backup og meta

Cách trị sẹo mụn và da bị tổn thương

Cách trị sẹo mụn và da bị tổn thương

Mụn là một tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở tuổi teen. Có rất nhiều cách để trị mụn nhưng nếu bạn không chọn được một cách điều trị đúng đắn và an toàn, da sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và có thể để lại sẹo. Vậy giải pháp hữu hiệu nào giúp điều trị được mụn tốt nhất mà không bị biến chứng kèm theo trên da?

Hiểu về da và sẹo mụn

Dù bạn có điều trị thì mụn vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến da bạn. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại mụn, cách bạn chữa mụn và thói quen sinh hoạt của bạn mà những ảnh hưởng này có thể chỉ là tạm thời hay có thể sẽ để lại những khuyết điểm vĩnh viễn trên da.

 Mụn có thể được chia thành 2 loại chính là mụn không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen) và mụn viêm (nốt sần, mụn mủ, u nang). Mụn viêm thường khiến da bạn bị đỏ và sưng lên đồng thời khiến bạn đau. Chúng cũng ảnh hưởng đến các mô liên kết tạo nên những tác động xấu đến cấu trúc da. Vì thế, bạn cần phải thật cẩn thận khi điều trị các loại mụn này. Nặn mụn hay sử dụng các sản phẩm gây kích ứng sẽ khiến tình trạng các nốt mụn viêm tệ hơn, kéo dài quá trình hồi phục của da.

Tổn thương da là từ dùng để chỉ tình trạng da bị hư tổn vì mụn. Sau khi bạn điều trị hết mụn, bạn sẽ thấy những nốt nhỏ sậm màu hoặc có màu đỏ trên da. Các vết sậm màu có nguồn gốc do sự thay đổi sắc tố trong quá trình điều trị mụn. Tuy nhiên, chúng sẽ mờ dần theo thời gian nên bạn không cần phải lo lắng.

Cơn ác mộng thực sự sau khi điều trị mụn là sẹo. Khi da bạn bị tổn thương do mụn, các mô sợi sẽ thay thế những tế bào da bình thường tạo thành sẹo trên da. Bạn có thể sẽ bị sẹo lồi do sự tái tạo tế bào da quá mức và các loại sẹo này có thể sẽ ở lại vĩnh viễn trên da.

Bạn nên làm gì để ngăn chặn sẹo mụn và tổn thương da?

Điều quan trọng là bạn phải nhận thức được các tổn thương da trước khi nó xảy ra. Trong thời gian điều trị mụn trứng cá, bạn cần phải ngăn chặn tất cả các yếu tố có thể dẫn đến sẹo mụn bằng cách làm theo những mẹo nhỏ sau đây:

Không nặn mụn: Những nốt mụn đỏ và sưng lên trên khuôn mặt chắc chắn sẽ làm cho bạn bực bội và bạn chỉ muốn chúng biến mất ngay lập tức. Tuy nhiên bạn hãy kiềm chế, chạm vào nốt mụn chỉ khiến tình hình xấu đi vì bạn đang đưa thêm vi khuẩn từ tay lên da và khiến da viêm nhiễm nặng hơn.

Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Tia UV trong ánh nắng mặt trời được cho là thủ phạm hàng đầu phá hủy làn da của bạn. Phơi nắng lâu có thể khiến cho da bạn bị kích ứng hoặc bị đốt cháy. Ánh nắng sẽ gây tổn hại đến các mô liên kết là các mô giúp da đàn hồi và săn chắc. Nếu bạn bị mụn trứng cá, đặc biệt là mụn viêm, da bạn sẽ vô cùng nhạy cảm với nắng. Tia UV xâm nhập vào da rất dễ dàng và chúng sẽ kích thích sản sinh sắc tố da khiến bạn đen hơn. Vì vậy, bạn nên bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng kem chống nắng và mặc quần áo để che bớt nắng.

Sử dụng các sản phẩm đặc biệt: Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm dành riêng để phòng chống sẹo. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để biết thêm chi tiết và đảm bảo các sản phẩm này không gây tác động xấu đến da bạn.

Thay đổi lối sống: Bạn không nên uống nhiều rượu, hút thuốc lá và thức khuya. Những hành động này sẽ làm giảm lượng máu đến nuôi dưỡng làn da của bạn. Chúng cũng gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn.

Điều trị sẹo mụn và tổn thương da

Nhìn chung, các vết thâm trên da có thể tự biến mất sau vài tháng. Tuy nhiên, bạn có thể đẩy nhanh quá trình này bằng cách thoa vitamin C hay retinoids. Vitamin C được biết như một giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy sản xuất collagen, trong khi Retin-A sẽ làm cho các tế bào da của bạn phân chia nhanh hơn và loại bỏ phần da bị thay đổi sắc tố.

Điều trị sẹo mụn trứng cá lại phức tạp hơn rất nhiều. Các loại kem và thuốc đôi khi sẽ không mang lại kết quả mong muốn trong điều trị sẹo. Cách phổ biến và hiệu quả nhất để loại bỏ những vết sẹo này là mặt nạ hóa học, điều trị bằng laser và tiêm filler.

Mặt nạ hóa học: Liệu pháp này áp dụng một loại axit đặc biệt lên vùng điều trị và loại bỏ lớp ngoài của da giúp làm mờ đi những vết sẹo mụn. Hơn nữa, cơ chế tự phục hồi của da sẽ thúc đẩy cơ thể sản xuất collagen như một phản ứng tự nhiên. Khi da mới được sản xuất, khuôn mặt của bạn sẽ trở nên mịn màng hơn.

Tái tạo bề mặt da bằng laser: Liệu pháp laser là một lựa chọn tốt trong việc điều trị sẹo mụn. Năng lượng từ tia laser có thể loại bỏ các lớp trên cùng của da mà không làm tổn thương đến những lớp da bên trong.

Tiêm filler: Với phương pháp này, bác sĩ da liễu sẽ tiêm một loại chất đặc biệt để lấp đầy vết lõm trên bề mặt da, cải thiện sẹo mụn của bạn. Tiêm filler là một giải pháp tạm thời trong điều trị sẹo mụn trứng cá và bạn cần phải trải qua nhiều lần tiêm để duy trì kết quả.

Trong quá trình điều trị sẹo mụn, bạn có thể sẽ gặp phải các tác dụng phụ như đỏ, bầm tím và sưng vì những liệu trình điều trị thẩm mỹ thường làm cho da bạn trở nên nhạy cảm và mong manh hơn. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này sẽ giảm dần sau vài tuần. Đó là lý do tại sao bạn nên chú ý bảo vệ da khỏi các yếu tố gây hại, đặc biệt là ánh nắng.

Tất cả chúng ta đều mong muốn có được một làn da hoàn hảo nhưng bạn biết không, để có được điều đó, ai cũng cần phải nỗ lực rất nhiều. Nếu da của bạn không hoàn hảo, đừng buồn vì điều đó. Bạn chỉ cần chú ý nhiều hơn đến việc chăm sóc da và làn da không tì vết sẽ không còn nằm xa tầm với.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Guide to Treating Acne Scars and Skin Damage http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/features/acne-scars. Ngày truy cập 18/7/2016.

Acne Scar Treatment https://www.mariobadescu.com/acne-scars#helpme. Ngày truy cập 18/7/2016.

Dark Marks and Acne Scars: Your Complete Guide http://www.teenvogue.com/story/how-to-treat-acne-scars-and-dark-marks. Ngày truy cập 18/7/2016.

How to Treat Acne Scars and Skin Damage Effectively http://www.removethescars.com/scars/treat-acne-marks-effectively/. Ngày truy cập 18/7/2016.

Phiên bản hiện tại

12/08/2020

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Top 5 sản phẩm nước tẩy trang cho da khô tốt nhất

Xịt khoáng cho da dầu mụn có công dụng gì và nên chọn như thế nào?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 12/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo