backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

3

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bạn biết gì về chứng sợ máu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 21/08/2020

    Bạn biết gì về chứng sợ máu?

    Chứng sợ máu có tên khoa học là homophobia, là một chứng sợ khá phổ biến ở nhiều người. Một số người sợ máu tới mức độ cùng cực có thể ngất xỉu hay trở nên quá kích động khi thấy máu. Bạn hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, cách chữa trị và những điều khác về bệnh này nhé.

    Nguyên nhân của chứng sợ máu

    Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sợ máu là trực tiếp bị chảy máu hay chứng kiến người khác bị chảy máu. Nếu chính bạn từng bị thương nghiêm trọng khi còn bé thì kỷ niệm đó sẽ ám ảnh bạn mãi.

    Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp sợ máu đều do những trải nghiệm như trên và cũng có nhiều người bị chứng này nói rằng họ không nhớ mình có những trải nghiệm đó. Các nhà tâm lý trị liệu cho rằng có thể các bệnh nhân này bị ức chế thần kinh hoặc họ thường xuyên bị nhồi nhét ý nghĩa sợ máu từ nhỏ. Một lý do khác là do bệnh nhân có những suy nghĩ sai về máu như “máu chứa đầy vi khuẩn” hay “nếu mình mất một giọt máu thì mình sẽ chết”. Những suy nghĩ này sẽ dẫn đến chứng sợ máu.

    ♦ Một phát hiện khá thú vị của các nghiên cứu trên các cặp song sinh là chứng sợ máu có thể do di truyền. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa loại bỏ các yếu tố bên ngoài tác động như việc sinh sống ở môi trường nào.

    Làm thế nào để điều trị chứng sợ máu?

    Điều trị chứng sợ máu cũng tương tự như chữa các nỗi sợ khác. Bạn có thể uống thuốc để giảm bớt căng thẳng và khó chịu nhưng về lâu dài thì cách này không phải một lựa chọn tốt. Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra thay vì dựa vào các loại thuốc chống trầm cảm hay thuốc an thần vì các thuốc này có thể gây nghiện, khá đắt tiền và có các tác dụng phụ.

    Các phương pháp trị liệu

    Giảm độ nhạy cảm của bản thân

    Phương pháp này dựa trên các thuyết tâm lý học hành vi. Nó sẽ giúp bạn xóa bỏ các kí ức và suy nghĩ tiêu cực về việc sợ máu. Khi nhìn thấy máu, bạn nên liên tưởng đến sự đau đớn về vật lý thay vì tỏ ra ghê tởm hay né tránh. Phương pháp giảm độ nhạy cảm sẽ dần dần xóa bỏ nỗi sợ này trong bạn nếu bạn tiếp xúc với máu nhiều và tập thói quen như trên.

    Khi bắt đầu trị liệu, bạn sẽ được nhìn vài giọt máu từ xa. Dần dần, bạn đã quen với cảm giác nhìn thấy máu, bạn có thể tiến lại gần hơn và thử với lượng máu nhiều hơn. Kiên trì tập luyện phương pháp này sẽ giúp suy nghĩ của bạn quen dần với việc thấy máu và nỗi sợ sẽ giảm nhiều.

    Liệu pháp nhận thức – hành vi

    Đây là phương pháp rất được ưa chuộng gần đây. Phương pháp này nghiên cứu cách suy nghĩ của bạn và nguyên nhân gây ra sự sợ hãi. Bạn là người làm chủ suy nghĩ và có thể thay đổi những ý nghĩ tiêu cực như “máu có thể chứa AIDS” hay “máu sẽ dính lên người mình” bằng những suy nghĩ tích cực như “mất vài giọt máu cũng không làm mình ngất xỉu được” hay “sợ hãi cũng chẳng có ích lợi gì”.

    Bạn phải dùng sự kiên định và lý trí của mình để vượt qua các suy nghĩ tiêu cực và thay chúng bằng các suy nghĩ tích cực hơn. Suy nghĩ tích cực giúp bạn có thái độ sống vui vẻ hơn và lạc quan hơn.

    Trị liệu tâm lý

    Đây là cách chữa trị dựa vào tâm lý. Cách này tìm hiểu bản ngã, cái tôi, các mong muốn, động lực và các sự kiện bạn trải qua trong quá trình phát triển. Bạn sẽ có những buổi nói chuyện thật lâu để tâm sự về các mong muốn bạn không dám nói ra, các kí ức đã gây ra chứng sợ hãi của bạn cũng như để tìm hiểu các tâm lý khác của bạn. Một số người thấy cách này rất hiệu quả và đã áp dụng thành công.

    Áp dụng sức ép

    Đôi khi chứng sợ máu có thể khiến bạn ngất, hay hạ huyết áp. Các hình thức trị liệu trên có thể xóa bỏ nỗi sợ của bạn và xử lý nguyên nhân gây bệnh, nhưng phương pháp này sẽ giải quyết được các dấu hiệu như ngất hay hạ huyết áp.

    Áp dụng sức ép là phương pháp làm các cơ căng lên để tăng huyết áp và tránh tình trạng ngất xỉu khi thấy máu. Khi bạn cảm thấy muốn ngất, hãy gồng các cơ tay, chân và toàn thân từ 10–15 giây để tăng huyết áp và chống ngất xỉu. Khi bạn đã thành thạo phương pháp này thì các nhà trị liệu sẽ cho bạn tiếp xúc với các tình huống có thể làm chứng sợ máu tái phát.

    Chứng sợ máu có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng khi bạn hay người khác gặp tai nạn. Bạn cũng nên tránh các phản ứng vật lý quá kích động và tránh để bị ngất trong các hoàn cảnh như: đang lái xe hay đang leo cầu thang vì điều này rất nguy hiểm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 21/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo