Địa long là một vị thuốc Đông y được bào chế từ giun đất. Đây là một vị thuốc quý có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Vậy, địa long có tác dụng gì?
Tên thường gọi: Giun đất, địa long
Tên gọi khác: Khâu dẫn, khúc đàn, giun khoang, trùn hổ, trùn khoang cổ
Tên nước ngoài: Earthworm
Tên khoa học: Pheretima asiatica Michaelsen
Họ: Giun đất (Megascolecidae)
Tổng quan
Địa long (giun đất) là gì?
Giun đất thuộc nhiều chi. Trong đó, loài được dùng làm thuốc ở nước ta có tên khoa học là Pheretima asiatica Michaelsen. Giun đất có thân hình trụ, tròn và dài khoảng 10-30cm, đường kính khoảng 5-10mm, có khoang cổ và nhiều vòng đốt sít nhau. Lớp da trơn bóng có 4 đôi lông ngắn rất cứng giúp giun di chuyển dễ dàng. Phần đầu to hơn phần đuôi. Toàn thân có màu nâu vàng hay nâu đỏ, đôi khi đen và sẫm hơn ở phía lưng. Đây là loài lưỡng tính, có cả bộ phận đực và cái trên một cơ thể.
Loài này gặp nhiều ở Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến (Trung Quốc). Ở nước ta, chúng sống phổ biến tại vùng đồng bằng, ở những nơi đất ẩm, xốp và có nhiều mùn. Khi trời mưa, giun bò lên mặt đất rất nhiều. Muốn bắt chúng, người ta đổ nước bồ kết hoặc nước rau nghể vào những chỗ có nhiều giun.
Bộ phận dùng của giun đất (địa long)
Trong y học cổ truyền và theo kinh nghiệm dân gian, toàn thân con giun đất sử dụng làm thuốc với tên gọi địa long, thổ long hay khâu dẫn. Phân giun cũng có thể được sử dụng.
Để sử dụng, người ta chế biến giun đất như sau:
- Bắt giun cho vào tro bếp, dùng rơm xát nhẹ hoặc rửa bằng nước bồ kết/ nước phèn chua cho sạch lớp bên ngoài.
- Cắt bỏ đầu, tuốt hết lớp đất cát trong bụng rồi lộn lớp da phía trong ra ngoài bằng một que nhỏ.
- Rửa nhiều lần bằng nước ấm cho sạch, lần cuối rửa với nước nóng pha ít muối.
- Đem phơi hoặc sấy khô
Một số nơi, người ta không rửa giun bằng nước mà rửa toàn bằng rượu (cách 1). Một cách khác là sau khi xát hết nhớt, cắt bỏ đầu và đuôi sẽ luồn một dao nhỏ hay que nứa vào rạch bụng, banh ra, rửa sạch đất cát, tẩm rượu cho giun săn lại rồi sấy khô (cách 2).
Với cách 1, dược liệu địa long thu được sẽ có hình trụ tròn, cong queo, đường kính khoảng 0,2-,0,5cm. Mặt ngoài nhăn nheo, màu nâu xám nhạt, có đốt vòng, đỉnh đầu bằng có lỗ nhỏ.
Theo cách 2, vị thuốc thu được có hình bản dài và mỏng, mặt ngoài màu nâu bóng, mặt trong nâu xỉn, mép uốn lượn, hơi cuộn lại, chất nhẹ, hơi dai.
Loại màu nâu, thịt dày là tốt. Khi dùng sẽ thái nhỏ, tẩm rượu gừng, sao qua rồi tán thành bột mịn.
Thành phần hóa học trong địa long
Trong địa long có chứa các chất với tên gọi sau: lembrifebrin, lumbritin và terrastro lumbrolysia (một chất độc được chiết tách nằm 1915). Ngoài ra, một số thành phần khác có trong chúng là chất béo, hypoxanthin, nhiều axit amin cần thiết cho cơ thể như alanin, adenin, tyrosin, cholin, lysin, methionin, valin… và vitamin A, D, E.
Tác dụng, công dụng
Địa long có tác dụng gì?
Giun đất có tác dụng gì? Tóm tắt từ một số nghiên cứu cho thấy các tác dụng của địa long bao gồm:
- Giảm sốt
- Giãn khí quản
- Kháng histamin
- Hạ huyết áp và ức chế sự co bóp ruột non
- Tác dụng phá huyết.
Theo các sách cổ ghi nhận thì dược liệu này có vị mặn, hơi tanh, tính lạnh, không độc, quy vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Địa long có tác dụng thanh nhiệt, bình can, chỉ suyễn, thông kinh lạc, lợi tiểu, giải độc, hạ huyết áp.
Về công dụng, địa long (giun đất) chuyên trị sốt rét, sốt cao phát cuồng, co giật, hen suyễn, tăng huyết áp, chân tay tê bại. Trước đây, những người làm ăn xa hoặc đi rừng săn trầm, tìm vàng thường mang theo mình lọ thuốc bột địa long để phòng thân, chống sốt rét, ngã nước, sơn lam chướng khí, vàng da, sốt phát ban…
Trong bài thuốc “Thần dược cứu mệnh”, lương y Nguyễn An Đinh đã phối hợp giun đất với đậu đen, đậu xanh và rau ngót giúp chữa khỏi bệnh nhân liệt nửa người. Năm 1959, nhiều gia đình còn nấu cháo giun cho trẻ em ăn đẩy lùi dịch sốt bại liệt, tránh biến chứng.
Do có nhân purin, vị thuốc địa long còn có giúp lợi tiểu, chữa đau nhức xương khớp.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của dược liệu địa long (giun đất) là bao nhiêu?
Thường dùng khoảng 6-12g dưới dạng thuốc sắc, với 200ml nước sắc còn 50ml uống trong ngày. Hoặc dùng 2-4g dưới dạng thuốc bột.
Một số bài thuốc có địa long (giun đất)
Vị thuốc địa long được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa sốt rét:
– Địa long 12g, vỏ thân hoặc rễ cây xoan rừng 12g, hậu phác nam 12g, gừng 8g, trần bì 8g, dây thần thông 8g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với hồ làm thành viên rồi uống hết trong 1 ngày.
– Giun đất 10 con, cho vào quả bưởi (nạo bỏ hết ruột) đem đốt cháy thành than. Sau đó, tán bột rồi trộn với hồ làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên.
– Giun đất đã chế biến 80g, quả na điếc 40g (tẩm rượu sao vàng), phèn phi 20g. Tất cả đem tán bột mịn, luyện với nước tỏi làm viên bằng hạt đậu xanh. Người lớn uống 2 lần/ ngày, mỗi lần 10 viên. Uống trong vòng 4-5 ngày.
2. Chữa sốt cao, co giật:
– Địa long 30g, quả trám trắng 100g. Cả hai đem phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn đều với hồ hoặc mật làm thành viên chừng 5g. Mỗi ngày uống 6 viên chia làm 2 lần trước bữa ăn.
– Giun đất 2 con, chuối tiêu hoặc chuối hột 1 cây nhỏ. Bổ đôi cây chuối theo chiều dọc, cho giun vào giữa thân, buộc lại rồi đem đốt cho chín. Sau đó, vắt lấy nước uống. (Theo lương y Võ Văn Lương – Tiền Giang).
3. Chữa cấm khẩu:
– Địa long, lông nhím và quả bồ kết với lượng bằng nhau. Tất cả đem phơi khô, đốt thành than, tán bột. Mỗi lần uống 4-8 với nước ấm, ngày 2 lần.
– Giun đất sắc với lá chè tươi và lá chanh, lấy nước uống.
4. Chữa sốt phát ban, sốt xuất huyết:
Giun đất 5-6 con, cỏ nhọ nồi 10g, bạc hà 8g, trắc bá 8g, lá dâu 8g, kinh giới 8g, củ sả 5g. Tất cả đem thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày. (Theo kinh nghiệm ở tỉnh An Giang).
Lưu ý, thận trọng khi dùng
Khi dùng địa long (giun đất), bạn nên lưu ý những gì?
Lưu ý, không phải thực nhiệt không dùng được vị thuốc này.
Để sử dụng dược liệu một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng cũng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu.
Tùy từng trường hợp, các vị thuốc trong bài thuốc có thể cần gia giảm cho phù hợp. Do đó, tốt nhất bạn không nên tự ý phối hợp các loại dược liệu. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của địa long (giun đất)
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng giun đất trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với địa long (giun đất)
Giun đất (địa long) có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể không phù hợp khi sử dụng dược liệu này. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về giun đất (địa long). Hiểu rõ sẽ giúp bạn dùng đúng cách và hiệu quả hơn. Hãy tham gia ngay cộng đồng của Hello Bacsi để biết thêm những thông tin sức khỏe hữu ích nhé!
[embed-health-tool-bmi]