backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Tác dụng của mướp đắng: Từ món ăn quen thuộc đến vị thuốc

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/08/2022

Tác dụng của mướp đắng: Từ món ăn quen thuộc đến vị thuốc

Mướp đắng (hay khổ qua) từ lâu đã quen thuộc trong mâm cơm của người Việt. Ông bà ta từ xa xưa đã biết tận dụng tác dụng của mướp đắng như một món ăn chữa bệnh. Ngày nay, loại thảo dược này cũng được dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như ung thư, béo phì,… trong đó đặc biệt là đái tháo đường.

Vậy mướp đắng có tác dụng gì với sức khỏe, những điều cần lưu ý khi dùng mướp đắng làm thuốc chữa bệnh là gì, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay sau đây nhé! 

Thành phần dinh dưỡng trong mướp đắng 

Mướp đắng (hay khổ qua) có tên khoa học là Momordica charantia, thuộc họ Cucurbitaceae (Bí) được trồng nhiều ở Việt Nam và các nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới. Mặc dù có vị đắng nhưng nhờ vào thành phần hóa thực vật có khả năng tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, mướp đắng được trồng và sử dụng phổ biến ở rất nhiều nơi trên thế giới. 

Tác dụng của các thành phần hóa thực vật trong mướp đắng: 

  • Polysaccharide có tác dụng chống oxy hóa, đái tháo đường, tăng cường miễn dịch, bảo vệ hệ thần kinh và chống lại khối u.
  • Terpenoids trong thân và trái có tác dụng chống oxy hóa, hạ đường huyết, phòng ngừa ung thư. 
  • Saponin trong quả, rễ, hạt giúp hạ đường huyết, giảm lipid máu và kháng virus. 
  • Phenolics trong mướp đắng có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch. 
  • Sterol giúp kháng khuẩn. 
  • Lipid giúp chống khối u và chống oxy hóa.
  • Peptide và protein có tác dụng chống ung thư, ức chế miễn dịch và kháng khuẩn. 

Tác dụng của mướp đắng trong y học cổ truyền 

tác dụng của mướp đắng

Trong y học cổ truyền, quả mướp đắng được dùng làm thuốc mát, chữa ho, sốt, đái nhắt, đái buốt, phù thũng do gan nhiệt. 

Cách dùng: Ngày dùng 1-2 quả mướp đắng bỏ hạt, nấu ăn. 

Ngoài ra, lá của mướp đắng còn được dùng bôi ngoài để chữa các bệnh da liễu như viêm da, mề đay, áp xe, bỏng,…

Tác dụng của mướp đắng trong y học hiện đại 

Tác dụng của mướp đắng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh tật đã được nhiều nghiên cứu chứng minh làm rõ. Trong đó, một số tác dụng nổi bật của mướp đắng phải kể đến là: 

Kiểm soát đường huyết

Dựa trên các kinh nghiệm dân gian, mướp đắng hứa hẹn là một phương pháp hỗ trợ điều trị tiểu đường tiềm năng với chi phí thấp. Chính vì thế đã có nhiều nghiên cứu in vivo, in vitro, tiền lâm sàng đã được thực hiện để chứng minh tác dụng của mướp đắng đối với bệnh tiểu đường. 

Các nghiên cứu này cũng đã chỉ ra mướp đắng có tác dụng:

  • Làm tăng tiết insulin của tuyến tụy. 
  • Giảm hấp thu glucose ở ruột.
  • Tăng hấp thu và sử dụng glucose ở mô ngoại vi. 
  • Một nghiên cứu kéo dài 3 tháng được thực hiện ở 24 người lớn mắc bệnh tiểu đường cho thấy rằng dùng 2000 mg mướp đắng mỗi ngày làm giảm lượng đường trong máu và A1c – một chỉ số quan trọng để kiểm tra khả năng kiểm soát đường huyết trong máu. 

    Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người với bệnh nhân tiểu đường còn hạn chế. Trong tương lai, với các nghiên cứu tốt trên loài gặm nhấm, các nhà nghiên cứu kỳ vọng có thể hiểu rõ hơn về cơ chế tác dụng của mướp đắng, liều lượng, cách bào chế và cách sử dụng. Để từ đó thiết kế các nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh, phát triển các liệu pháp điều trị tiểu đường tương lai từ mướp đắng.  

    Bạn có thể tham khảo thêm: Cây cỏ ngọt – Thảo dược dành cho người bệnh tiểu đường

    Hỗ trợ điều trị ung thư 

    tác dụng của mướp đắng

    Một số nghiên cứu trong ống nghiệm đã cho thấy chiết xuất mướp đắng có hiệu quả tốt trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư dạ dày, phổi, ruột kết và ung thư vòm họng. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để đưa ra lời giải đáp chính xác cho tác dụng của mướp đắng đối với các tế bào ung thư. Để từ đó, đưa ra các chế phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ loại thảo dược này. 

    Kiểm soát cholesterol máu 

    Hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao sẽ tạo nên các mảng xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Một số nghiên cứu trên động vật đã cho thấy tác dụng của mướp đắng trong việc làm giảm mức cholesterol trong máu, hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch. 

    Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại về các đặc tính giảm cholesterol tiềm năng của mướp đắng chủ yếu chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trên động vật sử dụng liều lượng lớn chiết xuất mướp đắng. Cần có các nghiên cứu bổ sung để đưa ra nhận định rằng liệu có nên mướp đắng có phải là một phần của chế độ ăn cân bằng lipid máu hay không. 

    Sử dụng mướp đắng để giảm cân 

    Khổ qua có hàm lượng calo thấp nhưng lại giàu chất xơ, là một lựa chọn lý tưởng trong chế độ ăn kiêng giảm cân của nhiều người. Một số nghiên cứu trên người và động vật cũng đã chỉ ra rằng chiết xuất mướp đắng có thể giúp giảm mỡ bụng và giảm cân. 

    Một số tác dụng có lợi cho sức khỏe khác của mướp đắng 

    Bên cạnh những công dụng nổi bật kể trên, mướp đắng còn được đánh giá cao bởi những lợi ích sức khỏe đầy tiềm năng như: kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng viêm, điều hòa miễn dịch,…

    Một số lưu ý cần biết khi dùng mướp đắng chữa bệnh 

    Mướp đắng có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe nhưng chúng vẫn có khả năng gây ra tác dụng phụ khi bạn lạm dụng lâu dài, điển hình như bạn có thể bị khó tiêu, đầy bụng ợ hơi và tiêu chảy khi dùng quá nhiều khổ qua. 

    Ngoài ra, cần lưu ý rằng vì mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết nên không sử dụng vị thuốc này cho những ai thường có biểu hiện hạ đường huyết. 

    Đặc biệt lưu ý phụ nữ có thai không nên sử dụng khổ qua vì có khả năng dẫn đến sinh non.

    Mặc dù tác dụng của mướp đắng tốt với sức khỏe là điều không thể bàn cãi, nhưng tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn trước khi có ý định sử dụng chúng như một liệu pháp hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo