🔥 Bài đăng hot nhất

Rách vết mổ cũ, thai nhi chui ra từ ổ bụng mẹ- Mang thai lần 2, mẹ từng sinh mổ cần lưu ý điều gì?

Đọc tin sản phụ đã có vết mổ cũ từ lần sinh trước, khi đang mang thai ở tuần thứ 39 thì bất ngờ nhập viện cấp cứu khi thai nhi có dấu hiệu chui ra. Mình thấy nguy hiểm quá nên đã tìm hiểu và chia sẻ đến cho các mom từng sinh mổ những điều cần lưu ý khi mang thai lần 2,3...

Trước đó Bệnh viện Hùng Vương TP Hồ Chí Minh tiếp nhận sản phụ P.T.K.L sinh 1986 ở Nhà Bè, TPHCM, mang thai 39 tuần 6 ngày tuổi nhập viện cấp cứu do bỗng dưng thấy đau bụng.

Lúc nhập viện, ngoài đau bụng, thai phụ tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Lúc 6h5, thai phụ được chẩn đoán, không loại trừ khả năng vỡ tử cung. Ê kíp chỉ đạo mổ tối khẩn. Tại phòng mổ, thai phụ xuất huyết âm đạo với màu máu đỏ tươi, lượng máu chảy khoảng 500ml.

Bệnh nhân được rạch da cắt sẹo mổ cũ và ghi nhận sau khi mở thành bụng cho thấy tử cung đã vỡ từ trước. Thai nhi còn sống, nằm trong bọc ối và bọc ối nằm trong vùng chậu. Ghi nhận tình trạng ối rất ít, có màu vàng xanh.

Lúc 6 giờ 22 phút, thai nhi là bé gái được cắt kẹp rốn và đưa ra ngoài an toàn cùng bánh nhau. Kiểm tra, các bác sĩ thấy tử cung bị rách trước đó theo đường ngang, trùng vị trí sẹo mổ cũ.

Theo mô tả của các bác sĩ, tử cung nằm giữa, hai bên hông có hai ống niệu quản (nối từ thận tới bàng quang), bàng quang nằm phía trước tử cung. Ở thai phụ này, do có vết mổ cũ 2 lần sinh nên tử cung ép sát bàng quang. Trong khi đó vết rách tử cung tại vết mổ trước đó kéo dài sang hông phải, gần sát niệu quản.

Các bác sĩ sau khi lấy em bé ra, khâu phục hồi chỗ vỡ để bảo tồn tử cung thì thấy có những dấu hiệu phù nề nên mời PGS. TS. BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Chủ nhiệm Bộ môn sản phụ khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương đến chỉ đạo, hỗ trợ kiểm tra xử lý.

BS Khánh Trang lập tức tiến hành bơm bàng quang nhằm kiểm tra bàng quang; đặt các dụng cụ chuyên biệt để kiểm tra ống niệu quản. Kết quả cho thấy bệnh nhân may mắn không tổn thương bàng quang và niệu quản. Bác sĩ sau đó tiếp tục trực tiếp khâu cầm máu những mạch máu trước đó vỡ đứt nhằm ngăn nguy cơ phù nề; sản phụ cũng được đặt ống dẫn lưu ra ổ bụng để theo dõi.

PGS. TS. BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết, vỡ tử cung là tai biến sản khoa dễ dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con do mỗi phút các mạch máu vỡ có thể gây mất từ 400-500ml máu. Như vậy chỉ cần khoảng 10 phút thì sẽ hết máu trong cơ thể dẫn đến tim ngừng đập khiến thai nhi tử vong trước, thai phụ tử vong sau.

Đẻ mổ lần 2 có nguy hiểm không? Mẹ cần lưu ý điều gì?

Thời gian mang thai lần 2 nên cách bao lâu?

Thời gian sinh mổ lần 2 của mẹ bầu nên cách khoảng 2 năm kể từ khi sinh mổ lần đầu tiên. Lần sinh thứ 3 cũng vậy, mẹ nên để cách khoảng từ 2 đến 3 năm sau hãy thực hiện ca phẫu thuật mổ lấy thai tiếp theo. Đây được coi là khoảng thời gian chờ lý tưởng đủ để đảm bảo cho sự phát triển hồi phục của mẹ cũng như quá trình phát triển lớn lên của thai nhi.

Nếu mẹ sinh mổ lần 2 quá gần so với sinh mổ lần 1 (dưới 6 tháng) thì khả năng mẹ bị bục vết mổ cũ rất cao, bởi lúc này vết sẹo cũ của mẹ vẫn chưa hoàn toàn lành lại. Nếu lần đẻ mổ lần 2 cách đẻ mổ lần 1 dưới 18 tháng, thì khả năng mẹ bị bục vết mổ cũ cao gấp 3 lần so với khoảng thời gian lý tưởng là từ 2 đến 3 năm.

Ngoài ra, nếu mẹ sinh mổ lần 2 cách lần 1 quá ngắn, thì cả mẹ và bé sẽ phải đối mặt với những nguy cơ xảy ra biến chứng thai kỳ như: nhau cài răng lược, tăng nguy cơ cắt bỏ tử cung sau sinh.

Đẻ mổ lần 2 mẹ có nên chờ tới lúc chuyển dạ hay không?

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp mẹ lựa chọn sinh mổ lần 2 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thai nhi, cũng như do thời gian mang bầu và sinh con lần 2 quá gần so với lần đầu.

Do đó, việc sinh mổ lần 2 có nên chờ tới lúc chuyển dạ hay không cần phải tùy thuộc vào chỉ định, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa ở cơ sở y tế mẹ bầu lựa chọn thăm khám.

Bác sĩ có thể đỡ đẻ tốt nhất đối với trường hợp những em bé có trọng lượng từ 2,7kg – 3kg. Mức cân nặng này có thể đảm bảo an toàn nhất cho các mẹ muốn sinh thường ở lần 2.

Thông qua các lần khám thai ở các mốc tuần, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng các vết mổ cũ của mẹ, cũng như phát hiện các bất thường hay nguy cơ gây ảnh hưởng tới sự an toàn cuộc sinh của mẹ. Nếu như phát hiện các bất thường và nguy hiểm có thể xảy ra, bác sĩ sản khoa sẽ buộc phải chỉ định mẹ bầu cần phải sinh mổ, bất kể là lần 2 hay lần 3.

Một số mẹ bầu bắt buộc phải chỉ định mổ lần 2 bao gồm:

– Các mẹ có khung chậu hẹp

– Đường mổ tử cung của mẹ là đường dọc

– Khoảng cách giữa 2 lần mang thai của mẹ quá ngắn (dưới 16 tháng)

– Thai làm tổ ngay trên vết mổ tử cung của mẹ.

Đẻ mổ lần 2 mẹ nên mổ ở tuần thứ bao nhiêu?

Đầu tiên, mẹ bầu cần hiểu rằng thời gian diễn ra cuộc sinh và lựa chọn sinh mổ phụ thuộc rất lớn vào tình hình sức khỏe của mẹ bầu và em bé. Với mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra cho mẹ những lời khuyên về thời điểm nên tiến hành mổ khác nhau, sao cho đảm bảo an toàn và mang lại những điều tốt nhất cho cả 2 mẹ con.

Có những mẹ mang thai lần 2 quá sớm sau sinh mổ lần 1 (dưới 6 tháng) có thể sẽ phải thực hiện mổ lấy thai ngay từ tuần thứ 38. Ngược lại, trong trường hợp sức khỏe của mẹ tốt, suốt thai kỳ không xảy ra các biến chứng nguy hiểm nào, thì mẹ có thể thực hiện sinh mổ lần 2, lần 3 ở giai đoạn 39 tuần. Đây cũng được coi là thời điểm tốt nhất để em bé có thể phát triển được ổn định, nước ối sạch.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp sức khỏe của mẹ bầu không tốt, mẹ có tiền sử thai lưu, mẹ có can thiệp để bỏ thai,…thì nên nhập viện sớm trước so với ngày dự sinh để các bác sĩ có thể theo dõi và kịp thời ứng phó với những tình huống cấp cứu.

Mẹ cũng nên chủ động làm hồ sơ sinh, đăng ký lịch mổ và khám thai sẵn sàng để tránh trường hợp mẹ xảy ra tình trạng chuyển dạ gấp. Ngoài ra, mẹ cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa, và nên theo một bác sĩ trong suốt thai kỳ để có sự theo dõi xuyên suốt và nhất quán.

Nếu mẹ mang thai lần 2, lần 3 quá gần sau khi sinh mổ lần đầu, thì mẹ cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ thông tin về: thời gian mổ, lý do mổ, thời gian phục hồi và những biến chứng mẹ đã gặp phải (nếu có).

Mặc dù rất hiếm khi xảy ra tình trạng nứt vết mổ cũ, tuy nhiên mẹ cũng không được chủ quan mà cần thường xuyên thăm khám bác sĩ định kỳ. Trong trường hợp mẹ có những cơn đau, những dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý và điều trị.

Mẹ bầu cũng cần lựa chọn cho mình những cơ sở y tế, bệnh viện và bác sĩ sản khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thai kỳ của cả mẹ và em bé.

Trên đây là thông tin mình muốn chia sẻ đến các mẹ bầu, hãy đọc và lưu ý nhé. Chúc các mẹ có thai kì mạnh khỏe và vượt cạn thành công.



Nguồn tổng hợp từ báo laodong và benhvienthucuc

Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
48
2

0 bình luận

Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!
Quảng cáo
Quảng cáo