa có xác nhận ở người nhưng nghiên cứu trên động cho thấy chiết xuất đậu biếc có thể cải thiện trí nhớ, phòng ngừa chứng mất trí nhớ.
    • Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư: các thành phần chống oxy hóa trong hoa đậu biếc giúp ngăn chặn các tác động có hại do gốc tự do gây ra.
    • Chống viêm và nhiễm trùng: Lượng chất chống oxy hóa cao có trong hoa đậu biếc có đặc tính chống viêm, không chỉ giúp giảm viêm mà còn bảo vệ, chống lại một số bệnh mãn tính. Chất chiết xuất từ hoa ​​đậu biếc đã được sử dụng cho nhiều đối tượng để giảm đau và sưng tấy. Hợp chất flavonoid có trong đậu biếc giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp nó chống lại chứng viêm và nhiễm trùng.

    Hoa đậu biếc còn thường được sử dụng như một chất tạo màu cho thực phẩm vì vừa có màu sắc tươi đẹp vừa an toàn cho sức khỏe.

    Bạn có thể quan tâm:

    Cách sử dụng và pha trà hoa đậu biếc

    Hoa đậu biếc sau khi thu hái sẽ được đem rửa sạch, phơi khô rồi sau đó ủ hoa khô cùng nước nóng để pha thành trà. Nước trà thường có màu xanh dương hơi tím và có thể đổi sang màu tím, đỏ hoặc xanh đậm tùy thuộc vào độ pH. Ví dụ, khi cho vài giọt nước chanh (tăng tính axit) thì nước trà sẽ chuyển thành màu tím nhạt hoặc tím đậm, còn nếu cho thêm hoa dâm bụt thì nước trà sẽ chuyển sang đỏ.

    Sau đây là các bước pha trà hoa đậu biếc tại nhà bạn có thể dễ dàng thực hiện để có được ly trà thơm ngon, đẹp mắt và tốt cho sức khỏe:

    • Lấy khoảng 3-5 bông hoa đậu biếc khô hoặc túi trà hoa đậu biếc được làm sẵn cho vào cốc.
    • Thêm khoảng 250ml nước nóng ở nhiệt độ khoảng 75ºC (nước đun sôi để nguội khoảng 10 phút) và để yên trong 5 phút hoặc đến khi thấy nước có màu xanh dương.
    • Thêm đường hoặc mật ong tùy theo khẩu vị rồi thưởng thức.

    Nếu không muốn uống nóng, bạn hãy để trà nguội rồi thêm đá vào tùy ý thích là sẽ có ngay một cốc trà hoa đậu biếc mát lạnh.

    Uống trà hoa đậu biếc mỗi ngày có tốt không?

    trà hoa đậu biếc
    Chỉ nên uống trà hoa đậu biếc với một lượng vừa phải.

    Mặc dù trà hoa đậu biếc có mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bạn chỉ nên dùng với liều lượng vừa phải.  Trà hoa đậu biếc không chứa Caffein, tuy nhiên cũng không vì thế mà  uống quá nhiều vì có thể gây ra những rối loạn không mong muốn như: buồn nôn, tiêu chảy Mỗi ngày, bạn nên uống 1-2 ly trà (khoảng 5-10 bông hoa đậu biếc, tương đương 1-2g hoa khô).

    Uống trà hoa đậu biếc đúng cách

    Với sự thổi phồng từ truyền thông, trà hoa đậu biếc được “thần thánh hóa” với nhiều công dụng tuyệt vời. Thế nhưng, đây vẫn chỉ là một thức uống hỗ trợ, cải thiện sức khỏe chứ không thể thay thế cho bất kỳ loại thuốc điều trị nào. Nếu lạm dụng, sử dụng sai cách, trà hoa đậu biếc thậm chí còn gây phản tác dụng và khiến người dùng phát sinh thêm nhiều vấn đề.

    Những đối tượng không nên hoặc hạn chế dùng

    Chuyên gia khuyến cáo một số đối tượng không nên hoặc hạn chế dùng hoa đậu biếc, gồm:

    • Người có huyết áp thấp, đường huyết thấp. Hoa đậu biếc có tính hàn, gây lạnh bụng nên những người huyết áp thấp hoặc đường huyết thấp không nên dùng ví có thể khiến các chỉ số này hạ thấp hơn gây choáng váng, chóng mặt, buồn nôn.
    • Phụ nữ đang hành kinh hoặc đang mang thai, người dùng thuốc chống đông máu. Nhóm chất anthocyanin còn có khả năng gây ức chế ngưng kết tiểu cầu, làm giãn mạch máu, thúc đẩy tử cung co bóp nên không dùng cho nhóm đối tượng này để tránh gây ra những tác dụng không mong muốn hoặc giảm tác dụng của thuốc đang dùng.
    • Người cao tuổi, trẻ nhỏ. Người cao tuổi có bệnh nền mạn tính nên thận trọng khi muốn bổ sung bất kỳ thực phẩm nào có chứa anthocyanin như hoa đậu biếc. Trẻ nhỏ cũng không nên dùng trà này do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, tiềm ẩn nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe khó lường.
  • Người đang điều trị bệnh lý mạn tính, người sắp phẫu thuật. Nhóm đối tượng này cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, kể cả hoa đậu biếc.
  • Những sai lầm khi dùng trà hoa đậu biếc

    Ngoài ra, một số sai lầm khi dùng trà hoa đậu biếc cũng có thể khiến cho thành phẩm thu được không phát huy hết tác dụng mà có khi gây ra tác động xấu:

    • Pha trà bằng nước quá nóng hoặc quá nguội. Nếu dùng nước quá nóng, nước sôi pha trà thì có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoa đậu biếc cũng như hương vị trà. Hơn thế, uống trà quá nóng cũng gây tác động đến thực quản, hệ tiêu hóa và răng lợi. Ngược lại, khi dùng nước quá nguội thì các thành phần trong hoa đậu biếc sẽ không tiết ra hết và giảm bớt tác dụng.
    • Hãm trà quá lâu. Thời gian hãm quá lâu sẽ khiến màu sắc trà sẫm lại, đậm màu và mất đi hương vị thơm ngon vốn có. Khi để lâu, các thành phần trong nước trà bị oxy hóa cũng sẽ giảm bớt tác dụng và còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
    • Lạm dụng, cuồng tin vào trà hoa đậu biếc. Tin tưởng mù quáng vào các quảng cáo về công dụng của hoa đậu biếc mà từ chối sử dụng  thuốc điều trị có thể khiến bệnh tình ngày càng thêm nặng, bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất.

    Bạn có thể quan tâm:

    Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu thêm về trà hoa đậu biếc, các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại cũng như cách sử dụng sao cho hiệu quả. Hãy nhớ, đừng dễ dàng tin theo những lời quảng cáo sản phẩm mà sử dụng quá mức, chối bỏ những phương pháp điều trị khác mà gây ra những hậu quả đáng tiếc.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

    Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 3 ngày trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo