backup og meta

Cồn trong mỹ phẩm tên gì? Có nên sử dụng cho làn da?

Cồn trong mỹ phẩm tên gì? Có nên sử dụng cho làn da?

Gần đây có nhiều tranh cãi xung quanh về việc công dụng, tác hại của cồn trong việc chăm sóc da. Cồn trong mỹ phẩm có thực sự gây hại hay sẽ đem lại nhiều lợi ích cho làn da? 

Để giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp nhất cho sức khỏe làn da của mình, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem về các loại cồn trong mỹ phẩm có tác động ra sao đối với làn da bạn nhé!

Cồn trong mỹ phẩm là gì? Công dụng của nó trong ngành làm đẹp?

Cồn thường được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc tóc, mỹ phẩm như kem dưỡng da, kem nền, hay nước hoa, chất khử mùi, kem cạo râu… Một số công dụng của cồn dùng trong mỹ phẩm với mục đích như sau:

  • Có tác dụng kháng khuẩn
  • Đem lại kết cấu sản phẩm nhẹ hơn, tránh đông vón với các thành phần khác 
  • Thúc đẩy khả năng hấp thụ các sản phẩm dưỡng da nhanh hơn
  • Mặc dù không đảm nhận vai trò chính nhưng cồn được xem là chất bảo quản trong các công thức sản phẩm để bảo vệ da chống lại sự ô nhiễm vi sinh vật. Trong khi đó, sử dụng chất bảo quản hóa học sẽ gây hại cho da nhiều hơn vì paraben vẫn còn tích tụ trên da và sau đó được cơ thể hấp thụ.
  • Có đặc tính chống viêm và giúp khử mùi hiệu quả
  • Được xem như dung môi để thu nhận các chất không tan trong nước từ thực vật.

Cồn trong mỹ phẩm tên gì?

cồn trong mỹ phẩm tên gì

Dưới đây là các loại cồn trong mỹ phẩm thường được liệt kê trên nhãn thành phần chăm sóc da:

Cồn biến tính (Alcohol denat)

Cồn biến tính thường được tìm thấy trong các sản phẩm trang điểm, kem dưỡng da, nước hoa và các sản phẩm chăm sóc da và tóc. Cồn biến tính thu được bằng cách lên men tinh bột đường (củ cải đường, đường mía) hoặc sinh khối. 

Các loại cồn này có khả năng làm tổn thương và khô da, cụ thể như sau:

  • Rượu etylic và cồn SD (ví dụ: 3-A, 30, 39-B, 39-C, 40-B và 40-C): Rượu etylic bị biến tính là sản phẩm được cho phép sử dụng trong mỹ phẩm.
  • Isopropyl Alcohol (tên gọi khác là cồn tẩy rửa): Thường được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm cả chăm sóc móng, tóc và da. Thành phần này còn đóng vai trò như chất làm se da, chất bảo quản, chất chống tạo bọt, dung môi.
  • Methyl Alcohol (hay còn gọi là Methanol): Thường được tìm thấy trong các sản phẩm sữa tắm, và cũng được xem là một trong những loại cồn biến tính.
  • Benzyl Alcohol: Đây là một loại cồn được tìm thấy tự nhiên trong trái cây và trà. Bạn sẽ tìm thấy thành phần này có trong xà phòng, mỹ phẩm, sữa rửa mặt và các sản phẩm dành cho tóc.

Cồn béo 

Cồn béo được phân loại là một loại cồn tốt trong các sản phẩm chăm sóc da và được chiết xuất từ các axit béo thực vật, đặc biệt là glycerin. Các thành phần này khá an toàn, dung nạp tốt với da và có thể phân hủy sinh học. Loại cồn này có đặc tính dưỡng ẩm và giữ ẩm tốt cho da; đồng thời làm dịu các nguy cơ gây kích ứng. 

Ngoài ra, cồn béo có chiết xuất từ ​​dầu dừa được sử dụng để làm cô đặc hay làm mềm công thức sản phẩm và giúp nuôi dưỡng làn da. 

Một số loại cồn béo có lợi cho da như: 

  • Cetyl Alcohol
  • Stearyl Alcohol
  • Cetearyl Alcohol
  • Behenyl Alcohol
  • Lanolin Alcohol

Theo FDA, bạn có thể tìm thấy những hoạt chất này có trong dầu dưỡng tóc, phấn nền, trang điểm mắt, kem dưỡng ẩm và sữa rửa mặt. Các loại cồn trong mỹ phẩm này giúp khóa ẩm cho da; hình thành hàng rào bảo vệ và khi được kết hợp sử dụng trong công thức sản phẩm, chúng cũng giúp ngăn dầu và chất lỏng phân tách. 

Vì thế, các hoạt chất này rất phù hợp cho những ai đang gặp vấn đề da bị mất nước, khô rát.

>>> Bạn có thể quan tâm: Làm sao để dùng mỹ phẩm mà không gây hại cho da?

Cồn trong mỹ phẩm chăm sóc da là tốt hay xấu?

cồn trong mỹ phẩm khiến da bị kích ứng, lỗ chân lông to

Có những ưu và nhược điểm riêng khi sử dụng cồn trong các sản phẩm chăm sóc da. Cồn tác động vào lớp dầu thừa tích tụ trên da, hòa tan bụi bẩn và các lớp cặn, từ đó giúp kiểm soát da nhờn. Tuy nhiên bên cạnh đó, tình trạng da giảm nhờn cũng chỉ là hiệu quả tức thì, cồn trong mỹ phẩm cũng có thể làm tăng tiết dầu ngay sau đó, hình thành các nốt mụn và làm giãn nở lỗ chân lông.

Ngoài ra, một số người lo ngại rằng cồn có thể làm tăng sự xâm nhập của các thành phần khác, từ đó khiến da dễ hấp thụ các chất gây ô nhiễm độc hại hơn. Mặc dù vậy, không phải bất kỳ loại cồn nào dùng trong mỹ phẩm cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến làn da. Cồn có hại cho da hay không còn phụ thuộc vào loại cồn được sử dụng và nồng độ.

Một số loại cồn có khả năng làm khô da và khiến da kích ứng, trong khi một số khác thì có khả năng dưỡng ẩm cho da, củng cố hàng rào bảo vệ da khỏi hư tổn.

Nồng độ cồn trong mỹ phẩm bao nhiêu là an toàn?

nồng độ cồn trong mỹ phẩm an toàn là bao nhiêu

Khi nồng độ cồn từ 5% trở xuống, da của bạn sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều vì cồn sẽ lập tức bay hơi hoàn toàn ngay khi sản phẩm được thoa lên da. Điều này giúp loại bỏ nguy cơ da trở nên khô hơn khi bạn sử dụng mỹ phẩm có chứa nồng độ cồn thấp.

Tốt nhất bạn nên đọc bảng thành phần in trên nhãn sản phẩm. Việc xác định loại cồn nào được sử dụng và nồng độ phù hợp là bước đầu tiên giúp bạn hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình chăm sóc da. Nếu cồn được liệt kê là thành phần nằm ở vị trí thứ hai thì rất có thể là sản phẩm có chứa nồng độ cồn khá cao và sẽ không phù hợp với người có làn da nhạy cảm. Bạn nên ưu tiên sử dụng gần cuối bảng thành phần trong mỹ phẩm.

Nếu bạn sử dụng cồn với nồng độ cao trong thời gian dài, thì hàng rào bảo vệ da có thể bị phá vỡ, khiến cho độ ẩm thoát khỏi da và tạo điều kiện cho các chất kích ứng tiềm ẩn xâm nhập. Tất cả quá trình này đều có thể dẫn đến tình trạng da bị mẩn đỏ và viêm da trầm trọng.

Đối tượng không nên sử dụng mỹ phẩm chứa cồn

Để đảm bảo an toàn, những ai có làn da nhạy cảm hay làn da mụn tuyệt đối không nên sử dụng các sản phẩm chứa cồn, bất kể là loại cồn nào. Đặc biệt nếu bạn đang có thai hoặc cho con bú và khi chúng được liệt kê cao trong thành phần vì sẽ có nguy cơ khiến da bạn khô hơn và gây kích ứng da.

Ngoài ra, mỹ phẩm được dán nhãn là “không chứa cồn’ (alcohol-free) không phải lúc nào cũng có nghĩa là sản phẩm không chứa cồn. Thực tế, theo quy định về mỹ phẩm của châu Âu, các sản phẩm có thể được dán nhãn “không chứa cồn’ nếu chúng không chứa các loại cồn biến tính gây khô da. Còn đối với các loại cồn béo có lợi trên da như cetyl, stearyl, cetearyl hoặc lanolin alcohol… thì vẫn sẽ được dán nhãn trên bao bì “mỹ phẩm không chứa cồn”, vì các hoạt chất này đều an toàn cho da.

>>> Bạn có thể quan tâm: 5 cách chăm sóc da nhạy cảm khỏi hóa chất độc hại trong gia đình

Da kích ứng có phải do cồn gây ra?

Do có đặc tính hút ẩm, cồn khi sử dụng với nồng độ cao sẽ phá hủy lớp bã nhờn của da bằng cách hút nước ra khỏi bề mặt da, từ đó khiến da bị khô và nứt nẻ.  

Tuy nhiên, nếu da bạn trở nên mỏng, nhạy cảm và kích ứng, bạn cần đọc lại bảng thành phần sản phẩm để xác định lại nguyên nhân vì có thể không phải lúc nào cũng do cồn trong mỹ phẩm gây ra. Một số nguyên nhân khác có thể do chất bảo quản như paraben và hương liệu trong các sản phẩm skincare. 

da bị kích ứng do cồn trong mỹ phẩm

Để biết sản phẩm của bạn có paraben hay không, hãy tìm các thành phần kết thúc bằng đuôi “-paraben’, như methylparaben và butylparaben trên nhãn bao bì. Để xác định sản phẩm có chứa hương liệu hay không, bạn hãy tìm bảng thành phần có chứa “fragrance”. Nếu trên bao bì sản phẩm có in thông tin đó, bạn có thể lựa chọn tìm mua các sản phẩm khác ghi nhãn “fragrance-free” trong lần mua tiếp theo để tránh tình trạng gây kích ứng cho da.

Nói tóm lại, cồn có thể là một chất bổ sung hữu ích để giúp các thành phần thẩm thấu vào da tốt hơn, bảo quản sản phẩm và tạo cảm giác nhẹ khi thoa sản phẩm. Với nồng độ thấp, cồn trong mỹ phẩm không có khả năng gây hại cho da, nhưng bạn hãy đặc biệt cẩn thận nếu có làn da nhạy cảm, khô da hoặc bị chàm. Tốt nhất là bạn nên đọc bảng thành phần sản phẩm và hỏi ý kiến bác sĩ da liễu nếu bạn cho rằng cồn là nguyên nhân gây ra các vấn đề về da, để bác sĩ có hướng khắc phục kịp thời cho bạn. 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

“Alcohol Free” https://www.fda.gov/cosmetics/cosmetics-labeling-claims/alcohol-free Ngày truy cập: 12/12/2021

Final report on the safety assessment of Benzyl Alcohol, Benzoic Acid, and Sodium Benzoate https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11766131/ Ngày truy cập: 12/12/2021

Final Report on the Safety Assessment of Cetearyl Alcohol, Cetyl Alcohol, Isostearyl Alcohol, Myristyl Alcohol, and Behenyl Alcohol https://www.cir-safety.org/sites/default/files/115_buff3a_suppl.pdf Ngày truy cập: 12/12/2021

Final Report of the Safety Assessment of Alcohol Denat., Including SD Alcohol 3-A, SD Alcohol 30, SD Alcohol 39, SD Alcohol 39-B, SD Alcohol 39-C, SD Alcohol 40, SD Alcohol 40-B, and SD Alcohol 40-C, and the Denaturants, Quassin, Brucine Sulfate/Brucine, and Denatonium Benzoate https://journals.sagepub.com/doi/pdf/10.1080/10915810802032388 Ngày truy cập: 12/12/2021

Denatured Alcohol https://www.ttb.gov/industrial/industrial-alcohol-denatured-alcohol Ngày truy cập: 12/12/2021

Phiên bản hiện tại

17/12/2021

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Mỹ phẩm hết hạn sử dụng: Nhận biết sớm kẻo gây hại cho da!

5 cách sử dụng mỹ phẩm sai lầm mà bạn nên tránh


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 17/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo