backup og meta

Sử dụng Hydroquinone đúng cách giúp da trắng sáng bật tone

Sử dụng Hydroquinone đúng cách giúp da trắng sáng bật tone

Trong số rất nhiều thành phần của các sản phẩm làm sáng da, hydroquinone là chất có hiệu quả làm trắng da rất cao. Tuy nhiên, nó cũng gây ra nhiều tranh cãi về tác dụng và các nguy hại tiềm ẩn. Vì là một chất làm trắng có tác dụng tương đối mạnh, bạn cần hiểu rõ về hydroquinone là gì và cách sử dụng hydroquinone sao cho thật hiệu quả mà không làm kích ứng da.

Hydroquinone là gì?

Hydroquinone là một hoạt chất làm trắng da được sử dụng để làm sáng các vùng da bị thâm nám có thể là do mang thai, sử dụng thuốc ngừa thai, thuốc nội tiết tố hoặc vùng da bị tổn thương do cháy nắng, hoặc do sẹo để lại.

Màu sắc đậm nhạt của da do sắc tố melanin dưới da gây ra. Các tế bào sắc tố (melaninocyte) nằm trong lớp thượng bì có chức năng tạo ra các tiền chất sắc tố, theo các ống dẫn cực nhỏ được đưa lên bề mặt da. Hydroquinone có công dụng ức chế enzyme tyrosinase, một loại enzyme chuyển đổi tiền chất thành melanin, do đó giúp cho làn da sáng màu hơn. Ngoài ra, Hydroquinone cũng giúp hạn chế các tế bào tạo ra tiền sắc tố.

Các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng hydroquinone trong thời gian trên 4 tháng liên tục. Khi bạn không dùng hydroquinone nữa, tyrosinase cũng sẽ không bị ức chế và da sẽ dần trở lại màu sắc tự nhiên ban đầu. Vì thế, các bác sĩ có thể sẽ cho bạn sử dụng hydroquinone với chu kỳ bốn tháng, sau đó xen kẽ với các chất ức chế tyrosinase nhẹ hơn như axit azelaic, axit kojic và arbutin.

Những lưu ý khi sử dụng hydroquinone

lưu ý khi sử dụng hydroquinone

Hydroquinone không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị hen suyễn, mắc bệnh chàm, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, và những người nhạy cảm với thành phần sodium metabisulphite trong thuốc.

Hydroquinone rất dễ tương tác với các chất phenol, axit salicylic, resorcinol, hydrogen peroxide, benzoyl peroxide và các chất peroxide khác. Kết hợp hydroquinone với các chất này có thể gây rối loạn tăng sắc tố da, khiến vùng da đổi màu xanh đen. Nếu bạn gặp trường hợp này, thì ngay lập tức nên rửa da bằng xà phòng nếu bạn vô tình kết hợp các chất này trên da.

Bảo quản hydroquinone cần một chút lưu ý và cẩn thận. Hydroquinone rất dễ chuyển sang màu nâu và giảm tác dụng khi hàng ngày tiếp xúc lâu với không khí hoặc ánh sáng. Bạn không nên chọn hydroquinone được đóng gói trong bao bì trong suốt. Hãy chọn những loại vật liệu đóng gói mà hydroquinone không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, và đồng thời cũng nên hạn chế tiếp xúc với không khí.

>>> Bạn có thể quan tâm: Hydroquinone có an toàn để trị nám da?

Sử dụng hydroquinone như thế nào để mang lại hiệu quả?

Việc sử dụng hydroquinone theo đúng hướng dẫn là tương đối an toàn. Bạn có thể tự mua hydroquinone 2% tại các quầy thuốc và loại 4% thì cần có chỉ định từ bác sĩ.

Trước khi bắt đầu sử dụng

kiểm tra kích ứng da trước khi sử dụng hydroquinone

Bạn cần phải kiểm tra độ nhạy cảm của hydroquinone trên da để tránh dị ứng mỹ phẩm. Thoa một lớp hydroquinone mỏng lên vùng da tối màu ở cổ tay. Nếu trong vòng 24 giờ không thấy xuất hiện các vết mẩn đỏ, ngứa da, thì bạn có thể bắt đầu sử dụng.

Các bước sử dụng hydroquinone

1. Rửa sạch và lau khô vùng da cần thoa thuốc. Thoa một lớp thuốc thật mỏng lên vùng da theo số lần trong ngày được bác sĩ chỉ định. Nhẹ nhàng massage để giúo thuốc thẩm thấu sâu.

2. Chỉ dùng đủ lượng thuốc cho vùng da cần điều trị. Tránh thoa thuốc lên khu vực da bình thường bên cạnh và rửa tay kỹ sau khi thoa để tránh những vùng da này bị tẩy sáng ngoài ý muốn.

3. Tuyệt đối không được thoa hydroquinone gần mắt, miệng và những khu vực niêm mạc.

4. Tránh thoa những sản phẩm khác phủ lên vùng da vừa thoa hydroquinone, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.

5. Khi sử dụng mỹ phẩm, kem chống nắng, lotion dưỡng ẩm, hãy thoa hydroquinone trước và đợi vài phút rồi mới thoa các sản phẩm này lên.

Theo dõi hiệu quả sử dụng hydroquinone

thoa kem chống nắng sau khi sử dụng hydroquinone

Thông thường, hiệu quả làm sáng da sẽ xuất hiện sau 4 tuần sử dụng thuốc. Nếu sau 3 tháng mà vẫn không thấy có thay đổi, bạn nên ngưng sử dụng.

Trong thời gian điều trị, bạn cần tránh cho vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đèn giả lập ánh sáng tự nhiên và tia cực tím. Sử dụng trang phục che chắn và thoa kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30.

Bạn cần sử dụng đều đặn để đạt hiệu quả cao như mong đợi. Nếu lỡ quên một lần thoa thuốc, hãy bỏ qua và thoa lần tiếp theo như bình thường để tránh tình trạng sử dụng quá liều.

>>> Bạn có thể quan tâm: Bạn biết gì về chất hydroquinone làm trắng da?

Lưu ý:

Hydroquinone tương đối lành tính. Một số người có thể trải qua một số vấn đề như ngứa, châm chích hoặc đỏ vùng da. Nếu những triệu chứng này không biết mất, bạn hãy ngưng dùng thuốc.

Ngưng dùng thuốc ngay lập tức nếu có các triệu chứng sau ở mức độ nặng: bỏng, ngứa, khô nứt, sưng, hoặc thay đổi màu sắc khác thường tại khu vực thoa thuốc.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

HYDROQUINONE https://www.aocd.org/page/Hydroquinone Ngày truy cập: 4/1/2022

Hydroquinone https://dermnetnz.org/topics/hydroquinone/ Ngày truy cập: 4/1/2022

Skin Pigmentation Disorders https://medlineplus.gov/skinpigmentationdisorders.html Ngày truy cập: 4/1/2022

Allergens in Cosmetics https://www.fda.gov/cosmetics/cosmetic-ingredients/allergens-cosmetics Ngày truy cập: 4/1/2022

Depigmenting Action of Hydroquinone Depends on Disruption of Fundamental Cell Processes https://www.jidonline.org/article/S0022-202X(15)43348-2/fulltext Ngày truy cập: 4/1/2022

Hydroquinone https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539693/ Ngày truy cập: 4/1/2022

Hydroquinone https://www.safecosmetics.org/get-the-facts/chemicals-of-concern/hydroquinone/ Ngày truy cập: 4/1/2022

Phiên bản hiện tại

05/01/2022

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Vy Nguyễn


Bài viết liên quan

4 sự thật về kem dưỡng trắng da bạn cần biết

7 thành phần tốt nhất giúp bạn điều trị nám da


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 05/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo