🔥 Bài đăng hot nhất

Mang thai hộ - cơ hội làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Trong thực tế, hiện có không ít cặp vợ chồng không thể sinh con vì nhiều lý do khác nhau nhưng mong muốn có đứa con ruột của chính mình. Quy định về việc mang thai hộ của Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi ra đời mở ra cho các cặp vợ chồng này cơ hội làm cha mẹ trọn vẹn.
Những thông tin sau đây sẽ giúp cho những cặp vợ chồng có ý định thực hiện kỹ thuật mang thai hộ:

1. Điều kiện để được phép nhờ người mang thai hộ
Để các bệnh viện chấp nhận làm kỹ thuật mang thai hộ thì bạn phải thuộc các trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 95 Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Theo đó, việc làm này vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Cũng theo văn bản này, vợ chồng bạn có quyền nhờ người mang thai khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc bạn không thể mang thai và sinh con. Ví dụ: Bạn là người bị dị dạng tử cung hoặc bạn đã cắt bỏ tử cung vì bệnh lý hay bị sẩy thai liên tiếp nhiều lần.
- Bạn không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (IVF) hay sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác (thụ tinh nhân tạo, kích thích buồng trứng…) dù phôi thai phát triển tốt.
- Vợ chồng bạn đang không có con chung.
- Bạn bị mắc những bệnh mãn tính không được mang thai: suy tim, suy thận…
- Vợ chồng bạn đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý về việc nhờ người mang thai.

2. Các đối tượng được phép mang thai hộ
Theo quy định của Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, người mang thai hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai
- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai. Thường là phụ nữ dưới 35 tuổi, vì trên 35 tuổi, khả năng mang thai thành công không cao.
- Có sức khỏe tổng thể tốt, có khả năng mang thai, không có bệnh lý gì dẫn đến nguy cơ sẩy thai. Nguyên do là quá trình làm thụ tinh nhân tạo có thể thụ tinh đa thai nên người mang thai hộ phải có sức khỏe tốt và tử cung tốt để sức khỏe của thai phụ và thai nhi được đảm bảo.
- Từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.
- Sức khỏe tâm thần bình thường.
- Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

3. Trước khi tiến hành mang thai hộ, người mang thai phải làm các xét nghiệm cần thiết
- Xét nghiệm nhóm máu ABO, Rh. Công thức máu toàn phần.
- Các xét nghiệm miễn dịch: herpes, rubella, CMV (xét nghiệm bệnh nhiễm trùng bào thai do virus Cytomegalo gây ra), giang mai, viêm gan B, C, HIV…
- Các chất trong máu: đường máu, creatinin, urê (sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa đạm trong cơ thể)… nhằm phát hiện những bệnh mãn tính.
- Phết tế bào cổ tử cung nhằm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm hormone, kiểm tra buồng tử cung bằng các xét nghiệm hình ảnh (siêu âm, chụp cản quang tử cung vòi trứng (nếu cần)).

4. Những vấn đề pháp lý có thể xảy ra quanh việc mang thai hộ
Điều 94, Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, quy định rõ ràng về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, đứa trẻ sinh ra trong trường hợp vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai kể từ thời điểm bé được sinh ra. Song trong thực tế xảy ra một vài vấn đề pháp lý liên quan như:
- Bên nhờ mang thai từ chối nhận con, chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con…: Trong các trường hợp này, luật cũng quy định rõ bên mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc bên nhờ mang thai nhận con hoặc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của luật hoặc bị xử lý theo quy định có liên quan của pháp luật…
- Nếu bên nhờ mang thai chết thì con được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của bên nhờ mang thai và bên mang thai hộ được quyền nuôi dưỡng đứa bé.
- Bên mang thai hộ từ chối giao con: Đối với trường hợp này, bên nhờ mang thai có quyền yêu cầu tòa án buộc bên nhờ mang thai giao con cho mình.

Ngoài ra, các bạn còn cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan. Ở khâu này khó nhất là cả 2 vợ chồng, người mang thai và chồng người mang thai (nếu có) cùng đến UBND phường, xã để ký cam kết và các loại giấy tờ. Riêng công chứng cam kết mang thai hộ thì chỉ có một số phòng công chứng chịu làm. Cái này các bạn cứ yên tâm, khi đi tư vấn pháp lý, luật sư sẽ hướng dẫn các bạn.
Chúc các bạn thành công!
Mang thai hộ - cơ hội làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộnMang thai hộ - cơ hội làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
20
54k
5 Bình luận

5 bình luận

đúng rồi bạn ạ. Giờ mà không có pháp luật can thiệp rõ ràng thành ra việc này dễ mang tính thương mại lắm
2 năm trước
Thích
Trả lời
Bệnh viện nào nhận hồ sơ thực hiện thụ tinh nhân tạo cho việc mang thai hộ vậy ạ?
2 năm trước
Thích
Trả lời
@anhthu12Nếu bị vô sinh, hiếm muộn và có nhu cầu nhờ người mang thai hộ, bạn và chồng có thể gửi hồ sơ đề nghị đến các bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. HCM, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức TP. HCM…
2 năm trước
Thích
Trả lời
Cảm ơn bài chia sẻ của bạn. Rất hữu ích
2 năm trước
Thích
Trả lời
theo mình biết thì chi phí làm mang thai hộ không cao lắm, hơn chi phí thụ tinh trong ống nghiệm một ít (khoảng 10 triệu), nhưng thời gian đi lại thì nhiều. Chi phí này không mang tính chất thương mai nhé. Giá thuê qua cò này nọ mình không rõ.
2 năm trước
Thích
Trả lời
Quảng cáo
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!
Quảng cáo