backup og meta

Hỏi đáp bác sĩ: Sinh khương là gì? Dùng sinh khương trị bệnh khi giao mùa ra sao?

Hỏi đáp bác sĩ: Sinh khương là gì? Dùng sinh khương trị bệnh khi giao mùa ra sao?

Bạn đọc hỏi:

Chào bác sĩ, tôi năm nay 32 tuổi, hiện đang sống ở TP. HCM. Những ngày gần đây khi thời tiết giao mùa, tôi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, sốt, nghẹt mũi, ho, hắt hơi đau đầu. Bình thường tôi cũng rất dễ mắc cảm cúm khi giao mùa. Tôi nghe người thân nói sinh khương trị cảm cúm rất hiệu quả. Vậy xin bác sĩ cho tôi biết sinh khương là gì? Và tôi có thể dùng sinh khương để trị bệnh cảm cúm khi giao mùa ra sao? Tôi cảm ơn.

Phương Anh (32 tuổi)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn,

Với câu hỏi: “Sinh khương là gì? Dùng sinh khương trị bệnh khi giao mùa ra sao?“, BS CKI. Võ Thị Nhung (Quân Y Viện 7A) giải đáp như sau:

Hiện nay, thời tiết tại TP. HCM chuyển dần từ mùa mưa sang mùa khô. Khoảng thời gian giao mùa này là điều kiện thuận lợi để xuất hiện các bệnh lý về dị ứng, truyền nhiễm; trong đó bệnh cảm cúm được thống kê là phổ biến hơn cả, đặc biệt là ở các đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc bệnh lý mãn tính. Tuy nhiên, với các triệu chứng như bạn mô tả thì rất có thể bạn chỉ bị cảm lạnh mà thôi.

Cảm lạnh là từ ngữ dân gian để chỉ khi cơ thể bị nhiễm lạnh. Khi bị cảm lạnh, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như hắt xì liên tục, chảy nước mắt, nước mũi trong, đau đầu, mệt mỏi…Theo Y học hiện đại, cả cảm cúm (hay còn gọi là cúm mùa) và cảm lạnh đều có nguyên nhân là do virus. Tuy nhiên, các chủng virus là khác nhau và dẫn đến triệu chứng, mức độ, diễn biến bệnh, chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh là khác nhau.

Theo Y học cổ truyền, cảm lạnh thuộc chứng Thương phong do biểu hiện triệu chứng của bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi sau vài ba ngày. Cảm cúm thuộc phạm trù của Ôn bệnh với các triệu chứng nặng, dễ diễn biến thành dịch. Nguyên nhân là do nhân lúc cơ thể suy yếu mà phong hàn, phong nhiệt phạm vào cơ thể gây bệnh.

Hiện tại, cả cảm cúm và cảm lạnh đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng khi mắc bệnh. Việc tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm được xem là cách tốt nhất để đề phòng cúm. 

Y học cổ truyền từ lâu đã dùng các loại thảo dược để tăng sức đề kháng, nâng cao khả năng phòng bệnh. Trong đó, Sinh khương là vị thuốc được sử dụng phổ biến hơn cả. 

Sinh khương là gì?

Sinh khương thực chất là củ gừng tươi – một gia vị quen thuộc của mọi gia đình. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ tươi của cây Gừng, có tên khoa học là Zingiber officinale Rose thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). 

Theo y học cổ truyền, sinh khương có vị cay tính ấm; quy kinh phế, tỳ, vị; Có tác dụng giải biểu phát hãn, chỉ nôn do lạnh, chỉ khái, giải độc. 

Theo các phân tích thành phần hoạt chất thì trong Gừng có khoảng 2 – 3% tinh dầu, chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic. Ngoài ra còn có chất nhựa dầu (5%), chất béo (3,7%), tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola và shogaola. Vị cay có trong Gừng là do hoạt chất zingeron. 

Tác dụng dược lý: Nước sinh khương có tác dụng co mạch, hưng phấn thần kinh trung ương và thần kinh giao cảm, tăng tuần hoàn, tăng huyết áp, ức chế trung tâm nôn, kích thích tiết dịch ruột. Tinh dầu sinh khương ức chế một số vi khuẩn. 

Sinh khương có vị cay tính ấm; quy kinh phế, tỳ, vị; Có tác dụng giải biểu phát hãn, chỉ nôn do lạnh, chỉ khái, giải độc

Các bài thuốc trị cảm cúm với sinh khương

Trị cảm mạo phong hàn

Tía tô 10g, kinh giới 10g, bạc hà 10g, bạch chỉ 6g, địa liền 6g, vỏ quýt 6g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang trong 3 ngày.

Chữa ho lâu ngày

Gừng sống giã lấy nước cốt (1 thìa) tròn mật ong (1 thìa). Đun nóng hoặc hấp cách thuỷ, uống dần ít một.

Cảm cúm, nhức đầu, ho, cơ thể đau mỏi toàn thân

Gừng sống giã nhỏ, tẩm rượu sao nóng và xoa bóp vào chỗ đau mỏi.

Chữa cảm thấp nhiệt, sốt gai rét, nhức đầu, ngạt mũi, sổ mũi, ho đờm

Gừng sống, hành trắng, mỗi vị 15 – 20g. Sắc lấy nước uống nóng và xông cho ra mồ hôi.

Cảm lạnh nhẹ hoặc mới cảm lạnh

Bạn có thể sử dụng các cách đơn giản hơn như uống trà gừng đối với các trường hợp cảm lạnh nhẹ hoặc mới cảm lạnh.

Cách pha trà gừng:

Nguyên liệu: 2 cốc nước lọc khoảng 400ml, 2 thìa đường trắng hoặc 1 thìa mật ong, 2 thìa gừng tươi giã nát.

Cách pha: Đổ nước vào một chiếc nồi nhỏ, đun sôi nước. Cho gừng tươi giã nát vào một chiếc cốc, đổ nước sôi vào và thêm đường hoặc mật ong vào khuấy đều và uống khi còn nóng. Ngoài gừng thì mật ong còn có tác dụng kháng khuẩn, dịu họng, loãng đờm giảm ho. Nên uống vào buổi sáng, khi vừa bị nhiễm lạnh…

Lưu ý: Liều lượng khuyên dùng sinh khương 5-12g/ngày.

Kiêng kỵ

  • Sinh khương không dùng cho người có triệu chứng của âm hư nội nhiệt, ho do phế nhiệt, nôn mửa do vị nhiệt.
  • Hạn chế dùng sinh khương cho trẻ em dưới 3 tuổi. 
  • Không dùng sinh khương vào buổi tối.

Trân trọng!

Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sinh khương. https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/sinh-khuong. Ngày truy cập: 25/4/2022.

Gừng tươi trị cảm, rối loạn tiêu hóa. https://syt.hanam.gov.vn/Pages/Gung-tuoi-tri-cam–roi-loan-tieu-hoa1415345834.aspx. Ngày truy cập: 25/4/2022.

Ginger. https://www.drugs.com/npp/ginger.html. Ngày truy cập: 25/4/2022.

Phiên bản hiện tại

29/06/2022

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Cách ngâm gừng với mật ong bổ sức khỏe, tăng đề kháng cho trẻ

Hỏi đáp Bác sĩ: Uống nước gừng có giảm cân không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 29/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo