backup og meta

Cây xương khỉ trị bệnh gì, tác dụng, tác dụng phụ và cách uống

Cây xương khỉ trị bệnh gì, tác dụng, tác dụng phụ và cách uống

Cây xương khỉ (hay còn gọi là cây bìm bịp, cây mảnh cộng) là một loại rau ăn và làm bánh khá phổ biến ở nhiều địa phương. Đây còn là dược liệu quý có mặt trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh gan, bệnh xương khớp… 

Hãy cùng tìm hiểu xem cụ thể cây xương khỉ trị bệnh gì, có mấy loại, cách uống ra sao qua bài viết dưới đây trước khi đưa nó vào sử dụng nhé!

Tên thường gọi: Xương khỉ, bìm bịp

Tên gọi khác: Mảnh cộng, lá cầm, ưu độn thảo

Tên khoa học: Clinacanthus nutans

Họ: Ô rô (Acanthaceae)

Tổng quan

Cây xương khỉ là cây gì?

Đặc điểm nhận dạng của xương khỉ như sau:

  • Cây bụi nhỏ, cao trung bình 1 – 1.5m, có khi lên tới 3m.
  • Thân cây màu xanh, cành nhỏ bằng đầu đũa.
  • Lá cây xương khỉ nguyên màu xanh thẫm, cuống lá ngắn, mặt trên lá hơi nhẵn, mặt dưới gân nổi rõ. Nhiều người dùng lá non để nấu canh. Lá khô có mùi giống như cơm nếp rất đặc trưng nên một số nơi dùng làm bánh (bánh mảnh cộng) hay ngâm gạo nếp.
  • Hoa cây xương khỉ (mảnh cộng) màu hồng hoặc đỏ, rủ xuống ở phần ngọn. Tràng hoa gồm 2 môi, môi dưới có 3 răng, bao phấn màu vàng xanh.
  • Quả có cuống ngắn, hình chùy, dài khoảng 1.5cm, bên trong chứa 4 hạt.

Cây này mọc hoang ở nhiều vùng nông thôn nước ta đặc biệt là Tây nguyên và các tỉnh phía Nam. Cây cũng được tìm thấy ở các nước châu Á khác.

Cây xương khỉ có mấy loại? Cây này chỉ có 1 loại duy nhất. Tuy nhiên, nhiều người thường nhầm lẫn với cây hoàn ngọc (còn gọi là cây con khỉ), cũng mọc thành bụi và đều thuộc họ Ô rô. Bạn có thể phân biệt bằng cách nhìn vào lá và hoa của nó. Lá hoàn ngọc to hơn lá xương khỉ. Hoa xương khỉ có màu hồng đến đỏ, trong khi hoa hoàn ngọc có màu trắng pha tím.

Bộ phận dùng của cây xương khỉ

Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây nhưng chủ yếu sử dụng nhiều nhất là lá cây.

Cây lá được thu hái quanh năm, dược liệu sau khi thu hái đem rửa sạch và dùng tươi hoặc cắt thành khúc ngắn rồi phơi hoặc sấy khô. Ngọn cây hoặc lá có thể dùng để gói bánh hoặc nấu canh. Đối với dược liệu khô cần được cho vào túi nilon và bảo quản ở điều kiện khô ráo, thoáng mát.

Thành phần hóa học trong xương khỉ

Dược liệu này chứa:

  • Nhiều vitamin, khoáng chất
  • Tanin
  • Flavonoid
  • Glycosid
  • Glycoglycerolipids
  • Cerebroside 
  • Monoacylmonogalatosylglycerol
  • Chất xơ
  • Chất đạm
  • Chất béo.

Tác dụng, công dụng

Cây xương khỉ có tác dụng gì?

Cây xương khỉ trị bệnh gì?

Tác dụng của cây xương khỉ theo Y học cổ truyền

Trong Đông y, cây này có vị ngọt, tính bình, mùi thơm. Tác dụng của cây xương khỉ là thanh nhiệt, giải độc gan, điều trị các trường hợp nóng gan và làm lợi mật; chỉ thống, trị huyết ứ,…

Vậy, cây xương khỉ trị bệnh gì? Trong dân gian, sử dụng loài cây này để:

  • Cải thiện huyết áp
  • Trị bệnh ở gan bao gồm viêm gan, vàng da
  • Trị bệnh ở xương khớp bao gồm gãy xương, đau vai gáy, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp
  • Trị viêm xoang
  • Hỗ trợ điều trị ung thư giai đoạn đầu do hoạt chất flavonoid trong dược liệu xương khỉ có công dụng chống oxy hóa cực mạnh, do đó giúp tăng cường lưu thông máu, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.
Trong Y học cổ truyền ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc, cây xương khỉ được dùng để điều trị phát ban trên da, côn trùng và rắn cắn, các tổn thương do virus Herpes simplex, bệnh tiểu đường và bệnh gút.

Tác dụng của cây xương khỉ theo Y học hiện đại

Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy cây xương khỉ chứa hàm lượng lớn hoạt chất flavonoid có tác dụng kháng viêm, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. Các hoạt chất khác có trong xương khỉ như flavon, glycosind, vitamin và khoáng chất, tanin, chất xơ…Các thí nghiệm dược lý đã chứng minh rằng nhiều loại chiết xuất và hợp chất tinh khiết lấy từ cây này có tác dụng:

  • Chống viêm, điều trị viêm dạ dày, viêm họng và các bệnh lý ngoài da như vàng mắt, vàng da…
  • Kháng vi khuẩn, virus do loài thảo dược này có chất kháng sinh tự nhiên có tác dụng ức chế, tiêu diệt virus gây viêm phế quản.
  • Hỗ trợ làm giảm đường máu, hạ cholesterol, chống tiểu đường, hạn chế nguy cơ các bệnh lý tim mạch.
  • Chống oxy hóa, công dụng giảm men gan; phục hồi chức năng gan bị tổn thương do các chất độc hại, bia rượu.
  • Điều trị các bệnh lý về xương khớp như phong tê thấp, đau nhức, gãy, còi xương.
  • Chống ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư như u hạch, phổi, gan…
  • Điều hòa miễn dịch, tăng cường sức khỏe, cung cấp dinh dưỡng và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
  • Giúp làm giảm sẹo, nhanh lành vết thương, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da.
  • Hỗ trợ cầm máu.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của cây xương khỉ là bao nhiêu?

Liều dùng của dược liệu này thay đổi tùy theo từng cách dùng. 

  • Nếu dùng cây khô hãm nước uống, bạn sử dụng 30-40g hãm nước.
  • Dùng ngoài da không kể liều lượng.
  • Nếu bạn muốn ngâm rượu, chỉ cần lấy thân cây xắt lát, đem sao vàng hạ thổ rồi ngâm với rượu 40 độ trong 3 tháng. Khi uống, bạn lấy 15ml rượu mỗi lần để trị tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, say xe.

Một số bài thuốc có cây xương khỉ

Cây xương khỉ có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?

bài thuốc từ cây xương khỉ

Cách uống cây xương khỉ trong những bài thuốc dân gian như sau:

1. Cây xương khỉ trị ung thư

Cách 1:

  • Nguyên liệu: 30g xương khỉ, 40g xạ đen, 30g hoa đu đủ đực
  • Cách làm: Tất cả nguyên liệu đem nấu với 1.5 lít nước để uống trong ngày.

Cách 2:

  • Lấy 10 lá cây xương khỉ đã được rửa sạch, đem nhai kỹ và nuốt.
  • Mỗi ngày thực hiện 3- 5 lần và duy trì trong thời gian 3 tháng sẽ giúp làm giảm các cơn đau. Trường hợp bệnh lý đã kéo dài có thể tăng liều lên 15 lá mỗi lần dùng và ăn 6 lần mỗi ngày.

2. Trị các bệnh về gan mật

Cách 1:

  • Nguyên liệu: 30g toàn cây xương khỉ khô, 20g râu ngô, 16g sâm đại hành, 12g lá vọng cách, 12g lá quao, 10g trần bì
  • Cách làm: Tất cả nguyên liệu đem sắc cùng 1 lít nước trên lửa nhỏ trong 30 phút. Nước sắc thu được đem chia thành 3 phần, uống 3 lần trong ngày.

Cách 2:

  • Nguyên liệu: 30g cây xương khỉ, 15g mỗi vị thuốc gồm trần bì, lá vọng cách, 20g râu ngô, 10g sâm đại hành. 
  • Cách làm: Sắc hỗn hợp dược liệu với 1,5 lít nước đến khi còn 800ml thì dừng lại. Nước thuốc được chia nhiều lần uống trong ngày.

3. Hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm

Bài thuốc 1:

  • Nguyên liệu: 80g lá xương khỉ tươi, 50g sâm đại hành, 50g cây thuốc cứu tươi
  • Cách làm: Toàn bộ nguyên liệu đem giã nhuyễn, thêm chút giấm vào và xào nóng lên. Vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn lấy hỗn hợp đắp vào vị trí bị đau khi còn đang ấm rồi băng lại. Buổi sáng mở ra. Thực hiện bài thuốc này từ 5-10 ngày liên tục.

Bài thuốc 2: Bài thuốc trị bong gân, đau nhức do gãy xương

  • Nguyên liệu: 30g xương khỉ, 30g ngải cứu, 20g sâm đại hành
  • Cách làm: Tất cả nguyên liệu đem sắc cùng 2 lít nước cho đến khi còn khoảng 1 lít. Nước sắc thu được đem uống trước khi ăn. Bã thu được thêm vào củ gừng tươi giã nhuyễn, trộn đều, đắp vào vị trí bị đau cho đến khi hết hơi nóng thì bỏ ra.

4. Hỗ trợ điều trị lở miệng

  • Nguyên liệu: 60g lá xương khỉ tươi
  • Cách làm: Rửa sạch dược liệu, để ráo nước. Thêm vào chút nước sạch rồi giã nát, vắt lấy nước. Bạn ngậm và nuốt dần nước thuốc trong ngày kết hợp với súc miệng nước muối nhiều lần và chải răng sạch sẽ.

5. Hỗ trợ điều trị sưng đau khớp do phong thấp

  • Nguyên liệu: 30g xương khỉ, 20g rễ và thân gối hạch, 20g dâu tằm, 20g trâu cổ
  • Cách làm: Tất cả nguyên liệu đem sắc với 1.2 lít nước đến khi còn 300ml. Lọc lấy nước thuốc, chia thành 3 phần bằng nhau, uống sau mỗi bữa ăn. Thực hiện bài thuốc liên tục trong 15 ngày.

6. Hỗ trợ điều trị viêm xoang

  • Nguyên liệu: 100g lá cây xương khỉ khô
  • Cách làm: Lấy dược liệu (sau khi đã rửa sạch, để ráo) sắc cùng 2 lít nước trên lửa nhỏ, đến khi còn nửa lít nước thì tắt bếp. Lọc lấy nước thuốc, uống 1 phần khi còn ấm, phần còn lại để uống trong ngày.

7. Bài thuốc chữa ho

Điều trị ho là một trong những ứng dụng quan trọng của cây cốt khỉ. Do lá xương khỉ chứa hoạt chất có tính đề kháng mạnh nên giúp ức chế, tiêu diệt virus gây viêm phế quản. Vì vậy, người bệnh có triệu chứng ho khan, ngứa cổ, mệt mỏi, đau đầu… có thể dùng 8 lá dược liệu này ăn 3 lần mỗi ngày (mỗi lần dùng cách nhau 1 giờ) sẽ giúp giảm triệu chứng ho nhanh chóng và hiệu quả.

8. Bài thuốc từ cây xương khỉ ngâm rượu

Cách làm: 

  • Lấy thân cây cốt khỉ cắt khúc, sao vàng, hạ thổ. 
  • Sau đó cho vào ngâm rượu 40 độ để bình trong chỗ tối hoặc hạ thổ  trong vòng khoảng 3 tháng là dùng được.

Rượu này có thể dùng để chữa chứng tiêu chảy, chóng mặt hay say tàu xe bằng cách uống khoảng 15ml mỗi lần. Với những trường hợp bị đau nhức xương khớp, giãn cơ, cũng có thể dùng rượu ngâm cây xương khỉ xoa bóp bên ngoài. Chúng còn có tác dụng làm tan máu bầm, giảm viêm, chữa đau khi trật khớp xương.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng xương khỉ, bạn nên lưu ý những gì?

cây xương khỉ và những lưu ý khi dùng

Để sử dụng cây này một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên:

  • Tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
  • Nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ do xương khỉ, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Kiêng ăn măng khi dùng cây xương khỉ.
  • Bệnh nhân ung thư nên hạn chế tối đa thịt đỏ, cá, tôm, sữa; kiêng sử dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá,… trong quá trình điều trị bệnh.

Mức độ an toàn của cây xương khỉ

Hiện tại, các nghiên cứu về độc tính cho thấy chiết xuất từ cây xương khỉ không gây ra độc tính nào. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này.

Mặc dù chưa ghi nhận tác dụng phụ của cây xương khỉ, nhưng một số đối tượng không phù hợp để sử dụng dược liệu này gồm:

  • Người huyết áp thấp
  • Người chân tay lạnh
  • Người có biểu hiện hàn khí xâm nhập
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
  • Người bệnh ung thư đang trong quá trình điều trị cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu.

Tương tác có thể xảy ra với cây xương khỉ

Xương khỉ có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Nếu muốn dùng các bài thuốc từ dược liệu này, hãy dùng cách khoảng tất cả các loại thuốc ít nhất 1 giờ. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Clinacanthus nutans: A review of the medicinal uses, pharmacology and phytochemistry https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27086161/ Ngày truy cập: 23/05/2024

Cây bìm bịp (Cây xương khỉ) https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/cay-bim-bip-cay-xuong-khi Ngày truy cập: 23/05/2024

Cây xương khỉ: Tác dụng chữa bệnh và những bài thuốc quý liên quan https://soytethainguyen.gov.vn/cay-xuong-khi Ngày truy cập: 23/05/2024

Antiviral and Immunomodulatory Activities of Clinacanthus nutans (Burm. f.) Lindau https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10342181/ Ngày truy cập: 23/05/2024

Clinacanthus nutans https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/clinacanthus-nutans Ngày truy cập: 23/05/2024

Phiên bản hiện tại

31/05/2024

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Cây cỏ sữa: Phân loại, tác dụng, cách dùng và các bài thuốc cổ truyền

Cây thạch anh trị bệnh gì và có độc không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 31/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo