Hạt hướng dương là một loại hạt được nhiều người yêu thích bởi vị ngon và giàu dinh dưỡng. Bạn có
... Xem thêmMột số mẫu truyện thai giáo tháng 8 cực hay và ý nghĩa
Thai giáo là một trong những phương pháp được nhiều mẹ bầu lựa chọn để giúp bé phát triển từ khi còn trong bụng mẹ. Đọc truyện thai giáo tháng thứ 8 mang lại lợi ích tuyệt vời cho mẹ và bé: giúp mẹ bầu thư giãn, hỗ trợ bé phát triển trí não, cảm xúc và ngôn ngữ.
Vì sao nên đọc truyện thai giáo tháng thứ 8?
Thai giáo là một phương pháp giao tiếp giữa mẹ và em bé trong bụng qua các câu chuyện. Bởi vì thai kỳ tháng thứ 8 được xem là “thời kỳ vàng” của sự phát triển các giác quan, nhất là thính giác. Hơn nữa, đọc truyện thai giáo tháng thứ 8 còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng khác:
- Giúp mẹ và bé được gắn kết hơn: Từ khi còn trong bụng mẹ, bé đã được nghe giọng mẹ mỗi ngày, nhờ đó mà tình cảm mẹ và bé ngày càng tốt và khi chào đời bé nhận biết được mẹ là ai.
- Giúp bé và mẹ thư giãn tốt: Truyện kể cho bé trong bụng mẹ mỗi ngày cũng có tác dụng giúp mẹ thư giãn và thoải mái hơn, nhờ đó mà bé cũng khỏe mạnh, phát triển tốt.
- Xây dựng tính cách tốt: Những đầu sách chứa nội dung gia đình, bạn bè, tình cảm giúp bé xây dựng nhân cách tốt đẹp và học cách yêu thương với mọi người.
Dưới đây là một số mẩu truyện ngắn phù hợp để thai giáo tháng thứ 8 dành cho mẹ bầu.
1.Truyện thai giáo tháng 8: Qủa bầu tiên
Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé.
Một hôm có một con Cáo ở đâu mà tới bắt chim Én ở đầu nhà chú bé. Con Én non nớt bị rơi xuống đất gãy cánh. Chú bé vội lao ra cứu con chim. Chú ôm ấp vỗ về con Én nhỏ, làm cho nó một cái tổ khác và chăm cho con Én ăn. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chú bé, con Én đã khỏi đau. Mùa thu đến khi nhìn lên trời thấy từng đàn Én hối hả bay đi tránh rét ở phương Nam, con Én nhỏ phân vân nửa muốn bay theo đàn, nửa lại lưu luyến không nỡ rời chú bé.
Hiểu được lòng Én, chú bé âu yếm bảo:
– Én cứ bay theo đàn đi kẻo mùa đông lạnh lắm. Đến mùa xuân ấm áp thì Én lại trở về với anh.
Nói xong chú bé tung con Én nhỏ lên trời. Con Én đang chấp chới bay lên nền trời xanh biếc của mùa thu. Nó nhập vào một đàn Én lớn đang trên đường di cư về những xứ sở ấm áp ở phương Nam. Con Én nhỏ mau chóng tìm được niềm vui giữa bạn bè, nhưng nó không thể nào quên chú bé.
Mùa xuân tươi đẹp đã tới. Con Én nhỏ tìm về ngôi nhà đơn sơ nhưng đầm ấm tình thương của chú bé. Nó kêu lên thành tiếng mừng vui khi thấy chú bé đang ngồi đan sọt giữa sân. Đôi cánh Én chao liệng sà xuống và Én thả trước mặt chú bé một hạt bầu.
Chú bé vùi hạt bầu xuống đất. Chẳng bao lâu hạt bầu đã nảy mầm thành cây. Cây bầu lớn nhanh như thổi, ra hoa, kết quả. Nhưng lạ chưa, quả bầu to khổng lồ, cả nhà chú bé mới khiêng về được một quả, khi bổ ra… Ôi! Thật kì diệu! Trong quả bầu đầy vàng bạc, châu báu và thức ăn ngon!
Tên địa chủ trong vùng nghe được chuyện ấy. Hắn cũng muốn được chim Én cho nhiều quả bầu tiên. Hắn bèn tìm cách bắt một con chim Én con rồi bẻ gãy cánh. Sau đó hắn giả vờ thương xót con Én rồi đem về nuôi.
Đến mùa thu, khi nhìn lên trời thấy đàn Én đầu tiên xuất hiện, hắn vội vàng ném con Én lên trời và bảo:
– Bay đi Én con! Mau đi kiếm hạt bầu tiên về đây cho ta!
Con Én khốn khổ bay đi. Mùa xuân năm sau nó cũng trở về và đem theo một hạt bầu. Tên địa chủ hí hửng đem gieo và ngày đêm canh giữ. Khi quả bầu đã già, hắn bảo mọi người khiêng về rồi đuổi tất cả ra. Hắn đóng cửa lại rồi một mình hắn bổ quả bầu tiên. Quả bầu vừa được bổ ra, vàng bạc chẳng có, chỉ có rắn rết. Rắn rết từ trong quả bầu xông ra cắn chết tên địa chủ tham lam độc ác.
2.Truyện thai giáo tháng 8: Giọng Hót Chim Sơn Ca
Ngày xửa, ngày xưa, ở một khu rừng nọ có rất nhiều loài chim. Mỗi loài có một giọng hát khác nhau. Duy chỉ có Sơn Ca có giọng hót hay hơn cả. Mỗi khi Sơn Ca hót, cỏ, cây, hoa lá rì rào hoà theo. Dòng suối đang chảy róc rách cũng như muốn dừng lại để thưởng thức giọng hót mê li ấy.
Một hôm chim Sẻ được các bạn cử đến gặp Sơn Ca. Chim Sẻ hỏi Sơn Ca :
– Bạn Sơn Ca ơi, có phải bác Mặt Trời cho bạn giọng hát mê li ấy không ?
– Không phải đâu. Bác Mặt Trời tốt bụng chỉ cho tôi những tia nắng vàng rực rỡ, ấm áp thôi.
– Thế có phải cô Mây Hồng đã cho bạn giọng hót hay không ?
– Cũng không phải đâu bạn Sẻ ạ. Cô Mây Hồng xinh đẹp chỉ cho tôi những tảng bông êm dịu thôi.
– Ôi Sơn Ca đáng yêu : Thế ai đã cho bạn giọng hót hay ?
Chim Sẻ và cả bầy chim không hiểu tại sao mà Sơn Ca có giọng hót tuyệt vời đến thế. Các bạn quyết định đến trường hỏi cô giáo Hoạ Mi. Nghe các học trò của mình hỏi, cô giáo Hoạ Mi cười rất vui. Cô nói :
– Cô và các cháu cùng nhau tìm hiểu điều đó. Sáng mai cô sẽ đợi các cháu, ta cùng đến nhà bạn Sơn Ca. Nhưng các cháu phải nhớ dậy sớm đấy.
Sáng hôm sau, khi đến nhà Sơn Ca, các bạn thấy Sơn Ca vừa chuyền cành vừa hót say sưa. Thỉnh thoảng Sơn Ca vừa nghiêng đầu lắng nghe tiếng cây cối xào xạc, tiếng suối chảy róc rách. Nghe rất kĩ, rất lâu những âm thanh ấy rồi Sơn Ca mới bắt chước theo. Các bạn chim lúc ấy mới chợt hiểu vì sao Sơn Ca có giọng hót hay đến thế. Cả đàng chim ríu rít cất tiếng hoà với giọng hót của Sơn Ca. Rừng cây rộn ràng tiếng hót của bầy chim non chào mừng ngày mới.
3.Truyện thai giáo tháng 8: Sự tích cây khế
Truyện thai giáo tháng thứ 8 sự tích cây khế chứa đựng ý nghĩa sâu sắc: Anh em trong nhà cần biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tránh sinh lòng tham lam, tranh giành lợi lộc. Chúng ta ai cũng cần lao động chăm chỉ thì mới có được thành quả xứng đáng. Đồng thời cần biết ơn người đã giúp đỡ mình. Mẹ bầu hãy đọc truyện này cho thai nhi cùng nghe nhé:
Ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ không may mất sớm. Để lại cho ngôi nhà nhỏ cùng một cây khế. Thời gian thấm thoát trôi, hai anh em đều lấy vợ. Họ thấy không thể ở chung với nhau được nên đã chia gia tài. Người anh vốn dĩ rất tham lam đã chiếm hết tất cả chỉ chia cho người em một túp lều và mảnh vườn có cây khế ngọt. Nhưng người em cũng không chút phàn nàn, mà chăm chỉ làm ăn.
Đến mùa, nhờ sự chăm sóc của người em. Cây khế bỗng sai quả lạ kì. Hai vợ chồng người em vô cùng mừng rỡ vì nghĩ rằng mình sẽ đem bán khế đổi lấy gạo ăn. Bỗng nhiên, từ đâu bay tới một con chim Phượng hoàng. Nó ăn hết khế của người em. Người em không biết phải làm sao, chỉ biết khóc và van xin chim đừng ăn khế của mình: Chim ơi chim đừng ăn khế của tôi nữa, nếu chim ăn hết khế thì tôi sẽ chết đói mất. Chim thấy thế liền trả lời:
“Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang, mang đi mà đựng!”.
Người em nghe chim nói vậy thì thôi không khóc nữa và nghe theo lời chim, may đúng túi ba gang.
Hôm sau, chim đến bảo người em ngồi lên lưng mình rồi đưa người em bay đi. Bay mãi, bay mãi qua biết bao nhiêu làng mạc, núi đồi, sông suối rồi đến một hoang đảo xa xôi. Chim hạ cánh bảo người em xuống lấy vàng bạc, châu báu mang về. Người em vô cùng kinh ngạc vì chưa bao giờ được nhìn thấy nhiều vàng bạc, châu báu như vậy.
Mãi ngắm nhìn, người em quên cả việc lấy vàng mang về, cho đến khi chim giục, người em mới vội vàng lấy mỗi thứ một ít cho vào túi rồi lên lưng Phượng hoàng ra về. Chim thấy vậy bảo người em lấy thêm nhưng người em cũng không lấy vì sợ đường về xa chim sẽ bị mệt. Thế rồi người em cùng chim lên đường trở về nhà.
Từ đó, người em trở nên giàu có và mang tiền của chim chia cho những người nghèo khổ.
Lại nói đến vợ chồng người anh. Họ thấy em trở nên giàu có thì vô cùng tức giận và ghen ghét. Một hôm, người anh sang chơi và đòi người em đổi cho mình lấy cây khế, còn người em lấy hết nhà cửa, ruộng vườn của mình. Người em vui vẻ bằng lòng đổi cho anh.
Năm sau, cây khế cũng sai trĩu quả. Chim Phượng hoàng lại đến ăn khế.
Hai vợ chồng người anh giả vờ khóc lóc van xin chim đừng ăn khế. Chim nói:
“Ăn một quả trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng!”.
Người anh mừng rỡ, chạy vội vào nhà may ngay một túi chín gang để đựng được nhiều vàng và ngồi chờ chim Phượng hoàng đến đón đi.
Hôm sau, chim đến đón người anh ra hoang đảo xa xôi. Người anh sung sướng lấy thật nhiều vàng bạc, châu báu đầy túi chín gang và nhét hết cả vào người mình mới chịu về.
Đến giữa đường, chim càng bay càng thấy nặng, chim bảo vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng không nghe. Nói mãi, người anh vẫn không chịu, chim cố hết sức cũng không thể bay được nữa. Đến giữa biển, chim tức mình hất người anh rơi xuống, người anh ân hận van xin chim cứu nhưng đã muộn. Chim bay đi còn người anh ôm túi vàng chìm sâu xuống biển.
4.Truyện thai giáo tháng 8: Bàn Tay Vàng
Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông tham lam sống ở một thị trấn nhỏ. Ông ta vô cùng giàu có và có niềm say mê đặc biệt với vàng cùng những thứ lạ mắt. Dù vậy, ông cũng rất yêu thương con gái duy nhất của mình hơn bất cứ điều gì trên đời.
Một ngày nọ, người đàn ông tình cờ gặp một nàng tiên khi mái tóc của nàng bị mắc kẹt vào một nhánh cây. Không chần chừ, ông liền lao đến giúp đỡ nàng tiên.
Sau khi giúp nàng tiên thoát khỏi tình huống khó khăn, lòng tham của ông ta nổi lên. Ông yêu cầu nàng tiên đáp lại sự giúp đỡ của mình bằng cách ban cho ông một điều ước. Người đàn ông ước rằng tất cả những gì ông chạm vào đều sẽ hóa thành vàng. Vị tiên nhận lời và ban cho ông điều ước đó.
Khi có được điều ước, người đàn ông tham lam vội vã trở về nhà để khoe với vợ và con gái về điều kỳ diệu mình mới có được. Khi ông vừa về đến nhà, cô con gái yêu quý chạy ra đón và vô tình chạm vào tay cha. Ngay lập tức, cô bé hóa thành vàng.
Người đàn ông vô cùng hối hận về điều ước sai lầm của mình và dành quãng đời còn lại để tìm kiếm nàng tiên đã ban cho ông điều ước, mong có thể sửa chữa sai lầm của mình.
5.Truyện thai giáo tháng 8: Sự Tích Ngày và Đêm
Ngày xửa ngày xưa, Mặt Trăng, Mặt Trời và Gà Trống cùng sống với nhau trên trời. Mặt Trăng mặc chiếc áo màu trắng, còn Gà Trống đội một chiếc mũ màu đỏ. Mặt Trăng rất thích chiếc mũ đỏ của Gà Trống. Một hôm, Mặt Trăng nói với Gà Trống:
– Chúng mình đổi áo và mũ cho nhau nhé!
Gà Trống đáp:
– Tớ không thích cái áo màu trắng của cậu. Tớ không đổi mũ lấy áo đâu!
Mặt Trăng cứ gạ đổi mãi nhưng Gà Trống nhất định không chịu. Cuối cùng, Mặt Trăng giật chiếc mũ của Gà Trống và vứt xuống đất.
Gà Trống vội bay xuống đất để nhặt mũ, nhưng vì trời tối đen nên Gà Trống không tìm thấy mũ. Gà Trống liền ngửa cổ lên trời và cất tiếng gọi:
– Ò ó o, Mặt Trời ơi! Mặt Trời ơi!
Nghe thấy tiếng gọi, Mặt Trời vội vén màn mây nhìn xuống. Những tia nắng rực rỡ tỏa sáng khắp nơi. Nhờ có ánh sáng của Mặt Trời, Gà Trống nhìn thấy chiếc mũ đỏ của mình mắc trên một cành cây. Gà Trống sung sướng bay lên cây lấy chiếc mũ và đội lên đầu.
Gà Trống định bay về trời nhưng vì quá mệt nên không đủ sức cất cánh bay lên nữa. Gà Trống lại cất tiếng gọi:
– Mặt Trời ơi! Kéo tớ lên với!
Nhưng Mặt Trời không thể kéo Gà Trống lên được, đành an ủi:
– Gà Trống ơi! Bạn hãy ở lại dưới mặt đất vậy. Buổi sáng sớm bạn hãy gọi “Ò ó o… ! Mặt trời ơi!”, tôi sẽ thức dậy và trò chuyện với bạn nhé!
Từ đó trở đi, Gà Trống luôn dậy sớm và cất tiếng gáy “ò ó o” để đánh thức Mặt Trời. Ở tít trên cao, Mặt Trời chiếu ánh sáng rực rỡ xuống Trái Đất, tạo nên ngày.
Còn Mặt Trăng thì cảm thấy rất xấu hổ vì đã đối xử không tốt với bạn Gà Trống. Vì thế, Mặt Trăng chỉ dám xuất hiện khi Mặt Trời lặn xuống phía bên kia rặng núi và Gà Trống đã lên chuồng đi ngủ. Khi đó, Mặt Trăng mới tỏa ánh sáng mờ mờ xuống, tạo nên đêm.
Trên đây là một số mẫu truyện thai giáo tháng 8 cực hay và ý nghĩa cho bé. Hy vọng những mẫu truyện sẽ giúp mẹ bầu có thêm những câu chuyện phù hợp và bổ ích cho bé yêu của mình.
?Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay https://hellobacsi.com/community/suc-khoe-phu-nu/so-suc-khoe-dien-tu-tren-ung-dung-vneid-ban-da-biet-chua/
3 bình luận
Mới nhất
Bé mình rất thích nghe mẹ đọc truyện, mình lưu lại để kể cho bé nghe
lưu lại để đọc cho con mỗi ngày nào
lưu lại để đọc cho con nghe vừa gắn kết tình cảm các mẹ bầu ơi