Kháng sinh
Đối với tình trạng mụn từ trung bình đến nặng, bạn có thể cần phải uống kháng sinh để giảm vi khuẩn và kháng viêm. Thông thường lựa chọn đầu tay để trị mụn là kháng sinh nhóm tetracycline như minocycline hay doxycycline hoặc nhóm macrolide.
Kháng sinh đường uống nên được sử dụng trong thời gian ngắn để tránh sự kháng thuốc. Bên cạnh đó, kháng sinh có thể gây tác dung phụ như đau dạ dày và chóng mặt. Những thuốc này cũng có thể khiến da bạn tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
Thuốc tránh thai kết hợp dạng viên

Đây là những thuốc kết hợp hormone estrogen và progestin (Ortho Tri-Cyclen, Yaz, thuốc khác). Bạn có thể không thấy được lợi ích của việc điều trị này trong vài tháng đầu, vì thế sử dụng kết hợp thuốc này với những thuốc khác có thể giúp bạn đạt hiệu quả nhanh hơn.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc này gồm tăng cân, căng bầu ngực và buồn nôn. Một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Sản phẩm trị mụn: Thuốc Anti-androgen
Thuộc loại thuốc này là spironolactone (Aldactone) có thể được dùng cho phụ nữ và các bạn gái nếu thuốc kháng sinh đường uống không hiệu quả. Thuốc có tác dụng ức chế tác động của hormone androgen lên tuyến bã nhờn. Tác dụng phụ có thể gặp gồm căng vú và đau bụng kinh.
Isotretinoin
Gồm các thuốc Amnesteem, Claravis, Sotret là một thuốc có tác dụng mạnh với những người có mụn nghiêm trọng và không đáp ứng với các thuốc điều trị khác.
Isotretinoin viên uống khá hiệu quả. Tuy nhiên, vì những tác dụng phụ của thuốc mà bác sĩ cần phải xem xét từng cá nhân cụ thể trước khi quyết định điều trị. Tác dụng phụ bạn có thể gặp khi dùng thuốc gồm viêm loét đại tràng, tăng nguy cơ trầm cảm và tự tử, khuyết tật thai nhi nghiêm trọng. Vì thế, bạn nên cẩn trọng khi dùng thuốc này.
3. Mặt nạ cũng là một sản phẩm trị mụn hiệu quả

Nếu bạn muốn một cách trị mụn tự nhiên hơn mà không cần dùng thuốc thì hãy thử làm mặt nạ để đắp nhé.
Mặt nạ trị mụn từ khoai tây
Bạn hãy gọt, rửa sạch và cắt lát khoai tây. Sau đó, làm sạch da mặt rồi đắp khoai lên vùng bị mụn. Khi đắp, bạn có thể kết hợp chà xát khoai tây theo vòng tròn. Bạn hãy để khoai trên mặt trong khoảng 20 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm. Mặt nạ khoai tây có thể áp dụng 2-3 lần một tuần để có kết quả tốt nhất.
Khoai tây chứa nhiều vitamin B1, B2, C…cùng các khoáng chất cần thiết cho da nên sẽ giúp da khỏe hơn, mụn se lại và thâm mụn cũng mờ dần.
Mặt nạ trị mụn cà chua và bột mì

Bạn chuẩn bị nửa quả cà chua và 2 thìa bột mì. Sau đó, bạn hãy xay nhuyễn cà chua rồi lọc lấy nước để trộn đều với bột mì tạo thành hỗn hợp sền sệt. Khi da mặt đã sạch, bạn hãy thoa hỗn hợp trên lên và giữ yên trong khoảng 20 phút rồi dùng nước ấm rửa lại. Bạn có thể thực hiện cách trị mụn này đều đặn 2 – 3 lần một tuần để da sạch mụn, hết thâm và sáng hơn.
Cà chua giàu vitamin C và Lycopene nên sẽ tăng cường sức đề kháng cho làn da, kháng viêm, giảm sưng tấy, kích thích làm
lành vết thương, giảm sản xuất nhờn. Bột mì lại chứa nhiều vitamin B và có khả năng
tẩy tế bào chết hiệu quả nên sẽ giúp da sạch sẽ, khỏe mạnh, cải thiện sắc tố,
ngăn ngừa mụn xuất hiện.
Sản phẩm trị mụn mặt nạ từ bột nghệ và sữa chua
Bạn hãy trộn thật đều 2 thìa bột nghệ vàng và 3 thìa sữa chua không đường rồi dùng hỗn hợp vừa chế biến này thoa đều lên mặt và massage nhẹ nhàng để chất dinh dưỡng của mặt nạ ngấm sâu vào làn da. Bạn đợi khoảng 15 đến 30 phút rồi rửa sạch mặt lại với nước ấm. Bạn có thể áp dụng cách trị mụn này 2 – 3 lần một tuần để mụn từ từ biến mất, trả lại làn da láng mịn và tươi trẻ rạng ngời.
Công thức mặt nạ trị mụn từ bột nghệ và sữa chua này được xem một công thức giúp giải quyết nhanh chóng và hiệu quả mụn cũng như các vấn đề về da như: vết thâm do mụn, sạm, nám, nhờn bóng, lỗ chân lông to, cháy nắng…
4. Xông mặt trị mụn

Xông hơi mặt không chỉ giúp bạn diệt vi khuẩn và cách tế bào gây mụn trên mặt mà còn cung cấp độ ẩm cho da cũng như giúp bạn thư giãn. Chỉ 2 lần xông mặt trị mụn một tuần, mỗi lần 5-10 phút là bạn có thể có một làn da sạch mụn, săn chắc và tươi trẻ.
Bạn có thể xông mặt bằng máy hay tận dụng bồn rửa mặt hoặc khăn tắm để tích kiệm hơn. Khi xông, bạn có thể bỏ các thảo mộc và tinh dầu như cúc la mã, hương thảo, tinh dầu cam, tinh dầu oải hương…vào nước xông để thư giãn.
Kết hợp các liệu pháp khác bên cạnh sản phẩm trị mụn

Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm trị mụn như kem, thuốc trị mụn, bạn cũng cần kết hợp với những liệu pháp khác và điều chỉnh thói quen sống để tăng cường hiệu quả trị mụn.
1. Áp dụng liệu pháp điều trị mụn
Những liệu pháp điều trị này có thể được đề nghị ở một số trường hợp mụn đặc biệt, có thể sử dụng đơn độc hay kết hợp với thuốc khác.
Liệu pháp laser
Nhiều liệu pháp điều trị dựa vào ánh sáng như laser đã được đề xuất và ghi nhận một vài trường hợp thành công. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định biện pháp, nguồn và liều lượng ánh sáng an toàn và hiệu quả trong điều trị mụn.
Mặt nạ hóa học
Tiến trình này được sử dụng nhiều lần với các chất hóa học như axit salicylic, axit glycolic và axit retinoic. Sự cải thiện của da không kéo dài lâu nên liệu pháp này cần được sử dụng thường xuyên.
Hút mụn đầu trắng và đầu đen
Bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ đặc biệt và nhẹ nhàng lấy đi các mụn đầu trắng và đầu đen trên da vì không điều trị hết bằng các thuốc bôi khác. Tuy nhiên, biện pháp này có thể để lại sẹo.
Tiêm steroid
Tổn thương da dạng u mụn nhỏ có thể điều trị bằng cách tiêm steroid trực tiếp vào tổn thương. Liệu pháp này cho sự cải thiện nhanh chóng và giảm đau, song có thể làm mỏng vùng da điều trị.
2. Sử dụng sản phẩm trị mụn, đừng quên thay đổi lối sống hàng ngày

Bạn có thể phòng ngừa hay kiểm soát các dạng mụn nhẹ với những thuốc mua được ngoài thị trường mà không cần phải đi khám, cùng với những biện pháp chăm sóc da như:
Rửa mặt với nước rửa nhẹ dịu
Bạn có thể rửa mặt 2 lần/1 ngày với xà phòng dịu nhẹ và nước ấm. Nếu bạn thường mọc mụn ở vùng quanh chân tóc, bạn nên gội đầu hằng ngày. Bạn cũng nên nhẹ nhàng hơn khi cạo râu ở những vùng da có mụn.
Tránh dùng sản phẩm dễ gây kích ứng
Ví dụ như các sản phẩm tẩy da chết, mặt nạ và làm se khít da. Những sản phẩm trên có thể gây kích ứng da và làm mụn phát triển trầm trọng hơn.
Dùng sản phẩm trị mụn kiềm dầu và kích thích tái tạo da
Bạn có thể tìm các sản phẩm trị mụn chứa thành phần hoạt hóa như benzoyl peroxide, hay có thể chứa salicylic axit, glycolic axit hay alpha hydroxyl axit, có thể kiểm soát mụn vừa và nặng. Bạn có thể cần vài tuần để thấy được hiệu quả điều trị. Những thuốc này không cần phải được bác sĩ kê đơn, tuy nhiên có thể gây những tác dụng phụ như đỏ da, khô da và tróc vảy, nhưng thường cải thiện sau tháng đầu sử dụng.
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời
Đối với một số người, ánh mặt trời có thể làm mụn phát triển nặng hơn. Bên cạnh đó, một số thuốc điều trị mụn còn khiến da bạn tăng nhạy cảm với ánh nắng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để quyết định sử dụng thuốc hợp lý. Nếu bạn đang dùng các thuốc trị mụn như vậy, bạn nên tránh ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt. Thường xuyên dùng sản phẩm tạo ẩm không gây mụn cho da, kem chống nắng.
Tránh chà xát hay tạo áp lực lên da
Bạn nên bảo vệ vùng da dễ bị mụn khỏi việc tiếp xúc với điện thoại, mũ bảo hiểm, cổ áo…
Tránh chạm hay nặn mụn ở vùng da bị tổn thương
Khi làm như thế, bạn có thể kích thích mụn mọc nhiều hơn hay thậm chí gây nhiễm trùng và để lại sẹo.
Tắm sau khi hoạt động mạnh
Dầu và mồ hôi trên da có thể khiến da bị bít tắc lỗ chân lông gây nên mụn.
3. Sử dụng dược phẩm thay thế

Những dược phẩm thay thế khác mà bạn có thể dùng để điều trị mụn bao gồm dầu cá, nấm men bia, men vi sinh, viên kẽm và tinh dầu trị mụn. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định tính hiệu quả và độ an toàn lâu dài khi sử dụng những dược phẩm trên. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về ưu và khuyết điểm của các loại dược phẩm trước khi điều trị.
Mụn và sẹo có thể gây lo âu và căng thẳng cho các bạn. Vì căng thẳng có thể gây nhiều mụn hơn nên bạn cần thư giãn bằng cách thiền, tập yoga hay massage. Để đạt được hiệu quả khi điều trị mụn, bạn cần kiên nhẫn, lựa chọn cách điều trị phù hợp với mình, đồng thời có lối sống lành mạnh, giảm thiểu căng thẳng và ngủ đủ giấc.
Bạn có thể tham khảo: Các loại mụn trứng cá và hướng điều trị.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!