Tinh dầu hạt cà rốt tuy có nhiều lợi ích tốt cho làn da và sức khỏe nhưng cũng có thể gây hại nếu bạn dùng sai cách.
Tinh dầu hạt cà rốt được chiết xuất bằng cách chưng cất hạt của cây cà rốt dại (daucus carota). Loại cây này có hoa màu trắng và phần rễ có mùi vị cà rốt. Loại tinh dầu này đôi khi có thể bị nhầm lẫn với dầu cà rốt. Tuy nhiên, dầu cà rốt được làm bằng cách trộn cà rốt nghiền với một loại dầu nền như dầu ô liu hoặc dầu dừa thay vì được chưng cất như tinh dầu hạt cà rốt.
Tinh dầu hạt cà rốt có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm và chống oxy hóa nhưng không chứa những vitamin và chất dinh dưỡng có trong cà rốt.
Lợi ích của tinh dầu hạt cà rốt
Loại tinh dầu này có thể mang đến nhiều lợi ích tốt cho làn da và sức khỏe sau đây:
• Kháng khuẩn: Một nghiên cứu gần đây cho thấy loại tinh dầu kể trên có hiệu quả trong việc kháng một số chủng vi khuẩn. Một số vi khuẩn có thể kể đến là listeria monocytogenes gây nhiễm khuẩn listeria monocytogenes và staphylococcus aureus gây nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Loại tinh dầu này cũng có tác dụng kháng vi khuẩn E-coli và salmonella nhưng lại không hiệu quả như đối với các loại vi khuẩn khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng này là do một hợp chất hóa học gọi là alpha-pinene có mặt trong tinh dầu. Họ cũng cho rằng nồng độ của các hợp chất hóa học trong loại tinh dầu này có thể làm thay đổi tính chất kháng khuẩn của tinh dầu.
• Chống nấm: Một nghiên cứu cho thấy hợp chất hóa học trong loại tinh dầu trên có tên carotol có thể giúp làm giảm hoạt động của các loại nấm ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cũng cho thấy loại tinh dầu này có thể phần nào kháng lại các loại nấm men như candida albicans và aspergillus.
• Chống oxy hóa: Một nghiên cứu động vật được thực hiện trên chuột cho thấy rằng tinh dầu tự nhiên này có thể là một chất chống oxy hóa hiệu quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho biết loại tinh dầu này còn có thể giúp bạn chống lại tổn thương gan.
• Chống lão hóa: Một nguồn nghiên cứu phân tích các đặc tính chống oxy hóa của tinh dầu hạt cà rốt cho thấy rằng loại tinh dầu này có thể giúp bạn trẻ hóa làn da.
• Giúp ích cho hệ tiêu hóa: Alpha-pinene trong tinh dầu có thể giúp giảm tỷ lệ loét dạ dày trong một nghiên cứu động vật được tiến hành trên chuột.
• Chống viêm: Một số báo cáo chỉ ra rằng loại tinh dầu kể trên có đặc tính chống viêm cũng như có thể làm dịu da cơ thể và da đầu.
Vì có lợi ích tốt cho làn da, một số người cho rằng loại tinh dầu tự nhiên này có thể làm kem chống nắng tại nhà. Tuy nhiên, loại tinh dầu này thật ra không thích hợp làm kem chống nắng.
Kem chống nắng trên thị trường thường có ghi kèm chỉ số SPF. Đây là chỉ số đề cập lượng thời gian bạn có thể tiếp xúc với tia UVB mà da không bị đỏ hay rát. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị bạn nên sử dụng kem chống nắng có SPF ít nhất 15 và thực hiện một số biện pháp bảo vệ da khác như đội mũ rộng vành. Một số bác sĩ da liễu cũng khuyên bạn nên sử dụng kem chống nắng SPF từ 30 trở lên. Thế nhưng, tinh dầu hạt cà rốt lại không có SPF nên không thể bảo vệ làn da.
Lưu ý khi dùng tinh dầu hạt cà rốt
Trước khi dùng tinh dầu hạt cà rốt, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
– Tinh dầu này cũng không dùng trong ăn uống như các loại tinh dầu khác.
– Nhiều nghiên cứu về tinh dầu kể trên đều là nghiên cứu ống nghiệm hoặc trên động vật. Vậy nên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại tinh dầu này hỗ trợ điều trị bệnh.
– Bạn nên pha loãng loại tinh dầu này với dầu nền trước khi thoa lên da cơ thể hoặc da đầu.
Nếu thấy da mình không hợp với tinh dầu hạt cà rốt, bạn cũng có thể lựa chọn một số loại tinh dầu khác có tác dụng bổ sung dưỡng chất và làm dịu da tương tự. Một số lựa chọn bạn có thể cân nhắc là tinh dầu hoa oải hương hoặc tinh dầu tràm trà.
Tinh dầu hạt cà rốt mang lại nhiều lợi ích tốt cho làn da như giúp kháng khuẩn, chống nấm, chống oxy hóa hay chống lão hóa. Tuy nhiên, loại tinh dầu này lại không có SPF nên không thể giúp bạn bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời như nhiều người vẫn tưởng. Để sử dụng loại tinh dầu này đúng cách và hiệu quả, bạn cần tìm hiểu thật kỹ cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ nhé.
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]