backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Mụn bọc ở cằm có nên nặn không? Nguyên nhân & cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Phạm Mỹ Tuyền · Da liễu · Clover Clinic


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 11/09/2023

Mụn bọc ở cằm có nên nặn không? Nguyên nhân & cách điều trị

Nốt mụn cứng, sưng đỏ xuất hiện dưới cằm khiến bạn bị đau khi chạm vào có thể là biểu hiện của mụn bọc ở cằm. Loại mụn này có thể có ở mọi đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai.

Bạn có nên nặn mụn bọc ở cằm không? Nguyên nhân và cách điều trị loại mụn này thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Mụn bọc ở cằm là gì?

Mụn bọc ở cằm là loại mụn có nốt sần cứng phát triển sâu dưới bề mặt da, xuất hiện ở cằm dưới dạng vết sưng đỏ. Những vết sưng này thường không có nhân mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen ở giữa, gây đau khi chạm vào và dễ để lại sẹo.

Đối tượng dễ nổi mụn bọc ở cằm phổ biến:

  • Trẻ vị thành niên
  • Phụ nữ mang thai
  • Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh
  • Phụ nữ tới kỳ kinh nguyệt.

Nguyên nhân gây mụn bọc ở cằm

Nguyên nhân gây mụn bọc ở cằm

Nguyên nhân gây mụn bọc là do vi khuẩn Cutibacteria Acnes (C. Acnes) mắc kẹt dưới da dẫn đến nhiễm trùng và viêm. Mụn bọc cũng thường xuất hiện khi tế bào chết, bã nhờn tích tụ làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên da. Một số yếu tố khác gây mụn bọc ở cằm bao gồm:

  • Thuốc: Một số loại thuốc như corticosteroid có thể làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
  • Sản phẩm chăm sóc da: Các loại kem dưỡng, đồ trang điểm có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến nổi mụn.
  • Đổ mồ hôi quá nhiều: Da đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt khi mồ rơi xuống cằm và bám vào da sẽ dễ gây mụn ở cằm hơn.
  • Di truyền: Mụn bọc có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ có mụn, nhiều khả năng bạn cũng dễ bị phát triển mụn.
  • Căng thẳng và lo lắng: Nồng độ cortisol (hormone căng thẳng) tăng lên khiến cơ thể tiết ra nhiều bã nhờn hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố gây mụn bọc ở cằm.
  • Nội tiết tố: Người trong độ tuổi dậy thì có nhiều khả năng bị nổi mụn bọc ở cằm, do nồng độ hormone androgen tăng cao khiến tăng tiết dầu, làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, đang có kinh nguyệt hoặc trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể bị mụn bọc.
  • Bên cạnh đó, một số loại thức ăn cũng góp phần gây mụn như: thức ăn nhiều calo, ngọt, béo, sữa,… Khi bạn tiêu thụ quá nhiều những thực phẩm này, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, làm tăng tiết insulin ở tụy, dẫn đến tăng hoạt động của tuyến bã nhờn, góp phần gây mụn.

Mụn bọc ở cằm phát triển thế nào?

Mụn bọc ở cằm phát triển thế nào

  • Giai đoạn 1: Tắc nghẽn lỗ chân lông

Mụn bắt đầu phát triển khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn do tế bào chết và bã nhờn tích tụ.

  • Giai đoạn 2: Hình thành mụn trứng cá không viêm

Khi lỗ chân lông chứa đầy bã nhờn sẽ hình thành mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen.

  • Giai đoạn 3: Thành lỗ chân lông bị phá hủy

Lượng bã nhờn tích tụ tạo điều kiện cho vi khuẩn Cutibacteria Acnes (C. Acnes) phát triển. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng và gửi bạch cầu trung tính để tấn công C. Acnes. Điều này có thể làm vỡ thành lỗ chân lông, giải phóng các chất bên trong bã nhờn như bạch cầu trung tính, vi khuẩn và tế bào chết ở vùng da xung quanh.

  • Giai đoạn 4: Hình thành nốt sần

Sự phá hủy thành lỗ chân lông sẽ giải phóng các chất ở các vùng sâu dưới da. Do mức độ nghiêm trọng của vết rách, như một phản ứng viêm nhiễm tự nhiên, một khối u lớn sẽ hình thành.

Mụn bọc ở cằm có nên nặn không?

Bạn tuyệt đối KHÔNG nên nặn hay bóp nốt mụn. Việc nặn mụn bọc ở cằm có thể khiến nốt mụn trở nên nghiêm trọng, sưng viêm hơn, thậm chí là gây sẹo mụn sau này. Không những thế, việc nặn mụn cũng sẽ tạo điều kiện để những loại vi khuẩn gây nhiễm trùng khác tăng khả năng gây bội nhiễm trên da.

Thay vào đó, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng lành mạnh hơn; thay đổi cách chăm sóc da. Bạn cũngcó thể sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc uống do bác sĩ da liễu kê đơn để giảm mụn hiệu quả hơn.

Cách trị mụn bọc ở cằm

Thuốc trị mụn bọc ở cằm

Những thông tin thuốc điều trị dưới đây cần có tham vấn của bác sĩ da liễu để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi điều trị!

  • Thuốc bôi: benzoyl peroxide, axit salicylic và retinoid theo toa.
  • Thuốc uống:
    • Isotretinoin dùng cho mụn bọc nặng (do bác sĩ kê đơn).
    • Tetracycline và thuốc tránh thai có thể giảm viêm và làm sạch mụn.
    • Spironolactone có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình sản xuất hormone gây mụn.
  • Tiêm Cortisone: Đối với trường hợp mụn bọc nghiêm trọng hơn, để thu nhỏ các nốt mụn và giảm đau đớn kéo dài, bác sĩ có thể tiêm cortisone. Đây là thuốc giảm viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
  • Cách ngăn ngừa mụn bọc ở cằm hiệu quả

    Để giảm nguy cơ nổi mụn bọc ở cằm, bạn nên giữ vệ sinh vùng da và có quy trình chăm sóc da hợp lý, cụ thể:

    • Không chống cằm: Việc thường xuyên sờ cằm vô tình đưa vi khuẩn và bụi bẩn lên da.
    • Dùng sản phẩm chăm sóc da phù hợp: Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm hay kem dưỡng nhiều dầu làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng mỹ phẩm, bạn nên sử dụng theo các bước: bôi thuốc mụn, dưỡng ẩm, sau đó mới trang điểm. Sau đó, bạn nên tẩy trang thật kỹ để tránh gây bít tắc lỗ chân lông.
    • Giữ da sạch: Việc làm sạch da bằng sữa rửa mặt vào buổi sáng tối và sau khi đổ mồ hôi sẽ ngăn ngừa vi khuẩn và bã nhờn tích tụ. Bạn nên rửa mặt 2 lần 1 ngày sáng- tối. Trường hợp da đổ quá nhiều dầu hoặc mồ hôi vào buổi trưa, bạn có thể dùng giấy thấm dầu hoặc rửa mặt với nước sạch.
    • Quản lý căng thẳng: Giữ lối sống lành mạnh như luyện thể dục thể thao, kết hợp các bài tập thở, thư giãn để giảm căng thẳng.
    • Hạn chế đồ ngọt, dầu mỡ: Bạn không nên tiêu thụ quá nhiều đồ ăn dầu mỡ, nhiều đường sữa để tránh kích thích bùng phát mụn.

    Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ hơn mụn bọc ở cằm, từ đó có cách ngăn ngừa và điều trị kịp thời, tránh tình trạng mụn viêm nhiễm và để lại sẹo sau này!

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trương Phạm Mỹ Tuyền

    Da liễu · Clover Clinic


    Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 11/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo