backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Hói đầu ở nữ: Nguyên nhân và cách điều trị để tóc sớm mọc lại

Thông tin kiểm chứng bởi: Đài Trương


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 26/10/2023

Hói đầu ở nữ: Nguyên nhân và cách điều trị để tóc sớm mọc lại

Hói đầu ở nữ là tình trạng tóc mọc thưa thớt ở đỉnh đầu, đường rẽ ngôi và trước đầu. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ nên khiến chị em e ngại, lo lắng. Vậy nguyên nhân và cách điều trị tình trạng này là gì?

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu tình trạng hói đầu ở nữ để xác định triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và ngăn ngừa qua bài viết ngay dưới đây!

Hói đầu ở nữ là gì?

Hói đầu ở nữ là tình trạng tóc mỏng, mọc thưa thớt ở vùng đỉnh đầu hoặc phía trước đầu của phụ nữ. Trung bình một ngày tóc rụng 50-100 sợi là bình thường. Song nếu tóc rụng nhiều hơn và bạn thấy tóc vùng đỉnh đầu hoặc trước đầu mỏng đi, thì đó có thể là dấu hiệu của hói đầu.

Nguyên nhân gây hói đầu ở nữ giới

  • Tuổi tác: Phụ nữ càng lớn tuổi, các tế bào nang tóc càng kém khỏe mạnh khiến tóc dễ rụng nhiều và khó mọc lại.
  • Nội tiết tố: Nội tiết tố dihydrotestosterone (DHT) là một loại androgen. Androgen thuộc nhóm hormone giới tính, xuất hiện khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì và trưởng thành về mặt thể chất. Nó giúp kích thích lông phát triển trên mặt, da đầu, ngực, nách và bộ phận sinh dục. Thế nhưng, sau mãn kinh, nồng độ hormone này giảm xuống, ảnh hưởng đến mức DHT khiến nang tóc bị co lại.
  • Di truyền: Bạn có nhiều khả năng bị hói đầu nếu thế hệ trước như bố mẹ mắc chứng rụng tóc, hói đầu.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc như thuốc tránh thai chứa estrogen cũng có thể tác động gây hói đầu ở nữ.

Quá trình hói đầu ở nữ diễn ra như thế nào?

  • Giai đoạn 1: Có dấu hiệu tóc rụng tóc với số lượng ít hoặc không rụng
  • Giai đoạn 2: Tóc bắt đầu mọc thưa ở phần đỉnh đầu tóc
  • Giai đoạn 3: Ở đỉnh đầu có một khoảng trống lớn hơn và rụng tóc ở hai bên đường rẽ ngôi
  • Giai đoạn 4: Các vết hói xuất hiện ở phía trước chân tóc
  • Giai đoạn 5: Rụng tóc nặng.

Triệu chứng hói đầu ở nữ

  • Tóc mỏng hoặc rụng toàn bộ phần trung tâm, bị hói ở đỉnh đầu nữ
  • Mảng da đầu xuất hiện lớn hơn ở phần giữa, tóc mọc thưa thớt hoặc rụng ở hai bên phần rẽ ngôi
  • Rụng tóc thường bắt đầu xuất hiện gần phần trung tâm, rồi rụng tóc ở hai bên và về phía trước da đầu
  • Bạn có thể nhận ra các triệu chứng hói đầu giai đoạn đầu sau thời kỳ mãn kinh.

triệu chứng hói đầu ở nữ

Tóc có mọc lại nếu bị hói đầu ở nữ?

Tóc của bạn sẽ không mọc lại nếu tình trạng hói đầu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi phát hiện một số dấu hiệu hói tóc ở nữ giới, bạn nên gặp bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt. Việc để quá lâu sẽ khiến các nang tóc teo lại, thậm chí không còn hoạt động, ảnh hưởng kết quả điều trị sau này.

Chẩn đoán tình trạng hói đầu ở nữ

Để chẩn đoán đúng tình trạng hói đầu ở phụ nữ, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Kiểm tra tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử hói của gia đình, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, lối sống, loại thuốc đang sử dụng…
  • Khám lâm sàng: Kiểm tra vùng da đầu nào có dấu hiệu tóc mỏng đi hoặc hói. Lúc này, bác sĩ có thể sử dụng công cụ như máy đo độ dày của nang tóc. 
  • Xét nghiệm vi nấm, vi trùng: Kiểm tra da đầu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng
  • Sinh thiết da đầu: Lấy mẫu sinh thiết da đầu để kiểm tra bệnh ngoài da.
  • Lấy mẫu tóc và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
  • Tiến hành xét nghiệm máu.

Cách trị hói đầu ở nữ

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

1. Thuốc

  • Minoxidil
    • Đây là loại thuốc duy nhất được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị chứng hói đầu ở nữ.
    • Đối với phụ nữ, nên dùng dung dịch minoxidil 2% hoặc thuốc bôi dạng bọt 5%.
    • Minoxidil có khả năng làm chậm hoặc ngừng rụng tóc,  1/4 người dùng thấy hiệu quả tóc mọc trở lại.
    • Bạn cần kiên trì sử dụng thuốc trong một thời gian dài, vì tình trạng rụng tóc, hói tóc có thể tái phát nếu ngừng sử dụng và những sợi tóc đang mọc lại nhờ thuốc cũng sẽ bị rụng.
    • Nếu minoxidil không có tác dụng, bác sĩ có thể khuyên dùng các loại thuốc khác, như spironolactone, cimetidine, thuốc tránh thai, ketoconazole
  • Thuốc uống theo toa finasteride, bác sĩ có thể kê đơn sử dụng finasteride cùng với dầu gội ketoconazole 2%.
  • cách trị hói đầu ở nữ

    2. Cấy tóc

    Phương pháp cấy tóc phù hợp với trường hợp:

    • Không đáp ứng tốt với các loại thuốc điều trị
    • Không có cải thiện đáng kể về mặt thẩm mỹ.

    Trong quá trình cấy tóc, những sợi tóc nhỏ sẽ được lấy từ vùng tóc dày hơn và cấy vào những vùng bị hói. Phương pháp này có thể để lại sẹo nhỏ và nguy cơ nhiễm trùng da. Ngoài ra, phương pháp điều trị hói tóc ở nữ này cũng rất tốn kém.

    3. Huyết tương giàu tiểu cầu PRP

    Điều trị rụng tóc bằng PRP là phương pháp sử dụng máu tự thân giàu tiểu cầu để tiêm vào da đầu nhằm giúp tóc mọc tự nhiên. Huyết tương giàu tiểu cầu sẽ kích thích các tế bào gốc nang tóc phát triển, giúp các nang tóc hoạt động trở lại.

    4. Liệu pháp ánh sáng red-light therapy

    Bác sĩ có thể sử dụng ánh sáng laser hoặc thiết bị ánh sáng có bước sóng thấp và năng lượng phù hợp chiếu vào da đầu để cải thiện sự phát triển của nang tóc.

    cách trị hói tóc ở nữ bằng laser

    5. Kỹ thuật tạo kiểu

    Trong quá trình điều trị, bạn có thể tạm thời dùng tóc giả để che phần mảng da đầu bị hói.

    Những lưu ý khi điều trị chứng hói đầu ở nữ

    • Luôn tìm các bệnh viện và cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên môn để điều trị.
    • Trao đổi kỹ với bác sĩ để nắm rõ cơ chế hoạt động, công dụng, cách sử dụng và tác dụng phụ của các loại thuốc trước khi sử dụng.
    • Trong quá trình điều trị cần kiên trì, tuân thủ theo liệu trình, đủ liều lượng để nang tóc có thể phục hồi.
    • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh, tránh căng thẳng để kết quả điều trị hiệu quả rõ rệt và lâu dài.

    Cách ngăn ngừa hói đầu ở nữ

    Bạn có thể áp dụng một số cách giúp nang tóc khỏe mạnh, thúc đẩy sự phát triển của tóc như:

    • Bổ sung protein: Bạn cần 40-60 gram protein mỗi ngày từ thực phẩm giàu protein. Đặc biệt, nếu đang ăn chay hoặc theo đuổi chế độ ăn Địa Trung Hải, bạn nên ăn thực phẩm giúp giảm thiểu rụng tóc như trái cây, rau, các loại hạt.
    • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Như vitamin A, B, C, D, E, kẽm và sắt để duy trì tóc, da và mô cơ khỏe mạnh. Lưu ý, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ chất bổ sung mới nào. Xem thêm rụng tóc thiếu chất gì để hỗ trợ tóc mọc khỏe trở lại.
    • Giảm căng thẳng. Căng thẳng gây kích thích làm tăng hoạt động của nội tiết tố androgen có thể khiến chứng hói đầu ở phụ nữ ngày càng trầm trọng.

    Các câu hỏi khác thường gặp?

    Ai thường mắc hói đầu ở nữ?

    Chứng hói đầu ở nữ giới có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phụ nữ nào và ở mọi lứa tuổi, thậm chí ở độ tuổi 20 và 30. Đặc biệt, khả năng bị hói đầu ở nữ cao hơn nếu gia đình bạn có tiền sử rụng tóc hoặc sau mãn kinh.

    Chứng hói đầu ảnh hưởng đến phụ nữ như thế nào?

    Hói đầu làm cho các cấu trúc nhỏ dạng ống ở nang tóc dần co lại. Khi đó, từng sợi tóc sẽ mỏng và ngắn hơn. Theo thời gian, những sợi tóc đó sẽ ngừng phát triển.

    Hói đầu ở nữ giới không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, nhưng về mặt tâm lý, hói đầu khiến chị em phụ nữ lo lắng, căng thẳng, thậm chí là không tự tin về ngoại hình.

    Hy vọng Hello Bacsi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hói đầu ở nữ giới, từ đó có cách phòng ngừa, điều trị hiệu quả lâu dài, giúp phụ nữ luôn khỏe, đẹp và luôn tự tin với mái tóc của mình.

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Đài Trương


    Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 26/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo