Cây xạ đen là một trong những loại thảo dược mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Loại thảo dược có thể dùng dạng tươi hoặc lá phơi khô đem nấu nước uống để chữa bệnh. Vậy tác dụng của cây xạ đen trong các bài thuốc chữa bệnh là gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về công dụng và cách dùng loại dược liệu này qua bài viết sau đây nhé!
Đôi nét về cây xạ đen
Cây xạ đen là một loại dược liệu thuộc họ dây gối, có tên khoa học là Celastrus sp. Cây xạ đen cũng giống như các loại cây Celastraceae rất giàu các hợp chất như glycosid tim, flavonoid, alkaloids… mang lại nhiều tác dụng, trong đó tác dụng nổi bật của cây xạ đen là hỗ trợ điều trị ung thư. Vì thế, theo cách gọi của người dân tộc Mường ở Hòa Bình, cây xạ đen còn gọi là cây ung thư. Đây cũng là vùng phân bố rộng của cây xạ đen tại Việt Nam.
Xạ đen là một loài thực vật thân gỗ và có chiều dài khoảng 3-10m. Cành của cây xạ đen tròn, màu xám nhạt khi còn non, màu nâu khi trưởng thành thành và dần chuyển sang màu xanh. Cây xạ đen có thể được thu hái Phiến lá của cây xạ đen có hình bầu dục, chiều dài chỉ từ 5 – 7mm. Hoa của cây có màu trắng và thường mọc ở phần đầu cành. Còn quả có hình dáng giống quả trứng và chỉ dài khoảng 1cm, có màu vàng cam khi chín.
Xạ đen có thể được thu hái, sử dụng quanh năm nhưng tốt nhất là đợi đến lúc cây già, để đạt được dược tính cao nhất. Rửa sạch phần cây xạ đen vừa thu hái, có thể phơi khô để sử dụng lâu dài. Về công dụng, tác dụng của xạ đen tươi hay lá xạ đen khô đều như nhau và có ứng dụng tương tự nhau trong các bài thuốc chữa bệnh.
Tác dụng của cây xạ đen
Nhờ vào thành phần hóa thực vật dồi dào, tác dụng của cây xạ đen đem lại cho sức khỏe đã được ứng dụng rộng rãi trong Đông y. Trong đó những tác dụng nổi bật của loài thảo dược này bao gồm:
Tác dụng gây độc tế bào trên nghiên cứu in-vitro của cây xạ đen
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Trung Quốc đã chứng minh khả năng chống lại tế bào ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư đại tràng, ung thư gan và ung thư vú của dịch chiết lá xạ đen ở mức gây độc tế bào trung bình và yếu.
Một nghiên cứu khác tại Việt Nam đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng của dịch chiết lá xạ đen Celastrus hindsii Benth lên tế bào ung thư chuột (3 dòng tế bào: ung thư gan, ung thư phổi và ung thư gan – phổi) với mẫu thử là cao cồn xạ đen tách chiết ở kỹ thuật cao. Kết quả cho thấy dịch chiết lá xạ đen có tác dụng mạnh nhất với hai dòng tế bào ung thư gan và phổi, ngoài ra cũng có tác dụng chống oxy hóa. Từ đó cho thấy tiềm năng của lá xạ đen trong việc chống oxy hóa và gây độc với các dòng tế bào ung thư.
Tuy nhiên, lưu ý rằng tác dụng của cây xạ đen trong việc gây độc tế bào chỉ mới được nghiên cứu chứng minh trên dịch chiết được tinh chế bằng kỹ thuật cao để thu lấy hàm lượng cao các chất hóa thực vật trong dược liệu. Trước khi dùng loại lá này như một liệu pháp điều trị ung thư, cần nhiều nghiên cứu về lâm sàng để đưa ra liều dùng và cách dùng hiệu quả.
Cây xạ đen điều trị các bệnh về gan
Một số nghiên cứu chiết xuất và phân lập dược liệu hiện đại cho thấy, trong cây xạ đen có chứa nhiều tanin, flavonoid, polyphenol, acid amin, triterpenoid hay cyanoglucoside… Các hoạt chất này có tác dụng chống oxy hóa, kháng virus, kháng viêm. Từ đó giúp bảo vệ gan, tăng cường đào thải chất độc và mỡ tích tụ trong máu, trong gan. Đồng thời giúp phục hồi các tế bào bị tổn thương, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào khối u ác tính gây ung thư gan.
Chuẩn bị: 50g xạ đen, 30g cà gai leo và 10g mật nhân. Cho tất cả vị thuốc trên nấu cùng với khoảng 2 lít nước trong khoảng 15 phút. Dùng uống thay nước hàng ngày.
Tác dụng chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh
Là một vị thuốc có vị đắng chát, tính hàn, xạ đen có tác dụng giải độc, giả nhiệt. Vì thế, một trong những tác dụng của cây xạ đen được ứng dụng nhiều là chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh.
Một số tác dụng khác của cây xạ đen
Bên cạnh những tác dụng nổi bật kể trên, dược liệu xạ đen với khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa còn được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa mụn nhọt, lở loét da và tăng sức đề kháng, chống lại một số bệnh mãn tính như: tiểu đường, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, thoái hóa xương khớp,…
Cách dùng cây xạ đen và một số lưu ý
Bên cạnh việc hiểu về tác dụng của cây xạ đen với sức khỏe thì việc hiểu rõ cách sử dụng loại dược liệu này như thế nào cũng rất quan trọng. Bạn cần lưu ý một số điều sau đây khi dùng cây xạ đen:
- Trước khi sử dụng, cần rửa sạch cây xạ đen để đảm bảo loại bỏ bụi bẩn và hóa chất tồn đọng trên dược liệu.
- Phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng cây xạ đen.
- Cây xạ đen kỵ rau muống. Vì thế không nên dùng chúng cùng với nhau.
- Trước khi dùng cây xạ đen bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt là khi bạn đang điều trị các bệnh lý mãn tính.
Cây xạ đen là một loại cây mang lại nhiều tác dụng có lợi và an toàn cho sức khỏe, nhưng tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào để trị bệnh hay bổ sung sức khỏe. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng của cây xạ đen và có cách sử dụng vị thuốc này an toàn, hiệu quả nhé!
[embed-health-tool-bmi]