Bị chó cắn không chích ngừa có sao không?
Khi bị chó cắn, việc tiêm ngừa là biện pháp cần thiết để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn tỏ ra lo lắng và thắc mắc liệu bị chó cắn không chích ngừa có sao không? Cộng đồng cần có kiến thức và nhận biết đúng đắn về bệnh dại để có thể bảo vệ mạng sống của chính mình.
Các biến chứng có thể xảy ra sau khi bị chó cắn
Khi bị chó cắn, có thể xảy ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời, bao gồm:
1. Nhiễm trùng
Ngoài virus dại Rabies lyssavirus, người bị chó cắn có thể nhiễm các loại vi khuẩn như tụ cầu, Pasteurella (tụ huyết trùng) và Capnocytophaga. Ngoài ra, chó cũng có thể mang đến một loại vi khuẩn khác là MRSA, tuy nhiên, vẫn chưa có báo cáo về việc truyền nhiễm MRSA qua vết cắn của chó. Các loại vi trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể người bị cắn và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn vết thương nếu rách da.
2. Tổn thương thần kinh và cơ
Đối với những trường hợp nạn nhân bị chó dữ cắn với vết thương sâu, có nguy cơ cao người bị cắn sẽ đối mặt với tình trạng tổn thương dây thần kinh, mạch máu và cơ dưới da. Cụ thể:
- Tổn thương cơ: Vết cắn sâu của chó có thể làm tổn thương các cơ và gây ra cơn đau nhức vô cùng khó chịu, có thể gây mất chức năng của vùng bị cắn. Nếu cắn vào cơ của tay hoặc chân, có thể dẫn đến giảm khả năng hoạt động của cánh tay hoặc chân.
- Tổn thương dây thần kinh: Một số vết cắn của chó có thể gây ra tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê bì, giảm cảm giác hoặc mất khả năng điều khiển, định hướng hành vi,… Những tổn thương thần kinh này có thể là tạm thời hoặc kéo dài, phụ thuộc vào mức độ và vị trí của vết cắn.
- Tổn thương mô liên kết: Các cơ, dây chằng và mô liên kết có thể bị tổn thương sau khi bị cắn. Điều này có thể dẫn đến việc bị giảm khả năng sử dụng của phần thân người bị tổn thương.
- Tổn thương động mạch và tĩnh mạch: Nếu vết cắn xảy ra gần động mạch hoặc tĩnh mạch, có thể gây ra rối loạn lưu thông máu trong khu vực bị tổn thương.
3. Gãy xương
Điểm gây ra lực và sức kẹp của vết cắn của chó thường là hàm và răng của chó. Nếu con chó cắn mạnh vào vùng khớp hoặc xương, lực cắn lớn sẽ tác động tập trung vào 1 vị trí cắn và có thể gây ra tình trạng gãy xương và gây ra những tình trạng đau nhức và khó chịu cho người bị cắn.
4. Mắc bệnh dại
Bệnh dại là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm do virus dại gây ra thông qua tuyến nước bọt từ vết cắn của động vật có vú máu nóng, thông thường là chó. Nếu không được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm đúng cách và kịp thời, bệnh dại có thể gây ra tình trạng tử vong với tỷ lệ gần như là 100%.
4. Uốn ván
Biến chứng uốn ván là một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi bị cắn chó. Biến chứng này do virus uốn ván tấn công hệ thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng như cơn co giật, cứng cơ, đau đầu, suy hô hấp hoặc thậm chí là tàn tật vĩnh viễn.
5. Để lại sẹo
Khi bị chó cắn, sức ép lực cắn của chó có thể gây ra vết thương sâu và mạnh, làm tổn thương hệ thống mô, gây ra sẹo. Hoặc nếu chó có nhiễm trùng hoặc vi khuẩn trong miệng, nó có thể làm tổn thương các mô và dẫn đến sẹo.
6. Tử vong
Bệnh dại là bệnh viêm não, tủy cấp tính. Khi virus dại xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, virus dại sẽ liên tục nhân lên tại vết cắn. Sau đó, virus gắn vào các thụ thể Acetylcholine tại chỗ nối thần kinh cơ và virus sẽ vận chuyển ngược dòng trong các sợi trục tế bào thần kinh ngoại biên, tiếp tục nhân lên trong các tế bào thần kinh vận động ở sừng trước tủy và nhân lên não. Kế đến, virus dại sẽ gây ra những ổ nhiễm trùng tế bào thần kinh tại não và làm rối loạn chức năng tế bào thần kinh. Cuối cùng, virus dại theo các dây thần kinh đến tuyến nước bọt, da, giác mạc và các cơ quan khác, gây ra các cơn dại và tử vong.
Bị chó cắn không chích ngừa có sao không?
CÓ VÀ ĐẶC BIỆT NGUY HIỂM, NGUY CƠ MẮC BỆNH DẠI VÀ TỬ VONG RẤT CAO. Ngay khi bị động vật cắn, người bệnh cần phải xử lý ngay tại chỗ vết thương và đến các điểm tiêm dại để được bác sĩ khám và chỉ định cụ thể, dù là động vật có nhiễm bệnh dại hay không. Việc này rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người bệnh và giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh dại. Vì thế, nếu người bị cắn bởi một con chó xác định cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tiêm ngừa. Nếu một người đã tiêm ngừa đầy đủ các mũi tiêm ngừa phòng dại và bị cắn, cần phải tiêm thêm mũi tiêm ngừa mới theo phác đồ bổ sung của bác sĩ để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm.
Trường hợp không cần tiêm phòng
Khi bị súc vật nghi dại cắn, việc sơ cứu và đến các điểm tiêm phòng là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus dại nguy hiểm, ngăn cản khả năng nhân lên của virus dại tại vết thương. Sau khi xử lý vết thương bằng cách rửa sạch bằng xà phòng và nước sạch, cần nhanh chóng đến bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất để được khám và hướng dẫn tiêm phòng.
Bác sĩ sẽ thực hiện khám sàng lọc và nắm bắt chi tiết về tình trạng sức khỏe của người bị cắn và tình hình vết thương, tình trạng hiện tại của con vật. Dựa trên đánh giá này, bác sĩ sẽ quyết định liệu bạn có cần tiêm vắc xin phòng dại hay không. Các trường hợp không cần tiêm phòng dại sau phơi nhiễm bao gồm: Bị chó cắn và vết thương nhẹ trên da mà không có sự xâm nhập của virus dại, không gây tổn thương đến não, bác sĩ sẽ không tiêm phòng mà chỉ dặn bệnh nhân theo dõi con vật trong vòng 15 ngày.
Trường hợp cần chích ngừa khi bị chó cắn
Các trường hợp cần tiêm ngừa dự phòng dại sau phơi nhiễm gồm có:
- Nếu con vật có biểu hiện nghi dại hoặc đang ở trong cơn, cần tiêm vắc xin ngay lập tức mà không cần chờ đợi kết quả xét nghiệm.
- Vết cắn ở các vị trí nhạy cảm hoặc gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay hoặc bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị xây xát nhẹ, cũng cần tiêm ngay vắc xin phòng dại.
- Vết cắn sâu, có nhiều vết cắn nguy hiểm hoặc không thể theo dõi được con vật
Bị chó cắn cần phải tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt, kể cả khi chưa xác định động vật cắn có nhiễm bệnh dại hay không
Khi bị chó cắn có nên tiêm phòng ngay?
Nên tiêm ngừa vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn để tối ưu hóa hiệu quả ngăn ngừa sự lây nhiễm và tấn công của virus dại vào cơ thể người bị cắn.
Lịch tiêm phòng sau khi bị chó cắn
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, việc tiêm phòng sau phơi nhiễm được thực hiện bám sát theo phác đồ tiêm phòng dại sau:
Với người đã tiêm dự phòng:
- Áp dụng phác đồ tiêm bắp (liều dùng 0.5 ml) hoặc đường tiêm trong da (liều dùng 0.1ml) với lịch tiêm 2 mũi vào các ngày N0 – N3
Với người chưa tiêm dự phòng:
- Áp dụng phác đồ tiêm bắp (liều dùng 0.5 ml) với lịch tiêm 5 mũi vào các ngày N0 – N3 – N7 – N14 – N28
- Áp dụng phác đồ tiêm trong da (liều dùng 0.1ml) với lịch tiêm 2 mũi/1 lần x 4 lần vào các ngày N0 – N3 – N7 – N28. Mỗi lần tiêm 2 mũi trong da, mỗi mũi 0.1 ml tại 2 vị trí khác nhau
Bị chó cắn không chích ngừa có sao không? CÓ thậm chí CỰC KỲ NGUY HIỂM. Nếu bị chó cắn không tiêm ngừa, người bị cắn có nguy cơ nhiễm bệnh cùng tỷ lệ thiệt mạng rất lớn, gần như là 100%. Vì vậy, nếu bị chó cắn, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá tình trạng và đưa ra những chỉ định tiêm chủng phù hợp nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập và tấn công của virus dại, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bị cắn.
Theo VNVC
không chichs ngừa thì nguy cơ mắc dại rất cao
Kiến thức hay các bạn đọc nha
Thôi cứ bị chó cắn đi chích ngừa luôn cho an toàn
Chó nhà mình theo dõi từ từ chích được ko ạ?