backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Top 3 nguyên nhân da tay bị khô và 8 cách khắc phục

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 16/02/2023

    Top 3 nguyên nhân da tay bị khô và 8 cách khắc phục

    Dù da tay bị khô không phải là một tình trạng quá nguy hiểm nhưng có thể gây mất thẩm mỹ và khiến bạn khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Trong hầu hết các trường hợp, khô tay là do điều kiện môi trường, thời tiết. Ngoài ra, thường xuyên rửa tay, tiếp xúc với hóa chất cũng có thể khiến da tay bị khô sần và ngứa.

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về nguyên nhân khiến da tay bị khô, các biện pháp khắc phục tình trạng khô da tay, và cách phòng tránh hiệu quả.

    3 nguyên nhân da tay bị khô là gì?

    nguyên nhân khiến da tay bị khô là gì

    1. Bị khô da tay do thời tiết

    Trong những ngày thời tiết lạnh giá, đặc biệt là thời tiết lạnh không có nhiều độ ẩm trong không khí, da tay thường dễ bị khô hơn. Nguyên nhân da lòng bàn tay bị khô ráp là do độ ẩm trong không khí giảm sẽ lấy đi độ ẩm của da tay bạn.

    2. Điều kiện nơi làm việc

    Điều kiện nơi làm việc cũng có thể khiến da tay bị thô ráp. Những người làm công việc đòi hỏi phải rửa tay nhiều, chẳng hạn như y tá, bác sĩ hoặc giáo viên thường gặp tình trạng này hơn. Ngoài ra, công nhân nhà máy hoặc thợ làm tóc cũng thường xuyên tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất gây kích ứng mạnh cho da, từ đó khiến da dễ bị khô.

    >>> Bạn có thể quan tâm: 7 cách bảo vệ da tay khi bạn phải rửa tay thường xuyên

    3. Điều kiện sức khỏe

    Thông thường, những người mắc chứng rối loạn tự miễn dịch như bệnh tiểu đường hoặc bệnh lupus có thể làm giảm lưu thông máu đến tay. Điều này khiến tay họ dễ bị kích ứng hơn. Bên cạnh đó, bệnh chàm và bệnh vẩy nến là hai tình trạng gây nên viêm da, cũng có thể dẫn đến tình trạng da tay bị khô, bong tróc da và nứt nẻ.

    8 cách làm mềm da tay bị khô hiệu quả

    1. Dưỡng ẩm cho da tay

    Thoa kem dưỡng da tay hoặc lotion nhiều lần mỗi ngày là biện pháp hiện tại vẫn được nhiều người áp dụng. Sử dụng kem dưỡng da tay hoặc lotion có khả năng giúp phục hồi độ ẩm và hạn chế tình trạng thoát hơi nước trên bề mặt da.

    2. Đeo găng tay

    Nếu bạn phải thường xuyên để tay tiếp xúc với nước, hãy cân nhắc đeo thêm đôi găng tay để bảo vệ da hiệu quả hơn. Đeo găng tay sẽ giúp ngăn nước lấy đi lớp dầu tự nhiên trên da của bạn, ngoài ra giữ cho da tay không tiếp xúc với các hóa chất khác.

    3. Giảm căng thẳng

    Thực tế, có mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng và bệnh chàm da. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy da tay bị khô do bệnh chàm, hãy dành chút thời gian tự chăm sóc bản thân bằng cách giảm bớt căng thẳng nhé!

    4. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

    Nếu bạn bị bệnh chàm da nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn steroid để bạn thoa lên da hoặc cho bạn sử dụng thuốc kháng sinh qua đường uống.

    5. Liệu pháp ánh sáng UV

    Trong một số trường hợp bạn bị mắc bệnh vẩy nến nặng, liệu pháp tia cực tím (UV) thường được bác sĩ da liễu sử dụng để giúp da tự chữa lành. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ loại liệu pháp tia cực tím nào lên da.

    6. Chăm sóc da bàn tay qua đêm

    Một trong những biện pháp cách trị khô da tay tại nhà hiệu quả nhất đó chính là thoa kem dưỡng da (lotion) hoặc kem dưỡng ẩm gốc dầu vào ban đêm, chẳng hạn như thoa vaseline. Sau khi thoa kem dưỡng ẩm, bạn đeo thêm găng tay hoặc sử dụng tất mềm cho tay. Điều này giúp sản phẩm kem dưỡng hấp thụ vào da hiệu quả hơn, đem đến cho bạn đôi bàn tay mịn màng như da em bé.

    Da tay bị khô phải làm sao

    7. Sử dụng kem dưỡng kê đơn

    Đối với da tay bị khô tróc vảy, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng kem dưỡng da đặc biệt có chứa axit lactic hoặc urê. Những thành phần này giúp loại bỏ da khô và có vảy. Tuy nhiên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại kem bôi nào lên da để tránh tình trạng da kích ứng.

    8. Thoa kem hydrocortisone

    Trong một số trường hợp, da khô có thể trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến viêm da – tình trạng da bị viêm và đỏ. Vì thế, đối với các trường hợp này, sử dụng kem dưỡng da có chứa thành phần hydrocortisone có thể được xem là hữu ích nhất. Hoạt chất hydrocortisone có thể giúp làm dịu da bị kích ứng một cách hiệu quả.

    Dưỡng ẩm da tay bị khô

    >>> Đọc thêm: Bong tróc da đầu ngón tay ở người lớn và trẻ em: Nguyên nhân và cách chữa tại nhà

    Cách phòng ngừa da tay bị khô tại nhà

    • Sử dụng kem dưỡng da tay: Nếu da tay bị khô do tính chất công việc, bạn hãy nên mang theo một tuýp kem dưỡng ẩm da tay để dùng suốt cả ngày. Một số thành phần kem dưỡng ẩm bạn nên tìm mua có chứa: glycerin, dầu jojoba, bơ ca cao, nha đam,…
    • Tránh nhiệt độ cao: Bạn cũng nên tránh để da tay tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, chẳng hạn như máy sấy tay. Giống như khi thời tiết trở lạnh hoặc hanh khô, nhiệt độ cao cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khô da tay của bạn.
    • Rửa tay bằng nước lạnh hoặc nước ấm: Như đã đề cập, bạn cần tránh để tay tiếp xúc với nhiệt độ cao. Rửa tay nhiều lần bằng nước nóng có thể làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da, khiến da tay bạn trở nên căng, ngứa, nóng rát và khó chịu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh rửa tay bằng xà phồng có chứa cồn, mùi hương hoặc thuốc nhuộm.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Gót chân bị nứt phải làm sao: 10 cách “hô biến” trở lại gót hồng

    Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

    Nếu nguyên nhân bàn tay khô là do bệnh chàm hoặc do các bệnh lý về da khác, bạn có thể gặp một số các biến chứng về da như nhiễm trùng hoặc thậm chí biến dạng móng tay.

    Bạn nên đi thăm khám bác sĩ nếu da tay bị khô đi kèm theo các triệu chứng như:

    • Thay đổi màu da
    • Chảy máu da
    • Da trở nên đỏ
    • Da tay bị sưng tấy

    >>> Bạn có thể quan tâm: Tạm biệt da tay khô ráp chỉ bằng sữa tươi

    Bài viết trên đã chia sẻ đến bạn nguyên nhân cũng như cách trị khô da tay hiệu quả mà bạn cần biết để đem lại làn da tay mềm mịn hơn. Hy vọng rằng qua bài viết trên, bạn không cần phải lo ngại với đôi bàn tay thô ráp, sần sùi mỗi khi ra đường nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 16/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo