Nguyên nhân gây viêm nang lông da đầu là do đâu? Viêm nang lông tóc có chữa được không? Có cách nào để chăm sóc và điều trị viêm nang lông da đầu dứt điểm hay không?
Nếu bạn đang có những thắc mắc kể trên mà chưa tìm được lời giải đáp, hãy đọc ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết này của Hello Bacsi để cập nhật các kiến thức nhé!
Viêm nang lông da đầu là gì?
Nang lông một túi nhỏ mà từ đó mỗi sợi lông, tóc, râu của cơ thể mọc lên. Tình trạng viêm ở những nang này gọi là viêm nang lông, một loại bệnh lý da liễu phổ biến, đặc biệt thường gặp là viêm nang lông da đầu.
Một số dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của viêm nang lông bạn nên cảnh giác:
- Mụn dưới dạng mụn đỏ hay mụn đầu trắng xuất hiện xung quanh các nang tóc.
- Mụn nước chứa đầy mủ, chúng vỡ ra và đóng vảy trên da đầu.
- Ngứa, rát và đau vùng chân tóc.
- Viêm nhiễm tích tụ thành các khối u, sưng lớn trên da đầu.
Nếu viêm nang lông không được kiểm soát hiệu quả, tái phát nhiều có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Trường hợp nhiễm trùng lan rộng sẽ gây lở loét, tổn thương da và nang tóc vĩnh viễn tạo nên các vùng sẹo không có tóc.
>>> Tham khảo thêm: Viêm nang lông và những vấn đề xung quanh ít người biết
Nguyên nhân gây viêm nang lông ở da đầu là do đâu?
Nguyên nhân
Tình trạng viêm nang lông thường do nhiễm trùng các nang lông gây ra bởi vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu) hoặc cũng có thể do virus, nấm và thậm chí là tình trạng viêm nhiễm do lông mọc ngược.
Một số điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus hay nấm phát triển thành viêm nhiễm, có thể là:
- Thường xuyên gãi hoặc xoa đầu, giật hay xoắn tóc.
- Tác động mạnh thường xuyên lên tóc và da đầu như: tết hay buộc tóc đuôi ngựa quá chặt.
- Sử dụng nhiều sản phẩm làm đẹp và chăm sóc tóc nhưng không gội đầu thường xuyên gây nên tình trạng hóa mỹ phẩm tích tụ lâu ngày.
- Thường xuyên đội mũ hay đội mũ bảo hiểm thể thao.
Ai dễ bị viêm nang lông da đầu?
Viêm nang lông là tình trạng da phổ biến ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, ở một số người có hệ miễn dịch kém hay tình trạng sức khỏe dễ kích hoạt các yếu tố gây viêm, như:
- Hệ miễn dịch suy yếu ở những người mắc các bệnh như đái tháo đường, HIV/AIDS hay bệnh bạch cầu mãn tính.
- Bị mụn trứng cá hoặc viêm da.
- Đang điều trị mụn trứng cá với các loại thuốc bao gồm kem steroid hay liệu pháp kháng sinh.
- Các tổn thương gây ra khi cạo đầu, nam giới có tóc thô, xoăn.
Viêm nang lông da đầu có chữa được không?
Viêm nang lông da đầu không phải là một tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây ngứa, đau và gây phiền toái đến sinh hoạt, cuộc sống của người mắc phải. Nếu bạn bị viêm nang lông ở dạng nhẹ, bệnh sẽ tự khỏi sau khi được chăm sóc tại nhà đúng cách. Mặt khác, tình trạng viêm nghiêm trọng và tái phát thì cần đến sự hỗ trợ điều trị của bác sĩ da liễu để tránh tình trạng lây lan, bùng phát gây mất tóc và để lại sẹo vĩnh viễn.
Chăm sóc viêm nang lông tại nhà
Thông thường, bạn có thể tự chăm sóc các trường hợp viêm nang lông nhẹ tại nhà. Chủ yếu là tránh hay loại bỏ các tác nhân gây viêm. Ví dụ như: bạn thường xuyên dùng các sản phẩm làm đẹp, hãy thử ngưng sử dụng chúng một thời gian. Đồng thời, kết hợp các biện pháp như:
- Chườm ấm lên da đầu vài lần mỗi ngày để làm dịu da và thoát mủ.
- Dùng dầu gội trị gàu có chứa các thành phần kháng nấm như ketoconazole, ciclopirox hay tinh dầu tràm trà dùng thay cho dầu gội thông thường có thể hữu ích cho trường hợp này.
- Bôi kem hydrocortisone loại không kê đơn hay kem dưỡng ẩm để giúp làm dịu tình trạng viêm và ngứa ở da đầu.
- Gội đầu bằng nước ấm thay vì nước nóng, tránh gây kích ứng và làm dịu cho da đầu.
- Giặt giũ và vệ sinh các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với da đầu thường xuyên như: lược, gối, khăn, mũ…
- Tránh đội nón hay tết/buộc tóc quá chặt thường xuyên.
- Nhẹ nhàng làm sạch vùng da đầu viêm nhiễm với xà phòng diệt khuẩn mỗi ngày 2 lần.
>>> Tìm hiểu thêm: 10 cách chữa viêm nang lông đơn giản mà hiệu quả tại nhà
Dùng thuốc đặc trị viêm nang lông da đầu
Nếu nhiễm trùng lan rộng và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn sau 2 ngày điều trị tại nhà, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị đúng cách. Bác sĩ có thể chẩn đoán thông qua phương pháp soi da và đưa ra những chỉ định điều trị phù hợp cho từng tình trạng da:
- Thuốc kháng sinh được chỉ định với các trường hợp viêm nang lông da đầu do tụ cầu (Staphylococcus aureus) ở dạng dùng ngoài như kem hay gel. Thuốc uống kháng sinh chỉ được kê đơn với trường hợp viêm nang lông da đầu tái phát hay nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Thuốc kháng nấm dùng ở dạng dầu gội trị viêm nang lông da đầu, kem hay gel bôi tại chỗ được chỉ định khi viêm nang lông gây ra bởi nấm – kháng sinh không dùng trong trường hợp này.
- Thuốc kháng viêm dùng ngoài hay viên uống sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định để giảm bớt tình trạng ngứa, tạo cảm giác dễ chịu và tránh gây kích ứng tại chỗ viêm.
Chữa viêm nang lông da đầu bằng Đông y
Theo Đông y, viêm nang lông da đầu ngoại trừ nguyên nhân chính yếu do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, huyết nhiệt (nóng trong) cũng khiến viêm tái phát nhiều lần. Một số thảo dược thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, trừ mủ và ngăn ngừa viêm tái phát đã được nghiên cứu và bào chế thành các dạng thuốc dùng chữa viêm nang lông như:
- Thuốc uống: với các thành phần thảo dược bao gồm: bồ công anh, kim ngân hoa, tang bạch bì, đơn đỏ, ké đầu ngựa…
- Thuốc ngâm rửa với tác dụng sát khuẩn, thông thoáng các nang lông cải thiện viêm nang lông với các thảo dược như lá trầu không, mò trắng, ích nhĩ tử, ô liên rô…
- Tinh chất bôi có nguồn gốc thảo dược tang bạch bì, bí đao, mật ong, thiên mã hồ… tốt cho da, làm mềm da đầu và nuôi dưỡng nang tóc.
Hy vọng bài viết trên đây của Hello Bacsi có thể cung cấp những thông tin bổ ích đến bạn, đặc biệt là khi nghi ngờ viêm nang lông da đầu đang ngày đêm “hoành hành”. Mong rằng bạn có thể giải quyết được tình trạng phiền toái này nhé!