Thử ngay mẹo mọc răng không sốt bằng lá hẹ và giá cho bé
Trẻ mọc răng thường bị sốt, chán ăn, hay quấy khóc. Với mẹo dân gian giúp mọc răng không sốt bằng lá hẹ và giá, mẹ có thể thử áp dụng để giúp bé tránh bị hành sốt, khó chịu trong người.
Sốt mọc răng là một trong những vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ gây ra không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh. Dấu hiệu sốt mọc răng thường đi kèm với tình trạng nướu bị sưng căng, chảy nước mũi, dễ cáu kỉnh, quấy khóc, chảy nước dãi nhiều, hay bỏ tay vào miệng hoặc cắn, nhai các đồ vật đưa vào miệng, hay xoa má, cọ tai... Đôi khi sốt mọc răng đi kèm với tình trạng tiêu chảy được gọi là tướt mọc răng. Để giai đoạn này không trở thành cơn khủng hoảng cho cả gia đình, cha mẹ có thể thử áp dụng mẹo mọc răng không sốt bằng lá hẹ và giá được sử dụng trong dân gian từ xưa đến nay.
Giá đỗ thường được nhắc đến trong nhiều câu nói lưu truyền về tác dụng giúp trẻ mọc răng không đau, không sốt, như là:
- Mọc răng như giá, mọc răng không sốt
- Mọc răng như giá, mọc răng không sưng
- Mọc răng như giá, mọc răng không khóc
- Mọc răng như giá, mọc răng không mọc lệch…
Bên cạnh giá đỗ, lá hẹ cũng được sử dụng kết hợp vì đều có tính mát, khả năng kháng khuẩn cao, lành tính, phù hợp cho bé dùng trong quá trình mọc răng để làm mát cơ thể, tránh bị sốt cao. Mẹ có thể chuẩn bị những nguyên liệu sau khi muốn áp dụng thử mẹo mọc răng không sốt bằng lá hẹ và giá cho bé:
- Chọn lấy giá đỗ và hẹ tươi.
- Rửa sạch, để ráo rồi giã nát cả giá đỗ với hẹ tươi hoặc có thể xay nhuyễn, thêm một ít muối.
- Chắt lấy nước cốt, bỏ phần bã rồi dùng đồ rơ nướu, rơ lưỡi, khoang miệng cho bé bằng nước cốt giá đỗ và lá hẹ.
Bên cạnh đó, một số điều cần lưu ý khi thực hiện để giúp tăng hiệu quả của mẹo dân gian này tốt hơn dựa trên niềm tin về tinh thần:
- Chọn số lượng lá hẹ và giá đỗ theo giới tính của bé. Người ta quan niệm rằng bé trai cần lấy 7 cọng giá và 7 lá hẹ, trong khi bé gái cần chọn đủ 9 cọng giá và 9 lá hẹ.
- Đọc câu thần chú khi rơ nướu cho bé “Mọc răng như giá không đau không sốt, mọc tốt như hẹ”.
Các mẹ nên thực hiện việc rơ nướu, khoang miệng cho con bằng cách này 1 - 2 lần mỗi ngày, tốt nhất là sau khi bú sữa và trước khi đi ngủ. Chú ý, chỉ áp dụng mẹo này cho bé đủ 100 ngày tuổi (còn được gọi là “mẹo mọc răng không sốt 3 tháng 10 ngày”) và không quá 3 lần/ ngày để tránh bị kích ứng ở nướu.
Bên cạnh việc áp dụng mẹo dân gian để tránh sốt mọc răng cho bé, cha mẹ cũng cần chú ý đảm bảo nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho con, vệ sinh răng miệng mỗi ngày với nước muối sinh lý, cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng để hấp thu vitamin D nhằm tăng khả năng sản sinh canxi của cơ thể, từ đó hỗ trợ quá trình mọc răng khỏe mạnh.
Ngoài biểu hiện sốt, cha mẹ cũng cần để ý đến những dấu hiệu, triệu chứng khác kèm theo trong quá trình bé mọc răng. Nếu có những bất thường đáng lo ngại nào dưới đây xảy ra, hãy đưa con đến gặp bác sĩ ngay để kịp thời can thiệp xử lý:
- Sốt cao nhiều ngày không hạ, bé mệt mỏi, ngủ li bì, không tỉnh táo
- Bé bỏ bú, sốt cao dẫn đến co giật
- Sốt cao kèm theo phát ban, tiêu chảy hoặc nôn mửa
- Quấy khóc không ngừng, không thể dỗ dành bé
- Đi ngoài xuất hiện máu trong phân
- Sụt cân nhiều (giảm hơn 5% trọng lượng của cơ thể)
- Có dấu hiệu mất nước như khô môi, khô da, tiểu ít, không không có nước mắt,...
Sốt cũng là phản ứng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác. Do đó, cha mẹ không nên chủ quan cho rằng con chỉ bị sốt mọc răng dẫn đến nhận định sai lầm, chậm trễ trong việc thăm khám và điều trị. Việc áp dụng mẹo mọc răng không sốt bằng lá hẹ và giá chỉ nên thực hiện khi bạn xác định thấy các dấu hiệu chuẩn bị mọc răng ở trẻ chứ không phải sốt do vấn đề sức khỏe nào khác.
Để tham khảo các mẹo mọc răng không sốt khác, bố mẹ đừng quên tham khảo bài viết Mẹo mọc răng không sốt cho bé và những lưu ý không thể bỏ qua nhé!
❓ Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay!
Cảm ơn bạn đã chia sẻ nhé