Tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người trên thế giới thì có đến 9 người phải hít thở không khí chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao [2]. Cùng với tình trạng ô nhiễm không khí ngày một gia tăng là những mối lo ngại về sức khỏe, trong đó viêm mũi dị ứng là căn bệnh thường gặp nhất.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hơn về tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cũng như những căn bệnh thường gặp do ô nhiễm không khí, từ đó giúp bạn có thể nâng cao cảnh giác trước “nguy cơ” thầm lặng này!
Thực trạng ô nhiễm không khí đáng báo động tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, các chỉ số về ô nhiễm không khí đều đang ở mức báo động, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo nghiên cứu của Đại học Yale tại Mỹ, năm 2017, chỉ suất hiệu số môi trường của Việt Nam chỉ đạt được số điểm 49,9/100 và xếp hạng 170/180 về chất lượng không khí. [10] Trong đó, 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tổng lượng bụi liên tục tăng cao và luôn trong tình trạng báo động về ô nhiễm không khí. [1]
Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022, nồng độ bụi mịn PM2.5 (chất ô nhiễm được coi là có hại nhất đối với sức khỏe con người [7]) trung bình năm 2021 tại Việt Nam là 24,7 μg/m3, xếp thứ 5 trong 9 quốc gia tại Đông Nam Á và xếp thứ 36 trong 117 quốc gia có nồng độ bụi mịn PM2.5 cao nhất. Cụ thể, tại Hà Nội, nồng độ bụi mịn PM2.5 đạt ngưỡng 36.2µg/m3, cao gấp 7,24 lần so với khuyến nghị từ WHO là 5µg/m3. Còn tại TP.HCM, nồng độ bụi mịn PM2.5 cũng đạt mức 19,4μg/m3, cao hơn gấp 3,88 lần so với khuyến nghị. [7]
Những vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra
Ô nhiễm không khí có thể được xem là “sát thủ thầm lặng” âm thầm gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe và đây cũng được coi là nguyên nhân chính gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu. [5] Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí cũng có tác động lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2016, tại Việt Nam, hơn 60.000 ca tử vong có liên quan tới ô nhiễm không khí. [2]
Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm nhiều bệnh sẵn có. Ô nhiễm không khí có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ đau tim, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim và suy tim. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson, các bệnh về tâm lý như tự kỷ, bệnh võng mạc… [9] Việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí khi mang thai còn ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển, khiến trẻ sơ sinh nhẹ cân và gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương. [5]
Trong số các cơ quan thì phổi nói riêng và toàn bộ hệ hô hấp nói chung chính là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất [9]. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các bệnh về hô hấp như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và khí phế thũng. Không những vậy, các chất ô nhiễm không khí còn gây hại đến sự phát triển của phổi, tạo ra yếu tố nguy cơ cho việc phát triển các bệnh phổi sau này trong cuộc sống. [3] Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều báo cáo còn cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí còn là yếu tố khiến bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp trở nên trầm trọng hơn. [5]
Ngoài ra, một trong những bệnh lý đang có chiều hướng tăng nhanh do ô nhiễm không khí không thể không nhắc đến đó là viêm mũi dị ứng [4]. Hiện số người bị viêm mũi dị ứng trên thế giới có hơn 400 triệu người [16], chiếm từ 10 – 30% dân số thế giới (theo Viện dị ứng, Hen và Miễn dịch Hoa Kỳ). Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Khoa dị ứng – miễn dịch Bệnh viện Tai – mũi – họng Trung ương, tỷ lệ ca bệnh viêm mũi dị ứng chiếm 32,2 % tổng số ca bệnh về tai mũi họng. [11]
Viêm mũi dị ứng – Căn bệnh thường gặp do ô nhiễm không khí
Việc tiếp xúc với các tác nhân trong không khí ô nhiễm là một trong những nguyên nhân “kích hoạt’ các triệu chứng viêm mũi dị ứng bùng phát. Khi tiếp xúc với bụi mịn và các hợp chất gây ô nhiễm không khí như NO2, NO, CO2, CO, hạt khí thải diesel (DEP)… [5], các tác nhân này sẽ xâm nhập, tấn công, kích ứng tế bào miễn dịch ở niêm mạc đường hô hấp, làm cho chúng trở nên mẫn cảm hơn với các dị nguyên và do đó dễ xảy ra phản ứng dị ứng, giải phóng ra các hóa chất trung gian gây viêm [12]. Cụ thể, khi bị viêm mũi dị ứng, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Hắt xì từng tràng
- Ngứa mũi
- Sổ nước mũi trong, nghẹt mũi
- Ngứa, đỏ và chảy nước mắt
- Vòm miệng bị ngứa
Các triệu chứng này kéo dài ít nhất 1 tiếng trong ngày, nó không chỉ khiến bạn khó chịu mà còn ảnh hưởng tới giấc ngủ, gây mệt mỏi vào ban ngày, suy giảm khả năng tập trung học tập, làm việc, suy giảm chức năng nhận thức tổng thể, giảm năng suất lâu dài và làm giảm chất lượng cuộc sống. [6]
Nghiêm trọng hơn, nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời, nó còn có thể dẫn đến thoái hóa niêm mạc mũi, hình thành polyp, gây bít tắc các lỗ thông mũi xoang, tạo điều kiện cho nhiễm trùng, nhiễm nấm thứ phát ở các xoang, nhiễm trùng tai giữa, viêm phế quản… Nghẹt mũi lâu ngày sẽ gây bất thường trong phát triển sọ mặt. Đặc biệt, tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Không những thế, viêm mũi dị ứng còn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn và có thể khiến bệnh lý này trở nên trầm trọng hơn. [6]
Chính vì vậy, dù viêm mũi dị ứng không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng tốt nhất, khi nhận thấy mình có các dấu hiệu viêm mũi dị ứng, bạn nên đi khám. Thông thường, để cải thiện các triệu chứng và có thể “chung sống hòa bình” với bệnh lý này, bạn có thể dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong đó, thuốc kháng histamin là loại thuốc thường được dùng nhất để điều trị viêm mũi dị ứng [13]. Tuy nhiên, do loại thuốc này thường gây buồn ngủ nên bạn có thể hỏi thêm bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc kháng histamin thế hệ mới có chứa các hoạt chất Fexofenadine an toàn khi sử dụng. Đây là loại thuốc giúp làm giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa… Đặc biệt, các loại thuốc này không gây buồn ngủ nên bạn có thể yên tâm sử dụng mà không lo ảnh hưởng đến công việc hay các hoạt động hàng ngày. Khi chọn mua thuốc, bạn cần ưu tiên chọn sản phẩm của những công ty dược uy tín, đến từ châu Âu và đảm bảo công dụng của sản phẩm đã được chứng minh qua nghiên cứu lâm sàng. [14]
Song song đó, để tránh bị khởi phát viêm mũi dị ứng và tránh tình trạng các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí như: [15]
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài
- Ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên
- Sử dụng máy lạnh thay vì dùng quạt và đóng cửa sổ nếu không khí ô nhiễm nặng
- Đeo kính khi ra ngoài để bảo vệ mắt
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
- Tắm và thay đồ ngay sau khi về nhà để làm sạch các tác nhân gây ô nhiễm.
Qua những chia sẻ trên, Hello Bacsi hy vọng bạn hiểu hơn tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ngày một trở nên nghiêm trọng như hiện nay, viêm mũi dị ứng dường như đã trở thành căn bệnh “quốc dân” và rất khó để tránh khỏi. Do đó, bạn cần chú ý các dấu hiệu để nhận biết sớm, đi khám và điều trị phù hợp, tránh để bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn.
[embed-health-tool-bmr]