backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Ngâm tắm thảo dược: Bí quyết khỏe đẹp từ thiên nhiên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 18/11/2022

    Ngâm tắm thảo dược: Bí quyết khỏe đẹp từ thiên nhiên

    Phương pháp ngâm tắm thảo dược từ lâu đã được nhiều người sử dụng với mục đích tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Không những vậy, phương pháp này cũng giúp thư giãn tinh thần, cải thiện giấc ngủ và giải tỏa căng thẳng vô cùng hiệu quả.

    Tắm thảo dược hay tắm thuốc là phương pháp cho thêm các loại dược liệu vào nước tắm hay dùng trực tiếp các dịch thuốc làm nước để tắm rửa toàn thân, ngâm nửa người hoặc ngâm từng bộ nhận (ngâm tay, ngâm chân, ngâm tứ chi…) với mục đích nâng cao sức khỏe, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Đây là phương pháp chữa bệnh độc đáo trong Đông Y với sự kết hợp của thủy trị liệu (tác dụng của nước) và dược vật trị liệu (tác dụng của thảo dược) để giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

    Trong quá trình ngâm tắm, các thành phần trong dược liệu sẽ tác động trực tiếp lên da, niêm mạc hoặc ngấm sâu vào cơ thể để phát huy tác dụng chữa bệnh từ bên trong. Đặc biệt, theo quan niệm của Y học cổ truyền, khi ngâm tắm lá thuốc, dịch thuốc còn tác động lên các huyệt vị toàn thân, nếu phối hợp thêm với xoa bóp sẽ giúp điều hòa cân bằng âm dương, hỗ trợ chức năng của ngũ tạng và tăng cường lưu thông khí huyết.

    6 lợi ích sức khỏe của việc tắm thảo dược

    Ngày nay, ngâm tắm thảo dược đã được khoa học chứng minh có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác nhau. Cụ thể, phương pháp này giúp làm giảm căng cơ, giãn mạch máu, làm chậm nhịp tim, giảm căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe của việc ngâm tắm thảo dược:

    Cải thiện lưu thông máu

    Một trong những lợi ích sức khỏe thường được nhắc đến của việc ngâm tắm thảo dược chính là khả năng cải thiện lưu thông khí huyết.

    Trong quá trình ngâm tắm, áp lực nước sẽ massage các bộ phận trong cơ thể, giúp quá trình lưu thông máu diễn ra thuận lợi, nhất là việc hồi lưu máu từ các tĩnh mạch và hệ thống bạch huyết về tim. Ngoài ra, độ ấm của nước cũng có tác dụng làm giãn mạch toàn thân và thúc đẩy tuần hoàn máu.

    Để cải thiện khả năng lưu thông máu, hương thảo là loại dược liệu thường được sử dụng nhất. Theo đó, việc ngâm nước lá hương thảo sẽ giúp kích thích tuần hoàn và có thể mang lại nhiều lợi ích cho những người bị huyết áp thấp.

    Tắm thảo dược giúp thư giãn tinh thần và giảm căng thẳng

    Như đã đề cập, trong quá trình ngâm tắm thảo dược, áp lực của nước sẽ massage nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể như cơ và khớp, từ đó mang lại cho bạn cảm giác thư giãn và giúp đẩy lùi căng thẳng, mệt mỏi vô cùng hiệu quả.

    Không những vậy, mùi thơm của dược liệu còn tác động lên thần kinh khứu giác, giúp thả lỏng tinh thần, đồng thời làm dịu cảm giác bất an và lo lắng. Các loại thảo dược có tác dụng thư giãn mà bạn có thể dùng để ngâm tắm là hoa oải hương, cúc La Mã, hoa hồng, thì là…

    Cải thiện chất lượng giấc ngủ

    tắm thảo dược giúp cải thiện giấc ngủ

    Ngâm tắm thảo dược mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu, giúp “xóa tan” mọi âu lo, căng thẳng, vì vậy, bạn sẽ dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Không những thế, theo Y học cổ truyền, trong quá trình ngâm tắm, hoạt chất có trong các loại thảo dược sẽ được hấp thụ qua da và tác động lên kinh mạch, huyệt vị, từ đó giúp kiểm soát và điều trị chứng mất ngủ vô cùng hiệu quả.

    Đặc biệt, các nghiên cứu còn chứng minh, ngâm chân trong nước ấm có chứa thảo dược sẽ kích thích các mút dây thần kinh dưới lòng bàn chân, tác động đến hệ thần kinh trung ương cũng như điều hòa lưu thông khí huyết, từ đó giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

    Giảm đau nhức xương khớp

    Ngoài những lợi ích kể trên, tắm lá thuốc còn nổi tiếng với khả năng hỗ trợ điều trị nhiều tình trạng đau nhức xương khớp khác nhau. Khi ngâm tắm, áp lực nước sẽ tác động trực tiếp lên các bộ phận như cơ và khớp, giúp làm dịu cảm giác căng thẳng và đau nhức tại đây.

    Không những vậy, độ ấm của nước cùng với tinh chất thảo dược cũng tác động lên hệ cơ xương khớp và các dây thần kinh, giúp giảm đau, giảm co thắt và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý xương khớp như thoái hóa khớp, đau thắt lưng, đau thần kinh tọa, viêm khớp gối…

    Cách ngâm tắm thảo dược giúp giảm đau nhức xương khớp hiệu quả là ngâm nửa thân dưới hoặc ngâm bộ phận bị đau với các loại thảo dược như lá chè xanh, lá lốt, ngải cứu, lá trầu không… trong 20 – 30 phút. Mỗi ngày ngâm 1 lần, 1 liệu trình gồm 10 lần.

    Tắm thảo dược giúp cải thiện một số vấn đề về da

    Từ thời cổ đại, phương pháp ngâm tắm lá thuốc đã được sử dụng rộng rãi để điều trị một số bệnh lý về da và dị ứng. Khi ngâm tắm lá thuốc, hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đau trong dược liệu sẽ tác dụng trực tiếp lên da và niêm mạc, giúp giảm nhanh triệu chứng do các tình trạng này gây ra.

    Cây bách xù và cúc La Mã là những loại dược liệu có khả năng giảm ngứa da, giảm viêm và mụn nhọt vô cùng hiệu quả do trong thành phần có chứa nhiều hợp chất kháng viêm mạnh. Trong khi đó, ngải cứu thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng da. Còn nếu muốn các vết thương, vết loét mau lành, bạn có thể tắm với quế, hoa ly trắng hoặc cây thủy xương bồ.

    Hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác

    Ngoài hỗ trợ điều trị bệnh lý ngoài da và cơ xương khớp, ngâm tắm thảo dược cũng mang lại nhiều lợi ích trong việc kiểm soát các bệnh lý khác nhờ vào 2 yếu tố:

    Tác dụng của thảo dược: Các hoạt chất trong dược liệu sẽ tác động trực tiếp lên da và hỗ trợ điều trị một số bệnh vùng hậu môn, bộ phận sinh dục ngoài cũng như các thương tổn phần mềm do sang chấn. Bên cạnh đó, các hoạt chất cũng sẽ đi sâu vào cơ thể và tác động đến nhiều cơ quan như tim, gan, mật, phổi, thận, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh…, từ đó giúp cải thiện hoạt động của các cơ quan này.

    Tác dụng của nước: Độ ấm của nước có thể giúp giảm đau, giảm căng cơ và thúc đẩy tuần hoàn máu. Trong khi đó, áp lực nước lại giúp làm dịu cơn đau và cảm giác sưng nề ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.

    Tắm lá thuốc của người Dao Đỏ: Phương thuốc cổ truyền đến từ Sapa

    tắm thảo dược của người Dao đỏ

    Có thể thấy, tắm thảo dược mang lại cho bạn nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ. Ngoài các loại thảo dược được sử dụng phổ biến như cúc La Mã, ngải cứu… thì tại Việt Nam, nhiều bài thuốc tắm lá cổ truyền của các cộng đồng dân tộc miền núi, trong đó nổi bật nhất là bài thuốc tắm của người Dao đỏ ở vùng Tây Bắc, được khá nhiều người quan tâm và lựa chọn.

    Bài thuốc tắm của người Dao đỏ là phương thuốc cổ truyền độc đáo có từ thời xa xưa. Bài thuốc này bao gồm đến 120 loài cây thuốc, tất cả đều được đánh giá là an toàn, không có độc tính khi sử dụng làm thuốc tắm. Trong đó, khoảng 39 loài được coi là quan trọng nhất. Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2002 bởi PGS. TS Trần Văn Ơn (Đại học Dược Hà Nội) cho thấy, bài thuốc này giúp mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

  • Hỗ trợ điều trị đau nhức cơ, đau lưng, nhức mỏi cơ thể…
  • Làm sạch da, kháng khuẩn da
  • Làm giãn mạch máu dưới da, giảm sức cản ngoại vi, từ đó giúp máu huyết lưu thông tốt hơn
  • Phục hồi thể lực, thư giãn tinh thần, giúp ngủ ngon và sâu hơn, cực kỳ hữu ích cho người mới ốm dậy hoặc người thường xuyên lao động nặng nhọc
  • Phòng tránh một số vấn đề hậu sản
  • Nếu như trước đây, bài thuốc tắm lá của người Dao đỏ chỉ phổ biến ở vùng núi Tây Bắc thì hiện tại, bài thuốc này đã có mặt ở nhiều spa trên các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Đặc biệt, một số cơ sở làm đẹp còn kết hợp tắm lá thuốc của người Dao đỏ với các dịch vụ massage thư giãn để giúp phát huy tối đa hiệu quả của bài thuốc này.

    Ngâm tắm thảo dược mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm căng thẳng, mệt mỏi cũng như hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, giúp bạn nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, dù được đánh giá là một phương pháp an toàn nhưng bạn không nên ngâm tắm bằng các loại thảo dược lạ vì chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 18/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo