Có khoảng 1% dân số thế giới mắc phải tình trạng bạch biến. Người bệnh sẽ có những mảng da bị mất sắc tố, trở nên sáng màu hơn vùng da bình thường xung quanh và gây ra nhiều tự ti về ngoại hình, đồng thời phải chịu nhiều ánh nhìn tò mò từ người khác. Do đó, người bệnh thường có nhiều thắc mắc xung quanh bệnh bạch biến, chẳng hạn như bệnh bạch biến có lây không, bệnh bạch biến chữa được không cũng như có cách nào để phòng ngừa căn bệnh này không.
Khi bạn mắc phải bạch biến, các tế bào đóng vai trò quy định màu sắc của da melanocyte bị phá hủy khiến khu vực đó không còn tạo ra sắc tố melanin nữa. Lúc ấy, vùng da bị ảnh hưởng sẽ trở nên nhạt màu hoặc trắng bạch.
Các khu vực bị mất sắc tố có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm:
- Khu vực thường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như tay, chân, cánh tay và mặt
- Bên trong miệng hoặc các niêm mạc khác
- Lỗ mũi
- Bộ phận sinh dục ngoài
- Phía sau mắt
- Bên trong lỗ tai
Lông hay tóc cũng có thể chuyển sang màu xám hoặc trắng nếu nằm trên vùng da bị mất sắc tố.
Bệnh bạch biến có lây không?
Mặc dù bệnh bạch biến có thể ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác nhau trên cơ thể nhưng nó thật sự không lây truyền qua những tiếp xúc vật lý thông thường. Một người mắc bệnh bạch biến không thể truyền nó sang cho người khác thông qua việc bắt tay, ôm, ăn uống chung…
Nguyên nhân chính gây ra bạch biến là do có sai sót trong quá trình sản xuất sắc tố da melanin chứ không phải do nhiễm trùng hay virus nào gây nên. Do đó, đây thực chất chỉ là một rối loạn sắc tố xảy ra trên tế bào da người. Cho đến bây giờ, lý do tại sao các tế bào melanocyte bị phân hủy vẫn chưa được biết rõ. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng có sự kết hợp giữa các yếu tố tự miễn, di truyền và môi trường dẫn đến bạch biến.
Mặc dù bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây lan giữa người với người, nhưng có bằng chứng cho thấy bệnh có thể được di truyền qua các thế hệ. Tuy nhiên, không phải tất cả con cái của những người bệnh bạch biến đều sẽ bị ảnh hưởng tương tự. Thực tế, rất khó để dự đoán ai sẽ bị ảnh hưởng bởi bạch biến do di truyền.
Các chuyên gia da liễu nhận định rằng bạch biến chỉ là một khiếm khuyết thẩm mỹ trên da, giới hạn ở một cá thể và không lây nhiễm. Có nhiều khả năng cho thấy bệnh bạch biến được di truyền dù rất khó dự đoán được xác suất mắc bệnh ở trẻ có bố hoặc mẹ bị bạch biến.
Bệnh bạch biến có chữa được không?
Khả năng điều trị bệnh bạch biến phụ thuộc vào mức độ các mảng da mất sắc tố nhiều đến mức nào. Nếu hơn 5–10% da trên cơ thể bị ảnh hưởng thì việc điều trị tại chỗ chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn.
Cơ bản thì vẫn chưa có loại thuốc nào có thể loại bỏ hết các mảng da bạch biến đã xuất hiện trên da. Những cách chữa bệnh bạch biến hầu hết là ngăn chặn các mảng da mất sắc tố lan rộng, làm cho sự chênh lệch màu sắc giữa vùng da bị ảnh hưởng và vùng da thường khó được nhận thấy.
Những lựa chọn điều trị và hỗ trợ điều trị bạch biến bao gồm:
- Dùng thuốc bôi tại chỗ như corticoid, tacromilus
- Quang hóa trị liệu (sử dụng một số bước sóng nhất định của tia cực tím UVB hay UVA kết hợp với thuốc uống psoralen để kích thích sản xuất sắc tố)
- Sử dụng các mỹ phẩm để che giấu vùng da mất sắc tố
- Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da dưới ánh nắng mặt trời
- Giảm sắc tố vùng da bình thường để đồng nhất hóa màu da trong trường hợp bạch biến xuất hiện quá nhiều trên cơ thể
- Phẫu thuật ghép da từ vùng da bình thường cho những khu vực bị mất sắc tố
Điều gì làm tăng nguy cơ mắc phải bạch biến?
Nguyên nhân gây ra bạch biến vẫn chưa được biết đến. Một yếu tố rủi ro có thể liên quan đến bạch biến là người bệnh có các gene NLRP1 và PTPN22.
Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng bạch biến là một rối loạn tự miễn vì cơ thể đang tấn công chính tế bào của mình. Tuy nhiên, cơ chế của quá trình tấn công vào các tế bào sắc tố này vẫn chưa được biết đến. Khoảng 20% những người mắc bệnh bạch biến cũng tồn tại một rối loạn tự miễn khác. Tùy thuộc vào nơi ở, những rối loạn này có thể bao gồm:
- Xơ cứng bì, một rối loạn của các mô liên kết trong cơ thể
- Lupus
- Viêm tuyến giáp
- Bệnh vẩy nến
- Rụng tóc từng mảng hay hói đầu
- Đái tháo đường tuýp 1
- Thiếu máu ác tính , không có khả năng hấp thu vitamin B12
- Bệnh Addison
- Viêm khớp dạng thấp
Theo một số chuyên gia, bạch biến có thể xuất hiện sau khi:
- Bị cháy nắng hoặc có những vết cắt nghiêm trọng
- Tiếp xúc với độc tố và hóa chất
- Mức độ căng thẳng (stress) cao