backup og meta

Sử quân tử

Sử quân tử

Tên thường gọi: Sử quân tử

Tên gọi khác: Quả giun/ nấc, sử quân tử nhân, sách tử quả, sử quân nhục, đông quân tử, binh cam tử, lựu cầu tử, mác giáo giun,…

Tên khoa học: Quisqualis indica L.

Họ: Bàng (danh pháp khoa học: Combretaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về sử quân tử

Sử quân tử là loại cây leo, sống bám vào hàng rào hoặc các cây khác. Chúng mọc hoang và phân bố nhiều ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta. Nhiều gia đình trồng loại cây này để làm cảnh vì chúng tươi tốt quanh năm và cho ra hoa màu sắc đẹp.

Cây sử quân tử còn nổi bật với những đặc điểm sau đây:

  • Lá đơn, nguyên, mọc đối xứng, phiến lá có hình bầu dục dài, nhọn ở đầu và hơi tròn ở cuống. Lá có cuống ngắn, lá rộng khoảng 4 – 5cm và dài khoảng 7 – 9cm.
  • Hoa có hình ống, ban đầu có màu trắng, sau chuyển thành màu đỏ hoặc hồng, mọc thành chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá, chiều dài trung bình khoảng 4 – 10cm.
  • Quả khô, hình trứng nhọn, dày khoảng 20mm, dài 35mm, có 5 cạnh dọc hình 3 cạnh, chứa một hạt dài phía dưới rộng, phía đầu hơi mỏng, có 5 đường sống chạy dọc.

Bộ phận dùng của sử quân tử

Quả chín và khô của cây được sử dụng để làm thuốc.

Thu hái và sơ chế

Quả thường được thu hái vào tháng 9 – 10 hoặc vào mùa đông. Khi thu hái, chọn quả đã già và phải hái khi trời khô ráo. Sau khi thu hái về, phơi khô và đập vỏ, lấy nhân bên trong. Tiếp tục phơi khô hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 50 – 60 độ C cho đến khi nhân khô hoàn toàn.

Sử quân tử cũng được sơ chế theo những cách sau đây:

  • Cách 1: Lấy nhân ngâm với nước, sau đó sao vàng và bỏ lớp màng bao bên ngoài.
  • Cách 2: Lấy nhân ngâm với nước, sao giòn rồi tán thành bột mịn. Sau đó, dùng 1 phần bột thêm 1 chén đường và 3 phần bột nếp rang, trộn đều và làm thành bánh để ăn.
  • Cách 3: Đập bỏ vỏ, lấy nhân và sao thơm, dùng dần hoặc giã nát cả vỏ.

Lưu ý: Loại dược liệu này rất dễ ẩm mốc và mối mọt, vì vậy, cần bảo quản ở nơi thoáng mát, kín đáo và khô ráo. Thỉnh thoảng, nên đem ra phơi khô để tránh ẩm mốc và mối mọt.

Thành phần hóa học trong sử quân tử

thành phần sử quân tử

Trong sử quân tử có chứa các thành phần hóa học như:

  • Axit quisqualic tồn tại dưới dạng muối kali, flavonoid, steroid, saponins, acid phenol và carbohydrate.
  • Khoảng 20 – 27% chất béo màu xanh lục nhạt, sền sệt, mùi nhựa, vị nhạt.

Tác dụng, công dụng

Sử quân tử có những công dụng gì?

Sử quân tử là loại dược liệu được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiễm giun kim, giun đũa, hỗ trợ tăng cường tiêu hóa và giảm đau nhức răng.

Theo Đông y, sử quân tử có vị ngọt, tính ấm, quy kinh tỳ và vị, có tác dụng trừ thấp nhiệt, kiện tỳ vị, tiêu thực, sát trùng, tiêu tích, trị chứng cam của trẻ em. Loại dược liệu này được chỉ định trong điều trị: ngứa do các bệnh về da, tiêu chảy, lỵ, tiểu tiện đục, nhiễm giun đũa, giun kim, đau bụng giun, đau răng, ăn không tiêu, trùng tích, cam tích, làm thuốc bổ cho trẻ em xanh xao, gầy còm, giảm nấc…

Theo y học hiện đại, cây sử quân tử có tác dụng:

  • Diệt giun: Thực nghiệm năm 1935 của Perrier cho thấy, nước sắc từ sử quân tử khiến giun giãy giụa, bong da, hôn mê và tê liệt các bộ phận. Năm 1960, dùng cả lá, vỏ quả, nhân quả giun sắc với nước rồi thí nghiệm trên giun đất đều thấy có tác dụng làm cho giun tê liệt. Trên cơ sở đó, dùng nước sắc quả giun không bóc vỏ để chữa giun vẫn có kết quả.
  • Trị nấc: Năm 1958, một thực nghiệm của bộ môn dược liệu – Trường đại học y dược Hà Nội, cho thấy dùng sử quân tử bóc bỏ màng và cắt bỏ đầu, sắc uống hoặc ăn sống có thể giúp giảm nấc.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của sử quân tử là bao nhiêu?

liều dùng, cách dùng sử quân tử

Sử quân tử được dùng ở nhiều dạng khác nhau như dạng thuốc sắc, viên hoàn, làm bánh, ăn trực tiếp,… Liều dùng trung bình từ 10 – 16g/ ngày.

Liều dùng có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi tác, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Một số bài thuốc có sử quân tử

Sử quân tử được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

Trị cam tích và nhiễm giun sán

  • Cách 1: Chuẩn bị xuyên khung, hậu phác, trần bì mỗi thứ 0  4g và sử quân tử 40g. Đem các vị tán bột làm viên hoàn uống 
  • Cách 2: Chuẩn bị sử quân tử nhân 12g và mộc miết tử nhân 20g. Tán thành bột, sau đó cho thuốc bột vào trứng gà, chưng cho chín và ăn khi bụng đói.
  • Cách 3: Sử dụng vỏ rễ thạch lựu, sử quân tử, đại hoàng và tân lang, các vị bằng lượng nhau. Sau đó đem tán bột, làm viên hoàn và uống cùng với nước luộc thịt, nên dùng khi bụng đói.
  • Cách 4 : Chuẩn bị sử quân tử một lượng vừa đủ. Sau đó, bỏ vỏ, tán nhân thành bột mịn. Uống thuốc khi bụng đói. Khi dùng nên uống với nước cơm (phải giữ cho bụng đói trước khi uống thuốc).

Trị ngứa, lở ở mặt và đầu

  • Chuẩn bị: Sử quân tử nhân một lượng vừa đủ.
  • Thực hiện: Dùng dược liệu ngâm với 1 ít dầu trong 4 – 5 ngày. Uống dầu này 1 lần/ ngày trước khi đi ngủ.

Trị đau nhức răng

  • Chuẩn bị: Sử quân tử một lượng vừa đủ.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước và ngậm. Ngày ngậm nhiều lần không kể liều lượng.

Trị cam tích và tỳ hư

  • Chuẩn bị: Nhục đậu khấu, mạch nha và sử quân tử mỗi thứ 20g, tân lang 20 trái, thần khúc và hoàng liên mỗi thứ 400g, mộc hương 80g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán bột, làm thành viên. Mỗi lần dùng 4g uống với nước ấm, ngày dùng 2 lần. Nếu dùng cho trẻ dưới 1 tuổi nên giảm bớt liều lượng.

Trị cam tích, tiêu chảy, ăn uống kém, đầy bụng

  • Chuẩn bị: Trần bì 6g, cam thảo 4g, kha tử và sử quân tử mỗi thứ 12g và hậu phác 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày.

Trị táo bón, nhiễm sán và giun kim

  • Chuẩn bị: Hoàng cầm, sử quân tử và đại hoàng mỗi thứ 8g, cam thảo 4g, tân lang và thạch lựu bì mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g. Nếu dùng cho trẻ nhỏ nên giảm liều lượng.

Trị giun

  • Chuẩn bị: Sử quân tử đem sao vàng.
  • Thực hiện: Người lớn dùng 10 – 20 quả/lần, trẻ nhỏ dùng ít hơn. Nên ăn trước khi ngủ và dùng liên tục trong vòng 3 ngày.

Trị nhiễm giun, chân tay phù, hư thũng mặt ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Sử quân tử 40g.
  • Thực hiện: Đập bỏ vỏ, lấy nhân bên trong tẩm với mật và nướng lên. Sau đó, tán thành bột, mỗi lần dùng 4g uống cùng với nước cơm.

Kích thích tiêu hóa cho trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Sử quân tử nhân đem sao cho vàng và thơm.
  • Thực hiện: Tán bột, sau đó dùng thóc ngâm cho nảy mầm và đem sao vàng. Cho tất cả vào tán nhỏ và sấy khô, thêm đường và đóng thành bánh để ăn.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng sử quân tử, bạn nên lưu ý những gì?

lưu ý khi dùng sử quân tử

Trước khi dùng, bạn nên lưu ý rằng:

  • Dùng chung với nước chè xanh sẽ gây choáng váng, buồn nôn, nôn mửa, nấc và tiêu chảy. Vì vậy, trong thời gian điều trị nên kiêng uống nước chè.
  • Khi dùng, nên cắt bỏ 2 đầu nhọn và bỏ vỏ lụa bên ngoài.
  • Sử quân tử kỵ thức ăn nóng nên cần chú ý khi sử dụng.
  • Không dùng cho người không có trùng tích và tỳ vị hư hàn.

Dược liệu sử quân tử có thể điều trị chứng nhiễm giun sán và cam tích. Tuy nhiên nếu thiếu thận trọng hoặc khi sử dụng quá liều, bạn có thể bị tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa,…

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng nếu:

  • Bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của cây sử quân tử hoặc các loại thuốc hay các loại thảo mộc khác.
  • Bạn có bất kỳ loại dị ứng nào  . Bạn có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác.

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng sử quân tử với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. 

Tương tác có thể xảy ra với sử quân tử

Sử quân tử có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vị thuốc Sử quân tử. https://bvnguyentriphuong.com.vn/y-hoc-co-truyen/vi-thuoc-su-quan-tu. Ngày truy cập: 05/09/2023

Sử quân tử. https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/su-quan-tu. Ngày truy cập: 05/09/2023

Sử quân tử. https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/su-quan-tu. Ngày truy cập: 05/09/2023

Sử quân tử. https://pharmacy.tdtu.edu.vn/duoc-lieu/su-quan-tu. Ngày truy cập: 05/09/2023

Quisqualis indica L. https://tracuuduoclieu.vn/quisqualis-indica-l.html. Ngày truy cập: 05/09/2023

Combretum indicum. https://en.wikipedia.org/wiki/Combretum_indicum. Ngày truy cập: 05/09/2023

Quisqualis indica (PROSEA). http://uses.plantnet-project.org/en/Quisqualis_indica_(PROSEA). Ngày truy cập: 05/09/2023

Effect of ethanolic extract of Quisqualis indica L. flower on experimental esophagitis in albino Wistar rats. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30184413/. Ngày truy cập: 05/09/2023

Phiên bản hiện tại

10/10/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Cỏ mần trầu có tác dụng gì khi uống và khi gội đầu?

Cây lược vàng: Từ cây cảnh đến vị thuốc chữa bệnh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 10/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo