🔥 Bài đăng hot nhất

Sản phụ phải mổ 2 lần ở 2 bệnh viện mới cứu sống được 2 mẹ con: Nhau cài răng lược nguy hiểm như thế nào?

Sản phụ phải mổ 2 lần ở 2 bệnh viện mới cứu sống được 2 mẹ con: Nhau cài răng lược nguy hiểm như thế nào? Mình đọc tin này thấy là nên chia sẻ rộng rãi cho các mẹ trên cộng đồng Hello Bacsi mình biết. Có những hiểu biết nhất định về Nhau cài răng lược để có sự chuẩn bị tốt hơn.

Nhau cài răng lược là tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sinh mà còn đe dọa tính mạng mẹ bầu. Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng do sự thay đổi của nhiều yếu tố nguy cơ, đáng chú ý nhất là tăng tỷ lệ sinh mổ lấy thai theo chỉ định và theo yêu cầu.

Theo thông tin từ VTC News mình đọc được, Ngày 6/6, thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), đơn vị vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Bình Dương mổ cứu sống hai mẹ con chị H.T.D mắc hội chứng nhau cài răng lược

Sản phụ H.T.D (33 tuổi, ngụ Bình Dương) mang thai lần thứ 4. Chị khám thai ở cơ sở y tế gần nhà và bệnh viện tại địa phương nhưng không ghi nhận bất thường. Trước đó, chị D. từng sinh mổ vào năm 2005 và 2018, sinh thường năm 2009.

Bác sĩ thăm khám cho sản phụ sau ca mổ kéo dài 7 tiếng. (Ảnh: BVCC)

Sáng 2/6, chị cảm thấy bụng khó chịu nên nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong tình trạng thai ngôi mông 39 tuần 2 ngày, trên vết mổ cũ 2 lần.

Sản phụ được siêu âm, làm các xét nghiệm và mổ lấy thai trong chiều cùng ngày. Tuy nhiên, khi mở bụng sản phụ, bác sĩ thấy mặt trước cơ tử cung đến bàng quang tăng sinh rất nhiều mạch máu, nghi ngờ có tình trạng nhau cài răng lược thể percreta.

Ngay lập tức, các bác sĩ ở Bình Dương đã hội chẩn với bác sĩ trực của Bệnh viện Từ Dũ để tìm phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân. Ban đầu, Bệnh viện Từ Dũ dự định đưa ê-kip phẫu thuật lên Bệnh viện Bình Dương để hỗ trợ.


Xét thấy đây là trường hợp khó và có nhiều nguy cơ nên các bác sĩ đã quyết định đóng bụng và chuyển thai phụ D. lên Bệnh viện Từ Dũ lúc 18h55.

Tại đây, thai phụ được các bác sĩ đánh giá toàn bộ sức khỏe tổng trạng tốt, mạch - huyết áp ổn định, tim thai bé trong giới hạn bình thường. Hoàn tất hồ sơ bệnh án, các bác sĩ khám tiền mê chuẩn bị máu truyền trước và trong mổ vì tiên lượng nguy cơ mất máu nhiều.

Thai phụ được phẫu thuật lần 2 lúc 20h cùng ngày. Khi vào bụng thám sát, các bác sĩ nhận thấy mạc nối dính vào thành bụng, mặt trước đoạn thân và đoạn dưới tử cung có mạch máu tăng sinh nhiều, bàng quang kéo cao.

Các bác sĩ đã tỉ mỉ bóc tách để hạn chế mất máu, tránh làm tổn thương bàng quang. Các gai nhau xâm lấn đến thanh mạc bàng quang, 2 vách chậu và đến cổ tử cung. Toàn bộ đoạn dưới tử cung là những mạch máu tăng sinh không còn lớp cơ nên bác sĩ quyết định mổ lấy thai và cắt hoàn toàn tử cung.

Sau gần 4 giờ bóc tách, bác sĩ quyết định mổ dọc cơ tử cung, đón bé trai nặng 3,2kg và đưa về hồi sức. Các bác sĩ tiếp tục tiến hành cắt tử cung, khâu cầm máu, đặt dẫn lưu. Cuộc phẫu thuật kéo dài 7 giờ, sản phụ mất 1400ml máu, truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng 350ml.

Sau 3 ngày hậu phẫu, sức khỏe của chị D. đã ổn định, có thể ăn uống bình thường.

"Mang thai càng nhiều lần đặc biệt có tiền căn mổ lấy thai là những thai kỳ có nguy cơ cao nên thai phụ cần lưu ý khám thai đầy đủ tại các cơ sở y tế có chuyên môn cao, nhằm phát hiện các bất thường đi kèm để có thể tiên lượng và chuẩn bị trước các phương pháp điều trị phù hợp và an toàn nhất có thể", bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo.

Nhau cài răng lược là gì?

Đây là hiện tượng bệnh lý nhau không bong tróc khỏi thành tử cung sau quá trình sinh nở, mà bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí xâm lấn các các cơ quan lân cận.

Nếu cài bám vào tử cung quá sâu, rau không thể tự tách thành tử cung hoặc chỉ bong một phần. Vấn đề xảy ra là khi các mạch máu mở, mà không đóng được kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân cần phải truyền máu, gây nhiễm trùng hậu phẫu và những lỗ dò sau mổ.

Nguyên nhân gây nên nhau cài răng lược

Tính đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bác sĩ Phan Thế Thi cho biết, phần lớn mẹ bầu gặp phải tình trạng này đều có điểm chung là có vết sẹo trên thành tử cung do phẫu thuật mổ lấy thai hoặc bóc nhân xơ tử cung.

Bên cạnh đó, việc mẹ bầu có tiền sử sinh mổ lấy thai hoặc mắc phải nhau tiền đạo cũng làm tăng nguy cơ bị nhau cài răng lược. Thống kê cho thấy, khoảng 5-10% các trường hợp mắc bệnh là ở mẹ bầu bị rau tiền đạo.

Sinh mổ lấy thai làm tăng nguy cơ bánh nhau không thể tự động tách khỏi thành tử cung. Mẹ bầu có tiền căn vết mổ cũ càng nhiều, nguy cơ gặp phải tình trạng này càng lớn. Thống kê cho thấy, trên 60% các ca mắc là ở mẹ bầu có vết mổ cũ 3 lần trở lên.

Ai có nguy cơ bị rau cài răng lược?

Một số yếu tố nguy cơ khiến mẹ bầu mắc phải tình trạng nhau cài răng lược gồm:

  • Mẹ bầu bị nhau tiền đạo: Nghiên cứu cho thấy, khoảng 1-5% trường hợp mẹ bầu bị nhau tiền đạo không kèm vết mổ cũ trên thân tử cung có nguy cơ tiến triển thành RCRL.
  • Mẹ bầu có vết mổ cũ trên thân tử cung (do mổ lấy thai, mổ bóc tách u xơ tử cung…): Mẹ bầu bị nhau tiền đạo kèm theo vết mổ cũ trên thân tử cung sẽ tăng nguy cơ bị nhau cài răng lược theo số lần mổ.
  • Tiền căn phẫu thuật hoặc nạo hút trong buồng tử cung: Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp đến tử cung gây vết sẹo, làm yếu tử cung, ảnh hưởng đến việc mang thai.

Triệu chứng nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược không gây ra bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu rõ rệt nào, chỉ vào những tháng cuối thai kỳ (tam cá nguyệt thứ ba) xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường mới phát hiện ra.

“Hiện nay với sự phát triển của hệ thống máy siêu âm hiện đại đã có thể giúp phát hiện sớm tình trạng này. Chính vì thế, mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi thai kỳ chặt chẽ, phát hiện sớm và can thiệp hiệu quả trong tình huống có nhau thai cài răng lược”, bác sĩ Phan Thế Thi khuyến cáo.

Nhau cài răng lược có nguy hiểm không?

Mặc dù là tình trạng hiếm gặp nhưng nhau thai cài răng lược rất nguy hiểm, gây nhiều biến chứng đe dọa tính mạng mẹ bầu và thai nhi. Sau khi sinh, bánh nhau không thể tự động tách ra khỏi thành tử cung, gây chảy máu không thể cầm, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như băng huyết sau sinh phải truyền máu, đe dọa tính mạng mẹ bầu.

Tình trạng sót nhau có thể gây nhiễm trùng sau sinh. Buộc phải sinh non do mẹ bầu xuất huyết nhiều trong khi thai nhi còn non tháng, gây nhiều hệ lụy của việc sinh non tháng như trẻ suy hô hấp, nhiễm trùng, vàng da, khó nuôi,… thậm chí sinh quá non tháng có thể gây tử vong.

Trường hợp nhau cài răng lược xâm lấn đến bàng quang hoặc trực tràng, đôi khi buộc phải cắt bỏ một phần bàng quang hoặc trực tràng mới cầm máu được. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ tử cung, ảnh hưởng đến thiên chức mang thai và làm mẹ của người phụ nữ.

Làm gì để phòng tránh nhau cài răng lược?

  • Không nạo, hút thai
  • Hạn chế sinh con sau tuổi 35
  • Hạn chế sinh mổ: chỉ sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ
  • Không nên sinh quá nhiều con: sau mỗi lần sinh, tử cung sẽ yếu dần, tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Khám thai định kỳ, siêu âm phát hiện sớm nhau cài răng lược


Hi vọng rằng bài viết này đã mang lại những thông tin và kiến thức hữu ích cho mọi người. Người xưa nói "cửa sinh là cửa tử", các mẹ bầu hãy nhớ khám thai định kỳ và đầy đủ nha, thấy bất thường đừng chủ quan, mỗi lần mang thai là mỗi lần khác nhau, những kinh nghiệm của lần mang thai trước chưa chắc đã giúp được cho lần sau. Chúc các mẹ thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở thuận lợi. Và chúc mừng hai mẹ con chị H.T.D.

Sản phụ phải mổ 2 lần ở 2 bệnh viện mới cứu sống được 2 mẹ con: Nhau cài răng lược nguy hiểm như thế nào?Sản phụ phải mổ 2 lần ở 2 bệnh viện mới cứu sống được 2 mẹ con: Nhau cài răng lược nguy hiểm như thế nào?
2
9
1 Bình luận

1 bình luận

Nguy hiểm quá luôn, các mẹ bầu chú ý nhé

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!
Quảng cáo
Quảng cáo