backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Tác dụng của curcumin trong điều trị ung thư gan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/08/2021

    Tác dụng của curcumin trong điều trị ung thư gan

    Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm đã tước đi mạng sống của khoảng hơn 8 triệu người trên thế giới mỗi năm. Hiện nay, việc điều trị ung thư gan vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bệnh thường không đẩy lùi hoàn toàn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra hoạt chất curcumin trong củ nghệ có nhiều tác dụng đối với người bị ung thư gan, giúp hỗ trợ quá trình điều trị căn bệnh này.

    Bạn đã từng nghe nói đến curcumin và những tác dụng của nó trong việc điều trị ung thư gan? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về hoạt chất này cùng những tác dụng của nó đối với các bệnh nhân ung thư gan nhé!

    Curcumin là gì và được tìm thấy ở đâu?

    Curcumin là gì? Curcumin còn được gọi là diferuloylmethane – một hợp chất polyphenol tự nhiên. Curcumin có trong thực phẩm nào? Hợp chất này được tìm thấy chủ yếu trong phần củ của cây nghệ (Curcuma longa). Ngoài ra, hợp chất này cũng được tìm thấy trong một số củ thuộc họ gừng khác nhưng hàm lượng không cao bằng nghệ.

    Curcumin là một trong ba curcuminoit chính trong củ nghệ. Curcuminoit là những hợp chất chính tạo nên màu vàng cho nghệ, curcumin có màu sáng đậm và thường được dùng để tạo màu cho thực phẩm như một chất phụ gia.

    4 tác dụng của curcumin đối với người bệnh ung thư gan

    Hoạt chất cucurmin

    Curcumin có tác dụng gì đối với người bệnh ung thư gan? Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy công dụng của curcumin có thể hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, làm chậm sự lây lan của các khối u. Đồng thời, bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi những tác hại của xạ trị và hóa trị.

    Curcumin đã và đang được nghiên cứu để sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư gan. Hiện nay, các nghiên cứu những tác dụng của curcumin trong điều trị ung thư ở người vẫn chưa đầy đủ và cần củng cố thêm. Tuy nhiên, một số các nghiên cứu đã tìm ra các tác dụng triển vọng lên ung thư gan ở người của hoạt chất này có thể kể đến như:

    1. Tác dụng curcumin: Kích thích chu trình tự chết của tế bào

    Quá trình tự chết của tế bào (apoptosis) có thể được kích hoạt bởi nhiều cách khác nhau từ bên ngoài hoặc bên trong tế bào. Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại có khả năng kháng lại quá trình này dẫn đến sự tăng trưởng không kiểm soát được của chúng. May mắn thay, curcumin có tác động lên nhiều yếu tố khác nhau, từ đó có thể kích hoạt và thúc đẩy quá trình tự chết của các tế bào ung thư.

    2. Tác dụng gây độc và giảm khả năng tăng sinh tế bào

    Curcumin có khả năng ức chế sự tăng sinh của các tế bào HepG2 (dòng tế bào ung thư gan biểu mô HCC ở người). Curcumin thể hiện khả năng chống lại sự tăng sinh tế bào bằng cách phong tỏa đường dẫn tín hiệu Wnt và Hedgehog, hai con đường giúp các tế bào ung thư gan phát triển.

    3. Curcumin có tác dụng biệt hóa các tế bào gốc ung thư

    Các tế bào gốc ung thư là các tế bào có khả năng tự tái tạo, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của khối u và có khả năng khởi phát một khối u mới. Chúng mang những đặc điểm tương tự như tế bào gốc bình thường nhưng lại không có khả năng kiểm soát số lượng tế bào. Vì vậy, việc làm giảm số lượng các tế bào gốc này có thể giúp điều trị ung thư gan hiệu quả.

    Curcumin giúp biệt hóa các tế bào gốc ung thư này thành các tế bào ung thư bình thường không còn khả năng tăng sinh. Từ đó, hoạt chất này giúp hỗ trợ tiêu diệt chúng dễ dàng hơn mà không sợ chúng được tái tạo lần nữa.

    4. Ngăn ngừa khối u di căn và tiến triển

    Curcumin có khả năng ức chế biểu hiện của các TNF-α, một protein đóng vai trò quan trọng giúp bệnh ung thư gan tiến triển và di căn sang các cơ quan khác. Ngoài ra, curcumin tác động vào ty thể, nơi sản xuất năng lượng chính cung cấp cho các tế bào ung thư gan. Curcumin gắn vào ty thể của các tế bào này và khiến chúng nhạy cảm hơn với các gốc tự do, từ đó khiến chúng dễ bị tiêu diệt hơn.

    10 tác dụng của curcumin đối với sức khỏe nói chung

    Hoạt chất cucurmin

    Nhờ khả năng chống oxy hóa và kháng viêm, curcumin mang lại nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người. Những tác dụng của curcumin đã được chứng minh bao gồm:

    1. Làm lành vết thương nhanh

    Từ xa xưa, nghệ đã được sử dụng trong việc giúp lành vết thương cũng như giúp ngăn ngừa sẹo. Theo một số nghiên cứu, curcumin có khả năng chống viêm và tái tạo mô rất nhanh.

    2. Kiểm soát quá trình tạo mạch máu

    Việc hình thành các mạch máu mới đóng vai trò quan trọng trong một số quá trình sinh lý như hình thành phôi thai và chữa lành vết thương. Tuy nhiên, việc tăng sinh quá mức mạch máu sẽ hình thành bệnh lý. Curcumin giúp kiểm soát đáng kể quá trình này.

    3. Curcumin giảm nguy cơ mắc bệnh tim

    Một số nghiên cứu cho thấy curcumin giúp cải thiện chức năng của lớp tế bào nội mô tim. Hoạt chất này cũng có khả năng chống đông kết tiểu cầu, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

    4. Cải thiện trí nhớ và giảm nguy cơ mắc các bệnh về não

    Curcumin làm tăng nồng độ các yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF). Kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh mới và chống lại các quá trình lão hóa của não. Điều này làm cho curcumin có công dụng giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa một số các bệnh về não.

    5. Công dụng của curcumin: Phòng ngừa bệnh Alzheimer

    Viêm và tổn thương do oxy hóa là hai trong nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh Alzheimer. Curcumin có khả năng kháng viêm và chống oxy hóa nên có hiệu quả trong việc phòng ngừa căn bệnh này. Hoạt chất này có thể vượt qua hàng rào máu não và phá hủy các mảng amyloid tích tụ ở các tế bào não (nguyên nhân khiến chúng không thể truyền dẫn thông tin).

    6. Cải thiện tình trạng viêm khớp

    Curcumin cho thấy hiệu quả trên các bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp và giúp cải thiện một số triệu chứng khác của viêm khớp.

    7. Tác dụng curcumin: Chống trầm cảm

    công dụng của curcumin

    Nguyên nhân gây nên trầm cảm có liên quan đến việc giảm các yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF). Curcumin có khả năng làm tăng BDNF đáng kể, từ đó mang đến nhiều lợi ích trong việc chống trầm cảm.

    8. Ngăn ngừa lão hóa và các bệnh mạn tính liên quan đến tuổi

    Hoạt chất này có khả năng chống oxy hóa nên được xem là một chất chống lão hóa phổ biến. Ngoài ra, chúng cũng có công dụng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh mạn tính khác.

    9. Tác dụng của curcumin: Giảm mụn và làm sáng da

    Curcumin giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây mụn, kìm hãm và ngăn ngừa trạng tình trạng mụn trên da. Bên cạnh đó, curcumin cũng giúp làm sáng da hiệu quả.

    10. Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư

    Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và thấy được rằng curcumin có lợi trong điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày và ung thư gan. Hợp chất này có khả năng tác động đến sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư ở cấp độ phân tử. Từ những nghiên cứu này, các nhà khoa học đã mở ra một con đường mới trong việc phát triển các thuốc và thực phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ curcumin.

    Tác dụng phụ của curcumin

    tác dụng phụ của curcumin

    Bên cạnh những lợi ích mang lại cho sức khỏe, hoạt chất này cũng có thể mang đến một số rủi ro nếu bạn không dùng đúng liều lượng. Những tác dụng phụ của curcumin bao gồm:

    Tương tác với thuốc

    Curcumin có thể làm giảm hiệu quả của môt số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc làm loãng máu, thuốc trị tiểu đường hoặc thuốc điều trị bệnh huyết áp, sỏi thận. Nếu đang sử dụng các loại thuốc này, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung curcumin.

    Người đang dùng các loại thuốc điều trị bệnh trên cũng nên thận trọng khi sử dụng gừng, nghệ trong việc ăn uống thường ngày.

    Tác dụng phụ của curcumin gây buồn nôn, tiêu chảy

    Sử dụng nghệ hoặc các chế phẩm từ nghệ liều lượng cao hoặc dùng trong thời gian dài có thể khiến bạn bị buồn nôn, tiêu chảy.

    Liều lượng tiêu thụ nghệ/ curcumin

    liều lượng sử dụng curcumin

    Liều lượng tiêu thụ nghệ hoặc curcumin phù hợp tùy thuộc vào tình trạng và mục đích sử dụng của mỗi người. Hiện tại chưa có tài liệu khoa học khuyến nghi liều lượng tiêu thụ hoạt chất này cố định. Nếu trong quá trình sử dụng, nhận thấy sức khỏe bản thân có dấu hiệu bất thường, bạn nên giảm liều lượng hoặc tạm ngưng sử dụng trong một thời gian. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung nghệ hoặc curcumin để đảm bảo an toàn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo