Mỗi 1 loại mụn sẽ phải trải qua các giai đoạn hình thành khác nhau. Hiểu rõ về vòng đời của mụn sẽ giúp bạn xác định được thời điểm “chín muồi” để loại bỏ nhân cồi mụn mà không gây sẹo thâm cho da.
Mụn hình thành do đâu?
Mụn là 1 dạng tổn thương trên da bao gồm các loại mụn không viêm (như mụn đầu đen, mụn trứng cá) và mụn viêm (như mụn sẩn, mụn mủ và mụn nang).
Quá trình hình thành mụn có thể bắt đầu từ vài tuần đến vài tháng trước khi nó xuất hiện rõ ràng hơn. Hầu hết các nốt mụn bọc bị nhiễm trùng hình thành do mụn đầu trắng và mụn đầu đen tồn tại từ trước, cộng với sự tắc nghẽn của bã nhờn và dầu thừa ẩn sâu trong lỗ chân lông.
Cụ thể, những nốt mụn này thường bị viêm do sự tích tụ của tế bào chết và khiến cho vi khuẩn sinh sôi. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng tất cả các nang lông đều chứa 1 lượng vi khuẩn tự nhiên. Khi oxy dễ dàng đi vào lỗ chân lông, vi khuẩn sẽ không có khả năng phát triển và gây ra các vấn đề. Chỉ khi bạn gặp phải tình trạng quá nhiều bã nhờn, cộng với việc tích tụ các tế bào chết trên da thì mới dẫn đến việc nổi mụn.
Một số yếu tố góp phần kích thích sản sinh mụn có thể được kể đến như nội tiết tố, di truyền, sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, lối sống sinh hoạt và môi trường xung quanh.
Vòng đời của mụn kéo dài bao lâu?
Có 3 giai đoạn chính trong vòng đời của mụn.
Giai đoạn 1
Bụi bẩn và tế bào chết đã bị mắc kẹt trong lỗ chân lông hình thành các nốt mụn li ti sâu trong da mà mắt thường khó có thể phát hiện được. Về cơ bản, sự tích tụ của bã nhờn và tế bào chết tạo thành nút bịt kín cho lỗ chân lông khiến cho vi khuẩn ngày càng phát triển nhiều hơn. Tại thời điểm này, các nốt mụn đã chính thức hình thành khi:
- Mụn đầu đen: Loại mụn này khi tiếp xúc với không khí, gây ra quá trình oxy hóa và có màu sẫm đặc trưng.
- Mụn đầu trắng: Các nốt mụn này thường được bao bọc bởi một lớp da mỏng và có màu sáng ở đỉnh đầu.
Giai đoạn 2
Như đã đề cập, bã nhờn thường gây tắc nghẽn lỗ chân lông và sinh ra mụn. Từ đó, các vi khuẩn sẽ hình thành các vết sưng (mụn sẩn) trên bề mặt da, kèm theo tình trạng mẩn đỏ và gây đau nhức. Khi đó, các tế bào bạch cầu tập trung lại khu vực này để giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn. May mắn thay, không phải tất cả các loại mụn đều phát triển đến giai đoạn này trong vòng đời của mụn, tuy nhiên vẫn có 1 số các dạng mụn có thể xảy ra như:
- Mụn đỏ sưng tấy
- Mụn mủ sưng đỏ, sưng tấy với phần nhân ở giữa có màu trắng chứa đầy dịch mủ
- Mụn ẩn sâu, cứng, nằm dưới bề mặt da
- U nang, mụn chứa đầy dịch mủ bên dưới da.
Giai đoạn 3
Khi tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm, các vết sưng mụn sẽ đóng vảy và có khả năng để lại sẹo (thường được gọi là chứng tăng sắc tố sau viêm). Theo thời gian, chu trình đổi mới tự nhiên của tế bào da sẽ đẩy các tế bào thâm sạm ra ngoài, từ đó giúp sẹo mờ dần. Trong quá trình hồi phục mụn đang lành, bạn có thể cảm thấy ngứa và bong tróc da. Tuy nhiên bạn hãy yên tâm vì đây là các triệu chứng bình thường khi làn da mụn đang được chữa lành. Thời gian thâm mụn và phục hồi da có thể kéo dài từ 4-6 tháng.
Các nốt mụn không viêm có thể tồn tại trong thời gian dài trong vòng đời của mụn mà không cần điều trị. Tuy nhiên để loại bỏ lớp sừng dư thừa trên da thì cần có sự hỗ trợ từ retinoid. Thông thường các tổn thương dạng mụn mủ hoặc mụn nang có thể kéo dài từ 4-6 tuần một khi chúng bắt đầu hình thành, cho đến khi tình trạng viêm thuyên giảm.
>>> Bạn có thể quan tâm: Cách làm sạch da mặt bị mụn giúp giảm thâm, mau lành
Khi nào thì nên nặn mụn?
Ở bất kỳ giai đoạn nào trong vòng đời của mụn, nếu bạn không tác động đến và để cho mụn tự lành thì điều đó cho thấy rằng hệ thống miễn dịch và quá trình chữa lành cơ thể đang hoạt động tốt. Mặt khác, nếu bạn nặn mụn đầu trắng không đúng cách, thì việc này có thể chọc mủ áp xe và khiến cho vết thương bị nhiễm trùng. Một rủi ro khác là bạn có thể “vô tình” làm di chuyển vết nhiễm trùng thay vì khiến cho chúng nổi lên trên bề mặt thì vi khuẩn lại xâm nhập sâu hơn vào lỗ chân lông và gây viêm, từ đó khiến cho mụn lâu lành hơn.
Để điều trị mụn mủ đúng cách, thì bạn nên đợi từ 1-2 ngày sau khi các nốt mụn xuất hiện để vết nhiễm trùng có thể “trồi” lên khỏi làn da. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát mụn hiệu quả mà không làm tổn thương da khi loại bỏ mụn. Khi phần nhân mủ trắng bắt đầu “trồi” lên thì hãy quấn phần đầu ngón tay trong gạc vô khuẩn và nhẹ nhàng bóp để loại bỏ phần nhiễm trùng. Sau đó, bạn lau lại bằng providine và nước muối sinh lý pha loãng tỉ lệ 1:2.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nếu mụn vẫn tồn tại dù bạn đã thử mọi cách trị mụn tại nhà thì hãy cân nhắc đến việc gặp bác sĩ da liễu. Nếu các nốt mụn không phản ứng với các sản phẩm trị mụn không kê đơn, bạn có thể được bác sĩ chỉ định toa retinoids, kem kháng khuẩn và các loại thuốc uống khác phù hợp với bạn. Quan trọng hơn hết, nếu bạn đang bị các nốt mụn nang “đeo bám” thì hãy can thiệp càng sớm càng tốt để làm sạch mụn và ngăn ngừa các vết thâm mụn lâu dài.