backup og meta

U mạch anh đào có đáng sợ như bạn nghĩ? Có nên điều trị?

U mạch anh đào có đáng sợ như bạn nghĩ? Có nên điều trị?

U mạch máu anh đào là một khối u trên da giống như nốt ruồi được tạo thành từ các mạch máu nhỏ hoặc mao mạch. Ngoài ra, đây cũng là căn bệnh u mạch phổ biến mà nhiều người mắc phải.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các dấu hiệu nhận biết cũng như các phương pháp điều trị u mạch anh đào trong bài viết sau đây.

U mạch anh đào là gì?

U mạch anh đào là những nốt ruồi đỏ có thể phát triển trên hầu hết các vùng da cơ thể. Chúng còn được gọi là u mạch do tuổi già hoặc đốm Campbell de Morgan.  Tuy được gọi là u mạch do tuổi già nhưng căn bệnh này vẫn có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi (tỷ lệ 5% thanh thiếu niên được phát hiện mắc bệnh).

Do sự tăng sinh các tế bào nội mô bên trong u mạch anh đào nên khiến cho chúng có màu đỏ. Ngoài ra, căn bệnh này thường phổ biến ở những người từ 30 tuổi trở lên. Về bản chất, u mạch anh đào không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu bạn thấy vùng da này bị chảy máu thường xuyên hoặc có sự thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc thì hãy lập tức đi gặp bác sĩ da liễu để thăm khám vì đây có thể là triệu chứng của ung thư da.

Đặc điểm nhận biết

U mạch anh đào thường có màu đỏ tươi, xanh hoặc tím, các nốt có hình tròn hoặc hình bầu dục có đường kính từ 0,1-1 cm. Khi hình thành huyết khối, u mạch anh đào có thể có màu đen nhưng khi kiểm tra bằng kính soi da thì chúng lại chuyển sang màu đỏ hoặc tím dễ dàng nhìn thấy hơn. 

đặc điểm u mạch anh đào

Một số u mạch anh đào có bề mặt mịn và đồng đều với làn da của bạn, trong khi một số nốt u khác lại có vẻ nhô hơn. Các loại nốt u này thường có số lượng nhiều và nằm rải rác ở thân, tay, chân và vai. Ngoài ra, tình trạng chảy máu có thể xảy ra nếu u mạch bị trầy xước, cọ xát hoặc bị vết thương hở.

Nguyên nhân chính gây u mạch anh đào

Nguyên nhân chính xác của u mạch anh đào vẫn chưa được xác định, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng yếu tố di truyền có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh của 1 người. Phân tích di truyền đã phát hiện các u mạch anh đào thường mang các đột biến sai lệch soma đặc biệt. Cụ thể trong các gien GNAQ và GNA11 (Q209H) liên quan đến sự tăng sinh mạch máu và tế bào hắc tố khác.

Bên cạnh đó, u mạch anh đào cũng có liên quan đến việc mang thai, tiếp xúc với hóa chất, một số bệnh lý hay do điều kiện khí hậu.

U mạch anh đào cũng có mối liên hệ với các vấn đề về tuổi tác. Căn bệnh này thường bắt đầu xuất hiện từ những người 30 tuổi trở lên và sẽ tăng kích thước và số lượng các nốt theo lũy tiến của độ tuổi. Một nghiên cứu ghi nhận rằng có đến 75% những người trên 75 tuổi mắc phải căn bệnh này.

>>> Bạn có thể quan tâm: Nốt ruồi bị ngứa: Khi nào cảnh báo ung thư da?

Cách điều trị u mạch anh đào

điều trị u mạch anh đào

Bạn có thể chọn không cần điều trị u mạch anh đào, hoặc vì yếu tố thẩm mỹ nên bạn muốn loại bỏ chúng. Bác sĩ sẽ cắt bỏ các nốt u mạch này nếu chúng nằm ở khu vực dễ bị va chạm, có thể dẫn đến việc chảy máu thường xuyên. Sau đây là 1 số quy trình để loại bỏ u mạch anh đào mà bạn có thể tham khảo:

Điện phân

Phương pháp điều trị phẫu thuật này bao gồm việc đốt cháy u mạch bằng cách sử dụng dòng điện được cung cấp bởi một đầu dò có kích thước nhỏ. Đối với quy trình này, bạn cũng sẽ được đặt một miếng pad tiếp đất trên cơ thể để nối phần còn lại của cơ thể ra khỏi dòng điện.

Phẫu thuật lạnh

Phẫu thuật lạnh bao gồm đông lạnh u mạch bằng nitơ lỏng để phá hủy các nốt u mạch. Phương pháp này được biết đến như một thủ tục nhanh chóng và tương đối dễ dàng.

Bạn thường chỉ cần một lần điều trị để phẫu thuật lạnh hoạt động, và nitơ lỏng thường được phun ra chỉ trong khoảng 10 giây. Điều này làm cho u mạch bị phồng rộp hoặc bong tróc trước khi rơi ra. Trong một số trường hợp, u mạch có thể đóng vảy trước khi bị cắt bỏ. Sau đó thì vết thương cũng không cần phải chăm sóc quá nhiều.

Phẫu thuật bằng tia laser

Loại phẫu thuật này bao gồm sử dụng tia laser nhuộm xung (PDL – pulsed dye laser) để loại bỏ u mạch anh đào. PDL là một tia laser màu vàng đậm đặc, tỏa ra đủ nhiệt để phá hủy các tổn thương trên da. Bác sĩ cũng có thể dùng Laser CO2 để loại bỏ u mạch trên da bạn. Phương pháp này nhanh chóng và được thực hiện như một thủ tục ngoại trú, có nghĩa là người bệnh sẽ không cần phải nằm viện qua đêm.

Tùy thuộc vào số lượng u mạch mà bạn có, bạn có thể cần từ một đến ba lần điều trị. Sau khi điều trị, u mạch sẽ biến mất, hoặc chuyển sang màu xám hoặc một màu khác sẫm hơn. Phẫu thuật này có thể gây ra các vết bầm tím nhẹ thường kéo dài đến 10 ngày. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng 4 tuần trước và 2 tuần sau khi điều trị bằng laser để có kết quả tốt nhất và ít gặp tác dụng phụ nhất.

Phẫu thuật cắt bỏ

Quy trình này bao gồm việc loại bỏ u mạch ra khỏi phần trên cùng của da. Bác sĩ thường sẽ gây tê cục bộ trước để giảm thiểu cảm giác đau. Phẫu thuật cắt bỏ là một phương pháp thay thế cho phẫu thuật xâm lấn bao gồm việc cắt bỏ tổn thương để ngưng sự phát triển và sử dụng chỉ khâu để khép vết thương lại.

Ưu điểm của phương pháp này là phù hợp đối với trường hợp u mạch lớn, nếu dùng Laser có thể gây vết sẹo ảnh hưởng tính thẩm mỹ. Phương pháp này cũng loại bỏ u mạch 1 lần duy nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.

Nếu bạn đã cắt bỏ u mạch bằng bất kỳ phương pháp nào trong số này, việc để lại sẹo trên da tuy không phổ biến nhưng vẫn luôn có thể xảy ra.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về hình dạng của u mạch anh đào, bạn hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ. Điều quan trọng là bạn cần phải xem xét bất kỳ loại tổn thương nào trên da hoặc kích thước tăng trưởng mỗi khi hình dáng của chúng thay đổi hoặc nếu việc chẩn đoán không xác định. 

>>> Bạn có thể quan tâm: Nốt ruồi gây ung thư, tại sao?

Có thể tự điều trị u mạch anh đào tại nhà?

Các bác sĩ không khuyến cáo người bệnh tự loại bỏ u mạch ở nhà vì một số lý do. Trước tiên, bác sĩ cần phải kiểm chứng rằng khối u trên da là u mạch anh đào chứ không phải dạng tổn thương trên da nào khác.

Thứ hai, cố gắng cạo, cắt, đốt hoặc đông lạnh u mạch ở anh đào có thể rất đau và dẫn đến nhiễm trùng hoặc để lại sẹo nghiêm trọng hơn nếu người thực hiện không đủ chuyên môn. Thay vào đó, các bác sĩ được đào tạo chuyên môn có thể giúp bạn loại bỏ các khối u trên da được thực hiện trong môi trường vô trùng.

Bất kỳ ai muốn cắt bỏ u mạch anh đào vì lý do thẩm mỹ nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để thảo luận về các lựa chọn. Có một số phương pháp điều trị tại nhà cho rằng sử dụng giấm táo, i-ốt hoặc dầu cây trà để thu nhỏ hoặc loại bỏ u mạch anh đào. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng bất kỳ giải pháp tự nhiên nào trong số này đều có hiệu quả.

Nói chuyện với bác sĩ để kiểm tra xem có phương pháp nào an toàn không trước khi thực hiện hoặc sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào trong quá trình điều trị.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể loại trừ các tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư da trong quá trình chẩn đoán. Nhìn chung thì tuy bệnh u mạch khá dễ chẩn đoán, nhưng đôi khi bệnh có thể bị nhầm lẫn với:

  • Angiokeratoma;
  • Giãn mạch hình mạng nhện;
  • U hạt sinh mủ;
  • Ung thư biểu mô tế bào đáy dạng nốt;
  • U hắc tố không sắc tố.

Trong số đó thì bệnh giãn mạch hình nhện là tình trạng giãn mạch máu, chứ không phải là sự tăng sinh của các tế bào nội mô.

Để chẩn đoán hoặc loại trừ các bệnh lý khác, bác sĩ của bạn có thể quyết định làm sinh thiết, bao gồm việc loại bỏ và kiểm tra một mẫu nhỏ của 1 phần khu vực hoặc toàn bộ tổn thương da. U mạch máu anh đào sẽ không tự biến mất, nhưng nó cũng không có khả năng gây ra bất kỳ vấn đề nào cho bạn. Đôi khi nó có thể dẫn đến việc chảy máu da nếu bị kích ứng.

Tuy nhiên, như đã đề cập, các nốt u mach anh đào có sự thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc luôn là vấn đề đáng lo ngại và nên được bác sĩ da liễu của bạn theo dõi và xem xét thêm.

Vì u mạch anh đào không nguy hiểm nên bạn có thể lựa chọn việc có nên cắt bỏ hay không nếu muốn cải thiện yếu tố thẩm mỹ cho da.
Nhìn chung, các phương pháp khác nhau để loại bỏ u mạch anh đào là tương tự nhau về mức độ khó chịu và tính chất hiệu quả. Tốt nhất người bệnh nên thảo luận với bác sĩ xem lựa chọn nào là tốt nhất dành cho mình. Hãy nhớ rằng mặc dù có thể loại bỏ u mạch, nhưng đôi khi chúng có thể tái phát sau khi điều trị. Vì thế người bệnh vẫn nên theo dõi quá trình chữa lành và cải thiện sau bất kỳ phương pháp loại bỏ khối u nào. Mọi chuyển biến xấu đi hoặc bất thường cần được thông báo cho bác sĩ để được theo dõi thêm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Kim J-H, et al. (2009). Cherry angiomas on the scalp. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2895217/ Ngày truy cập: 21/3/2022

Ranaweera A. (2014). Pulsed dye laser treatment. https://dermnetnz.org/topics/pulsed-dye-laser-treatment Ngày truy cập: 21/3/2022

Angiomas. (n.d.) https://www.aocd.org/page/Angiomas Ngày truy cập: 21/3/2022

Angioma (acquired) – including cherry angioma / Campbell de Morgan spots. (2014, October 31) https://www.pcds.org.uk/clinical-guidance/cherry-angioma-syn-campbell-de-morgan-spot Ngày truy cập: 21/3/2022

Cohen, A. D., Cagnano, E., & Vardy, D. A. (2001). Cherry angiomas associated with exposure to bromides [Abstract]. Dermatology, 202(1), 52-53 https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11244231/ Ngày truy cập: 21/3/2022

Cherry angioma https://dermnetnz.org/topics/cherry-angioma Ngày truy cập: 21/3/2022

Cherry angioma Information https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/cherry-angioma Ngày truy cập: 21/3/2022

Phiên bản hiện tại

12/04/2022

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

5+ cách tẩy nốt ruồi an toàn tại nhà mà bạn nên cân nhắc


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 12/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo