backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Cách uống hoa anh thảo cho người mới bắt đầu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 01/06/2023

    Cách uống hoa anh thảo cho người mới bắt đầu

    Nhiều người bổ sung dầu hoa anh thảo nhằm nâng cao sức khỏe, làm đẹp và hỗ trợ điều trị các tình trạng khác nhau. Vậy cách uống hoa anh thảo như thế nào là hiệu quả và an toàn nhất? 

    Hoa anh thảo là một loại cây có hoa màu vàng bắt nguồn từ Bắc và Nam Mỹ, hiện nay đã được trồng ở châu Âu và châu Á. Hoa anh thảo nở vào lúc hoàng hôn và tàn ban ngày nên có tên là “evening primrose”. Dầu từ hạt của nó (mọi người thường gọi là tinh dầu hoa anh thảo) được chiết xuất và bào chế dưới dạng viên nang, nhằm cung cấp axit béo gamma-linoleic (GLA). Đây là một axit béo omega-6 có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và giảm đau, cân bằng nội tiết tố (giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt, mãn kinh…). 

    Nếu đang muốn đưa dầu hoa anh thảo vào kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, bạn nên tìm hiểu xem loại viên uống này có tác dụng gì đã được khoa học chứng minh, ai nên và không nên sử dụng, uống vào lúc nào, bao lâu thì ngừng. 

    Hãy để Hello Bacsi giải đáp cho bạn nhé!

    Viên uống hoa anh thảo có tác dụng gì đã được kiểm chứng?

    Người Mỹ từng dùng thuốc đắp từ cây hoa anh thảo để trị vết thương, vết bầm tím; nước ép từ thân và lá làm thuốc bôi ngoài da trị chứng viêm da. Lá của anh thảo còn dùng uống chữa đau dạ dày và viêm họng. Ở thế kỉ 17, dầu hoa anh thảo được châu Âu mệnh danh là thuốc chữa bách bệnh của vua.

    Ngày nay, các viên uống hoa anh thảo được khuyên dùng để hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, viêm da dị ứng, viêm khớp dạng thấp, hội chứng tiền kinh nguyệt, đau vú, các triệu chứng mãn kinh, bệnh thần kinh do tiểu đường và nhiều tình trạng khác.

    Tuy nhiên, đáng tiếc rằng chưa có dữ liệu đầy đủ để khẳng định tác dụng của tinh dầu hoa anh thảo với bất kì tình trạng sức khỏe nào. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng nó như một liệu pháp hỗ trợ điều trị và tăng cường sức khỏe, không thay thế các phương pháp điều trị khác.

    Viên uống hoa anh thảo có an toàn không?

    cách uống hoa anh thảo an toàn không

    Dầu hoa anh thảo an toàn cho hầu hết người trưởng thành, nhưng với trẻ em thì chưa rõ. Bên cạnh đó, khoa học cũng chưa có bằng chứng cho thấy các sản phẩm từ dầu anh thảo an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú. Thậm chí, có thông tin cho rằng dầu hoa anh thảo có thể làm tăng nguy cơ biến chứng thai kì.

    Dầu hoa anh thảo thường được dung nạp tốt. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp gặp phải tác dụng phụ tạm thời như đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, đau dạ dày, phân nát; đau đầu, chóng mặt; hạ huyết áp.

    Trong một số ít trường hợp, dầu hoa anh thảo có thể gây ra dị ứng với các triệu chứng như viêm tay chân, phát ban, khó thở, khò khè.

    Cách uống hoa anh thảo dành cho ai, ai không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo?

    Mọi người lớn muốn tăng cường sức khỏe hoặc hỗ trợ điều trị các tình trạng kể trên đều có thể sử dụng hoa anh thảo.

    Trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kì sản phẩm bổ sung nào.

    Bạn không uống viên tinh dầu hoa anh thảo nếu bị rối loạn chảy máu. Bởi điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu dự định phẫu thuật, cần ngừng dùng hoa anh thảo ít nhất 2 tuần trước phẫu thuật.

    Ngoài ra, không dùng hoa anh thảo nếu bạn bị động kinh hoặc tâm thần phân liệt. Thảo dược này có thể làm tăng nguy cơ co giật.

    Cuối cùng, bạn cần lưu ý rằng viên uống dầu hoa anh thảo còn có chứa nhiều tá dược khác, tùy vào nhà sản xuất, chẳng hạn như các sản phẩm từ đậu nành, sulphite, phenylalanin,… Bạn cần đọc kĩ bảng thành phần xem mình có dị ứng với chất nào không. Nếu dị ứng với bất kỳ thành phần nào của viên uống, bạn không nên sử dụng.

    Cách uống hoa anh thảo

    cách uống hoa anh thảo sáng hay tối

    Tinh dầu hoa anh thảo uống sáng hay tối?

    Tùy vào mục đích sử dụng mà việc dùng tinh dầu hoa anh thảo cũng khác nhau. Mọi người thường sử dụng viên uống hoa anh thảo vào buổi tối nếu uống ngày 1 lần, vào sáng và tối nếu uống ngày 2 lần. Nếu điều trị mụn trứng cá thì có thể bôi 1 ml dầu hoa anh thảo 20% lên da hai lần mỗi ngày trong tối đa 12 tuần.

    Bạn uống số viên theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn của từng thương hiệu cụ thể, với nước lọc. Chẳng hạn như, cách uống tinh dầu hoa anh thảo Blackmore (chứa 1000mg dầu hoa anh thảo và 100mg acid gamma linoleic) như sau:

    • Để hỗ trợ sức khỏe nói chung: 2 viên/lần.
    • Để chống viêm, hỗ trợ làn da: 2 viên/lần, ngày 2 lần.

    Cách uống hoa anh thảo tốt nhất là nên kết hợp với bữa ăn để hấp thu tốt hơn, đặc biệt là các sản phẩm có kết hợp thêm vitamin E.

    Cách uống hoa anh thảo bao lâu thì ngừng? 

    Sự an toàn của dầu hoa anh thảo chỉ được đảm bảo khi bạn dùng trong thời gian ngắn. Các nhà sản xuất cũng khuyên bạn nên bổ sung trong khoảng 6-12 tuần. 

    Bạn không uống các sản phẩm chiết xuất từ thảo dược này trong thời gian dài mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

    Cách uống hoa anh thảo khi đang dùng thuốc khác

    Bạn cũng nên lưu ý đến cách uống hoa anh thảo khi đang dùng các thuốc khác. Cụ thể, hoa anh thảo có tương tác với một số thuốc, không nên dùng chung bao gồm:

    • Thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thảo dược hay thực phẩm chức năng làm giảm đông máu: Tăng nguy cơ chảy máu.
    • Thuốc chuyển hóa bởi CYP3A4, chẳng hạn như lovastatin: Thận trọng khi dùng chung. Cách uống hoa anh thảo tốt nhất là cách các thuốc này 2 giờ.
    • Lopinavir và ritonavir được sử dụng trong điều trị HIV: Dầu hoa anh thảo có thể làm tăng tác dụng của các thuốc này.
    • Phenothiazin: Dùng chung làm tăng nguy cơ co giật ở một số người.

    Trên đây là toàn bộ lưu ý trong cách uống hoa anh thảo mà bất kì người nào lần đầu sử dụng sản phẩm từ thảo dược này đều nên biết. Hi vọng đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 01/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo