Cho cháu hỏi, chó liếm lên quần áo mà sau đó mình ko biết mà mặc vào luôn liệu có nguy cơ bị nhiễm bệnh dại ko ạ
Tự đi khám da liễu khi có dấu hiệu nghi ngờ
Chưa đầy một tuần sau hai ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện trong nước, TP.HCM lại phát hiện thêm một ca đậu mùa khỉ "nội địa" mới. Người này cư trú tại huyện Bình Chánh.
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân mới này (nam, 34 tuổi) chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.
Tự đi khám da liễu khi có dấu hiệu nghi ngờ
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, vào ngày 28-9, bệnh nhân trên đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.
Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM. Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với vi rút đậu mùa khỉ và được cách ly điều trị sau đó.
Sau khi có kết quả mắc đậu mùa khỉ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh.
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường trú tại huyện Bình Chánh, chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.
Sau khi được chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân thông báo cho những người tiếp xúc gần. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải báo ngay cho trạm y tế.
Những người tiếp xúc hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. HCDC tiếp tục điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.
Cách đây một tuần, ngày 23-9 Viện Pasteur TP.HCM cũng thông báo kết quả nam bệnh nhân 25 tuổi tạm trú tại TP.HCM (thường trú tại tỉnh Đồng Nai) dương tính với vi rút đậu mùa khỉ sau khi đi thăm khám tại Bệnh viện Da liễu vì có dấu hiệu nghi ngờ và được bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm.
Qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm bạn gái của bệnh nhân (22 tuổi, cư trú tại tỉnh Bình Dương) cũng dương tính với đậu mùa khỉ. Hiện cả hai vẫn đang được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định.
Tăng giám sát, không kỳ thị người bệnh
Trước tình hình ghi nhận các ca đậu mùa khỉ "nội địa", Sở Y tế TP.HCM vào ngày 29-9 đã có công văn về tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, chỉ đạo HCDC và các bệnh viện, phòng khám... tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.
Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM - nơi đầu tiên các bệnh nhân đến thăm khám, BS Vũ Thị Phương Thảo - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện - cho biết bệnh viện đã xây dựng một quy trình tầm soát, xử lý đặc biệt cho những trường hợp có triệu chứng lâm sàng.
BS Huỳnh Thị Thúy Hoa - khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho hay bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần gũi, nên tập trung vào những người bị ảnh hưởng và những người tiếp xúc gần gũi của họ.
Những người tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn: bao gồm nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình và bạn tình.
Bệnh đậu mùa khỉ thường là một bệnh tự giới hạn với các triệu chứng kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Các trường hợp nặng có thể xảy ra, tỉ lệ tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ trước đây dao động 0 - 11% trong dân số nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ.
Trong thời gian gần đây, tỉ lệ tử vong theo ca bệnh dao động trong khoảng 3-6% (theo Tổ chức Y tế thế giới).
"Không kỳ thị những nhóm người bị bệnh này vì có thể là một rào cản ngăn cản người bệnh tìm kiếm sự chăm sóc, dẫn đến sự lây lan không bị phát hiện", bác sĩ Hoa chia sẻ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch giữa các quốc gia đã dễ dàng, để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, bác sĩ Lương Chấn Quang - phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP.HCM - khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế không chỉ với riêng bệnh đậu mùa khỉ mà còn với các bệnh truyền nhiễm khác.
1 bình luận
Mới nhất
Nhiều bệnh lây nhiễm quá, ra đường tiếp xúc nhiều người cũng lo, sợ mang bệnh về nhà