backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Lá vú sữa chữa đau dạ dày được không? Bs CKI Lai Ngọc Hiền

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 25/01/2024

Lá vú sữa chữa đau dạ dày được không? Bs CKI Lai Ngọc Hiền

Câu hỏi: Chào bác sĩ, tôi tên Lan, năm nay 35 tuổi. Dạo gần đây tôi thường hay bị đau dạ dày, dù có uống thuốc tự mua nhưng thấy không đỡ. Tôi thấy có người mách rằng lá vú sữa chữa đau dạ dày hiệu quả. Vậy xin hỏi có đúng không, có hại gì không? Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn,

Với câu hỏi: “Lá vú sữa chữa đau dạ dày được không? Tác hại của lá vú sữa là gì?”, BS CKI. Lai Ngọc Hiền (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền TP. HCM) giải đáp như sau:

Cây vú sữa được biết đến là loại cây ăn trái với tên gọi đầy yêu thương như mang lại nguồn dinh dưỡng quý báu! Cây được trồng phổ biến ở nước ta, thuộc họ Hồng Xiêm (Sapotaceae) và có tên khoa học là Chrysophyllum cainito L. Cây được làm thuốc từ vỏ, lá và quả. Gần đây, có thông tin lá vú sữa chữa bệnh đau dạ dày rộ lên. Thực hư như thế nào, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé!

Lá cây vú sữa có tác dụng gì?

Nhờ có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, nên các tác dụng của lá vú sữa trong điều trị bệnh gồm:

  • Giúp tiêu diệt ký sinh trùng đường ruột: Các hoạt chất có trong lá vú sữa có thể làm giảm khả năng nhiễm giun ký sinh do ăn thực phẩm chế biến kém chất lượng. Ngoài ra, nếu bạn uống thường xuyên nước sắc lá cây vú sữa sẽ giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh viêm đau dạ dày do vi khuẩn Hp gây nên.
  • Đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương: Nước sắc lá cây vú sữa có tác dụng thúc đẩy quá trình sửa chữa cấu trúc tế bào, giúp tổng hợp nhiều collagen, hỗ trợ quá trình làm lành những tổn thương ở da hoặc niêm mạc dạ dày.
  • Tăng cường khả năng miễn dịch: Tác dụng của lá vú sữa là gì? Hoạt chất chống oxy hóa có trong lá vú sữa có tác dụng giúp làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
  • Giảm nguy cơ gây ung thư: Nước sắc lá cây vú sữa giúp phòng và làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư nhờ có thành phần chống viêm và kháng khuẩn.
  • Giảm đau và hạn chế điều tiết acid dạ dày: Uống nước sắc lá cây vú sữa thường xuyên giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm tiết dịch acid dạ dày.
  • Bồi bổ máu: Lá cây vú sữa có tác dụng bổ máu, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu.

Lá vú sữa chữa đau dạ dày được không?

Hiện nay, khoa học đã phân tích được các thành phần dinh dưỡng, hoạt chất của cây gồm có:

  • Protein, vitamin A, C, B1, B2, B3, E, acid malic, canxi, glucid, chất xơ…  
  • Lá vú sữa có ít nhựa, acid resinic, terpenoids, phenolics, alkaloids, ursolic acid, gallic acid. Lá mầm chứa một lượng đáng kể saponin, tannin, flavonoid, alkaloid và phenol.

Những hoạt chất này mang lại những lợi ích tuyệt vời như: 

  • Rễ và lá vú sữa có tác dụng làm tan máu ứ, thúc đẩy quá trình lưu thông máu huyết
  • Tiêu sưng, giảm đau, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ sự hấp thu chất béo.
  • Hàm lượng cao các chất chống oxy hóa trong lá vú sữa góp phần nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, nên thúc đẩy quá trình tự chữa lành các vết thương do viêm loét dạ dày gây ra, phòng ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư.
  • Có tính kháng khuẩn nên có thể ức chế được vi khuẩn HP.
  • Bồi bổ khí huyết, khắc phục tình trạng thiếu máu. 

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác ghi nhận lá cây vú sữa còn hỗ trợ trong điều trị tiểu đường, loãng xương và ung thư gan… 

Như vậy, để trả lời cho lá vú sữa có chữa được đau dạ dày không thì việc dùng là có cơ sở. Tuy nhiên, đây chỉ là sự ghi nhận tiềm năng hữu ích về công dụng của lá. Đây cũng là những kiến thức được áp dụng theo kinh nghiệm dân gian nên khi những ai mắc bệnh về dạ dày cũng cần được thăm khám kỹ và tư vấn dùng thuốc bởi người có chuyên môn. Bài thuốc chỉ nên được dùng đối với tình trạng bệnh nhẹ, tránh dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 7 tuổi.

Tham khảo cách dùng lá vú sữa chữa đau dạ dày sau: 

  • Dùng khoảng 20 lá vú sữa tươi, không quá già cũng không quá non.
  • Rửa sạch với nước muối pha loãng 15 phút rồi vớt ra để ráo.
  • Cho lá vú sữa vào ấm, đổ vào 1 lít nước, đậy kín nắp đun sôi khoảng 10 phút.
  • Dùng nước này uống thay nước lọc hàng ngày. 
  • Thời gian sử dụng tốt nhất là vào sau ăn trưa và ăn tối. 

Liều lượng:

– Đối với trẻ nhỏ từ 7 – 14 tuổi thì nên uống 1/2 chén thuốc/ lần uống.

– Đối với người lớn, từ 14 tuổi trở lên, có thể uống cả chén thuốc

Lưu ý khi dùng lá vú sữa chữa đau dạ dày

  • Không dùng nước thuốc đã để qua đêm.
  • Kiên trì sử dụng ít nhất 1 tuần để đạt hiệu quả. 
  • Tuân thủ liều dùng
  • Tránh lạm dụng quá mức
  • Chỉ phù hợp với những người mắc bệnh nhẹ.

Tác hại của lá vú sữa

tác hại lá vú sữa

Nếu trong quá trình sử dụng lá vú sữa chữa đau dạ dày, xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, cơ thể nổi mẩn ngứa, bạn cần ngưng dùng thảo dược này ngay và nhanh đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Lưu ý cho người bị đau dạ dày

Chúng ta đều biết bệnh lý về dạ dày chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố gây ra như nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, chế độ ăn uống, thói quen uống rượu, bia, thuốc lá, thức khuya, các yếu tố tâm lý, stress và cả việc dùng thuốc không đúng cách nữa… Do vậy, song song với việc điều trị, chúng ta nên ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học và cần thay đổi các thói quen xấu thì hiệu quả điều trị bệnh lý về dạ dày mới mong ổn định!

Một số điều cần lưu ý trong điều trị bệnh lý viêm dạ dày – tá tràng:

  •         Nên ăn chậm, nhai kỹ.
  •         Nên chia thành nhiều bữa, mỗi bữa nên ăn nhẹ, không ăn quá no. Sau ăn không nên lao động nặng, chạy nhảy hoặc nằm.
  •         Hạn chế các thức ăn chế biến với nhiều gia vị, nhiều dầu, mỡ, thực phẩm cứng khó tiêu.
  •         Bỏ hẳn rượu, thuốc lá.
  •         Tránh căng thẳng và thức khuya.

Thông qua bài viết này, hy vọng đã giúp bạn hiểu biết thêm về công dụng của lá cây vú sữa, cách dùng hiệu quả và an toàn trong chữa bệnh đau dạ dày và bồi bổ cơ thể.

Trân trọng!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 25/01/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo