🔥 Bài đăng hot nhất

Top 3 câu chuyện kể cho thai nhi giúp tăng cường trí tuệ cho bé từ trong bụng mẹ

Ngay từ tháng thai kỳ thứ 5, mẹ có thể áp dụng phương pháp cho bé nghe truyện thai giáo. Phương pháp này được nhiều nước phát triển áp dụng, có tác dụng kích thích trí não bé phát triển, con sớm thích nghi và nhạy bén trước âm thanh thế giới bên ngoài bụng mẹ nhờ các câu chuyện kể cho thai nhai.


Câu chuyện thứ 1: Sự tích con kiến

Ngày xưa có một người nọ vì nghèo đói quá phải đi hành khất. Nhưng đi đến đâu người ta cũng trề môi bảo: “Sức bác khỏe còn hơn trâu, sao không chịu làm mà kiếm ăn? Rõ đồ lười biếng!”. Đi đã mệt lã mà không kiếm được một miếng ăn, hắn ngã quỵ xuống bên lề đường, chỉ còn chờ chết. Bỗng hắn thấy trước mặt một hòn núi to, chất đầy vàng óng ánh. Hắn ngạc nhiên và sung sướng biết bao! Hắn vội chạy lại, toan hốt vàng bỏ vào bị. Chợt có tiếng hét lên như sấm:

– Người kia sao dám lấy trộm vàng của ta?

Hắn ngẩng mặt nhìn lên thấy một ông thần đen thui hiện ra trước mặt. Hắn hoảng sợ lạy van, vừa kể lể sự tình. Ông Thần cảm động bảo:

– Nếu vậy, ta cho ngươi lấy bao nhiêu thì lấy, nhưng ngươi phải thề với ta rằng: nếu ngươi giàu có, thì không bao giờ hắt hủi người nghèo. Ngươi có dám thề như thế chăng?

– Vâng con xin thề.

Thề xong, hắn cho đầy vàng vào bị, trở về làng tậu nhà, tậu đất, trở nên một người giàu có nhất làng.

Tuy giàu có, hắn vẫn có cái tật tham ăn và keo bẩn. Không bạn bè nào giao du với hắn được, không một kẻ nghèo đói nào đến xin mà không bị hắn hắt hủi, đuổi xua.

Một hôm, có một người ăn mày già rách rưới đến xin ăn. Hắn chẳng nói chẳng rằng, xua chó ra đuổi đi. Nhưng khi chó vừa chạy ra, người ăn mày đã biến đâu mất, chỉ thấy trước mặt sừng sững vị Thần trên núi ngày xưa. Hắn khiếp sợ chưa kịp hở môi, vị Thần đã đùng đùng nổi giận thét to:

– Ngươi kia, ngươi có nhớ lời thề ngày xưa chăng? Ta phải trừng trị tội bội ước của nhà ngươi mới được.

Lập tức, một tiếng sấm nổ vang, cả tòa nhà nguy nga lộng lẫy của hắn đều đổ sụp. Và lạ chưa hắn tự nhiên thân hình, mình thân bé nhỏ lại, thành một con vật bé tí ti. Hắn đã biến thành con kiến.

Tuy đã hóa kiến, hắn vẫn không bỏ tật tham ăn. Cứ mỗi khi đánh hơi ở đâu đó có đồ ăn, là hắn lò mò tìm đến.

Mẹ dạy con: Làm người phải biết giữ lời hứa, đừng bao giờ nuốt lời. Đồng thời phải biết chia sẻ với những người xung quanh khi họ thiệt thòi và nghèo khổ hơn mình bởi không ai biết tương lai mỗi người sẽ gặp những gì. Nếu hôm nay mình cho đi thì ngày mai mình sẽ nhận lại được còn nếu khư khư giữ cho riêng mình thì sẽ nhận về hậu quả xấu nhất.


Câu chuyện thứ 2: Đẽo cày giữa đường

Chuyện kể rằng có một bác nông dân rất nghèo, cả đời sống bằng nghề đồng áng, bác muốn làm một cái cày thật tốt để làm công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác rất vui vì đã xin được một cây gỗ tốt nhưng bác chưa làm cái cày bao giờ, bác bèn mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người.

Bác đẽo được một lúc thì một người đi qua chê:

– Bác đẽo thế không phải rồi, bác đẽo to quá.

Bác nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo. Bác làm được một lúc lại có một người đi qua bảo:

– Bác đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày bác làm to quá….

Bác nông dân nghe có lý hơn, bác lại chỉnh sửa theo lời khuyên, bác đẽo được một lúc lại một người đi qua nói:

– Bác đẽo thế không ổn rồi, cái cày bác làm dài quá không thuận tay.

Bác nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo.

Và cuối cùng, hết ngày hôm đấy bác nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, bác không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Bác buồn lắm nhưng cuối cùng bác đã hiểu: “Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn.”


Câu chuyện thứ 3: Trí khôn của ta đây

Bác nông dân hàng ngày dắt trâu đi cày. Con trâu đi trước kéo cái cày thật nặng theo sau. Dù công việc nặng nhọc nhưng trâu ta vẫn vui vẻ đi làm.

Một hôm, sau buổi cày, trong lúc bác nông dân đi uống nước, con trâu đang ăn cỏ, thì có một con cọp đến hỏi trâu rằng: "Này trâu, sao mày to xác như vậy mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế".

Trâu trả lời cọp: "Tuy người bé nhỏ, nhưng nó có trí khôn".

Vừa lúc ấy, bác nông dân trở lại. Cọp bèn chặn hỏi: "Nghe trâu nói là người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho ta xem với".

Bác nông dân đáp: "Trí khôn tôi để ở nhà".

Cọp bảo: "Hãy về nhà lấy trí khôn cho ta xem".

Bác nông dân trả lời: "Được chứ... Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt, thì ông cọp ăn mất trâu của tôi thì sao?"

Cọp không biết trả lời thế nào. Bác nông dân thấy vậy nói: "Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn cho mà xem?".

Cọp ta bằng lòng.

Bác nông dân bèn lấy dây thừng, cột cọp thật kỹ vào gốc cây, rồi châm lửa đốt. Bác vừa đốt, vừa nói rằng: "Trí khôn của tao đây... Trí khôn của tao đây".

Trâu thấy vậy không nhịn được cười, cười ngã nghiêng, đập cả hàm vào đất, gãy mất hàm răng trên. Do đó, loài trâu sau này không còn hàm răng trên nữa. Còn loài cọp thì bị rằn rện, lông có những vết sọc đen trên mình là dấu tích bị loài người đốt.

Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
4
2
2

2 bình luận

cảm ơn mẹ chia sẻ nhé

1 năm trước
Thích
Trả lời

Câu chuyện kể cho thai nhi hay quá

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!
Quảng cáo
Quảng cáo