Cây hoàn ngọc có nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến nhất là hoàn ngọc đỏ và hoàn ngọc trắng. Loại dược liệu này được trồng khắp nơi ở Việt Nam và nhờ vào tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm nên thường được chỉ định trong điều trị viêm nhiễm đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm ruột,…
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về tác dụng của cây hoàn ngọc và cách dùng loại cây này để chữa bệnh trong bài viết sau đây nhé!
Tên thường gọi: Cây hoàn ngọc
Tên gọi khác: Cây xuân hoa, cây nhật nguyệt, cây con khỉ
Tên khoa học: Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk.
Họ: Ô rô (Acanthaceae)
Tổng quan
Tìm hiểu chung về cây hoàn ngọc
Cây hoàn ngọc là dạng cây bụi sống lâu năm, phát triển đến chiều cao khoảng từ 1m-2m.
Thân cây màu xanh lục khi non, lúc già đi thân cây sẽ có màu nâu.
Lá cây mọc đối, có hình mũi giác với kích thước từ 12 – 17cm. Cuống lá thường dài từ 1,5 – 2,5cm. Phần gốc lá thuôn, đầu nhọn và mép lá nguyên.
Cụm hoa của cây hoàn ngọc thường mọc ở đầu cành. Hoa lưỡng tính, xuất hiện với màu trắng pha tím, 5 đài tách rời nhau. 5 cánh hoa thường chia thành 2 môi, môi trên 3 thùy và môi dưới 2 thùy, thùy giữa có một chút chấm tím, nhị 4, có 2 nhị kép, chỉ nhị ngắn, bao phấn màu tím.
Cây hoàn ngọc thường được phân loại thành:
- Cây hoàn ngọc đỏ: Khi còn non đầu lá cây có màu hơi nâu hoặc nâu đỏ, vị chát và hơi chua. Lúc già thì lá cây sẽ chuyển sang màu xanh và bề mặt trên sẽ có màu đậm hơn. Bề mặt lá luôn được bao phủ bởi một lớp lông tơ.
- Cây hoàn ngọc trắng: Lá cây có màu xanh nhạt ở cả hai mặt và có nhiều dịch nhầy tiết ra. Cây hoàn ngọc trắng được xem là chứa nhiều hoạt chất có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Bộ phận dùng của cây hoàn ngọc
Lá và rễ của cây hoàn ngọc đều được dùng để làm thuốc. Bạn có thể dùng ở dạng tươi hoặc phơi trong bóng râm để sử dụng.
Thành phần hóa học trong cây hoàn ngọc
Thành phần hóa học sẽ là yếu tố quyết định tác dụng của cây hoàn ngọc với sức khỏe con người. Theo một số nghiên cứu, trong cây hoàn ngọc có chứa nhiều hoạt chất như: Sterol, flavonoid, saponin, đường khử, carotenoid và acid hữu cơ.
Lá của cây hoàn ngọc chứa diệp lục toàn phần 2,65mg/g (đối với lá tươi), protein toàn phần 30,08% (chất khô), N toàn phần 4.9% (chất khô).
Tác dụng, công dụng
Cây hoàn ngọc có những công dụng gì?
Trong Y học cổ truyền, tác dụng của cây hoàn ngọc gồm thanh nhiệt, giải độc và thường dùng điều trị các bệnh lý như: cảm cúm, sốt cao, tiểu rát, tiểu ra máu, tiêu chảy, tả, lỵ, mụn lồi, sẹo lồi… Đồng thời, dược liệu này còn giúp cầm máu và hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư.
Theo dược lý hiện đại, tác dụng của cây hoàn ngọc là gì?
- Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm: Lá cây hoàn ngọc và cao chiết xuất hoàn toàn từ lá cây có tác dụng chống lại các loại vi khuẩn gồm: vi khuẩn gram âm (Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa), vi khuẩn gram dương (Streptococcus pyogenes, Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus), một số loại nấm mốc và nấm men.
- Tác dụng ức chế men MAO: Cao chiết xuất từ lá hoàn ngọc (nồng độ 6mg/ml) có khả năng ức chế 69,9 %men MAO.
- Hoạt tính protease (tác dụng thủy phân protein của cây hoàn ngọc): Dịch chiết từ lá hoàn ngọc có tác dụng thủy phân lượng protein từ trung bình đến mạnh nhất ở nhiệt độ 70°C và pH = 7,5. Khi phơi khô, lá cây còn 30% enzym bền vững.
- Tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư: Thành phần axit pomolic trong cây hoàn ngọc được một số nhà nghiên cứu chứng minh có tác dụng chống lại khả năng kháng thuốc của các tế bào ung thư. Ngoài ra, trong thành phần cây hoàn học còn có hoạt chất lupeol, được đánh giá cao trong tiềm năng điều trị ung thư tuyến tụy.
- Tác dụng ổn định huyết áp: Dịch chiết lá cây hoàn cậy có tác dụng hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim hiệu quả trong các nghiên cứu in vitro và in vivo.
- Tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Cây hoàn ngọc đã được một số nghiên cứu chứng minh có tác dụng giúp ổn định và tăng cường hoạt động của hormone insulin trong máu, điều hòa đường huyết và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người khỏe mạnh.
- Tác dụng của cây hoàn học với các bệnh lý về gan như xơ gan, viêm gan, xơ gan cổ trướng: Nhờ vào sự kết hợp của 3 hoạt chất betulin, lupeol, và axit pomolic, dược liệu này có tác dụng giải độc gan và tạo được hiệu quả trong việc điều trị các bệnh lý về gan.
- Tác dụng trong chữa trị các bệnh về đường tiêu hóa: Cây hoàn ngọc thường được dùng để chữa được các bệnh lý đường tiêu hóa như đau bụng đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy,…
- Chữa lở loét da với cây hoàn ngọc: Nhờ vào thành phần sterol, flavonoid, carotenoid, acid hữu cơ và đường khử mà cây hoàn biểu hiện tính kháng khuẩn, kháng nấm. Khi dùng bôi, đắp ngoài da giúp làm lành vết thương hiệu quả.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của cây hoàn ngọc là bao nhiêu?
Lá cây hoàn ngọc có thể dùng tươi hoặc phơi khô, sắc lấy nước uống, hoặc tán thành bột mịn để pha nước uống. Mỗi ngày dùng từ 10 – 15 gram.
Một số bài thuốc có cây hoàn ngọc
Cây hoàn ngọc được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
- Bài thuốc chữa tiểu rắt, tiểu ra máu: Chuẩn bị 15 – 25 lá cây hoàn ngọc. Đem dược liệu rửa sạch và cho vào cối nhỏ giã nát. Sau đó vắt lấy nước cốt dùng làm nước uống mỗi ngày. Bài thuốc này cũng có thể áp dụng để chữa bệnh viêm thận và viêm đường tiết niệu.
- Bài thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: Lấy khoảng 7 lá cây hoàn ngọc tươi. Rửa thật sạch và ăn sống 2 lần mỗi ngày. Nên kiên trì sử dụng bài thuốc này trong vòng 7 ngày liên tục để cảm nhận hiệu quả điều trị tốt hơn.
- Bài thuốc điều trị viêm nhiễm đường tiêu hóa: Chuẩn bị khoảng 7 – 9 lá cây hoàn ngọc tươi. Rửa sạch chúng và chia ra nhai 2 – 3 lần mỗi ngày. Kiên trì áp dụng từ 5-7 ngày để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn.
- Bài thuốc chữa tả, lỵ, tiêu chảy: Đem 5 – 15 lá cây hoàn ngọc tươi rửa sạch và nhai 2 lần mỗi ngày, dùng liên tục 7 ngày để đạt hiệu quả điều trị cao.
- Bài thuốc chữa các bệnh lý liên quan đến gan (xơ gan, bệnh gan, viêm gan): Sử dụng 10 lá cây hoàn ngọc tươi đã rửa sạch, nhai 3 lần mỗi ngày khi bụng đói, lặp lại liên tục trong thời gian 3 tuần. Bạn cũng có thể dùng dạng lá cây hoàn ngọc đã được tán thành bột mịn đem trộn với bột tam thất theo tỉ lệ 1:1. Sau đó đem pha hỗn hợp này với nước lọc uống trước bữa ăn, mỗi lần dùng 1 thìa cà phê.
- Bài thuốc cầm máu do trĩ, xuất huyết tiêu hóa, ho ra máu: Sử dụng lá cây hoàn ngọc khô đem sắc với 500ml nước lọc làm nước uống trong ngày;
- Bài thuốc chữa cảm cúm, sốt cao: Lấy khoảng 8 lá cây hoàn ngọc tươi đem rửa sạch, nhai kỹ và lặp lại sau 1 giờ đồng hồ. Khi dùng liên tục 3 lần có tác dụng giảm đau hạ sốt.
- Bài thuốc chữa chấn thương có chảy máu: Giã nát lá cây hoàn ngọc tươi (nên chọn lá già) để đắp lên vết thương rồi dùng băng gạc cố định lại. Sau 2 – 3 giờ mở băng gạc và thay lá thuốc mới.
- Bài thuốc hỗ trợ ổn định huyết áp: Lấy rễ (trên 7 năm) và lá hoàn ngọc đã rửa sạch đi phơi khô dưới trời nắng gắt. Sau khi khô thì đem sắc lấy nước uống thay trà hằng ngày.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư: Đối với người bệnh ở giai đoạn đầu ung thư có thể sử dụng khoảng 10 lá cây hoàn ngọc tươi đã rửa kỹ chia thành 5 lần nhai mỗi ngày, duy trì đến khi các triệu chứng đau do bệnh và khó chịu thuyên giảm. Đối với các giai đoạn sau của ung thư, người bệnh nên dùng khoảng 15 lá tươi đã rửa sạch, nhai kỹ 6 lần/ngày kết hợp với uống một cốc nước lá hoàn ngọc xay nhuyễn vào mỗi sáng và ăn một nắm lá cây hoàn ngọc được nấu chín và mỗi buổi tối.
- Bài thuốc chữa bệnh đường ruột: Sử dụng từ 7 – 9 lá cây hoàn ngọc đem tráng sơ qua với nước sôi, dùng ăn trực tiếp 4 lần mỗi ngày. Người bệnh nên dùng bài thuốc liên tục từ 3 – 5 ngày sẽ giúp thuyên giảm triệu chứng bệnh.
- Bài thuốc chữa viêm đại tràng: Sử dụng 40g thân và lá hoàn ngọc khô, 10g khổ sâm đem sắc với 800ml nước lọc. Chia nước thuốc thu được thành nhiều lần uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa viêm đại tràng co thắt: Sử dụng từ 7 – 10 lá cây hoàn ngọc tươi đem nhai kỹ hoặc giã nát lấy nước. Nước lá thu được dùng uống mỗi ngày kết hợp với ăn lá mơ lông mỗi ngày trong bữa ăn. Người bệnh nên kiên trì dùng bài thuốc từ 1 – 2 tháng để đạt hiệu quả điều trị cao.
- Bài thuốc chữa u xơ phổi, bệnh tiền liệt tuyến: Sử dụng khoảng 1 nắm lá cây hoàn ngọc đem rửa sạch và cho vào máy xay nhuyễn với 300ml nước lọc. Chia nước thuốc làm 3 lần uống mỗi ngày trước bữa ăn. Người bệnh nên dùng bài thuốc liên tục trong 1 tháng;
Lưu ý, thận trọng khi dùng
Cây hoàn ngọc là một loại dược liệu lành tính, không độc và hiện nay vẫn chưa ghi nhận tương tác của nó với các loại thuốc, thực phẩm bổ sung hay các loại dược liệu khác. Tuy nhiên, an toàn và hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín trước khi sử dụng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cho con bú, người già và trẻ nhỏ.
[embed-health-tool-bmi]