backup og meta

Mụn trứng cá đỏ và những điều bạn cần biết

Mụn trứng cá đỏ và những điều bạn cần biết

Mụn trứng cá đỏ là một bệnh mãn tính (dài hạn) ảnh hưởng đến da và thường đến mắt. Để ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá đỏ hiệu quả, bạn nhớ đừng bỏ qua các thông tin sau.

Mụn trứng cá đỏ thường ảnh hưởng đến mặt nhiều nhất. Da trên các bộ phận khác của cơ thể rất hiếm khi bị ảnh hưởng. Đặc trưng của bệnh là nổi các mụn đỏ, và khi đến giai đoạn cuối da sẽ dày lên. Tình trạng này có thể khiến bạn mất tự tin vào vẻ ngoài của mình.

Hello Bacsi sẽ giúp bạn ngăn ngừa và điều trị tình trạng này hiệu quả hơn với các thông tin sau đây.

Mụn trứng cá đỏ là gì?

Mụn trứng cá đỏ là tình trạng da phổ biến gây đỏ da và khiến các mạch máu trở nên rõ hơn trên da. Tình trạng này cũng có thể gây ra những vết sưng nhỏ, đỏ và đầy mủ. Những dấu hiệu này có thể bùng phát từ một vài tuần đến vài tháng và sau đó giảm dần trong một thời gian. Mụn trứng cá đỏ thường dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá, tình trạng dị ứng hoặc các vấn đề về da khác.

Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng mụn trứng cá đỏ. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu:

  • Là phụ nữ;
  • Có làn da sáng màu, đặc biệt nếu nó bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời;
  • Trên 30 tuổi;
  • Hút thuốc lá;
  • Có tiền sử gia đình gặp phải tình trạng này.

Phân biệt 4 loại mụn trứng cá đỏ

Mụn trứng cá đỏ

Mỗi kiểu mụn trứng cá đỏ sẽ có các triệu chứng riêng biệt sau đây:

Loại 1: Đỏ mặt và tĩnh mạch mạng nhện

Các dấu hiệu có thể gặp phải bao gồm:

  • Đỏ bừng da ở vùng trung tâm của khuôn mặt;
  • Các mạch máu bị vỡ có thể nhìn thấy (tĩnh mạch mạng nhện);
  • Da sưng, nhạy cảm, có cảm giác châm chích hoặc bỏng rát;
  • Da khô, sần sùi hoặc bong vảy;
  • Dễ đỏ mặt hơn người khác.

Loại 2: Xuất hiện nốt mụn

Các dấu hiệu có thể gặp phải bao gồm:

  • Xuất hiện nốt mụn giống như mụn trứng cá, thường là nơi da rất đỏ;
  • Da đổ dầu, rất nhạy cảm, có cảm giác bỏng hoặc châm chích;
  • Tĩnh mạch mạng nhện;
  • Xuất hiện vết sần trên da.

Loại 3: Da dày

Mụn trứng cá đỏ dạng này khá hiếm. Các dấu hiệu có thể gặp phải bao gồm:

  • Da bắt đầu dày lên, đặc biệt là ở mũi (hay còn được gọi là rhophyma);
  • Da có thể dày lên ở cằm, trán, má và tai;
  • Xuất hiện các mạch máu bị vỡ;
  • Lỗ chân lông trong to hơn;
  • Lượng dầu thừa trên da tăng.

Loại 4: Xuất hiện trong mắt

Các dấu hiệu có thể gặp phải bao gồm:

  • Chảy nước mắt;
  • Đỏ mắt;
  • Cảm thấy khó chịu, thường có cảm giác như cát trong mắt;
  • Mắt rất khô, ngứa hoặc đau;
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng
  • Tầm nhìn mờ;
  • Có thể nhìn thấy các mạch máu bị vỡ trên mí mắt;
  • U nang trên mí mắt;
  • Khả năng thị lực suy yếu.

Nguyên nhân gì dẫn đến mụn trứng cá đỏ?

Nguyên nhân của tình trạng chưa được xác định rõ. Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, mụn trứng cá đỏ có thể liên quan đến vấn đề di truyền, hệ miễn dịch hoặc dị ứng.

Một số nguyên nhân khác có thể làm cho các triệu chứng bệnh của bạn trở nên nặng hơn gồm:

  • Thức ăn cay;
  • Đồ uống có cồn;
  • Cơ thể các vi khuẩn đường ruột Helicobacter pylori;
  • Một loại kí sinh trùng trên da gọi là demodex, nó mang theo các loại vi khuẩn thuộc nhóm Bacillus oleronius;
  • Xuất hiện chất cathelicidin (một loại protein bảo vệ da khỏi bị nhiễm trùng).

Làm thế nào để điều trị mụn trứng cá đỏ?

Mụn trứng cá đỏ

Mặc dù không có cách chữa bệnh khỏi hoàn toàn, nhưng mụn trứng cá đỏ hoàn toàn có thể được kiểm soát. Bác sĩ da liễu sẽ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng mụn bạn gặp phải như ăn nhiều thức ăn cay hay sinh hoạt trong môi trường quá nóng và dựa vào đó để đưa ra liệu trình hợp lý.

Mục tiêu của điều trị là để kiểm soát bệnh, giảm triệu chứng và giảm các tổn thương xuất hiện trên da của bệnh nhân. Thời gian điều trị có thể mất vài tuần hoặc vài tháng trước khi làn da có sự cải thiện.

Một số bác sĩ sẽ kê toa loại kháng sinh bôi trực tiếp vào da. Đối với những bệnh nhân nặng hơn, bác sĩ thường kê đơn uống kháng sinh. Triệu chứng sẩn và mụn mủ của mụn trứng cá đỏ có thể được điều trị nhanh chóng, nhưng các mẩn đỏ ít có khả năng cải thiện hơn.

Bạn cũng cần lưu ý đến các thói quen hàng ngày để kiểm soát tình trạng mụn hiệu quả hơn. Hãy luôn dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên khi ra ngoài và hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có ý định sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là các sản phẩm dạng hạt.

Sống chung với mụn trứng cá đỏ là không quá khó khăn nếu bạn hiểu rõ bản thân nên làm gì để kiểm soát tình trạng mụn. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn tự tin hơn với làn da của mình.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Questions and Answers About Rosacea. Arthritis, Musculoskeletal and Skin Diseases Home Page http://www.niams.nih.gov/Health_Info/Rosacea/default.asp#6 Ngày truy cập: 29/11/2021

Rosacea: Signs and symtpoms. American Academy of Dermatology http://www.aad.org/skin-conditions/dermatology-a-to-z/rosacea/signs-symptoms/rosacea-signs-and-symptoms. Ngày truy cập: 29/11/2021

Rosacea. Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rosacea/symptoms-causes/syc-20353815 Ngày truy cập: 29/11/2021

Rosacea: Symptoms, Causes, and Management https://dermnetnz.org/topics/rosacea Ngày truy cập: 29/11/2021

Rosacea https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/rosacea Ngày truy cập: 29/11/2021

Phiên bản hiện tại

29/11/2021

Tác giả: Thương Trần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Vy Nguyễn


Bài viết liên quan

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng

Chuyên gia mách bạn 10 cách trị mụn trứng cá tại nhà cực hiệu quả


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 29/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo