🔥 Bài đăng hot nhất

Triệu chứng HIV là gì? HIV và AIDS có gì khác biệt?

HIV là căn bệnh thế kỉ vô cùng nguy hiểm. Nhiều người đã nghe đến HIV hoặc HIV/AIDS nhưng chưa hoàn toàn hiểu rõ về bệnh. Trong bài viết này, sẽ chia sẻ những thông tin quan trọng về bệnh: HIV là gì, triệu chứng HIV là gì? Từ đó thấy được HIV có đáng sợ hay không.

HIV là gì?

HIV là một bệnh nhiễm trùng gây nên bởi virus HIV (Human Immunodeficiency Virus). Khi xâm nhập vào cơ thể người thì virus bắt đầu phá hủy hệ miễn dịch. Chúng sẽ tấn công trực tiếp vào các đại thực bào hoặc tế bào Lympho T có trong máu. Từ đó làm suy giảm sức đề kháng và miễn dịch một cách nặng nề. Kết quả là cơ thể bị suy yếu và rất dễ tổn thương trước những mầm bệnh dù là nhẹ nhất.

HIV và AIDS có gì khác biệt?

Trên thực tế, HIV sau khi tiến triển qua một khoảng thời gian sẽ đến giai đoạn AIDS. Đây là giai đoạn cuối nguy hiểm nhất của bệnh và được biết đến như “cửa tử” của người nhiễm HIV. Thuật ngữ AIDS được sử dụng để chỉ giai đoạn muộn của bệnh. Do đó, HIV/AIDS thường được sử dụng để mô tả nhiều giai đoạn của cùng một căn bệnh.

Có thể hình dung các giai đoạn HIV như sau:

  1. Sơ nhiễm.
  2. Nhiễm trùng không triệu chứng.
  3. Cận AIDS.
  4. Bệnh AIDS.

Con đường lây nhiễm bệnh HIV

Đường máu

HIV khi được lây truyền qua máu sẽ tấn công trực tiếp vào tế bào Lympho T CD4+. Đây là loại tế bào có trong máu giúp bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại. Virus sẽ bám vào các tế bào CD4+ và nhân lên, lây lan nhanh chóng sang những tế bào khác. Điều này khiến cơ thể dễ tổn thương trước các bệnh và nhiễm trùng cơ hội.

Người bị HIV lây nhiễm qua máu do các nguyên nhân:

  • Tiếp xúc với máu người nhiễm HIV qua vết thương hở hoặc niêm mạc bị trầy xước.
  • Bị các vật sắc nhọn đã dính máu người nhiễm HIV cắt xuyên qua da.
  • Được hiến máu, cấy mô, hoặc ghép tạng từ người nhiễm HIV.

Đường tình dục

Miệng, dương vật, hậu môn, và âm đạo là những vị trí lây truyền chính. Virus có thể tồn tại trong dịch tiết của cả nam lẫn nữ, nên hoàn toàn có thể lây truyền dễ dàng nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Những người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao, bất kể đó là hình thức quan hệ tình dục nào. Đặc biệt cần lưu ý những hình thức phổ biến sau:

  • Dương vật – miệng.
  • Dương vật – hậu môn.
  • Dương vật – âm đạo.

Đường sinh sản từ mẹ sang con

HIV có thể được truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở, và sau sinh nếu không có biện pháp phòng tránh. Trên thực tế, virus có thể tồn tại trong nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo, và sữa của người mẹ.

  • Mang thai: Máu nhiễm HIV của mẹ sẽ truyền virus sang thai nhi qua nhau thai.
  • Chuyển dạ: Truyền sang con qua các vùng như hậu môn, mắt, mũi, hoặc các vết xây xát trên cơ thể bé.
  • Cho con bú: Truyền qua sữa mẹ hoặc thông qua các tổn thương ở núm vú của mẹ. Tỷ lệ nhiễm cao hơn ở những trẻ có tổn thương vùng miệng hoặc đường hô hấp.

Những con đường không lây nhiễm bệnh HIV

Trên thực tế, virus HIV không thể tồn tại khi ở bên ngoài vật chủ. Các chuyên gia y tế đã chỉ ra những con đường mà HIV không thể bị lây nhiễm như sau:

  • Nước bọt, nước mắt, và mồ hôi.
  • Không khí.
  • Dùng chung chén đĩa.
  • Các hoạt động hàng ngày: bắt tay, ôm ấp, hôn môi, ăn uống, dùng chung chén đĩa, nhà vệ sinh…
  • Muỗi, ve hoặc các loài côn trùng khác.

Đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV

Tất cả mọi người đều có thể bị lây nhiễm HIV. Đặc biệt là những đối tượng sau có nguy cơ rất cao:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Không sử dụng bao cao su và các biện pháp phòng vệ; quan hệ với nhiều đối tác, cùng lúc với nhiều người…
  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, đường miệng.
  • Quan hệ tình dục với người nhiễm/nghi nhiễm HIV hoặc các bệnh qua đường tình dục như lậu, giang mai…
  • Tham gia vào các hoạt động mại dâm, mua bán ma túy, chất gây nghiện…
  • Dùng chung vật dụng sắc nhọn dễ gây chảy máu như bơm kim tiêm, dao cạo… với người nhiễm/nghi nhiễm HIV.
  • Thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các nguồn máu: y bác sĩ, kỹ thuật viên lấy máu và xét nghiệm máu, công an, quân đội…
  • Mẹ đang mang thai đã nhiễm HIV.

Người bị HIV có những triệu chứng nào?

HIV chưa có thuốc chữa nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm thì người bệnh vẫn có khả năng chống chọi với bệnh tật. Chúng ta có thể nhận thấy được người bị nhiễm HIV trong khoảng 3 tháng đầu với những biểu hiện sau:

1. Sốt

Sốt là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất của việc nhiễm HIV bởi người nhiễm HIV chỉ không lâu sau đó đã có thể lên cơn sốt, từ nhẹ cho đến trung bình với nhiệt độ trên 38 độ C. Trong lúc này, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sốt như ra mồ hôi và ớn lạnh và triệu chứng sốt này có thể liên tục kéo dài trong khoảng 2 tuần.

Theo ý kiến của bác sỹ Carlos Malvestutto, giảng dạy các bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học tại khoa Dược, trường ĐH Y NYU, New York thì tại thời điểm này, virus HIV được di chuyển vào trong dòng máu và bắt đầu nhân rộng với số lượng lớn. Đó là phản ứng viêm của hệ miễn dịch.

Cách khắc phục

Trong giai đoạn này bạn có thể sử dụng một số thuốc hạ sốt, uống nhiều nước để tránh mất nước và đến ngay các cơ sở y tế để xét nghiệm.

2. Mệt mỏi

Đây cũng là một dấu hiệu sớm của việc nhiễm HIV bởi phản ứng viêm tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của bạn bị bao vây khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và lờ đờ.

Cách khắc phục

Khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, bạn nên nghỉ dưỡng và không làm các công việc nặng nhọc, hay những công việc đầu óc.

3. Đau nhức cơ bắp, đau khớp

Nhiều người thường nhầm lẫn HIV với bệnh cúm hoặc nhiễm virus, thậm chí bệnh giang mai hoặc viêm gan do nhiều người có các triệu chứng giống nhau như đau ở các khớp và cơ bắp. Tuy nhiên, nhiễm HIV cũng khiến bạn có những triệu chứng này và nó ảnh hưởng rất lớn đến công việc hằng ngày của bạn

Cách khắc phục

Bạn có thể nhờ người thân xoa bóp để giảm bớt cơn đau và hãy nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.

4. Sưng hạch bạch huyết

Triệu chứng này thường diễn ra phổ biến ở nam giới khi số lượng các tuyến bạch huyết bị sưng. Tình trạng viêm hoặc sưng có thể xảy ra trong một hoặc nhiều hạch bạch huyết và vùng bị nhiễm thường thấy là cổ, háng và nách.

Cách khắc phục: Tình trạng viêm hoặc sưng hạch bạch huyết này sẽ không gây bất kỳ khó chịu hay đau đớn gì cho người bệnh, ngay cả khi bạn chạm vào những hạch bạch huyết đó khiến người bệnh nhầm tưởng rằng mình bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Tuy nhiên nếu gặp phải trường hợp này bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để xét nghiệm bởi bạn đã có nguy cơ cao bị nhiễm HIV.

5. Đau họng và đau đầu

Đau họng và đau đầu cũng là một trong những biểu hiện của giai đoạn ARS.

Cách khắc phục

Nếu bạn cảm thấy mình có nguy cơ dính vào HIV, hãy đi xét nghiệm ngay bởi HIV dễ lây nhiễm nhất trong giai đoạn đầu tiên. Bởi cơ thể bạn không sản xuất kháng thể kháng HIV nên xét nghiệm kháng thể không thể phát hiện được. Sau khi xét nghiệm, bạn có thể mất một vài tuần đến một vài tháng thì kháng thể HIV mới hiển thị trong một xét nghiệm máu. Kiểm tra xác suất khác như phát hiện virus RNA (virus chứa acid ribonucleic), thường trong vòng 9 ngày sau khi nhiễm.

6. Phát ban đỏ ở da

Triệu chứng phát ban da có thể xảy ra sớm hoặc muộn trong quá trình nhiễm loại virut này. Khi đó người nhiễm HIV sẽ thấy xuất hiện các nốt ban màu đỏ trên da của mình. Triệu chứng phát ban cũng có thể xuất hiện trên nhiều vùng của cơ thể.

Cách khắc phục

Nếu bạn thấy da của mình bị phát ban mà không rõ lý do hoặc khó điều trị, hãy đến ngay các cơ sở y tế để làm xét nghiệm HIV.

7. Viêm phổi và một số bệnh nhiễm trùng khác

Ho và viêm phổi cũng là dấu hiệu của một đợt nhiễm trùng nghiêm trọng, gây ra bởi một loại vi trùng vốn tưởng chừng vô hại khi hệ thống miễn dịch của bạn còn khỏe mạnh.

Khi nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch của bạn suy giảm và sẽ có rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội khác nhau tấn công bạn. Ngoài ra, còn một số bệnh nhiễm trùng cơ hội khác như toxoplasmosis, nhiễm ký sinh trùng có ảnh hưởng đến não và một loại virus herpes gọi là cytomegalovirus, nấm men nhiễm trùng như bệnh tưa miệng.

Cách khắc phục

Điều trị theo triệu chứng bệnh và bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như tỏi, hành, ớt, gừng, bí đỏ, cải xoăn, trái cây họ cam, quýt, trà xanh, súp miso, nấm…

8. Trí nhớ kém hoặc khó tập trung

Khi bạn cảm thấy mình gặp một số vấn đề về nhận thức thì có thể bạn đã mắc một dấu hiệu của bệnh mất trí nhớ liên quan đến HIV, thường xảy ra vào kỳ cuối trong quá trình của bệnh.

Ngoài việc bị nhầm lẫn, khó tập trung, sa sút trí tuệ liên quan đến AIDS, người bệnh còn gặp một số vấn đề về trí nhớ và hành vi trở thành người vụng về, thiếu phối hợp, và các vấn đề với công việc đòi hỏi kỹ năng vận động như viết bằng tay. Ngoài ra, họ cũng có thể trở nên hung dữ hơn, dễ tức giận.

Cách khắc phục

Người bệnh nên rèn luyện trí nhớ bằng cách chịu khó nghe và học hỏi. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung một số thực phẩm có hiệu quả trong việc tăng cường trí nhớ như quả táo, sơ ri, hành tím, dâu tây, trứng, cá,… Các thực phẩm này có chứa các chất chống Oxy hóa Quercetin và chất có lợi cho não Anthocyanin giúp tăng trí nhớ hiệu quả.

9. Giảm cân

Phần lớn những người bị nhiễm HIV đều có triệu chứng giảm cân quá mức, hay còn gọi là “hội chứng suy mòn”. Hội chứng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn đã khá yếu và gắn liền với một sự mất mát không rõ nguyên nhân của 10% hoặc hơn trọng lượng cơ thể bình thường, thêm với bệnh tiêu chảy mạn tính (30 ngày hoặc hơn) hoặc sốt .

Cách khắc phục

Khi bị giảm cân do tiêu chảy và suy giảm miễn dịch, bạn hãy bổ sung nguồn năng lượng bị thiếu hụt cho cơ thể bằng chế độ ăn hằng ngày. Bên cạnh đó, bạn cần đến ngay các trung tâm y tế chất lượng cao để xét nghiệm bởi khi có dấu hiệu này chứng tỏ hệ miễn dịch của bạn đã rất yếu rồi.

10. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy

Theo tiến sĩ Malvestutto, chuyên gia về HIV, hiện nay trên thế giới có khoảng 30 - 60% số người bị buồn nôn, ói mửa, hoặc tiêu chảy trong giai đoạn đầu có HIV. Những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện trong và sau khi điều trị kháng virus, thường là hậu quả của các đợt nhiễm trùng cơ hội.

Cách khắc phục

Nếu gặp phải tình trạng nôn và tiêu chảy không ngừng mà các cách điều trị thông thường không có hiệu quả, khả năng cao là bạn đã nhiễm HIV bởi các triệu chứng đó có thể được gây ra bởi một sinh vật không thường thấy ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Lúc này, bạn nên đi xét nghiệm ngay và nhờ các bác sĩ tư vấn về chế độ ăn hằng ngày để bổ sung năng lượng thiếu hụt.

11. Mụn rộp hoặc herpes sinh dục

Triệu chứng lở loét lạnh (herpes miệng) và herpes sinh dục có thể là một dấu hiệu của cả giai đoạn ARS và nhiễm HIV giai đoạn cuối. Mặt khác, chứng herpes cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV do herpes sinh dục có thể gây viêm loét làm HIV dễ dàng đi vào cơ thể người khác khi quan hệ tình dục. Và những người có HIV có xu hướng bùng phát nghiêm trọng herpes hơn vì HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Cách khắc phục

Không nên quan hệ tình dục không an toàn, nhất là với những đối tượng lạ.

12. Đổ mồ hôi đêm

Khoảng một nửa số người bị đổ mồ hôi đêm trong giai đoạn đầu nhiễm HIV và tình trạng này có thể xảy ra nhiều hơn ở giai đoạn sau khi bạn bị nhiễm trùng. Triệu chứng này không liên quan đến việc bạn tập thể dục hay nhiệt độ của căn phòng nên có thể dễ dàng phát hiện.

Cách khắc phục

Để phòng ngủ thoáng mát, mặc quần áo có chất liệu thoáng mồ hôi.

13. Kinh nguyệt không đều

Đối với phụ nữ, HIV tiến triển sẽ làm gia tăng nguy cơ có kinh nguyệt không đều, chẳng hạn như xuất kinh ít hơn và thời gian ngắn hơn. Ngoài ra, nhiễm vi rút HIV cũng khiến giai đoạn mãn kinh đến sớm (từ 47 đến 48 tuổi đối với phụ nữ bị nhiễm bệnh so với 49 đến 51 năm đối với phụ nữ không bị nhiễm)…

Cách khắc phục

Bạn hãy đi khám và xét nghiệm ngay nếu gặp các triệu chứng nghi nhiễm HIV.

14. Móng thay đổi

Đây là một dấu hiệu khác của việc nhiễm HIV giai đoạn cuối. Biểu hiện là móng của bạn thường bị dày và cong, móng bị chia tách, hoặc sự đổi màu, có thể đổi thành màu đen hoặc đường nâu theo chiều dọc hoặc chiều ngang.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một nhiễm trùng nấm, chẳng hạn như candida. Do bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy giảm nên dễ bị các “bệnh cơ hội” này.

Cách khắc phục

Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc đối kháng theo đơn của bác sĩ.

15. Ngứa ran và ốm yếu

Những người nhiễm HIV giai đoạn muộn thường có các biểu hiện tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Căn bệnh này còn được gọi là bệnh thần kinh ngoại vi, thường xảy ra khi các dây thần kinh thực sự bị tổn thương. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng xảy ra ở những người bị bệnh tiểu đường không kiểm soát.

Cách khắc phục

Những triệu chứng này có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau và thuốc chống co giật như Neurontin (gabapentin).

Biến chứng nguy hiểm của HIV

AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) là giai đoạn cuối của bệnh nhiễm HIV. Vậy tác hại của HIV/AIDS như thế nào? Một người được xác định AIDS khi có một hoặc nhiều đặc điểm như sau:

  • Số lượng tế bào Lympho T CD4+ dưới 200/mcL.
  • Tỷ lệ tế bào Lympho T CD4+ ≤ 14% tổng số tế bào Lympho.
  • Mắc một hoặc nhiều biến chứng xác định bệnh AIDS: Nhiễm trùng cơ hội, ung thư do khiếm khuyết đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, hội chứng suy mòn, và rối loạn chức năng thần kinh.

Nhiễm trùng cơ hội

Bệnh lao: Gây tổn thương nhu mô phổi, tràn khí màng phổi tự phát, có tràn dịch… Lao là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các bệnh nhân HIV/AIDS.

Nhiễm nấm Candida: Làm tổn thương miệng, thực quản, niêm mạc, nhiễm nấm máu và nhiễm trùng khu trú tại nhiều vị trí trên cơ thể. Người bệnh có thể bị xuất huyết võng mạc, giảm bạch cầu trung tính, và nhiễm trùng mắt.

Nhiễm nấm Cryptococcus: Ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương dẫn đến tổn thương phổi, da, và não. Nặng nhất là viêm phổi và viêm màng não.

Nhiễm Toxoplasma gondii: Gây tổn thương não dẫn đến viêm não. Triệu chứng phổ biến là hôn mê, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, xuất huyết não, tai biến mạch máu não…

Ung thư

Ung thư hạch: Bắt đầu từ tế bào bạch cầu với những triệu chứng như xuất hiện hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn – sưng nhưng không đau.

Ung thư Kaposi Sarcoma: Một loại ung thư da có triệu chứng là các mảng màu tím/hồng/nâu/đỏ liên kết thành từng mảng. Các nốt sưng này có thể sưng phù, xâm nhập mô mềm và xương.

Ung thư cổ tử cung: Chủ yếu do virus HPV gây nên. Ung thư gây chảy máu âm đạo bất thường, tình trạng khí hư âm đạo có mùi hôi…

Các biến chứng nguy hiểm khác

Hội chứng suy nhược mãn tính: Người bệnh sụt cân đáng kể. Tiêu chảy, sốt, và ho chuyển sang mãn tính kéo dài, gây suy nhược nặng.

Biến chứng thần kinh: Lú lẫn, mau quên, mất trí nhớ, trầm cảm… là những vấn đề thần kinh ở người nhiễm HIV/AIDS. Có thể biến chứng từ nhẹ đến nặng.

Phòng ngừa HIV/AIDS như thế nào?

Chuyên gia y tế khuyến cáo nên thực hiện những điều sau để hạn chế lây nhiễm HIV:

  • Quan hệ tình dục an toàn có sử dụng bao cao su.
  • Không quan hệ với nhiều đối tác và những người chưa rõ lai lịch.
  • Không tiếp xúc với nguồn máu lạ.
  • Không sử dụng ma túy, các chất gây nghiện, chất kích thích.
  • Không đến những nơi tụ tập nhiều người nghiện, hút chích.
  • Chủ động kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm sàng HIV định kỳ.

HIV/AIDS là một căn rất nguy hiểm và cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy việc hiểu và nhận biết được các triệu chứng HIV sẽ giúp chúng ta giữ gìn sức khỏe của mình tốt hơn, phát hiện bệnh sớm điều trị sớm hơn.

Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
41
3
6

6 bình luận

thông tin hữu ích để tham khảo

4 tháng trước
Thích
Trả lời

Bệnh này nguy hiểm, vì chưa có thuốc chữa

7 tháng trước
Thích
Trả lời

Em thắc mắc là tại sao lại bị mắc virus hiv?? nguyên nhân mắc phải virus hiv là gì?? Ai là những người có nguy cơ hoặc dễ mắc hiv???

7 tháng trước
Thích
Trả lời
@Thảo Nguyên

Tất cả mọi người đều có thể bị lây nhiễm HIV. Đặc biệt là những đối tượng sau có nguy cơ rất cao:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Không sử dụng bao cao su và các biện pháp phòng vệ; quan hệ với nhiều đối tác, cùng lúc với nhiều người…
  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, đường miệng.
  • Quan hệ tình dục với người nhiễm/nghi nhiễm HIV hoặc các bệnh qua đường tình dục như lậu, giang mai…
  • Tham gia vào các hoạt động mại dâm, mua bán ma túy, chất gây nghiện…
  • Dùng chung vật dụng sắc nhọn dễ gây chảy máu như bơm kim tiêm, dao cạo… với người nhiễm/nghi nhiễm HIV.
  • Thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các nguồn máu: y bác sĩ, kỹ thuật viên lấy máu và xét nghiệm máu, công an, quân đội…
  • Mẹ đang mang thai đã nhiễm HIV.


4 tháng trước
Thích
Trả lời
@Thảo Nguyên

Dùng chung vật dụng sắc nhọn dễ gây chảy máu như bơm kim tiêm, dao cạo… với người nhiễm/nghi nhiễm HIV.


4 tháng trước
Thích
Trả lời
@Thảo Nguyên

quan hệ td ko an toàn, hoặc là truyền từ mẹ sang con, hoặc là dùng chung kim tiêm, hoặc bị nhiễm vô tình trong những trường hợp tiếp xúc với người bị lây qua đường máu khác

7 tháng trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!