backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bạn có thể dị ứng với Paracetamol không? Cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 11/08/2023

    Bạn có thể dị ứng với Paracetamol không? Cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

    Paracetamol hay còn được gọi là acetaminophen. Đây là một loại thuốc hạ sốt, giảm đau được sử dụng rộng rãi và rất “quen mặt” trong tủ thuốc của nhiều gia đình. Mặc dù paracetamol an toàn với hầu hết mọi người nhưng điều đó không có nghĩa là không có trường hợp dị ứng với paracetamol.

    Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin xung quanh tình trạng dị ứng với paracetamol. Vì sao nguy cơ dị ứng với loại thuốc này có thể xảy ra? Làm sao phân biệt triệu chứng dị ứng thuốc với tác dụng phụ của thuốc?

    Tổng quan về thuốc paracetamol

    Paracetamol là thuốc được sử dụng để giúp giảm đau ở mức nhẹ và trung bình, chẳng hạn như đau đầu, đau răng, bong gân hoặc đau nhức cơ thể nói chung. Thuốc cũng có tác dụng giảm sốt do các bệnh thông thường như cảm lạnh và cúm.

    Paracetamol thường được khuyến cáo là một trong những phương pháp điều trị đầu tiên trong việc giảm đau. Bởi vì đây là loại thuốc được dung nạp tốt, an toàn với hầu hết mọi người và hiếm khi gây tác dụng phụ.

    Bạn có thể dị ứng với paracetamol không? Cơ chế gây phản ứng dị ứng của thuốc là gì?

    dị ứng với paracetamol

    Dị ứng về cơ bản được hiểu là phản ứng của hệ miễn dịch đối với tác nhân được cơ thể nhận định là mối nguy hiểm. Các tác nhân này không chỉ có thức ăn, đồ uống, phấn hoa, mạt bụi… mà còn bao gồm cả thuốc. Vì vậy, dù paracetamol là loại thuốc dung nạp tốt thì vẫn có những trường hợp bị dị ứng. Tuy nhiên, thực tế là tình trạng dị ứng thuốc nói chung và dị ứng với paracetamol nói riêng không quá phổ biến. Trong số các trường hợp phản ứng với thuốc, chỉ có khoảng 5-10% là phản ứng dị ứng do cơ địa.

    Về cơ chế gây dị ứng của paracetamol, theo một báo cáo trên tạp chí AJGP (Australian Journal of General Practice) thì phần lớn các phản ứng dị ứng với paracetamol được nghi ngờ là liên quan đến sự ức chế cyclooxygenase 1 (COX-1).

    Paracetamol không được coi là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) nhưng thực chất loại thuốc này cũng là chất ức chế yếu đối với cyclooxygenase 1. Thông thường, sự ức chế cyclooxygenase sẽ ngăn chặn sự chuyển đổi axit arachidonic thành prostaglandin và thromboxan. Qua đó tạo ra tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt.

    Tuy nhiên, sự ức chế này có thể đi kèm kết quả là gia tăng axit arachidonic tự do. Trong trường hợp axit arachidonic được chuyển đổi theo hướng khác như oxy hóa và trở thành cysteinyl leukotrienes, nhóm chất này có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng của dị ứng như phù mạch, nổi mề đay và co thắt phế quản.

    Sự khác biệt giữa dị ứng với paracetamol và phản ứng do tác dụng phụ của thuốc

    Bạn cần biết rằng không phải tất cả các phản ứng bất thường của cơ thể đối với thuốc đều là dị ứng. Đôi khi, việc phản ứng với thuốc còn là do bạn gặp phải các tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phân biệt được dị ứng paracetamol và phản ứng bất lợi do tác dụng phụ thuốc khác nhau như thế nào.

    Đối với trường hợp gặp các tác dụng phụ của paracetamol

    Paracetamol hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Nếu bạn có phản ứng bất lợi sau khi dùng thuốc, đó có thể là một số vấn hiếm gặp như:

    • Tổn thương gan và thận do dùng Paracetamol quá liều. Các triệu chứng bao gồm chán ăn, buồn nôn, giảm cân đột ngột, vàng da, lòng trắng mắt, bầm tím hoặc chảy máu không rõ lý do.
    • Huyết áp thấp, tim đập nhanh và đỏ mặt. Các tác dụng phụ này có thể xảy ra khi cơ thể dung nạp Paracetamol qua đường tiêm tĩnh mạch, một phương pháp được thực hiện tại bệnh viện.
    • Tác dụng phụ của Paracetamol có thể khiến bạn gặp các rối loạn về máu, chẳng hạn như giảm tiểu cầu hoặc giảm bạch cầu.

    Đối với trường hợp dị ứng với paracetamol

    dị ứng với paracetamol

    Tương tự như các trường hợp dị ứng khác, dị ứng với paracetamol cũng có thể diễn tiến từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nếu bạn có phản ứng dị ứng với thuốc, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

    • Ngứa da, phát ban trên cơ thể
    • Sưng tấy một số vùng trên cơ thể như mặt, mắt, môi, lưỡi
    • Khó thở hoặc lên cơn hen suyễn.

    Trong trường hợp xấu nhất, dị ứng với paracetamol cũng có nguy cơ gây ra sốc phản vệ rất nguy hiểm vì tình trạng này có thể dẫn đến tử vong. Vậy biện pháp xử lý khi bị dị ứng paracetamol là làm gì? Nhìn chung, dù gặp tác dụng phụ hoặc nghi ngờ hay có phản ứng dị ứng với paracetamol thì bạn cũng nên ngừng dùng thuốc và đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức để ngăn ngừa rủi ro. Khi đi khám, lời khuyên hữu ích là bạn nên mang theo tất cả những loại thuốc mình đang dùng để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn nhé!

    Những lưu ý cần biết khi dùng paracetamol

    Mặc dù paracetamol là loại thuốc được sử dụng phổ biến và tương đối an toàn nhưng nếu bạn không chắc mình có thể dùng thuốc hay không thì cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc từ nhà sản xuất hoặc hỏi thêm ý kiến bác sĩ, dược sĩ.

    Đồng thời, trong một số trường hợp sau đây bạn nên thận trọng khi dùng Paracetamol và tốt nhất là nên tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ:

    • Bạn mắc bệnh gan hoặc bệnh thận
    • Bạn uống nhiều rượu, nghiện rượu
    • Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, bao gồm cả thực phẩm chức năng, thuốc Đông y, các loại thảo dược.

    Trong trường hợp bạn từng có phản ứng dị ứng với paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc này thì cách tốt nhất là nên tránh dùng thuốc. Nếu bạn có những phản ứng bất thường sau khi dùng paracetamol nhưng không xác định được đó là dị ứng hay tác dụng phụ thì cũng nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ để tìm ra nguyên nhân nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 11/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo