Bạn muốn nâng cao sức khỏe và bồi dưỡng cơ thể nhưng lại cảm thấy không ngon miệng khi ăn? Bạn thấy đói nhưng không muốn ăn, buồn nôn? Hay bạn đang gặp tình trạng không ăn gì nhưng lại không có cảm giác đói bụng? Hãy cẩn thận, cảm giác chán ăn kéo dài có thể khiến bạn sụt cân nhanh chóng và gây ra nhiều vấn đề khác đối với sức khỏe!
Bạn có thể tham khảo bài viết này của Hello Bacsi để hiểu thêm về nguyên nhân gây cảm giác chán ăn cũng như những cách giúp bạn lấy lại khẩu vị của mình.
Chán ăn là bệnh gì?
Chán ăn, còn gọi là biếng ăn hay tình trạng suy giảm khẩu vị, thường xảy ra khi bạn cảm thấy không hứng thú hoặc thèm muốn bất cứ món ăn nào, kể cả món yêu thích.
Nếu có cảm giác chán ăn trong thời gian dài, bạn có thể phát triển và biểu hiện các triệu chứng liên quan như sụt cân liên tục hoặc suy dinh dưỡng. Tình trạng này có thể tiến triển và trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời, vì thế việc hiểu rõ nguyên nhân và biện pháp điều trị chứng chán ăn là điều rất quan trọng.
Điểm mặt 5 nguyên nhân chính gây cảm giác chán ăn
Bạn có từng thắc mắc bị chán ăn là bệnh gì hay cảm giác chán ăn không đói là do đâu hay không? Theo các chuyên gia sức khỏe, có nhiều tác nhân như tình trạng sức khỏe hay thuốc men có thể làm suy giảm khẩu vị và gây ra cảm giác chán ăn. Trong hầu hết các trường hợp, chứng chán ăn sẽ tự biến mất ngay sau khi nguyên nhân gây bệnh được giải quyết triệt để. Sau đây là 4 nguyên nhân chính có thể gây cảm giác chán ăn:
1. Nguyên nhân sinh lý
Những thay đổi trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến cảm giác đói và có thể gây mệt mỏi chán ăn. Chúng có thể bao gồm:
- Cơn đau.
- Mất nước.
- Vấn đề về răng miệng, đau răng.
- Chấn thương.
- Mất hoặc giảm vị giác hoặc khứu giác.
- Phục hồi sau phẫu thuật.
2. Vi khuẩn và virus
Chứng chán ăn có thể do tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào gây ra. Trong đó, vi khuẩn, virus và nấm men là những nguyên nhân chính gây nhiễm trùng. Bạn có thể mắc chứng chán ăn sau khi trải qua tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm dạ dày ruột, viêm đại tràng, nhiễm trùng da hoặc viêm màng não. Sau khi bạn điều trị dứt các tình trạng này, khẩu vị của bạn sẽ nhanh chóng trở lại như ban đầu.
3. Các tác nhân tâm lý
Có vô số tác nhân tâm lý có thể là nguyên nhân gây cảm giác chán ăn không đói. Nhiều người lớn tuổi thường dễ bị suy giảm khẩu vị do các cảm xúc tiêu cực và tâm trạng kém, chẳng hạn như cảm giác sốc, buồn bã, chán nản, muộn phiền và lo lắng. Bên cạnh đó, lo âu, trầm cảm, căng thẳng và áp lực công việc cũng có thể là nguyên nhân gây hiện tượng chán ăn.
Chứng rối loạn ăn uống hay còn gọi là chứng chán ăn do tâm thần, có thể biểu hiện bởi tình trạng biếng ăn nói chung. Một người nếu mắc chứng chán ăn tâm thần tiềm ẩn thường tự kiềm chế cơn đói trong vô thức, thấy đói nhưng không muốn ăn, buồn nôn hoặc nhịn ăn để giảm cân. Phụ nữ thường có xu hướng mắc phải tình trạng này nhiều hơn nam giới. Những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường nhẹ cân và cảm thấy sợ hãi mỗi khi lên cân. Chứng bệnh này có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở người trưởng thành.
4. Chán ăn do bệnh lý
Triệu chứng chán ăn là bệnh gì? Câu trả lời là việc gặp phải một trong những tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý sau đây có thể là nguyên nhân gây nên cảm giác mệt mỏi chán ăn:
- Bệnh gan mãn tính
- Suy thận, suy tim
- Viêm gan
- HIV/AIDS
- Sa sút trí tuệ
- Suy giảm chức năng tuyến giáp
Ngoài ra, một số dạng ung thư cũng có thể gây cảm giác chán ăn, đặc biệt nếu như khối u hình thành ở các cơ quan như ruột, dạ dày, buồng trứng và tuyến tụy. Bên cạnh đó, phụ nữ khi mang thai lần đầu cũng có thể gặp phải tình trạng biếng ăn này.
5. Cảm giác chán ăn là tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị
Việc dùng một số thuốc điều trị bệnh có thể khiến bạn bị mất khẩu vị và dễ dẫn đến cảm giác chán ăn, bao gồm:
- Thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như cocaine, heroin, codein, morphine và amphetamine
- Một vài loại thuốc kháng sinh
- Thuốc hóa trị
- Digoxin.
- Fluoxetin.
- Hydralazine.
Cảm giác chán ăn kéo dài có nguy hiểm không?
Nếu bị mất khẩu vị do các tình trạng tạm thời, bạn có khả năng hồi phục tự nhiên mà không để lại bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào. Tuy nhiên, nếu do bệnh lý gây ra, cảm giác chán ăn có thể trở nên tồi tệ hơn và xuất hiện kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác như:
- Mệt mỏi vô cùng
- Sụt cân
- Tim đập nhanh
- Sốt
- Cáu gắt
- Cảm giác yếu ớt hoặc khó chịu
Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài, bạn có thể bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu như vitamin và chất điện giải. Điều này có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ nếu cảm thấy chán ăn kéo dài hơn vài tuần hoặc cảm giác chán ăn xuất hiện sau một cơn bệnh cấp tính.
Làm thế nào để điều trị chứng chán ăn?
Phương pháp điều trị chứng chán ăn thường phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu tình trạng biếng ăn là do nhiễm trùng gây ra, bạn sẽ không cần áp dụng bất kỳ biện pháp đặc biệt nào. Cảm giác chán ăn sẽ tự động biến mất ngay khi tình trạng nhiễm trùng được điều trị hoàn toàn.
Điều trị tại nhà, bước đầu giúp điều trị cảm giác chán ăn
Nếu chứng biếng ăn của bạn là do một tình trạng sức khỏe đặc thù như bệnh ung thư hoặc một dạng bệnh mãn tính gây ra, bạn sẽ khó có thể lấy lại khẩu vị bình thường. Tuy nhiên, việc tạo không khí vui vẻ khi dùng bữa như cùng ăn với gia đình và bạn bè, tự nấu các món ăn ưa thích, cũng góp phần kích thích sự thèm ăn. Ngoài ra, thói quen thực hành những bài tập thể dục cường độ nhẹ sẽ giúp bạn tăng cường khẩu vị.
Việc chia nhỏ bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và ăn thức ăn lỏng có thể giúp dạ dày của bạn dễ dàng tiêu hóa thức ăn, từ đó cải thiện tình trạng mệt mỏi chán ăn của bạn. Bên cạnh đó, để đảm bảo hấp thu đủ chất dinh dưỡng, bữa ăn trong ngày của bạn nên đa dạng nhiều nhóm thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu protein, vitamin, khoáng chất và cung cấp nhiều calo cho cơ thể.
Hãy làm một quyển sổ nhật ký ghi lại hết các món ăn và thức uống bạn dùng trong ngày. Điều này sẽ giúp bác sĩ của bạn dễ dàng theo dõi hàm lượng dinh dưỡng mà cơ thể bạn đã hấp thu và điều chỉnh chế độ ăn để giúp đẩy lùi bệnh chán ăn.
Chăm sóc y tế
Nếu bạn vẫn còn cảm thấy chán ăn sau vài ngày tự điều trị tại nhà, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám. Trong suốt cuộc hẹn, hãy chia sẻ với bác sĩ toàn bộ tình trạng sức khỏe cùng thói quen sinh hoạt, ăn uống hằng ngày của bạn để giúp họ đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng và chiều cao của bạn để xác định xem bạn có bị nhẹ cân hay không.
Việc phải chịu đựng cảm giác chán ăn không chỉ tác động đến thể chất mà ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Tình trạng này có thể khiến bạn bị sụt cân, suy dinh dưỡng, dễ cáu gắt và suy nghĩ tiêu cực. Hãy tìm hiểu thêm về nguyên nhân cũng như biện pháp điều trị chứng bệnh này để sớm lấy lại khẩu vị ngon miệng với những thực phẩm tốt cho sức khỏe bạn nhé!
[embed-health-tool-bmr]