Ngứa ngón tay không chỉ khiến bạn khó chịu mà nó còn ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Phần lớn các trường hợp ngứa ngón tay đều không nghiêm trọng và thường biến mất khi áp dụng các phương pháp chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nguy hiểm hơn cần theo dõi.
Vậy ngứa ngón tay là dấu hiệu của bệnh gì? Làm sao để điều trị và ngăn ngừa tình trạng này? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Nguyên nhân gây ngứa ngón tay
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngứa ngón tay, trong đó phổ biến nhất là:
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị viêm và kích ứng do tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân kích thích hoặc chất gây dị ứng. Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc ở ngón tay bao gồm:
- Ngứa ngáy, khó chịu khắp ngón tay và bàn tay
- Đỏ, đau, sưng và viêm ngón tay
- Da khô và bong tróc thành từng mảng
- Nổi mụn đỏ trên da
Bàn tay và ngón tay là các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều vật thể và chất liệu khác nhau. Điều này khiến cho việc xác định chính xác nguyên nhân gây dị ứng thường mất khá nhiều thời gian. Do đó, người hay có phản ứng dị ứng ở tay nên ghi chép lại các triệu chứng và chất gây dị ứng tiềm năng mà mình hay tiếp xúc. Một số tác nhân thường gây ra phản ứng ở ngón tay bao gồm:
- Nước hoa
- Trang sức, thắt lưng hoặc đồng hồ bằng kim loại
- Thành phần coban có trong thuốc nhuộm tóc hoặc chất khử mùi
- Kem dưỡng da tay
- Thuốc xịt khử trùng
Cách tốt nhất để điều trị tình trạng ngứa ngón tay do viêm da tiếp xúc là xác định chất gây dị ứng và tránh tiếp xúc với nó. Bên cạnh đó, để cải thiện các triệu chứng dị ứng, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp sau:
- Dùng kem kháng histamin hoặc thuốc giảm đau không kê đơn
- Dùng corticosteroid dạng bôi
- Quang trị liệu – phương pháp sử dụng tia cực tím để điều trị viêm da tiếp xúc
Ngứa ngón tay do bệnh tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa là một dạng chàm đặc biệt làm phát triển của các mụn nước nhỏ, gây ngứa ngáy ở lòng bàn tay, bàn chân, ngón tay và ngón chân. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, giới y học cho rằng nó có liên quan đến các yếu tố như căng thẳng, kích ứng da và dị ứng theo mùa.
Khi bị tổ đỉa ở ngón tay, người bệnh thường có các biểu hiện như:
- Xuất hiện các mụn nước nhỏ trên bề mặt ngón tay
- Ngứa ngáy dữ dội và đau rát ở ngón tay
- Viêm đỏ ngón tay
- Vùng da ở ngón tay nứt nẻ hoặc bong tróc thành từng mảng
Theo nghiên cứu, bệnh tổ đỉa có xu hướng phát triển mạnh ở những người có tiền sử bị dị ứng. Đồng thời, nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa ở phụ nữ cũng cao hơn gấp đôi so với nam giới.
Để kiểm soát cơn ngứa ngón tay và các triệu chứng do chàm tổ đỉa gây ra, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Chườm lạnh lên vùng da bị tổ đỉa để giảm sưng và ngứa
- Dưỡng ẩm da thường xuyên để tránh khô da
- Sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm và chất tẩy rửa dịu nhẹ, không gây kích ứng
Bệnh vảy nến gây ngứa ngón tay
Bệnh vảy nến là một tình trạng làm cho các tế bào da tích tụ nhanh chóng, dẫn đến hình thành các mảng da bong tróc, gây ngứa ở vùng da bị ảnh hưởng. Bệnh có thể xuất hiện ở các khu vực khác nhau của cơ thểi, bao gồm cả ngón tay và móng tay.
Khi vảy nến xảy ra ở ngón tay, bệnh thường gây ra các triệu chứng sau:
- Các lớp vảy màu trắng đục ở ngón tay bị ảnh hưởng
- Khô da, nứt nẻ, thậm chí là chảy máu
- Ngứa ngáy, đau rát ở ngón tay bị viêm
Vảy nến là bệnh tương đối khó điều trị. Do đó, để tìm ra cách điều trị phù hợp, bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Một số phương pháp thường được dùng để điều trị vảy nến bao gồm:
- Sử dụng thuốc uống theo toa
- Dùng kem corticosteroid
- Dùng kem có chứa các hợp chất tương tự vitamin D
- Dùng kem chứa axit salicylic
- Phương pháp quang trị liệu
Bệnh thần kinh ngoại biên
Ngứa ngón tay cũng có thể do bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh thần kinh ngoại biên là dạng bệnh do tổn thương thần kinh gây ra, có khả năng ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cơ thể, bao gồm cả tay và chân. Bệnh có thể là kết quả của một chấn thương, nhiễm trùng, phơi nhiễm chất độc hoặc các vấn đề về trao đổi chất.
Đặc biệt, ngứa đầu ngón tay cũng là một trong những biến chứng thường gặp của tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Nguyên nhân là do tiểu đường khiến lượng đường trong máu tăng cao không kiểm soát, dẫn đến tổn thương dây thần kinh ngoại biên.
Các triệu chứng của biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường bao gồm:
- Ngứa ran ở tay và ngón tay
- Các ngón tay trở nên nhạy cảm hơn
- Tê cứng hoặc mất cảm giác ở các ngón tay
- Có cảm giác đau rát ở ngón tay
Hiện nay, bệnh thần kinh ngoại biên do biến chứng tiểu đường vẫn chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu. Các lựa chọn điều trị chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng và làm chậm tiến trình của bệnh. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp sau đây:
- Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về cách điều chỉnh lượng đường trong máu
- Giữ huyết áp ở mức ổn định
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao
- Từ bỏ các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc
- Sử dụng các loại thuốc chống co giật và trầm cảm
- Dùng các loại kem bôi có chứa capsaicin
- Châm cứu
Bệnh ghẻ gây ngứa ngón tay
Ghẻ là bệnh ngoài da dễ lây lan. Bệnh do Sarcoptes scabiei – một loại côn trùng ký sinh trên da gây ra. Những con côn trùng này thường đào hang và đẻ trứng tại các khu vực có nếp gấp da như ngón tay, ngón chân, đầu gối, khuỷu tay và bộ phận sinh dục.
Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh ghẻ bao gồm:
- Các nốt mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ xuất hiện trên bề mặt da
- Những vết hằn nhỏ (luống ghẻ) có hình dạng như một đường hầm trên da
- Da trở nên dày hơn và có hiện tượng bong vảy
- Có cảm giác ngứa dữ dội khi tắm hoặc sau khi tắm
- Cảm giác ngứa tăng dần vào ban đêm
Bệnh ghẻ có thể lây lan từ người sang người qua việc tiếp xúc da kề da, sử dụng chung quần áo, khăn và drap giường với người bệnh. Để điều trị dứt điểm căn bệnh này, người bệnh phải loại bỏ được toàn bộ ký sinh trùng gây bệnh và trứng của chúng.
Khắc phục tình trạng ngứa ngón tay tại nhà
Tình trạng ngứa ngón tay có thể được kiểm soát thông qua các biện pháp điều trị tại nhà. Các mẹo nhỏ sau đây sẽ hỗ trợ quá trình điều trị ngứa ngón tay và ngăn ngừa cơn ngứa tái phát:
- Rửa tay thường xuyên bằng các loại xà phòng dịu nhẹ
- Lau khô tay sau khi rửa tay
- Ngâm ngón tay bằng nước mát để giảm ngứa
- Không sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có khả năng gây kích ứng
- Sử dụng găng tay khi thời tiết khô, lạnh hoặc khi tiếp xúc với các loại hóa chất hoặc chất tẩy rửa mạnh
- Giữ ẩm cho da tay bằng các kem dưỡng da phù hợp
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng kem dưỡng da để làm dịu các tổn thương do cơn ngứa trên da gây ra. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cần sử dụng thuốc bôi corticosteroid, thuốc chống nấm và kem diệt khuẩn để điều trị tình trạng ngứa.
Khi nào bạn cần đi khám?
Nếu các biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc kê đơn như thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch… để kiểm soát triệu chứng bệnh.
Ngứa ngón tay thường không đáng lo ngại và có thể khắc phục bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu hiện tượng ngứa ngón tay không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc tái phát nhiều lần, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.